Tuesday, April 8, 2025

TRUNG QUỐC TỰ TIN HƠN ĐỂ LAO VÀO CUỘC CHIẾN THUẾ QUAN VỚI MỸ (Thanh Hà / RFI)

 



Trung Quốc tự tin hơn để lao vào cuộc chiến thuế quan với Mỹ

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 08/04/2025 - 15:58

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20250408-trung-qu%E1%BB%91c-t%E1%BB%B1-tin-h%C6%A1n-%C4%91%E1%BB%83-lao-v%C3%A0o-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-thu%E1%BA%BF-quan-v%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%B9

 

« Chiến đấu đến cùng » khi bị tấn công, « đáp trả tương xứng thuế đối ứng » của Mỹ và áp dụng đúng phương pháp của Washington để bảo vệ quyền lợi : Trung Quốc đã chọn giải pháp đối đầu trong cuộc chiến thuế quan với chính quyền Trump.

 

HÌNH :

Ảnh minh họa : Một nhân viên dán nhãn "Made in China" lên hộp của một chiếc tivi thông minh được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tại một nhà máy sản xuất tivi ở Thâm Quyến, Trung Quốc, ngày 08/08/2019. REUTERS - Jason Lee

 

Trong chưa đầy một tuần lễ, Trung Quốc chuyển từ « thế thủ » sang « thế công ». Trên nguyên tắc, kể từ 0 giờ ngày 10/04/2025 hàng Mỹ nhập khẩu vào Hoa Lục bị đánh thuế 34 % « tương tự » như hàng « made in China » bán sang Hoa Kỳ.

 

Chỉ 48 giờ sau màn trình diễn của Donald Trump ở Nhà Trắng, mở màn một cuộc chiến thương mại với toàn cầu, tại Bắc Kinh bộ Thương Mại « đáp lễ » bằng hàng rào quan thuế. Trung Quốc cho mở điều tra nhắm vào hơn một chục doanh nghiệp Mỹ và hạn chế xuất khẩu 7 kim loại hiếm thiết yếu cho công nghệ cao và thiết bị điện tử trong dự án sản xuất chiến đấu cơ đời mới F-47 vừa được Washington rầm rộ loan báo.

 

Sau một dịp nghỉ cuối tuần dài ngày, quay lại thủ đô Washington tổng thống Hoa Kỳ nổi đóa thấy Bắc Kinh chọn giải pháp đối đầu. Donald Trump chỉ trích Trung Quốc đi « nhầm đường » và đòi tăng thêm 50 % thuế hải quan nhắm vào hàng « made in China », bên cạnh mức thuế 54 % sắp bị áp dụng từ 0 giờ ngày 09/04, theo giờ của Washington. Lập tức Bắc Kinh khẳng định « trong tư thế sẵn sàng, quyết đấu đến cùng ».

 

 

Trung Quốc « de-risking » với Mỹ

 

Cơ quan tư vấn Capital Economics, trụ sở tại Luân Đôn đánh giá, lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy rằng « kinh tế nước này đủ vững chắc để cưỡng lại mọi thủ đoạn của Donald Trump ».

Bên cạnh những lập luận mang tính tuyên truyền, giới tài chính đồng loạt cho rằng, « Trung Quốc đã rút kinh nghiệm từ cuộc chiến thương mại lần trước với chính quyền Trump và có những bước chuẩn bị kỹ hơn ».

 

Kế hoạch Made in China 2025 của chủ tịch Tập Cận Bình đã đem lại những kết quả cụ thể : Trung Quốc dẫn đầu một số lĩnh vực công nghệ mới, không chỉ là « công xưởng sản xuất hàng rẻ » mà đã trực tiếp cạnh tranh với các đối thủ ở Hoa Kỳ từ ô tô điện đến trí tuệ nhân tạo. Công cụ thông minh DeepSeek made in China đã khiến thế giới công nghệ ở Thung Lũng Silicon choáng váng.

 

Trong lĩnh vực vệ tinh không gian, tháng 11/2024 Brazil đã ký hợp đồng với Qiafan, một công ty khởi nghiệp « vô danh » lấn sân của Elon Musk cung cấp các dịch vụ vệ tinh  

Về công nghệ bán dẫn, Trung Quốc cũng không còn hoàn toàn lệ thuộc vào các nhà cung cấp phương Tây. Trong số các nhà sản xuất máy bay dân sự, Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ không còn trong thế độc quyền từ khi dòng Comac C919 của Trung Quốc bắt đầu xuất hiện… Một điểm khác nữa cho phép ông Tập Cận Bình tự tin lao vào cuộc đọ sức với Washington : Nhà cung cấp thiết bị viễn thông Hoa Vi vẫn tồn tại và thịnh vượng đó là trước các đòn trừng phạt liên tiếp của hai đời tổng thống Mỹ, Donald Trump và Joe Biden.

 

 

Thị phần của Mỹ với Trung Quốc bị thu hẹp

 

Đành rằng Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng thứ ba của Hoa Kỳ sau Mêhicô và Canada, nhưng nếu như hồi 2017, hơn 20 % kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đổ về Mỹ, nay tỷ lệ  đó rơi xuống còn chưa đầy 15 % theo các số liệu của Hải Quan Trung Quốc được tuần báo Anh The Economist trích dẫn. Nói cách khác về xuất nhập khẩu Trung Quốc ít lệ thuộc hơn vào Mỹ so với 8 năm về trước.

 

Báo Nhật Nikkei Asia trích lời bà Vương Đan, giám đốc công ty tư vấn Eurasia Group trụ sở tại Singapour, hồi 2017 « tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 4 % GDP, nay tỷ lệ này chỉ còn là 3 % ».  

 

Ngoài ra, để tiếp tục thâm nhập thị trường Mỹ, Bắc Kinh đã khai thác chiến lược « Trung Quốc +1 » qua một sô trung gian như Ấn Độ, hay Việt Nam và nhất là Mêhicô... Trong các khoản giao dịch hàng hóa Mỹ-Trung, cho đến hiện tại, Trung Quốc chủ yếu mua vào nông phẩm và năng lượng của Hoa Kỳ. Trước mắt, về dầu khí Bắc Kinh có thể trông cậy vào Nga. Về nông phẩm, ngũ cốc, Brazil và Achentina đã thu hẹp thị phần của các nông gia Hoa Kỳ, những thành phần cử tri ủng hộ Donald Trump.

 

 

Đất hiếm, tiền tệ, công cụ pháp lý : những loại vũ khí trong tay Trung Quốc

 

Kinh nghiệm từ « cuộc thương chiến lần thứ nhất » cũng do chính quyền khởi động hồi 2018-2019 Trung Quốc đã tăng tốc chiến lược « tách rời khỏi » Hoa Kỳ cả về công nghệ lẫn thương mại. Và đó cũng là điểm khởi đầu cho phép nền kinh tế thứ hai toàn cầu không hề mặc cảm khi phải đương đầu với siêu cường số 1 thế giới. Do vậy Trung Quốc chuyển từ thế « thủ » sang thế tấn công ».

 

Mỹ phụ thuộc vào đất hiếm để sản xuất các vật dụng kết nối, điện ô tô điện, vũ khí, vệ tinh... Do vậy, trong số các đòn đáp trả Donald Trump « Giải Phóng » Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã loan báo thông báo « hạn chế » xuất khẩu 7 kim loại hiếm sang Mỹ.

 

Một công cụ khác trong tay Bắc Kinh là phá giá đồng tiền quốc gia để hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ vẫn hấp dẫn. Ngân Hàng Trung Ương đang hướng tới giải pháp này.

 

Thế rồi Trung Quốc cũng dùng lá bài « an ninh quốc gia » để điều tra các tập đoàn Mỹ xuất khẩu một số mặt hàng « lưỡng dụng » sang Hoa Lục, cũng khai thác công cụ pháp lý « chống cạnh tranh bất bình đẳng » để trừng phạt các doanh nghiệp của Hoa Kỳ. Điều đó không cấm cản các giới chức Bắc Kinh vẫn khẳng định Trung Quốc là một « mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư quốc tế »

 

 

Chiến tranh tâm lý

 

Vào lúc tại Hoa Kỳ, giới đầu tư « nhốn nháo » vì chính sách thuế quan của Donald Trump, nhiều nhà tỷ phú hàng đầu (Bill Ackmann, Larry Fink ..), những người từng ủng hộ ông Trump trong cuộc tranh cử tổng thống 2024 kêu gọi Washington « dừng tay » thì thứ trưởng Thương Mại Trung Quốc tiếp đại diện nhiều tập đoàn Mỹ như của hãng xe Tesla hay tập đoàn bảo hiểm GE Healthcare…

 

Ông Lăng Kích (Ling Jie) đưa ra thông điệp : Trung Quốc là « điểm đầu tư lý tưởng, an toàn và đầy hứa hẹn  với các tập đoàn nước ngoài, với các doanh nghiệp của Mỹ ». So với thời điểm hôm 20/01/2025, ngày ông tổng thống Trump nhậm chức, 180 tỷ đô la tài sản của ba doanh nhân Mỹ giàu nhất hành tinh đã tan thành mây khói. Cổ phiếu của tập đoàn Appel mất giá trong nhiều phiên giao dịch liên tiếp từ khi Nhà Trắng loan báo áp thuế 34 % hàng từ Trung Quốc nhập khẩu sang Hoa Kỳ, do 85 % các sản phẩm mang nhãn hiệu quả táo do nhân công Trung Quốc tạo ra để cung phục vụ các khách hàng Mỹ. Cũng chính vì biện pháp thuế sắp tới của tổng thống Trump mà dân Mỹ đua nhau sắm điện thoại thông minh trước khi giá mỗi chiếc iPhone trên thị trường đắt thêm từ 200 đến 300 đô la.

 

Vỏ quýt dầy, móng tay nhọn

 

Song bên cạnh những tuyên bố mạnh mẽ cả từ phía Bắc Kinh lẫn Washington, thực tế không thể chối cãi là tổng thống Mỹ đã mở một cuộc thương chiến với toàn cầu Trung Quốc là mục tiêu chính bị nhắm tới. Thiệt hại đầu tiên hết và nghiêm trọng nhất đè nặng lên hai nước liên quan. Nhà Trung Quốc học Valérie Niquet, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp nhấn mạnh đến điểm kẹt của Bắc Kinh trong cuộc đọ sức này :

 

« Từ lâu nay ai cũng biết Trung Quốc bị thiệt hai nhiều trong cuộc đọ sức với Hoa Kỳ. Tập Cận Bình và những người tiền nhiệm đã đề ra mục tiêu điều chỉnh lại và lấy lại cân bằng trong mô hình phát triển, để cỗ máy sản xuất ít ngốn năng lượng hơn, để tiêu thụ nội địa là lực đẩy cho tăng trưởng của Trung Quốc. Nhưng từ đó đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa thực hiện được mục tiêu này. Trung Quốc kỳ vọng bơt bị phụ thuộc vào xuất khẩu nhưng cho đến hiện tại thì xuất khẩu vẫn là đầu tàu kinh tế và Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào các thị trường nước ngoài, nhất là hai thị trường phát triển nhất là Mỹ và châu Âu. Nếu Hoa Kỳ đóng cửa thị trường, thì tác động đầu tiên đè năng lên người tiêu dùng ở Mỹ nhưng Trung Quốc cũng bị vạ lây »

 

 

Nguy cơ bấn ổn nội địa Trung Quốc

 

Cuộc chiến thương mại phiên bản 2 của ông Trump nổ ra vào lúc kinh tế Trung Quốc vẫn chưa phục hồi sau đại dịch COVID 19 và chưa thoát khỏi khủng hoảng địa ốc kéo dài. Valérie Niquet :

 

« Chiến tranh kinh tế gia tăng cường độ giữa hai siêu cường thế giới này đã bắt đầu dẫn tới những hệ quả đối với toàn cầu chứ không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bắc Kinh đã có các biện pháp trả đũa : áp thuế 34 % lên tất cả các mặt hàng Mỹ như đã loan báo. Tuy nhiên nếu chúng ta nhìn vào các sản phẩm của Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ thì tổng cộng hàng Trung Quốc bị đánh thuế hải quan hơn 60 %. Không mấy khi tôi bênh vực cho Trung Quốc, nhưng phải công nhận rằng, mức thuế này là quá nặng và bị tung ra vào thời điểm bất lợi cho Trung Quốc. Kinh tế nước này đang đình đốn và từ nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành mục tiêu tăng tiêu thụ nội địa để bớt phụ thuộc vào xuất khẩu như vừa nói. Thành thử quyết định của Washington tuần trước, có nguy cơ gây bất ổn trong xã hội Trung Quốc và nguy cơ này là rất, rất lớn » .

 

Tác động đối với Trung Quốc cũng sẽ mạnh hơn so với cuộc chiến thương mại hồi 2018-2019 do Hoa Kỳ cũng đã rút kinh nghiệm trong thương lượng với Bắc Kinh. Trong kế hoạch thuế quan lần này, châu Á là khu vực bị đánh nặng nhất. François Monnier, tổng biên tập tuần báo Investir chuyên về đầu tư :

 

« Chúng ta thấy rõ mục tiêu của Donald Trump là để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với Trung Quốc. Chính vì thế mà Washington đánh thuế rất nặng vào các nước châu Á : Trung Quốc bị 34 % nhưng các nước châu Á khác cũng chịu mức thuế rất cao, tránh để Bắc Kinh sử dụng lại chiến lược Trung Quốc + 1, tức là di dời sản xuất sang các quốc gia chung quanh. Chúng ta thấy Việt Nam bị đánh thuế 46 %. Ở nhiệm kỳ đầu chính quyền Trump đã phạm phải sai lầm chỉ tập trung vào Trung Quốc và do vậy mà các doanh nghiệp nước này chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam để từ Việt Nam, xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Lần này chúng ta thấy Mỹ tấn công một cách toàn diện vào châu Á ». 

 

Ngày 30/03/2025 các quan chức cao cấp ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, ba nhà vô địch về xuất khẩu của châu Á họp tại Seoul và bàn về kế hoạch « hợp tác », hướng tới một « khu vực tự do mậu dịch » ba bên. Như thể dưới tác động của « trận bão » mang tên Trump, Tokyo, Bắc Kinh và Seoul tạm gạt sang một bên các bất đồng để cứu nguy kinh tế.

 

Cũng dưới tác động của « Ngày Giải Phóng »,  Washington tạo cơ hội để Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc tìm được một sân chơi chung. Đây cũng có thể là cơ hội để làm sống lại thỏa thuận đầu tư mà Bruxelles và Bắc Kinh đã ký vội vào cuối 2020 nhưng từ đó đến này hoàn toàn bị lãng quên.  

 

Sau cùng như báo The Economist nhận định chính sách thuế quan của ông Trump đẩy lạm phát ở Hoa Kỳ lên cao, dân Mỹ càng khó cai nghiện « hàng rẻ Trung Quốc »

 

Nhưng Trung Quốc ý thức rằng, chiến tranh thương mại Washington khai mào có sức công phá rất lớn nếu như Donald Trump hủy hoại kinh tế Hoa Kỳ. Nền kinh tế số 1 thế giới bị đình đốn hay suy thoái thì sẽ là « một thảm họa » với hàng ngàn, hàng chục ngàn công ty Trung Quốc gia công cho các hãng của Mỹ. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng bị kéo vào vòng xoáy khủng hoảng vì cho đến nay chưa một thị trường nào trên thế giới, kể cả tại 27 nước Liên Âu có được sức mua mạnh như của 350 triệu dân Mỹ.

 





No comments: