Tuesday, January 14, 2025

TOÀN CẢNH VỤ ÁN LƯU BÌNH NHƯỠNG và LÊ THANH VÂN (Luật Khoa tạp chí)

 



Toàn cảnh vụ án Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân

Lam Hồng  -  Huỳnh Kha  -  Trọng Phụng    |    Luật Khoa 360

January 10 2025   3:09 PM
https://www.luatkhoa.com/2025/01/luat-khoa-360-toan-canh-vu-an-luu-binh-nhuong-va-le-thanh-van-2/

 

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 7/1 vừa qua, Viện Kiểm sát đề nghị phạt tù cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng từ 13 - 15 năm 6 tháng và Lê Thanh Vân 7 - 9 năm.

 

Trước khi bị bắt, hai đại biểu Quốc hội này nổi bật với những phát biểu thẳng thắn tại nghị trường.

 

HÌNH : https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2025/01/A-nh-Lu-u-Bi-nh-Nhu-o--ng---Le--Thanh-Va-n.jpg

Nguồn ảnh: plo.vn. Đồ họa: Ngọc Giàu/ Luật Khoa.

 

Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân là ai?

 

Ông Lưu Bình Nhưỡng (sinh năm 1963, quê quán Thái Bình) là một tiến sĩ luật, giảng viên đại học và từng là đại biểu Quốc hội khóa 14 (2016-2021), thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre.

 

·        Ông cũng từng là ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội và phó chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ.

·        Trước khi tham gia chính trị, ông Nhưỡng là giảng viên, phó chủ nhiệm Khoa Pháp luật Kinh tế của Đại học Luật Hà Nội.

·        Ở nghị trường, ông Nhưỡng có nhiều phát biểu thẳng thắn. Điển hình là tại phiên họp Quốc hội vào tháng 11/2016, ông Nhưỡng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về dự án thép Cà Ná. “Tôi xin hỏi bộ trưởng một câu, tôi không muốn có hệ lụy xảy ra với nhân dân, đất nước nhưng nếu sau này có hệ lụy, bộ trưởng có dám cam kết lạc quan trước Quốc hội để xin hứa rằng sẽ từ chức trước Quốc hội hay không?”, ông Nhưỡng đưa ra yêu cầu.

Tháng 4/2017, ông Nhưỡng tham dự cuộc đối thoại tại Đồng Tâm. Ông nói mình đã tự lái xe cùng đại biểu Dương Trung Quốc về “điểm nóng” để hiểu sự việc một cách khách quan, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ông Nhưỡng chia sẻ rằng với tâm thế của một đại biểu Quốc hội, ông cảm thấy bớt đi nhiều băn khoăn sau khi về thôn Hoành và nhận thấy cuộc đối thoại đã thành công bước đầu.

Tháng 6/2017, ông Nhưỡng quan ngại về việc triển khai lực lượng cảnh sát cơ động với quy mô lớn vào xã Đồng Tâm. Ông cho rằng điều này đã tạo cảm giác "áp đảo" đối với người dân, nên họ mới phản ứng gay gắt và bắt giữ cán bộ. Đồng thời, ông cũng chỉ trích Thanh tra Chính phủ không tham gia giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp như ở Đồng Tâm.

Tháng 10/2018, ông Nhưỡng chất vấn bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: “[...] vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm tống đạt 100%, tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng và tôi đề nghị đồng chí bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong việc này”. Ngay sau lời chất vấn này, Bộ Công an phải giải trình và cho rằng ông Nhưỡng nói không chính xác. Tháng 11/2018, ông Nhưỡng nói ông không bịa ra số liệu.

Tháng 5/2019, ông Nhưỡng đặt ra câu hỏi tại phiên thảo luận của Quốc hội: “Vì sao người dân thể hiện thái độ gay gắt với ông bộ trưởng này, ông quan tỉnh, ông quan huyện kia? Điều đó là do họ không còn niềm tin với các vị được gán mác cán bộ, công chức đó".

Tháng 11/2019, ông Nhưỡng chất vấn ông Tô Lâm về thông tin cán bộ cơ sở ngành công an đi thu tiền của người dân buôn bán vào dịp lễ, tết. Ông đề nghị bộ trưởng có biện pháp chấn chỉnh để giữ gìn uy tín, danh dự cho ngành công an.

·        Ngoài ra, ông Nhưỡng còn hay lên tiếng về vấn đề tư pháp, chống oan sai. Tháng 9/2023, ông Nhưỡng với tư cách là phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã nhắn tin đến chủ tịch nước lúc này là ông Võ Văn Thưởng để bày tỏ quan ngại về việc kết án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng và đề nghị xem xét lại vụ án.

Sau đó, ông Nhưỡng đã tiếp gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng tại trụ sở tiếp dân của Quốc hội để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ và cam kết sẽ chuyển vấn đề lên Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp Quốc hội để xem xét.

 

 

Ông Lê Thanh Vân cũng được biết đến với những pha chất vấn gay gắt tại nghị trường. Ông sinh năm 1964, quê quán Thanh Hóa, từng là đại biểu Quốc hội khóa 13 (2011-2016), 14 (2016-2021) và 15 (2021-2026), đoàn Cà Mau. Ông có trình độ tiến sĩ luật và từng là ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội.

 

·        Trước khi tham gia chính trị, ông Vân công tác tại Văn phòng Quốc hội, đảm nhận nhiều vị trí như chuyên viên Vụ Công tác Đại biểu và phó vụ trưởng phụ trách Trung tâm Thông tin Khoa học, Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

 

·        Ông Vân nổi tiếng với nhiều kiến nghị mạnh mẽ. Tháng 4/2017, ông đề nghị Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung sớm tổ chức đối thoại với người dân xã Đồng Tâm để giải quyết những bức xúc liên quan đến tranh chấp đất đai tại địa phương. Sau đó, ông Chung đã về xã Đồng Tâm để trực tiếp đối thoại với người dân.

Tháng 11/2017, ông Vân chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn về thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Lúc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đều cho biết vấn đề này đang được thanh tra và sẽ báo cáo sau khi có kết luận. Đến tháng 3/2018, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong thương vụ này và kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật.

Tháng 6/2018, trả lời báo Pháp luật TP. HCM, ông Vân cho rằng cần dời việc thông qua dự luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (dự luật đặc khu) để bàn cho kỹ và xin ý kiến nhân dân.

Tháng 5/2020, ông Vân cho rằng Quốc hội cần thực hiện quyền giám sát tối cao đối với vụ án Hồ Duy Hải, do quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao trong phiên giám đốc thẩm có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng và cần được xem xét lại để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong xét xử.

Tháng 11/2020, ông Vân có pha tranh luận gay gắt về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kỷ luật hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ông cho rằng quyết định kỷ luật là trái với quy định của Luật Giáo dục Đại học.

Tháng 5/2023, ông Vân chỉ trích việc triển khai các dự án cổng chào và tượng đài trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Ông cho rằng, khi người dân đang phải "thắt lưng buộc bụng" do thu nhập giảm thì việc nhà nước xây cổng chào, tượng đài là không phù hợp.

 

 

Thông tin bắt ông Nhưỡng với cáo buộc “cưỡng đoạt tài sản” gây bất ngờ

 

Ngày 15/11/2023, Công an tỉnh Thái Bình bắt ông Nhưỡng về tội “cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 của Bộ luật Hình sự.

Theo thông báo của công an, việc bắt ông Nhưỡng nhằm điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (tức Cường "quắt", bị cáo buộc cùng đồng phạm tự xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều để cưỡng đoạt tiền của một số doanh nghiệp khai thác cát).

 

·        Ngày 22/11/2023, trước những mối quan ngại của cử tri, tại một cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Nguyễn Văn Yên, phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nói vụ án của ông Nhưỡng "chưa thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo" và "các cơ quan bảo vệ pháp luật đã quyết định xử lý thì cần tin có căn cứ".

Ông Yên cũng trấn an rằng "người dân chưa hiểu, còn băn khoăn, lo lắng, ý kiến này, ý kiến khác nhưng hãy tin vào kết quả điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật".

 

·        Ngày 30/11/2023, tại một cuộc họp tiếp xúc cử tri quận Phú Nhuận, TP. HCM, cử tri lên tiếng rằng Quốc hội giám sát chưa hiệu quả nên mới xảy ra trường hợp của ông Nhưỡng. Sự việc một đại biểu Quốc hội có nhiều phát ngôn "dậy sóng", phê phán nhiều vấn đề liên quan đến tư pháp nhưng để xảy ra vụ việc khiến cử tri "rất đau lòng".

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan giải thích rằng ông Nhưỡng không được giới thiệu tái cử đại biểu Quốc hội khóa 15 (2021-2026) do quá tuổi. Bà cho rằng để đánh giá vụ việc, cần xem cơ quan điều tra có kết luận thế nào và đồng thời khẳng định “không phải là đại biểu Quốc hội, hay nổi tiếng mà vi phạm pháp luật thì được miễn trừ".

 

·        Vào tháng 12/2023, Đảng Cộng sản đã khai trừ ông Nhưỡng ra khỏi đảng. 

 

 

Trong khi đó, vào tháng 7/ 2024, ông Lê Thanh Vân bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", theo Điều 358 của Bộ luật Hình sự. Vào thời điểm này, công an nói việc bắt giữ ông Vân diễn ra trong quá trình mở rộng điều tra vụ án liên quan đến ông Nhưỡng.

 

·        Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Vân. Đồng thời, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông.

·        Đến ngày 26/8/2024, Quốc hội đã ban hành nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội khóa 15 (2021-2026) đối với ông Vân vì vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.

·        Ông Vân bị cáo buộc can thiệp vào một dự án ở Quảng Ninh dù không thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này và không thuộc lĩnh vực phụ trách của ông ở Ủy ban Ngân sách Quốc hội. 

 

 

Ông Lưu Bình Nhưỡng và “một sai lầm lớn trong cuộc đời”

 

Ngày 7/1, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình mở phiên xét xử sơ thẩm đối với ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân.

 

·        Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Bình đề nghị mức án từ 13 - 15 năm 6 tháng tù về tội “cưỡng đoạt tài sản” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” đối với ông Nhưỡng. Đồng thời, đề nghị mức 7 - 9 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” đối với ông Vân. 

Viện Kiểm sát nêu quan điểm, ông Nhưỡng và ông Vân đã lợi dụng tư cách đại biểu Quốc hội nhằm thúc đẩy cơ quan nhà nước xử lý các vụ việc của người gửi đơn. 

 

Riêng đối với ông Nhưỡng, nhà chức trách cáo buộc ông đã lợi dụng tư cách đại biểu Quốc hội để can thiệp vào các vụ việc tại Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Hà Nội, nhằm trục lợi cá nhân. Cụ thể:

 

·        Từ tháng 10/2021 - 4/2022, ông Nhưỡng can thiệp với lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình để “bảo kê” cho nhóm giang hồ cưỡng đoạt hơn 1,3 tỷ đồng từ một doanh nghiệp tại xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy.

·        Tháng 12/2020 và tháng 5/2021, ông Nhưỡng dùng tư cách đại biểu Quốc hội can thiệp để tòa án xét xử theo hướng có lợi cho Bùi Văn Thao trong vụ án tranh chấp đất đai ở TP. Hải Phòng. Trong thời gian này, ông Nhưỡng được tặng bộ cánh cửa nhà thờ trị giá 75 triệu đồng.

·        Ông Nhưỡng can thiệp giúp một doanh nghiệp được duyệt dự án Quế Võ III (phường Tân Hồng, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) và “nhận lại quả” 300.000 USD (khoảng 6,9 tỷ đồng).

·        Năm 2016, ông Nhưỡng “nâng đỡ” Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hạ Long tiếp tục được triển khai dự án khu dân cư dịch vụ tại TP. Hạ Long (Dự án 36ha), khi đang bị tỉnh Quảng Ninh xem xét quyết định chấm dứt đầu tư. 

·        Năm 2020, ông Nhưỡng “bắt tay” với ông Lê Thanh Vân gây sức ép lên chính quyền tỉnh Quảng Ninh giúp công ty Trường Sinh sớm được cấp phép làm dự án thăm dò khoáng sản đất đá tại đồi Bắc Sơn, thị xã Đông Triều. Sau đó, hai ông lần lượt nhận quà “cảm ơn” từ công ty này là 210 triệu đồng và 60 triệu đồng.

 

 

Những đại biểu Quốc hội bị xử lý hình sự 

 

Đây không phải là lần đầu tiên đại biểu Quốc hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trước đây, có một số trường hợp đáng chú ý sau:

 

·        Bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội khóa 13 (2011-2016), cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà đất (Housing Group). Năm 2017, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt bà Nga án tù chung thân về tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bà Nga bị cáo buộc lừa đảo khách hàng hơn 348 tỷ đồng liên quan đến dự án nhà ở tại B5 Cầu Diễn, Hà Nội.

 

·        Ông Đinh La Thăng, đại biểu Quốc hội khóa 11 (2002-2007), 13 (2011-2016), 14 (2016-2021), cựu ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP. HCM và chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Năm 2018, ông bị xét xử và kết án 30 năm tù vì các sai phạm liên quan đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và các vi phạm khác trong thời gian lãnh đạo PVN.

 

·        Ông Nguyễn Bắc Son, đại biểu Quốc hội khóa 13 (2011-2016), cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông từ năm 2011 đến 2016. Năm 2019, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt ông 16 năm tù về tội "vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và tù chung thân về tội "nhận hối lộ" (tổng hợp hình phạt là tù chung thân). Vụ án của ông Son liên quan đến thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.

 

·        Ông Trần Văn Nam, cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương khóa 14 (2016-2021). Năm 2022, Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên phạt ông Nam bảy năm tù giam về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, do trong trong thời gian công tác, ông Nam đã chỉ đạo việc giao đất và định giá đất sai quy định, dẫn đến việc chuyển nhượng 188 ha đất công với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

 

·        Ông Chu Ngọc Anh, đại biểu Quốc hội khóa 14 (2016-2021), cựu chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Năm 2024, ông bị kết án 3 năm tù giam liên quan đến sai phạm trong vụ án Công ty Việt Á, với tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

 

·        Ông Nguyễn Thanh Long, đại biểu Quốc hội khóa 14 (2016-2021), cựu bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 2020 đến 2022. Năm 2024, ông Long bị tuyên 18 năm tù liên vì tội “nhận hối lộ” liên quan đến vụ án Công ty Việt Á. Theo cáo trạng, ông Long nhận hối lộ 2,25 triệu USD để giúp Công ty Việt Á nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19.

 

 

 

 

 



No comments: