Wednesday, January 15, 2025

CÁI NÓN MAGA (Ba Phú Nhuận | DCVOnline)

 



Cái nón MAGA

Ba Phú Nhuận

January 13, 2025 

https://dcvonline.net/2025/01/13/cai-non-maga/

 

Có người đã nói dân chủ rắc rối lắm, sai lầm cũng là quyền trong xã hội dân chủ.

 

HÌNH :

https://m.media-amazon.com/images/I/71CHXDqisbL.jpg

Nguồn: Chợ trời Amazon.

 

Kể từ ngày ông 46 đánh bại ông 45, người ta ngỡ là hai tiếng Ma-Ga đã biến mất mà không hẹn ngày về. Nhưng… anh không chết đâu em! Nó đã trở lại và còn lợi hại hơn xưa. Khi ông Trump bắt đầu đội vương miện, có thể nói trên toàn nước Mỹ, ở đâu người ta cũng thấy hai chữ MAGA xuất hiện. Nhóm thì tung hô, chúc tụng nhau vì nó, người thì thương nhau, quấn quýt nhau cũng vì nó, rất yêu nó, và rất hãnh diện vì nó. Có những người khác làm ngơ, không bàn đến nó nữa nhưng vẫn có người ghét nó, căm thù nó. Có người thậm chí thề không đội trời chung với nó, gặp nhóm MAGA ở đâu là tránh xa, khinh miệt; và như thế chuyện đội nón, dán nhãn MAGA khắp nơi, dù ngoài trời không mưa cũng chẳng nắng, là chuyện thường ngày trên mạng xã hội.

 

Vì nó mà anh em, bạn bè chia rẽ. Chia rẽ từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Vì nó mà đang thân thương trở thành hiềm khích. Có kẻ phải chết oan vì nó. Lắm người thăng quan tiến chức, và có người bị trù dập vì nó. Cũng lắm kẻ đáng thương đáng được giúp nhưng không được cứu vớt nữa cũng vì nó.

 

Dù không biết nạn nhân là ai, chỉ đọc qua một status của người bạn, được biết nạn nhân vừa được vinh dự đội nón MAGA lên đầu. Những dòng chữ ngắn ngủi này là một cách chia sẻ với người gặp nạn vì mình rất hiểu, và thông cảm cái cảm giác bị người khác bắt phải đội nón dù chẳng cần. Thậm chí ngoại hình chẳng hợp với cái nón đó chút nào. Điều này càng làm cảm giác khó chịu lại càng them khó chịu. Nhưng thôi, đời nó thế. Sống ở xã hội tự do, thì tự do ngôn luận lẫn ngôn lộng là điều cần thiết. Không những thế mà đôi khi cần phải trân trọng nó. Vì nó mà có thể rất nhiều đã coi thường cái chết trên biển cả để đến được cái xứ sở sinh ra nó.

 

MAGA ơi! ôi cái mũ MAGA, vì chẳng tốn tiền mua nên bàn dân thiên hạ đội cho nhau mà không hề ngần ngại. Mà ngược lại họ rất rộng lượng. Họ thản nhiên tặng mũ cho nhau, không cần đắn đo, vô điều kiện, và vô thời hạn. Cũng có thể họ tự mãn vì đã đội nó lên đầu kẻ khác, mà không cần biết người đó là ai. Cũng có thể vì để sướng đôi tay, để tự vinh danh chính mình, mà cũng có thể tặng mũ để thay lời tuyên thệ gia nhập tầng lớp trí tuệ.

 

Người bị chụp mũ trong trường hợp nào, hoàn cảnh nào thì cũng chẳng nên bận tâm, phiền toái làm gì. Nhất là không nên cau có, cằn nhằn để  phiền đến vợ con. Cái mũ đó có thể ở trên đầu nạn nhân một thời gian dài hay nắn là chuyện… hên xui. Ngược lại, nên vui với cái anh đang có. Không phải cái vui của kẻ lãng trí, mà là cái vui của kẻ đắc chí. Vì kẻ chụp mũ cho anh/chị có thể đã có lúc cùng chung lý tưởng, cùng trân trọng tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, nhưng trong những lúc mềm lòng (hay nóng gà) chính họ lại là kẻ đòi lại quyền tự do ngôn luận, tụ do biểu đạt, nặng lời người khác ý kiến, quan điểm về những vẫn đề chưa hẳn thuộc phạm trù chính trị. Những  sai lầm đó khiến họ như người tự do giả mạo. Xấu hổ.

 

Mỉa mai thay, rất nhiều người ưa chụp mũ MAGA chưa hẳn đã hiếu biết nguồn gốc của chữ MAGA và ai đẻ ra nó. Họ lầm tưởng Donald Trump là tác giả, sáng tác và dùng nó trong những cuộc vận động tranh cử. Không phải thế, thực ra ông Trump cũng không không kém ông trùm xã hội đen Nam Cam hôm nào. “Có những thứ có tiền mua cũng không được, nhưng có nhiều tiền sẽ mua được” đó là hành trang giang hồ của Nam Cam vay mượn ý tưởng của nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia Mỹ, Gertrude Stein, “Bất cứ ai nói rằng tiền không mua được hạnh phúc đều không biết mua sắm ở đâu.”

 

Tương tự, MAGA “Make American Great Again” là khẩu hiệu tranh cử năm 1980 của Ronald Reagan và cuộc vận động tranh cử năm 1992 của Bill Clinton; từ đó nó đã được mô tả như một nhóm chữ có hàm ý. Nhiều học giả, nhà báo và bỉnh bút đã coi đây là một khảu hiệu phân biệt chủng tộc, mật mã cổ động kỳ thị và đến 2016 Trump lại vay mượn và đem thuật ngữ này trở lại chính trường Mỹ. Nhưng nói cho công bằng hơn, dù Reagan là người “đẻ” ra nó, nhưng sự thật thì Reagan cũng chỉ mượn theo ý của một khẩu hiệu tương tự, MAFA, Make America First Again;  Robert Nathan, một kinh tế gia từng làm việc cho chính quyền Roosevelt nói với Robert Siegel của NPR: “Một trong những điểm chính trong cuộc vận động của Roosevelt năm 1940 là ông hứa sẽ không gởi lính Mỹ tham chiến ở nước ngoài. MAFA là khẩu hiệu của phong trào phản chiến! Nhưng MAFA không tin vào lời hứa Roosevelt. Và lịch sử đã chứng minh họ đúng. Vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, Nhật đã ném bom một căn cứ của Mỹ ở Hawaii, và Trân Châu Cảng đã đánh dấu sự kết thúc của phong trào phản chiến mang tên Nước Mỹ trên hết. Mỹ bước vào thế chiến thứ II.

 

Thế đấy, phải dài dòng cho thấy đời thật mỉa mai. Kẻ thích chụp mũ chẳng hề biết cái mũ ở đâu ra, ai là người đẻ nó. Nhưng thôi, cần gì biết. Cứ cho, cứ tặng, cứ đội, cứ chụp cho kẻ khác để dán cái nhãn trí tuệ cho mình là được rồi.

 

Có người đã nói dân chủ rắc rối lắm, sai lầm cũng là quyền trong xã hội dân chủ.

 

© 2025 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính và trình bầy.

 

 





No comments: