Saturday, April 12, 2025

TRUMP NGĂN NOAA NGHIÊN CỨU VỀ MÔI TRƯỜNG : MỸ TỰ BỊT MẮT TRƯỚC THIÊN TAI (Trọng Thành / RFI)

 



Trump ngăn NOAA nghiên cứu về môi trường: Mỹ tự bịt mắt trước thiên tai

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 12/04/2025 - 16:48

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250412-trump-ng%C4%83n-noaa-nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u-v%E1%BB%81-m%C3%B4i-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-m%E1%BB%B9-t%E1%BB%B1-b%E1%BB%8Bt-m%E1%BA%AFt-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-thi%C3%AAn-tai

 

Chính quyền Trump hướng đến loại bỏ hoàn toàn các hoạt động nghiên cứu của Cơ quan Quan sát Đại dương và Khí quyển Quốc gia NOAA. Truyền thông Mỹ hôm qua, 11/04/2025, loan tải thông tin về một tài liệu của Nhà Trắng gửi Quốc Hội, với nội dung chính là cắt giảm đến 75% ngân sách dành cho khoa học của NOAA.

 

HÌNH :

Biểu tình việc chính quyền Trump cắt giảm ngân sách của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia, ngày 03/03/2025, tại Silver Spring, Maryland, Mỹ. Getty Images via AFP - CHIP SOMODEVILLA

 

Ngay trước khi đài CNN và tạp chí chuyên ngành Sciences loan báo tin này, dân biểu đảng Dân Chủ Zoe Lofgren, thành viên chủ chốt của Ủy Ban Môi trường Quốc Hội Mỹ báo động kế hoạch ngân sách của Trump về NOAA là « nguy hiểm ». Các chương trình nghiên cứu của NOAA đóng một vai trò quan trọng trong việc dự báo khí tượng, phân tích tình trạng khí hậu và bảo vệ đại dương, không chỉ với nước Mỹ, mà còn với toàn thế giới.

 

Hành động như vậy không khác gì tự bịt mắt mình trước các hiểm họa thiên tai, đang gia tăng do Trái đất bị hâm nóng. Thông tín viên Guillaume Naudin tường trình từ Washington :

« Đây mới chỉ là dự thảo, dự kiến ​​sẽ chỉ có hiệu lực từ đầu năm tài chính tiếp theo, cuối tháng 9/2025, nhưng các tài liệu, mà một số báo chí Mỹ tiếp cận được, nêu rõ là định hướng chung này phải được tuân thủ ngay từ bây giờ. Định hướng chung là chính phủ sẽ đóng cửa nhiều cơ sở nghiên cứu khác nhau của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Hải dương học Quốc gia – NOAA.

 

Có tổng cộng khoảng mười tổ chức như vậy trên khắp cả nước, hoạt động trong lĩnh vực ứng phó với những cơn bão tàn phá và các cơn lốc xoáy ngày càng dữ dội và thường xuyên hơn, cũng như ứng phó với tình trạng đại dương ấm lên. Lĩnh vực nghiên cứu phải chuẩn bị cắt giảm đến 75% ngân sách, khoản này sẽ được phân bổ lại cho các lĩnh vực khác. Ngoài ra, tài liệu này, tương đương với một chỉ thị về khung ngân sách ở Pháp, còn quy định cắt giảm mạnh các chương trình về khí hậu và ngân sách dành cho học bổng và giáo dục trong lĩnh vực hoạt động của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Hải dương học Quốc gia.

 

Tổng ngân sách sẽ bị cắt giảm 27%. Lý do của việc cắt giảm là rõ ràng và thậm chí còn được nêu rõ bằng văn bản: các chương trình này không phù hợp với nguyện vọng của người dân Mỹ theo chính phủ. Chính phủ Mỹ cũng có kế hoạch cắt giảm một nửa ngân sách dành cho các chương trình khoa học của Cơ quan Hàng không và Không gian Quốc gia NASA. »

 

 

Hướng đến thỏa thuận đánh thuế cacbon toàn cầu với vận tải biển

 

Theo AFP, các quốc gia thành viên của Tổ chức Hàng hải Quốc tế OMI, một cơ quan thành viên của Liên Hiệp Quốc, trong cuộc họp tại Luân Đôn hôm qua, 11/04, ủng hộ thỏa thuận về đánh thuế cacbon toàn cầu. Đây là lần đầu tiên, cộng đồng quốc tế đạt được một thỏa thuận sơ bộ đánh thuế đối với lĩnh vực gây ô nhiễm nghiêm trọng, góp phần đáng kể vào biến đổi khí hậu hiện nay. Để có hiệu lực, văn bản sẽ phải được các quốc gia thành viên thông qua trong cuộc họp tháng 9/2025.

 

Các quốc gia thành viên OMI cam kết đạt trung hòa khí thải vào năm 2050. Trước mắt, tính đến năm 2030, phải cắt giảm 40% khí thải so với 2008. Số tiền thu được từ việc đánh thuế ước tính từ 10 đến 15 tỉ euro/năm, dự tính sẽ được dùng để hỗ trợ ngành hàng hải các nước đang phát triển trong tiến trình chuyển sang kinh tế xanh.

 




No comments: