Tình
hình sẽ ra sao nếu Mỹ bỏ rơi châu Á ?
Minh Phương
- RFI
Đăng
ngày: 07/04/2025 - 11:45
Từ
Tokyo, Seoul, Đài Bắc đến Manilla, các đồng minh của Mỹ ngày càng lo ngại bị tổng
thống Donald Trump bỏ rơi như cách mà ông đã làm với Ukraina hay Liên Âu. Vị thế
“người bảo hộ” mà chính Mỹ đã dày công gây dựng từ sau Đệ nhị thế chiến,
liệu sẽ còn lại gì dưới thời Trump II?
HÌNH
:
Tổng
thống Mỹ Donald Trump công bố mức "thuế đối ứng" toàn cầu tại Nhà Trắng
ở thủ đô Washington, Mỹ, vào ngày 2 tháng 4 năm 2025. AFP - BRENDAN
SMIALOWSKI
Một
mặt, Washington khẳng định mong muốn củng cố hiện diện ở châu Á để đối phó với
Trung Quốc, đối thủ thực sự của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và cố vấn An
ninh Quốc gia Mike Waltz đã bảo đảm với các đồng minh châu Á rằng Hoa Kỳ sẽ
không rút lui khỏi khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Trong
khi đó, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Pete Hegseth thì nhấn mạnh trong chuyến thăm
Tokyo hôm 30/03 rằng : “Mỹ quyết tâm duy trì khả năng răn đe mạnh mẽ, sẵn
sàng và đáng tin cậy trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm cả eo biển
Đài Loan” và gọi Nhật Bản là “đối tác không thể thiếu để răn đe bất kỳ
cuộc tấn công quân sự nào từ Trung Quốc cộng sản”.
Nhưng
mặt khác, người ta cũng tự hỏi rằng những cam kết của Hoa Kỳ liệu có đáng tin,
nhất là khi nguyên thủ Mỹ cho rằng đồng minh là những “kẻ ăn bám”, lợi dụng
Mỹ? Ông Yann Rousseau, trưởng văn phòng châu Á của tờ Les Echos nhận định rằng với ông Trump, các đồng
minh chỉ là gánh nặng không hơn không kém. Hồi đầu tháng Ba, tổng thống Mỹ đã
giận dữ phát biểu : “Chúng ta đã hỗ trợ cả thế giới. Chúng ta đã hỗ trợ
NATO. Chúng ta trả tiền cho các hóa đơn của các quốc gia khác.” và cũng
không quên mỉa mai rằng : “Chúng ta có một hiệp ước “thú vị” với Nhật Bản.
Chúng ta phải bảo vệ họ nhưng họ lại không cần phải bảo vệ chúng ta.”
Ông
Trump còn tố cáo những đồng minh châu Á là những kẻ lừa đảo. Theo ông, họ đã
làm giàu trong suốt hàng thập kỷ qua trên lưng những người lao động Mỹ và gây
ra mức thâm hụt thương mại khổng lồ mà Mỹ đang phải gánh chịu. Tokyo và Seoul lần
lượt bị cáo buộc thao túng tiền tệ để hỗ trợ xuất khẩu hoặc đóng cửa biên giới
đối với hàng hóa “Made in USA”. Ông cũng không ngần ngại đánh thuế đối với xe
hơi của Nhật và Hàn Quốc dù biết rằng điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới
ngành công nghiệp sản xuất của hai đồng minh thân cận. Vậy liệu có phải Mỹ đang
muốn bỏ rơi các đồng minh châu Á? Mọi việc sẽ ra sao nếu viễn cảnh này xảy
ra?
Châu
Á thức tỉnh
Với
bài học nhãn tiền là Ukraina và châu Âu, các đồng minh châu Á của Mỹ sẽ nhận ra
rằng đã đến lúc họ không còn có thể trông cậy vào sự bảo hộ của Mỹ, từ đó thức
tỉnh và tự bảo vệ chính mình. Tờ Les Echos trong bài “Dưới thời Trump, đồng minh
châu Á đang phòng thủ”, nhận định, ngân sách quân sự đang tăng lên ở khắp
nơi tại châu Á và nhu cầu về vũ khí đang được đánh giá lại. Vấn đề hạt nhân,
trước đây là điều cấm kỵ, giờ đang trở thành chủ đề tranh luận công khai ở Hàn
Quốc cũng như ở Nhật Bản. Nhà nghiên cứu chính trị Dominique Moïsi, cố vấn cấp
cao tại Viện nghiên cứu Montaigne và viện Quan hệ Quốc tế
Ifri, nhấn mạnh thêm rằng Donald Trump “đang mạo hiểm khuyến khích một cuộc
chạy đua vũ khí hạt nhân ở châu Á. Tổng thống Mỹ cũng gửi một thông điệp đáng
lo ngại tới các đồng minh rằng :“Giờ thì các người tự lo liệu đi.”
Bắc
Kinh tăng cường vị thế
Hơn
nữa, nếu bỏ rơi châu Á, Mỹ sẽ khó có thể kiềm hãm việc Trung Quốc bành trướng tại
khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông Louis Gautier, giảng viên khoa học chính
trị tại đại học Paris Panthéon-Sorbonne, nhấn mạnh trên nhật báo Les Echos, rằng
các đồng minh châu Á của Mỹ, bao gồm Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines là những
điểm tựa quan trọng để Washington có thể duy trì một sự cân bằng sức mạnh cần
thiết đối phó với tham vọng bá quyền của Bắc Kinh trong khu vực. Hệ thống đồng
minh của Mỹ ở khu vực này không phải là hệ thống đa phương toàn cầu như NATO mà
đó là một mạng lưới chằng chịt các thỏa thuận song phương, các quan hệ đối tác
chiến lược, hợp tác quân sự và các hợp đồng vũ khí mang tính cấu trúc. Mỹ có
khoảng 20 căn cứ quân sự với 95.000 lính Mỹ đóng quân tại các quốc gia này.
Không
những khiến Mỹ mất đi khả năng đối phó với Trung Quốc, thái độ bất nhất của người
ngồi trong phòng Bầu Dục hiện nay thậm chí còn có thể khiến các nước châu Á
xích lại gần với Trung Quốc hơn. Trong bài “Trump có thể khiến châu Á, chứ
không phải Mỹ, vĩ đại trở lại”, tờ South China Morning Post trích lời ông Yuqing
Xing, một giáo sư kinh tế tại Viện Nghiên cứu Chính sách đại học Quốc gia
Tokyo, cho rằng “những thay đổi mang tính cách mạng” mà chính quyền
Trump mang lại đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho Trung Quốc xin gia nhập Hiệp
định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là hiệp
định kế thừa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đề xuất nhưng
sau đó đã sụp đổ khi ông Trump rút Washington khỏi hiệp định vào nhiệm kỳ tổng
thống đầu tiên. Giới quan sát cũng nhận định, Trung Quốc sẽ ngày càng chuyển
từ “chế độ chiến binh sói lang” sang ngoại giao “gấu
trúc” ở cả Đông Á và châu Âu để tận dụng khoảng trống mà
ông Trump đang tạo ra khi rút lui khỏi các mối quan hệ và tự cô
lập Hoa Kỳ.
Hơn
nữa, theo tờ báo, mối quan hệ giữa ba cường quốc Đông Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc
và Hàn Quốc dường như đang ngày càng xuống thang căng thẳng. Hôm 30/03, Tokyo,
Bắc Kinh và Seoul đã đồng ý thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại ba bên để giải
quyết “những thách thức mới nổi”. Đồng quan điểm, kinh tế
gia Nick Marro tại cơ quan phân tích và dự báo kinh tế Economist
Intelligence Unit trả lời trên đài CNN rằng : “Nhật Bản và Hàn Quốc hiện vẫn chưa
có khả năng trả đũa Mỹ, nhưng điều họ có thể làm là phát triển một cách thầm lặng
mối quan hệ với Bắc Kinh để tái kết nối và đánh giá lại cơ hội thị
trường Trung Quốc.”
Liên
minh Á-Âu hiệp lực đối đầu Mỹ
Ngoài
Bắc Kinh, châu Âu cũng có thể được hưởng lợi nếu Hoa Kỳ quay lưng với châu Á. Từ
Bruxelles, Tokyo, Seoul, Bắc Kinh đến nhiều nước Đông Nam Á đều là nạn
nhân của chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Trump, và vì thế, họ
có thể coi việc hợp tác và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và hệ thống
thương mại toàn cầu là điều cần thiết và khẩn cấp. Các nước này đóng
vai trò quan trọng trong các chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, do vậy họ sở
hữu những quân bài mạnh mẽ để chống lại Mỹ nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo
thang. Các công ty đa quốc gia của Mỹ phụ thuộc nghiêm trọng vào những
quốc gia này để sản xuất hàng hóa, do vậy nếu không có sự tham
gia của họ, cán cân thương mại của Mỹ – chưa kể đến thị trường chứng khoán Mỹ –
có thể chịu những đòn đánh nặng nề.
Ông
Gautier nhận định rằng Liên Hiệp Châu Âu cũng có thể tận dụng cơ hội này để
đóng vai trò là một cường quốc cân bằng, quan tâm đến vấn đề không phổ biến vũ
khí hạt nhân, điều tiết quốc tế và tôn trọng pháp quyền để tránh một cuộc hỗn
loạn toàn cầu. Điều này sẽ giúp các quốc gia châu Âu và châu Á đẩy mạnh hợp tác
để duy trì thịnh vượng và hòa bình.
Tượng
Nữ thần Tự do không còn “thắp sáng” Thiên An Môn
Vậy
còn người Mỹ, họ sẽ nhận được gì? Nhà nghiên cứu Dominique Moïsi nhận định nước
Mỹ vốn luôn tự hào rằng bản thân là “một cường quốc bảo vệ trật tự” sẽ
biến thành “nhân tố gây bất ổn toàn cầu dưới thời Donald Trump”. Ông
Moïsi đặt ra hàng loạt câu hỏi : Nước Mỹ liệu còn có thể đi truyền bá khắp nơi
về đạo đức, về các giá trị dân chủ với phần còn lại của thế giới? Tượng Nữ thần
Tự do, từng được những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989
giương cao như một biểu tượng về tự do và dân chủ, giờ đây còn đại diện cho điều
gì? Liệu nước Mỹ dưới thời Trump còn có thể dạy cho người Trung Quốc những bài
học về dân chủ hay không? Hay ngược lại, chính Trung Quốc mới là người đang dạy
Mỹ những bài học về chủ nghĩa tư bản? Chỉ cần lắng nghe bài phát biểu của chủ tịch
Trung Quốc tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos và sự ca ngợi của ông về toàn cầu
hóa là ta sẽ có câu trả lời.
-----------------------------
Các
nội dung liên quan
ĐIỂM
TUẦN BÁO
Bài
toán khó để « Ngày giải phóng » của Trump không trở thành « Ngày lụn bại »
Tạp
chí Đặc biệt
Áp
thuế toàn cầu và ý đồ làm suy yếu đồng đô la của tổng thống Trump
No comments:
Post a Comment