Tuesday, January 14, 2025

CỤC CẢNH SÁT GIAO THÔNG GIẢI THÍCH LÝ DO NGHỊ ĐỊNH 168 ĐƯỢC BAN HÀNH CHÓNG VÁNH (RFA)

 



Cục Cảnh sát Giao thông giải thích lý do Nghị định 168 được ban hành chóng vánh

RFA

2025.01.12

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/copy_of_nghi-dinh-168-thu-tuc-ban-hanh-muc-phat-giao-thong-moi-01122025095010.html

 

Hôm 12 tháng 11, hàng loạt tờ báo trong nước đã đăng tải tuyên bố của một người đại diện của cục Cảnh sát Giao thông (CSGT), nhằm giải thích lý do Nghị định 168 có hiệu lực chỉ 5 ngày sau khi được phê duyệt.

Lần lên tiếng này được cho nhằm phản ứng trước quan điểm “Nghị định 168 được ban hành sai thủ tục” đang được lan truyền.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/copy_of_nghi-dinh-168-thu-tuc-ban-hanh-muc-phat-giao-thong-moi-01122025095010.html/@@images/081100de-1e65-47fa-83ab-5c06efead55c.jpeg

Người dân chờ đèn đỏ ở Hà Nội.   (NHAC NGUYEN / AFP)

 

Do “tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình trật tự an toàn giao thông”, thế nên các cơ quan có thẩm quyền đã “quyết định ban hành nghị định theo trình tự rút gọn”, Báo Lao Động dẫn lời vị đại diện ẩn danh.

 

Điều 151 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phép ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự rút gọn, cụ thể, những văn bản này có thể có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày ký, hoặc trong một thời gian ngắn hơn 45 ngày, vốn là số ngày cần thiết để các văn bản được ban hành theo thủ tục bình thường cần chờ trước khi có hiệu lực.

 

Tuy nhiên, để được ban hành theo trình tự rút gọn, một văn bản quy phạm pháp luật phải nằm trong các trường hợp được quy định bởi điều 146 của luật này, gồm:

 

Trường hợp khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; Trường hợp cần ngưng hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; Trường hợp cần bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp; và trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh.

 

Không rõ, lý do “tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình trật tự an toàn giao thông” mà vị đại diện Cục CSGT đưa ra nhằm bao biện cho việc ban hành Nghị định 168 theo thủ tục rút gọn, nằm ở đâu trong số các trường hợp trên?

 

----------------------------

Nghị định 168 có hiệu lực chỉ năm ngày sau khi ban hành: gấp gáp như phục kích người dân

Người dân: Mức phạt theo Nghị định 168 là “bóc lột”

Nghị định 168: Những hệ quả tai hại

----------------------------

 

Báo Người Lao Động cũng dẫn thông tin từ Cục CSGT cho rằng Nghị định 168 có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2025, để “phục vụ thực thi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực ngày 1.1.2025"

 

Tuy nhiên, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới đã được Quốc hội thông qua từ tháng 6 năm 2024.

 

Như vậy, Bộ Công an đã có 6 tháng đã xây dựng Nghị định 168, vốn để hướng dẫn thực thi luật mới. Nhưng cơ quan này không đưa ra giải thích vì sao họ chờ tới những ngày cuối cùng của năm 2024 mới ban hành Nghị định trên.

 

Việc Nghị định 168 có hiệu lực thi hành một cách chóng vánh đã vấp phải phản ứng dữ dội của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng người dân đã không có đủ thời gian để chuẩn bị, và bản thân nhà nước cũng không có đủ thời gian để chuẩn bị, dẫn đến tình trạng bối rối trong thực thi và gây ra nhiều hệ quả tiêu cực đối với tình hình giao thông.

 

Mạng xã hội trong những ngày qua đã xuất hiện vô số video và hình ảnh về tình trạng ùn tắc nghiêm trọng ở các đô thị lớn, được cho là hệ quả của Nghị định 168.







No comments: