2025 :
Donald Trump thách đố tăng trưởng của Trung Quốc
Thanh Hà - RFI
Đăng
ngày: 14/01/2025 - 15:19
2025-
Ất Tỵ là năm kinh tế Trung Quốc gặp nhiều vận hạn, bị « hung thần Donald Trump
chiếu tướng». Không khó để đoán trước quẻ bói này, nhưng năm nay Bắc Kinh kỷ niệm
kế hoạch « Made In China 2025 » với tham vọng đưa Trung Quốc thành một
cường quốc công nghệ mũi nhọn, ngang ngửa và thậm chí là hơn cả Hoa Kỳ tròn 10
năm tuổi.
HÌNH
:
Xe
chở hàng tại cảng Thanh Đảo (Qingdao), tỉnh Sơn Đông (Shandong), Trung Quốc. Ảnh
chụp ngày 11/02/2024 AP - Li Ziheng
Trong
quẻ bói đầu năm về tương lai Trung Quốc báo tài chính Nhật, Nikkei Asia (06/01/2025) ghi nhận, 2024 đã chẳng
được hanh thông, 2025 còn tệ hơn nữa.
Năm
ngoái, kinh tế Trung Quốc bị trì trệ, tình trạng tài chính ở các cấp tỉnh thành
eo hẹp, thị trường lao động ảm đạm làm tê liệt tiêu thụ và đầu nước nội địa và
Trung Quốc lâm vào giai đoạn « giảm phát dài nhất kể từ 1999 ».
2025,
ở Hoa Kỳ tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng với « chính sách thuế
quan », vũ khí mà ông coi là lợi hại nhất để bảo vệ nước Mỹ về mọi mặt, từ
thương mại, đến công nghiệp, từ công nghệ cao đến an ninh quốc gia và quân sự.
Chìa
khóa tăng trưởng của Trung Quốc được đặt tại Nhà Trắng
Trung
Quốc là mục tiêu đầu tiên hết tổng thống Mỹ thứ 47 nhắm tới. Trước khi nhậm chức,
tổng thống đắc cử Hoa Kỳ dọa đánh thuế nhập khẩu vào « 500 tỷ đô
la hàng Trung Quốc bán sang Mỹ », mức thuế hải quan dao động từ
10 đến 60 %.
Trong
« kịch bản xấu nhất », theo thẩm định của ngân hàng JP Morgan tăng
trưởng của Trung Quốc cho toàn năm 2025 có thể « chỉ còn là 3,9
% ». Ít bi quan hơn ngân hàng Mỹ này, cơ quan tư vấn Capital
Economics trụ sở tại Luân Đôn dự báo, dù chính quyền Trump có mạnh tay « trừng
phạt » hàng Trung Quốc, thiệt hại đối với GDP của Trung Quốc ước
chừng « chưa tới 1 % » bởi Bắc Kinh chắc chắn sẽ « tương kế tựu
kế », đánh đường vòng để tìm những ngả khác tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Trên
đài truyền hình Pháp France24 giám
đốc đặc trách về quan hệ quốc tế thuộc cơ quan nghiên cứu Institut Sapiens,
Grégoire Verdeaux cũng tin rằng tổng thống Trump sẽ không nhân nhượng với Bắc
Kinh nhưng là để dồn đối phương vào chân tường :
« Bản
chất ông Trump là một ‘deal maker’, nắm bắt nhược điểm của đối phương và ông biết
rằng kinh tế hiện tại là một điểm yếu của Trung Quốc. Tăng trưởng bị tắc nghẽn,
khả năng sản xuất dư thừa Bắc Kinh cần xuất khẩu. Cùng lúc kinh tế nước này
mang nợ, dân số già đi tức đe dọa đến nguồn lao động của các nhà máy sản xuất,
và Trung Quốc trong thế giảm phát. Hoàn cảnh này khá giống với kịch bản Tokyo từng
trải qua vào thập niên 1980-1990, tức là vào thời điểm Mỹ khởi động chiến tranh
thương mại nhắm vào Nhật Bản. Cần nhắc lại là trong cuộc đọ sức đó bàn thắng đã
thuộc về Hoa Kỳ. Donald Trump muốn kịch bản này tái diễn với Trung Quốc bởi vì
Trung Quốc cũng đang gặp phải những khó khăn tương tự như Nhật Bản xưa
kia ».
Trong
nhiệm kỳ 4 năm vừa qua, chính quyền của bên đảng Dân Chủ đã không mấy khoan nhượng
với Trung Quốc. Những biện pháp trừng phạt mà tổng thống Joe Biden ban hành thậm
chí « chính xác hơn », « độc hại hơn » nhắm
vào những tham vọng Bắc Kinh đề ra trong kế hoạch « Made in China
2025 » để cạnh tranh với Hoa Kỳ về công nghệ cao.
Richard
Werly của nhật báo Thụy Sĩ Blick cũng trên France24 lưu ý đây trước hết là một
cuộc tranh hùng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chứ không phải là chuyện cá nhân giữa
ông Trump với « công xưởng sản xuất của thế giới ». Donald Trump chẳng
qua « thích gây chú ý trong công luận » và lại đang
trong thế mạnh, nên ông hô hào nhiều để khẳng định rằng nước Mỹ trong tay ông « mới
áp đảo » được cỗ máy kinh tế của Trung Quốc.
Elon
Musk, ngôi sao giải hạn cho Trung Quốc ?
Nói
cách khác, kềm tỏa sự phát triển của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là trong những
lĩnh vực « nhậy cảm » và về tham vọng công nghệ cao của ông Tập Cận
Bình, chưa chắc tổng thống Donald Trump là khắc tinh lớn nhất của Trung Quốc. Bởi
vì Trung Quốc đã học hỏi nhiều từ kinh nghiệm giao tiếp với ông Trump trong cuộc
chiến thương mại lần thứ nhất trong nhiệm kỳ đầu của nhà tỷ phú New York này.
Hơn nữa lần này ông Trump chuẩn bị quay lại Nhà Trắng với một người luôn theo
sát chân ông như bóng với hình : Elon Musk. Grégoire Verdeaux bên Institut
Sapiens phân tích :
« Về
công nghệ Donald Trump hiểu rõ là Mỹ và Trung Quốc đang lao vào một cuộc tranh
hùng và Bắc Kinh đang chiếm thế thượng phong. Ông không hài lòng về chuyện đó
chút nào. Song đừng quên rằng, cuộc chiến thương mại mà chính ông Trump khởi động
lần trước đã dừng lại. Tập Cận Bình và Donald Trump biết nhau khá rõ. Họ từng gặp
nhau nhiều lần ở Mar A Lago - Florida, hay ở Bắc Kinh… Hiện tại theo sát chân
ông Trump là Elon Musk, người hiểu rất rõ về Trung Quốc và đã đầu tư rất nhiều
vào Hoa Lục. Nhà máy Tesla ở Thượng Hải sản xuất 1 triệu chiếc xe, trong lúc
các cơ sở ở California chỉ cho ra lò 650.000 chiếc. Elon Musk từng trực tiếp
đàm phán với người mà nay là thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Cường để được được giảm
thuế và được cấp tín dụng trong dự án xây dựng nhà máy ở Thượng Hải. Điều đó
cho thấy giữa Hoa Kỳ dưới chính quyền Trump và Trung Quốc, kênh đối thoại vẫn
được duy trì. Bắc Kinh và Washington vẫn sẽ thảo luận và đàm phán với
nhau ».
Musk,
người của Bắc Kinh ở Nhà Trắng ?
Nhà
báo Thụy Sĩ Richard Werly đi xa hơn khi e rằng những tuyên bố của ông
Trump từ ngày đắc cử đến nay, và có thể là chính sách kinh tế, thương mại hay
công nghiệp của nước Mỹ sau này đang bị « tư hữu hóa », chuyển
nhượng lại cho các nhà tỷ phú trung thành với Donald Trump, điển hình là trường
hợp của Elon Musk. Trong kịch bản này, Trung Quốc dễ có giải pháp để giải hạn.
« Hãy
thử phân tích những tuyên bố của ông Trump qua lăng kính Elon Musk. Thị trường
mua bán xe hơi cổ điển, sử dụng xăng dầu ảm đạm chừng nào, tốt chừng nấy cho ô
tô điện của chủ nhân hãng Tesla. Cái nguy hiểm ở đây là khi mà Elon Musk điều
khiển chính sách kinh tế của nước Mỹ khi mà ông ta có quyền trừng phạt những mảng
công nghệ và công nghiệp nào bất lợi cho công việc làm ăn của chính mình. Trong
bối cảnh đó câu hỏi đặt ra là hợp tác giữa Elon Musk và Donald Trump bền được
bao lâu ».
Rạn
nứt trong các liên minh quân sự Á châu của Mỹ
Đâu
đó Elon Musk và những nhà tỷ phú thân cận với tổng thống Mỹ thứ 47 có thể là những
đối tác quan trọng giúp Bắc Kinh kềm tỏa « hung thần » Donald Trump.
Ngay
cả trong kích bản đen tối nhất, tức là hàng của Trung Quốc bị đánh thuế nặng nhất
và khó chen chân vào thị trường Mỹ, thì thứ nhất chính kinh tế Mỹ cũng gặp khó
khăn. Giới quan không tin là ông Trump dám mạnh tay trừng phạt đến cùng hàng
Trung Quốc để bảo vệ ngành công nghiệp của nước Mỹ, khi mà biện pháp đó đẩy lạm
phát ở Hoa Kỳ lên cao. Đó sẽ là một kịch bản tai hại về mặt chính trị mà đảng Cộng
Hòa sẽ không thể chấp nhận.
Điểm
thứ nhì và quan trọng hơn nữa là những gì Bắc Kinh đang trông thấy từ những
tuyên bố của ông Trump ở thời điểm còn chưa chính thức quay lại Phòng Bầu Dục.
Với
ông thuế hải quan tựa như một « chiếc đũa thần » cho phép làm được tất
cả và có thể được áp dụng với tất cả với mọi quốc gia, bất luật đó là những
« đồng minh cốt lõi » của Washington hay không. Richar Werly đơn cử
trường hợp của châu Âu khi mà Bruxelles và nhiều nước trong Liên Âu :
« Xét
cho cùng, Donald Trump áp đặt chính sách thuế quan khiến các nước trong mục
tiêu bị ông nhắm tới cuống cuồng tìm cách để điều đình với Washington, đề tỏ
thiện chí với chính quyền Trump. Rumani loan báo ý định trang chiến đấu cơ F35
của Hoa Kỳ, Liên Âu thì nói đến khả năng mua thêm năng lượng của Mỹ … Tức là
châu Âu mà càng phụ thuộc vào Mỹ về an ninh (quân sự hay năng lượng) thì lại
càng dễ bị đồng minh Hoa Kỳ bắt chẹt. Với tổng thống Trump châu Âu phát hiện ra
rằng phải trả giá đắt để được Mỹ che chở, để đối lấy hòa bình cho châu lục
này ».
Vậy
thì các đối tác quân sự, về chiến lược của Washington ở Ấn Độ -Thái Bình Dương
từ Úc đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ hay các nước Đông Nam Á sẽ nghĩ gì ?
Đành rằng các hàng rào quan thuế của ông Trump bất lợi cho tăng trưởng của
Trung Quốc, trái lại viễn cảnh những liên minh quân sự với Hoa Kỳ ở châu Á bị rạn
nứt khiến Bắc Kinh hài lòng. Trung Quốc chắn chắn đã trông thấy trước điều đó.
Giải
quyết sản xuất dư thừa
Song,
ngoài « yếu tố Trump » có thể gây thêm khó khăn cho tăng trưởng kinh
tế của Trung Quốc trong năm nay, báo tài chính Nhật Bản Nikkei Asia nhấn mạnh đến
hai nhược điểm lớn của mô hình tăng trưởng nước này.
Vấn
đề thứ nhất là Bắc Kinh cần giải quyết hiện tượng sản xuất dư thừa, tức là phải
đi tìm các thị trường mới để tiêu thụ hàng rẻ « Made in China ». Bài
toán này càng lúc càng phức tạp khi mà « từ Ấn Độ đến châu Âu,
đang siết chặt các cánh cửa với hàng sản xuất tại Trung Quốc », trong
mọi lĩnh vực, từ đồ chơi cho trẻ em đến hay máy pha cà phê hay pin mặt trời…
Khuynh hướng này có phần gia tăng trong năm 2025.
Điểm
kẹt ở đây là Bắc Kinh trông đợi nhiều vào các nhà máy công nghiệp để tạo ra
tăng trưởng và bảo đảm việc làm cho người dân vào lúc mà « khu vực
bất động sản vẫn không có dấu hiệu được hồi sinh ».
Đi
tìm phép lạ thúc đẩy tiêu thụ nội địa
Vấn
đề thứ nhì mà Trung Quốc đang bị mắc kẹt là « cái bẫy giảm
phát ». Hiện tượng này đã kéo dài cả năm 2024 do tiêu thụ nội địa
trì trệ. Người dân có khuynh hướng tiết kiệm nhiều hơn vào lúc mà nhà đất mất
giá, vào lúc khủng hoảng địa ốc kéo dài, vào lúc đầu tư của nước ngoài vào
Trung Quốc sụt giảm … Cũng Nikkei Asia dự báo « hiện tượng giảm
phát này tại Trung Quốc có nguy cơ tiếp diễn trong năm nay chừng nào mà thị trường
lao động không có dấu hiệu phục hồi ».
Trong
trường hợp này, cho dù Bắc Kinh có mạnh dan ban hành những gói kích cầu, Ngân
Hàng Trung Ương có tiếp tục hạ lãi suất thì ... cũng vô ích.
No comments:
Post a Comment