Thursday, April 10, 2025

THỔ NHĨ KỲ THAY TRUNG QUỐC LẤP ĐẦY KHOẢNG TRỐNG CỦA HOA KỲ (Bình Thiên  |  Người Việt)

 



Thổ Nhĩ Kỳ thay Trung Quốc lấp đầy khoảng trống của Hoa Kỳ

Bình Thiên  |  Người Việt

April 6, 2025 : 9:00 AM

https://www.nguoi-viet.com/sai-gon-nho/tho-nhi-ky-thay-trung-quoc-lap-day-khoang-trong-cua-hoa-ky/

 

Thổ Nhĩ Kỳ, dưới thời Tổng Thống Recep Tayyip Erdogan, đang vươn lên như một thế lực mới, không chỉ ở khu vực Trung Đông mà còn trên trường quốc tế.

 

 

Thổ Nhĩ Kỳ và tầm ảnh hưởng ở châu Phi và Trung Đông

 

Sự rút lui của Mỹ khỏi Trung Đông từ năm 2021 và chuyển trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc, cùng với sự thận trọng của Trung Quốc trong việc can thiệp trực tiếp vào các điểm nóng toàn cầu, đã tạo ra một khoảng trống quyền lực đáng kể.

 

Là quốc gia có là nền kinh tế đứng thứ 19 thế giới, với dân số hơn 85 triệu người, cũng như một vị trí địa lý chiến lược nối liền châu Âu, châu Á và Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ đang định vị mình như một “tác nhân an ninh toàn cầu” mới. Không chỉ dừng lại ở tiềm lực, Ankara còn cho thấy một chính sách đối ngoại ngày càng chủ động và quyết đoán, thể hiện rõ qua vai trò trung gian hòa giải ngày càng tăng trong các cuộc xung đột khu vực, từ Syria, Libya đến nỗ lực gần đây liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

 

Mới đây, Ankara thực hiện một bước đi táo bạo trong vai trò gìn giữ hòa bình ở Ukraine khi Bộ Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này sẵn sàng gửi quân tới quốc gia Đông Âu này để tham gia một sứ mệnh gìn giữ hòa bình nếu cần thiết, với điều kiện một lệnh ngừng bắn được tuyên bố trước và các đơn vị không chiến đấu được triển khai để giám sát, theo Reuters. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ, cùng sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng, đã làm thay đổi cán cân quyền lực khu vực, đặt ra những thách thức chiến lược cho cả các đồng minh châu Âu và các cường quốc như Nga và Mỹ, cũng như cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc ở khu vực Trung Đông và châu Phi.

 

Thực tế cũng cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tích cực khẳng định vai trò trung gian hòa giải, và sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng.

 

Với hơn 13 triệu người tị nạn và hàng chục tỷ Mỹ kim thiệt hại kinh tế, Syria giờ đây trở thành bàn cờ mà Thổ Nhĩ Kỳ đang kiểm soát một phần quan trọng khi kiểm soát các khu vực rộng lớn ở miền Bắc thông qua các lực lượng ủy nhiệm và quân đội chính quy, với hơn 5,000 km² lãnh thổ nằm dưới sự quản lý trực tiếp hoặc gián tiếp của họ (theo SOHR). Thổ Nhĩ Kỳ cũng triển khai hơn 10,000 quân cùng hàng trăm xe bọc thép và máy bay không người lái tới Idlib và Aleppo, góp phần làm sụp đổ chế độ Assad vào cuối năm 2023 (theo SOHR).

 

Ở Libya, Ankara cung cấp máy bay không người điều khiển (UAV) Bayraktar TB2 và cố vấn quân sự cho Chính Phủ Đoàn Kết Dân Tộc (GNA), giúp đẩy lùi cuộc tấn công của Tướng Khalifa Haftar vào Tripoli năm 2020, đồng thời ký các hợp đồng dầu khí trị giá hàng tỷ đôla năm 2023.

 

Tại châu Phi, các công ty quân sự tư nhân như SADAT đã mở rộng hoạt động ở Somalia và Mali, với căn cứ quân sự lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ tại Mogadishu (khánh thành năm 2017) trở thành biểu tượng cho sự hiện diện ngày càng tăng. Theo Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI), xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ sang châu Phi tăng 69% từ 2018-2023, đạt doanh thu hơn $1.2 tỷ.

 

Sự gia tăng sức mạnh quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ được hỗ trợ bởi ngành công nghiệp quốc phòng phát triển vượt bậc. Máy bay UAV Bayraktar TB2 đã chứng minh hiệu quả tại Syria, Libya và Nagorno-Karabakh, nơi Azerbaijan giành chiến thắng trước Armenia năm 2020 nhờ công nghệ này, đặc biệt tính hiệu quả của nó đã giúp quân đội Ukraine giành nhiều lợi thế với Nga. Điều này không chỉ khiến các cường quốc như Trung Quốc và Nga phải chú ý mà còn nâng cao vị thế của Ankara trên trường quốc tế.

 

 

Thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ của Trung Quốc trước áp lực từ Mỹ

 

Đối mặt với sự gia tăng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc lại chọn chiến lược ngoại giao thận trọng hơn khi Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong các vấn đề nóng như chống khủng bố, nhưng lại dè dặt trong việc can thiệp sâu vào các điểm nóng như Ukraine hay Syria.

 

Tại cuộc gặp tháng Sáu 2023, Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Vương Nghị đã cảm ơn người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan Thổ Nhĩ Kỳ vì đã hỗ trợ sơ tán hơn 1,500 công dân Trung Quốc khỏi Syria trong giai đoạn nội chiến leo thang. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác chống khủng bố, đặc biệt là chống lại Phong Trào Hồi Giáo Đông Turkestan (ETIM) ở Tân Cương – một mối đe dọa lớn đối với Bắc Kinh do sự ủng hộ tiềm tàng từ một số nhóm ở Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Tuy nhiên, Bắc Kinh lại rơi vào một tình thế khó xử và đối mặt với áp lực lớn khi Mỹ mời họ tham gia nỗ lực hòa bình ở Ukraine tại Davos Tháng Giêng 2023. Tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos, Mỹ mời Trung Quốc tham gia nỗ lực hòa bình ở Ukraine, với hy vọng Bắc Kinh có thể gây áp lực lên Nga để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Lời mời này không khác gì một phép thử về vai trò quốc tế của Trung Quốc. Một mặt, việc tham gia có thể giúp Trung Quốc nâng cao vị thế và thể hiện vai trò “cường quốc trách nhiệm.” Mặt khác, nó lại có thể gây tổn hại đến mối quan hệ vốn đã phức tạp với Nga, đối tác chiến lược quan trọng và có chung đường biên giới dài nhất với Trung Quốc.

 

Mặc dù Trung Quốc đã quen và khó lòng bị đe dọa với những “đòn” trừng phạt kinh tế từ Mỹ khi không còn xa lạ gì với các lệnh trừng phạt “ăn miếng trả miếng” dưới thời chính quyền Trump, chính quyền Bắc Kinh có thể tiếp tục trợ giá và hạ giá sản phẩm xuất khẩu để tiếp tục cạnh tranh với Hoa Kỳ, thậm chí còn sẵn sàng đáp trả tăng mức thuế quan và nhắm tới điều tra pháp lý các công ty công nghệ Mỹ đang kinh doanh ở Trung Quốc.

 

Nhưng sự cứng rắn trên mặt trận thương mại không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẵn sàng dấn thân vào các cuộc xung đột địa chính trị, khi việc làm trung gian cho một lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine lại là một thách thức hoàn toàn khác, vượt xa các vấn đề thương mại song phương. Thực tế, trái với Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc luôn thể hiện sự thận trọng và tránh các động thái táo bạo từ Ukraine đến Syria.

 

Trong bối cảnh đó, Saudi Arabia cũng đang nổi lên như một nhân tố trung gian quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình khi chủ trì cuộc họp cấp cao giữa các quan chức Ukraine và Mỹ nhằm tiến tới thỏa thuận hòa bình với Nga. Tuy nhiên, nỗ lực này gặp nhiều trở ngại khi Nga ngày càng củng cố vị thế trên chiến trường.

 

 

Thách thức Trung Quốc và lấp đầy khoảng trống của Mỹ ở Trung Đông

 

Tuy vậy, cách tiếp cận của Saudi Arabia chỉ mang tính ngoại giao thuần túy, mà thiếu thực chất. Còn Thổ Nhĩ Kỳ, được định hướng bởi “Tầm nhìn Tân Ottoman” của Tổng Thống Erdogan, lại thể hiện một cách tiếp cận đa chiều và quyết đoán hơn. Tầm nhìn này thúc đẩy Ankara đóng vai trò trung gian hòa giải (như trong “Thỏa Thuận Ngũ Cốc Biển Đen” năm 2022, giúp phóng thích 33 triệu tấn ngũ cốc),  và biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một thế lực độc lập, tự chủ, đi theo một con đường riêng khi sẵn sàng sử dụng cả sức mạnh mềm (ngoại giao hòa giải) và sức mạnh cứng (quân sự) cũng như vị thế chiến lược (kiểm soát Biển Đen) để để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

 

“Tầm nhìn Tân Ottoman” được thể hiện một cách rõ nét trong bối cảnh xung đột Ukraine khi Ankara đảm nhận vai trò “kép” đặc biệt, đồng thời là người hòa giải trong bóng tối vừa là nhà cung cấp vũ khí một cách công khai cho cả hai phe.

 

Dù là thành viên NATO và sở hữu quân đội lớn thứ hai trong khối (hơn 510,000 quân, theo Global Firepower 2023), Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga năm 2019, bất chấp phản đối từ Mỹ và bị loại khỏi chương trình mua máy bay chiến đấu F-35. Không dừng lại ở đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga, với kim ngạch thương mại song phương đạt $55 tỷ năm 2022 (theo Cơ Quan Thống Kê Thổ Nhĩ Kỳ, TUIK). Tình hình Biển Đen cũng phản ánh rõ sự thay đổi trong cán cân quyền lực khi Moscow giờ đây phụ thuộc vào sự chấp thuận của Ankara để duy trì trung tâm hậu cần tại cảng Tartus của Syria sau sự sụp đổ của chế độ Assad.

 

Tuy nhiên, trong khi duy trì quan hệ kinh tế và chính trị với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Ankara đã cung cấp cho Kyiv hơn 50 UAV Bayraktar TB2 do công ty Baykar sản xuất, cùng hàng chục xe bọc thép và đạn pháo (theo Bộ Quốc phòng Ukraine). Baykar, công ty công nghệ quân sự hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ về UAV và AI, cũng đã bắt đầu xây dựng một nhà máy gần Kyiv với kế hoạch sử dụng khoảng 500 lao động, cũng như các công ty đóng tàu như STM và Anadolu Shipyard đang đàm phán để cung cấp tàu chiến và hỗ trợ tái thiết Hải quân Ukraine sau những tổn thất nặng nề trong xung đột với Nga.

 

Nhờ sự cân bằng này, Ankara tránh được đối đầu trực tiếp với Moscow, đồng thời gia tăng ảnh hưởng trong các cuộc đàm phán hòa bình với Nga. Ảnh hưởng này không giới hạn ở Ukraine, bởi Tổng Thống Erdogan vẫn duy trì các kênh ngoại giao với Moscow để thảo luận với Putin về các thỏa thuận an ninh trên phạm vi rộng hơn, từ Syria đến Libya.

 

Trái ngược với Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc chủ yếu dựa vào “ngoại giao kinh tế” để đối phó với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Viện Doanh Nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute), Bắc Kinh đã đầu tư hơn $50 tỷ vào các dự án năng lượng tái tạo ở Trung Đông từ 2013-2023, đồng thời thúc đẩy Sáng Kiến Vành Đai Và Con Đường (BRI) với hàng trăm tỷ đôla cho cơ sở hạ tầng.

 

Tuy nhiên, trong một trật tự quốc tế nơi sức mạnh quân sự ngày càng quyết định tương lai, câu hỏi đặt ra là liệu “ngoại giao tiền tệ” của Trung Quốc có đủ để duy trì ảnh hưởng trước sự trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ? Với GDP $18 nghìn tỷ (Ngân Hàng Thế Giới, 2023), Trung Quốc có tiềm lực kinh tế vượt trội, nhưng sự thiếu vắng hành động quân sự trực tiếp có thể khiến họ bị tụt lại trong cuộc đua địa chính trị.

 

 




No comments: