Nhã Duy
13/04/2025
https://baotiengdan.com/2025/04/13/thue-quan-cuoc-chien-tu-diet/
Khi
tòa Bạch Ốc công bố công thức tính thuế lên các quốc gia với các thang thuế
khác nhau, người ta nhận ra đó chỉ là một một phép tính toán học căn bản, chẳng
liên quan đến kinh tế học hay mậu dịch lẫn các dữ liệu thực tế nào cả. Chúng chỉ
là những số liệu vô nghĩa và phi lý. Việt Nam không đánh thuế hàng Mỹ đến 90%
và đảo hoang của những chú chim cánh cụt có liên quan gì đến giao thương.
Điều
này thể hiện một đối sách vội vã, tự phụ và đầy cảm tính, cá nhân của Donald
Trump nhằm tạo áp lực lên thế giới, buộc các nước tái cân bằng mậu dịch với Mỹ
hơn là dựa trên nền tảng giao thương truyền thống qua các hiệp ước và định chế
quốc tế. Hoặc nhỏ nhặt hơn, để trả thù những gì đã xảy ra trong quá khứ: Trump
ra lệnh áp thuế cả những vật phẩm tâm linh từ Vatican đưa sang Mỹ như một thái
độ với những gì đức Giáo Hoàng Francis từng bày tỏ.
Nhưng
cuộc chiến thuế quan và mậu dịch không đơn giản như Donald Trump và các cố vấn
của ông ta nghĩ. Chỉ một ngày sau khi tuyên bố “không thể thương lượng”, kể cả
sau khi Việt Nam đồng ý giảm thuế nhập cảng hàng hóa Mỹ xuống còn zero, Trump
đã phải tuyên bố “đình chiến” 90 ngày với các nước, ngoại trừ với Trung Quốc.
Không
bởi chỉ vì thị trường chứng khoán như bị rơi tự do sau “ngày giải phóng”, mà cả
trái phiếu lẫn đồng đô la cũng bị rớt giá, điều hiếm xảy ra khi thị trường biến
động. Mặt khác, nội các của Trump có thể cũng hiểu được là người dân Mỹ không đủ
kiên nhẫn với một chính sách thuế quan sẽ gây ra lạm phát và đội giá hàng tiêu
dùng tại Mỹ.
Mỹ
là quốc gia giàu có, kinh tế lẫn văn hóa Mỹ là tiêu xài. Khoảng hơn hai phần ba
kinh tế Mỹ đến từ mua sắm, tiêu xài và dịch vụ. Dưới thời Biden, người ủng hộ
Donald Trump than van vật giá đắt đỏ, lạm phát tăng cao dù việc mua sắm, tiêu
xài hay du lịch tăng cao mức kỷ lục.
Cứ
lấy kỹ nghệ xe hơi làm ví dụ. Trong năm qua, dân Mỹ mua gần 16 triệu chiếc xe.
Đây là mức tiêu thụ khổng lồ và là chỉ dấu của một nền kinh tế ổn định và phát
triển.
Mỹ
không cần phải sản xuất toàn bộ 16 triệu chiếc xe này, mà thị trường và người
tiêu dùng quyết định mua xe nào họ thích, bất kể xe Mỹ hay xe nhập cảng. Đó là
nền tảng của thị trường tự do và quy luật cung cầu. Miễn sao kinh tế phát triển
và thị trường việc làm ổn định, cũng như thị trường chứng khoán tăng trưởng thì
dân Mỹ sẽ tiếp tục tiêu thụ xe như vậy.
Và
như nguyên tắc vận hành kinh tế, nó sẽ tạo ra vô số công ăn việc làm cho dân Mỹ
qua các dealer bán xe, vận chuyển và bến bãi xe, các tiệm bán phụ tùng, tiệm sửa
chữa và bảo trì xe, rồi các ngân hàng, hãng tín dụng, cung cấp dịch vụ tài
chính cho xe, kỹ nghệ bảo hiểm…
Như
vậy, không cứ nhà máy sản xuất xe mới tạo ra công ăn việc làm liên quan đến xe
hơi. Các kỹ nghệ khác cũng tương tự như vậy.
Donald
Trump chỉ trích Nhật bản lẫn Nam Hàn đã không mua xe Mỹ trong khi Mỹ phải nhập
hàng triệu chiếc mỗi năm. Đây là điều không liên quan đến công bằng mậu dịch
hay giao thương, thuế quan. Nó là văn hóa và điều kiện sử dụng lẫn tâm lý tiêu
dùng. Người Nhật chỉ chuộng xe nội địa khi 90% dân Nhật chạy xe Nhật, với
Toyota dẫn đầu thị trường, còn lại là Honda, Nisan và các hiệu xe khác. Mặt
khác, xe Mỹ cồng kềnh, kiểu dáng lẫn chất lượng đều thua xe Nhật, lại không phù
hợp với chỗ đậu và điều kiện giao thông (tay lái nghịch) nên không thích hợp với
thị trường Nhật.
Nhật
không bảo hộ mậu dịch vì đã từ lâu không còn áp thuế lên xe ngoại quốc nhập cảng
bởi điều này không cần thiết, cũng như chính phủ muốn tạo điều kiện dễ dàng cho
người dân có sở thích mua xe ngoại quốc. Có nhập cảng thì xe vào Nhật phần lớn
là xe Đức chứ không phải xe Mỹ. Đòi hỏi các quốc gia phải cân bằng mậu dịch xem
ra là điều không thể, như trường hợp xe Nhật đã dẫn.
Mỹ
giàu có và sức tiêu thụ cao nên hàng nhập cảng nhiều, còn những quốc gia nghèo
như Việt Nam, Lào, Campuchia… làm gì có khả năng tiêu xài như Mỹ khi đồng lương
và giá nhân công quá thấp so với Mỹ để mua hàng và cân bằng mậu dịch. Có mấy quốc
gia có sức tiêu thụ như Mỹ?
Thêm
nữa, Donald Trump quên rằng việc giao thương với thế giới không chỉ là hàng hóa
mà còn là dịch vụ mà Mỹ đã xuất cảng ra thế giới. Chưa kể những nguồn thu phi
hàng hóa khác như tài chánh, điện ảnh, âm nhạc… Trong năm 2023, Mỹ đã xuất cảng
649 tỉ đô la nhu liệu và dịch vụ kỹ nghệ cao.
Đồng
thời, sự “xuất cảng bản địa” cũng không được nhắc đến. Các tập đoàn tài chánh,
khách sạn, hàng tiêu dùng của Mỹ mở chi nhánh hay hãng xưởng tại các quốc gia sở
tại, dùng ngay nhân công bản địa giá rẻ để cung cấp dịch vụ, sản xuất hàng hóa
cho chính thị trường đó. Cứ xem có bao nhiêu ngân hàng, khách sạn, nhà máy bia,
thuốc lá, xà-bông, kem đánh răng… của Mỹ được sản xuất tại nhiều quốc gia trên
thế giới, kể cả ngay Việt Nam.
Các
quốc gia khác đã quá hiểu điều này nên Trung Quốc bắt đầu ra lệnh hạn chế phim ảnh
Hollywood mà Trung Quốc là một thị trường to lớn của Mỹ, cũng như khối EU cảnh
báo họ có thể áp thuế các hãng hi-tech trên lợi nhuận quảng cáo của Youtube,
Facebook … tại các quốc gia trong khối, như một phần trong việc thương lượng
thuế quan với Mỹ. Chưa kể về mặt tài chánh, các nước đang nắm giữ trái phiếu
(bond) của Mỹ có thể lặng lẽ bán ra như đòn trả đũa, gây khủng hoảng cho thị
trường tài chánh, lẫn khoản nợ khổng lồ của nước Mỹ.
Chuyện
dời sản xuất về Mỹ cũng thiếu thực tế và cần chọn lọc kỹ nghệ, ngành nghề. Bởi
nước Mỹ đã qua thời kỹ nghệ sản xuất hàng tiêu dùng dành cho các nước đang phát
triển mà tập trung vào kỹ nghệ cao, kỹ thuật nặng, máy móc tân tiến. Để các nước
nghèo có nhân công rẻ sản xuất cho mình, vừa hưởng lợi vừa tiết kiệm chi phí. Mỹ
đâu cần phải mở hãng giày, may quần áo, đóng bàn ghế hay đưa sản xuất lặt vặt về
lại Mỹ. Thay vào đó, Mỹ cần buộc các hãng đưa các việc làm chuyên môn trong kỹ
nghệ cao và các dịch vụ trở về Mỹ, khuyến khích các hãng Mỹ hay nhà đầu tư vào
Mỹ muốn nhận được hợp đồng của chính phủ cần ưu tiên mướn dân Mỹ. Có như vậy
thì thị trường việc làm mới luôn ổn định và tăng trưởng, kéo theo việc tiêu xài
nhiều hơn và đưa kinh tế phát triển.
Tự
do mậu dịch và kinh tế thị trường từ lâu là chính sách của đảng Cộng Hòa mà
không ít dân biểu Cộng Hòa từng ủng hộ, hay chính J.D Vance cũng đã từng chỉ
trích chính sách thuế quan của Donald Trump thời nhiệm kỳ đầu. Sự im lặng hay
đổi chiều hiện nay không vì quyền lợi nước Mỹ lẫn chính sách họ từng ủng hộ,
mà chỉ để tung hô Donald Trump nhằm duy trì quyền lực chính trị của họ. Tuy
nhiên có đang là vậy, điều nhiều phần sớm hay muộn sẽ xảy ra là, Trump tự tuyên
bố đã chiến thắng và ngưng hay giảm chuyện thuế quan này.
Còn
bằng tiếp tục, thì như chàng Narcissus trong thần thoại Hy Lạp, người cuối cùng
đã chết bởi chính sự tự phụ và tự ái của mình, Donald Trump đang bắn vào nước Mỹ
cùng chính người dân Mỹ trong cuộc chiến thương mại tự hủy diệt này.
No comments:
Post a Comment