22/04/2025
https://baotiengdan.com/2025/04/22/sau-ngay-tan-cuoc/
Ngày
2/5/1975, UBND Cách mạng xã Phú Xuân gọi tất cả binh lính chế độ cũ mang theo
“căn cước quân nhân”, “chứng chỉ tại ngũ”… đến xã trình diện. Mọi người điền
vào tờ khai nộp và xếp hàng chờ đến lượt bà Sáu Nhung (chủ tịch xã, trên 30 tuổi,
mặc bà ba đen, quấn khăn rằn, mang AK) phỏng vấn vừa đập bàn: “Anh bắn chết bao
nhiêu cán bộ cách mạng?” – “Nói láo, đi lính ba năm mà không bắn chết chiến sĩ
giải phóng nào? Phải thành khẩn khai báo mới được hưởng khoan hồng của cách mạng”…
Là
du kích Bến Tre, bà Sáu Nhung căm thù lính Sư đoàn 7 và lính Tiểu khu Kiến Hòa,
bà hỏi “Mày ở Trung đoàn 10, mà ở tiểu đoàn 3/10 hay 4/10?” – “Mày ở Trung đoàn
11 có biết hai thằng tiểu đoàn trưởng 2/11 và 3/11 ác ôn đang trốn ở đâu
không?” – “Mày có tham gia trận càn ngày 22/6/1970 không?”. Đối với lính địa
phương quân thì bà đọc tên những đồn trưởng khát máu, ác ôn. Bà “quay” lính Sư
đoàn 7 và lính Tiểu khu “lên bờ xuống ruộng” cả 15 phút/người, cho đến khi mồ
hôi trán đổ ướt mặt mới thôi.
Có
lẽ, bà chưa đụng trận với Lực lượng trừ bị rằn ri, như Thủy quân Lục chiến, Nhảy
dù, nên bà không đưa họ vào “diện phỏng vấn đặc biệt”. Nhưng đến lượt tôi, tuy
“chưa kịp gây nợ máu”, nhưng bà thắc mắc về cấp bậc của tôi ghi là “sinh viên
sĩ quan”: “chỉ có chuẩn úy, thiếu úy, làm gì có cấp bậc sinh viên sĩ quan?” Tôi
trình bà căn cước quân nhân, chứng chỉ tại ngũ, sự vụ lệnh cử tôi đi Mỹ, tất cả
đều ghi “sinh viên sĩ quan Mai Bá Kiếm”. Bà hỏi “nếu tốt nghiệp anh mang lon
gì?”, tôi nói “thiếu úy” – “vậy anh ghi “thiếu úy”. Tôi trình bày “Tôi về nước
ngày 13/3/1975, tuy có bằng phi công, nhưng tôi phải học thêm khóa “Điều chỉnh
sĩ quan”. Ngày 28/3/1975 lẽ ra tôi ra Nha Trang học điều chỉnh, thì Đà Nẵng thất
thủ, nên ở lại Tân Sơn Nhứt thuộc “Đơn vị thặng số”. Bà Sáu tịch thu giấy tờ của
tôi rồi ký lên “Giấy đăng ký học tập cải tạo”.
Những
ngày sau đó, cứ 5 giờ sáng, ông Hai Ngóc tổ trưởng đi khắp xóm gọi “ngụy quân,
ngụy quyền” tập họp ở văn phòng ấp đi làm thủy lợi. Má tôi nấu cơm, tôi bỏ cơm
và khô cá vào lon Guigoz để ăn trưa. Ông Hai Ngóc có con đi lính VNCH, thằng
Giáp đi lính VNCH xung phong làm tổ phó cũng gọi tôi “lính ngụy”. Thằng Sủng
chưa đi lính – con Sáu tiệm vàng chuyên buôn đô la đỏ, làm bí thư đoàn ấp canh
me tôi sát nút, sau đó nó vượt biên sang Mỹ! Ông Ba Sang, ông Năm Dần, ông Tư
Kiệt, có đi Việt Minh rồi về thành, đến 30/4/1975 nhảy ra đeo băng đỏ làm trưởng
ấp. Ông Ba Xuân thợ giặt ủi, xưng là người chỉ điểm pháo kích tổng kho xăng dầu
Nhà Bè, làm phó công an xã, miệng hét ra lửa! Nhớ lại, muốn thành “sĩ quan đề
lô” (Officier de loterie) của VNCH phải tốt nghiệp sĩ quan Thủ Đức, rồi đến Dục
Mỹ học pháo binh 6 tháng, mới đi tiền tiêu điều chỉnh tác xạ. Ông Ba Xuân thợ
giặt ủi làm đề lô, nên pháo bay khỏi Tổng kho xăng dầu hơn một cây số, rớt
trúng nhà ông Tư Tẩu làm chết bốn người!
Ông
Ba Sang trưởng ấp 5, đạo Cao Đài, bận bà ba trắng mang K.54, ông Tư Kiệt người
lùn mặc pijama đen, mang CKC dài chấm đất. Tôi không sợ người mặc quân phục
mang súng, vì họ có quân kỷ, còn bà ba và pijama mang súng, không biết họ nổ
lúc nào? Khi họ nhắm bắn ăn cướp thì chắc chắn trúng người la làng. Trước đó,
ông Ba Sang chạy xe lam, ông Tư Kiệt sửa xe đạp là người có tuổi, sống tử tế.
Nhưng bất ngờ nhất là bác Năm Dần, bác quản lý đám “ngụy quyền” đắp thủy lợi, đứng
trên bờ đê chửi những bạn lười, câu giờ: “Bọn mũi nhọn, lông tay bị đánh chạy về
nước hết, tụi bây là tay sai, không còn bơ thừa sữa cặn mà liếm đâu, ở đó mà
làm biếng nhớt thây, “ngụy quân” phải tự giác lao động, học tập cải tạo để được
cách mạng khoan hồng!
Bên
thắng cuộc liên tục chửi “ngụy quân, tay sai, liếm gót” trên loa, trên đài chưa
hết nhục, đàng này bác là dân Phú Xuân mấy đời như ba tôi, sao bác chửi con
cháu thậm từ như ở miền ngoài vậy? Hôm đó, bác Năm Dần phân công nhóm 10 “ngụy
quân” tôi, một người dùng len xắn đất, chuyền tay lên đắp tại mặt bọng. Đất ruộng
nơi có bọng thì trũng và nhão, nên cục đất khi tới bờ rã ra còn phân nửa, đến
11g trưa vẫn chưa đầy. Cứ mỗi lần bác đi kiểm tra ở các dây khác là có người
trong dây của tôi trốn, đến 11g30 còn ba người. Tôi xin bác cho ăn cơm trưa và
cho thêm người để chiều đắp. Bác nói tụi bây không biết tự quản lý, để 7 thằng
bỏ trốn, ba thằng còn lại phải đắp cho đầy, chiều mà không đầy, ba thằng nằm xuống
để tao đắp đất, lấy thân tụi bây độn như cây ráng.
Tôi
nói “Bác không có quyền coi tui tôi như thú, tôi về đây, bác muốn làm gì thì
làm”. Ngày hôm sau, ông Hai Ngọc phó ban an ninh ấp gọi tôi lên xử lý. Tại văn
phòng ấp, không thấy Năm Dần, tôi xin ông Hai Ngọc mời Năm Dần và hai người còn
lại để đối chứng. Ông Hai Ngọc nói “Không cần, chú bị Mỹ nhồi sọ, bây giờ muốn
chống chánh quyền cách mạng hả?”. Tôi nói, tôi không hề có hành động hay lời
nói xúc phạm tới chính quyền cách mạng, rồi tôi kể hết đầu đuôi câu chuyện, ông
Hai Ngọc có vẻ hiểu, bắt tôi viết kiểm điểm, rồi cho về. Ba tháng sau ngày
30/4, hệ thống thủy lợi ấp 5 và ấp 6 được đắp bằng đất chèn lá dừa nước đã sạt
lở. Chúng tôi gia cố cừ tràm, đắp thêm. Nhưng sau vụ lúa mùa (6 tháng), hệ thống
thủy hại không giữ được nước cấy vụ đông xuân. Từ đó, xã Phú xuân trở về một vụ
như thời chưa được giải phóng.
TÔI
SUÝT BỊ XỬ TỬ
Rạng
sáng 17/6/1975, một giọng Bắc gọi “mở cửa” kèm theo tiếng báng súng dộng vào cửa
trước. Tôi và ba tôi ngủ trên bộ ván nhà trên, bật dậy mở cửa, bật đèn. Một anh
bộ đội bước vào chĩa súng vào bụng tôi, kéo cơ bẩm lên đạn và bảo “đứng im”.
Thiếu úy Nguyễn Văn Thiệu – đại đội trưởng thuộc E.88 (quân quản ấp 4, 5, 6) bước
vào nhà cùng ba bộ đội khác, nói “Hôm qua là ngày cuối cùng cho sĩ quan ngụy cấp
úy trình diện đi cải tạo, chúng tôi đến đây để cưỡng chế đối tượng Mai Bá Kiếm
đi học tập”. Sợ quá – hóa liều, tôi đưa hai tay lên trời, ưỡn bụng ra và nói “Nếu
các anh có bằng chứng tôi là thiếu úy, các anh cứ bắn tôi. Các anh qua bà Sáu
Nhung xem các giấy tờ tôi nộp có ghi cấp bậc thiếu úy không? Giấy tờ đó đều ghi
tôi là sinh viên sĩ quan. Ở Trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, sinh viên sĩ quan tốt
nghiệp mang lon chuẩn úy, mà chuẩn úy không đi học tập trung, tôi còn thấp hơn
chuẩn úy nên không đi tập trung là đúng”
Thiếu
úy Thiệu nói “Nhân dân tố cáo anh là thiếu úy, học bên Mỹ về”. Tôi nói, các anh
và bà Sáu Nhung là cán bộ cách mạng, ở cách nhau chưa đầy một cây số sao không
gặp để xem giấy tờ của tôi nộp, hoặc mấy anh liên lạc với đơn vị quân quản căn
cứ Tân Sơn Nhất xem tàng thư tôi có phải thiếu úy không? Thiếu úy Thiệu nói
“nhân dân tố không bao giờ sai”! Tôi bỗng nhớ còn giữ thẻ lãnh lương. Thẻ màu
vàng có hình tôi, có chữ ký tôi lãnh lương tháng 3 và tháng 4 là 17.800 đồng/tháng.
Tôi nhờ ba tôi lấy bóp của tôi móc ra thẻ lương, tôi cắt nghĩa “17.800 đồng là
lương trung sĩ, chứ không phải lương thiếu úy”! Ba má tôi hiểu thế nào là chứng
cứ, cùng lên tiếng kêu oan cho tôi. Ba tôi nói “nếu nó là thiếu úy ông bắn luôn
tôi đi”. Thấy không ổn, thiếu úy Thiệu ra hiệu, anh bộ đội rút mũi súng ra khỏi
bụng tôi, lui về cạnh cửa. Chị Hai và ba em gái tôi khóc, thiếu úy Thiệu nói
“Tôi đưa anh Kiếm về văn phòng đại đội để điều tra, không ai được đi theo, nếu
anh Kiếm không phải sĩ quan, tôi sẽ trả về chính quyền địa phương quản lý”.
Văn
phòng đại đội là nhà mượn của ông Sáu Tiệm, cách nhà tôi 400 mét, lúc đó trời
sáng, hàng xóm tò mò xem tôi bị bắt. Tại nhà chú Sáu Tiệm, tôi yêu cầu thiếu úy
Thiệu liên lạc với bà Sáu Nhung, nhưng anh ta lờ đi và nói “Anh học ở Mỹ, chúng
nó nhồi sọ anh chủ nghĩa đế quốc, để chống phá chủ nghĩa Mác-Lê, anh nên tình
nguyện đi cải tạo để trở thành công dân tốt”. Biết đây là bước nhượng bộ, tôi
nói “Tôi là con trai một với 4 chị em gái, nên không di tản dù đang ở sân bay
Tân Sơn Nhất, tôi không phải diện đi cải tạo tập trung, các anh hãy để tôi về để
lo cho cha mẹ. Thiếu úy Thiệu đưa tôi hai tờ giấy ca rô và bắt tôi viết tường
trình. Khoảng 9 giờ, thiếu úy Thiệu cho tôi đi bộ về nhà. Từ đó, chòm xóm không
ai nói chuyện với tôi, buồn nhất người anh chú bác ruột cũng lánh mặt tôi ba
tháng.
Nhà
tôi có cửa ngõ và rào ba mặt, mặt sau giáp con rạch không có rào. Khi bộ đội
chĩa súng vô bụng tôi ở nhà trên, em gái út 15 tuổi sợ quá, mở cửa trốn ra sau,
bỗng thấy hai bộ đội cầm súng, nghĩa là họ lội từ rạch lên, bao vây chu đáo! Từ
đó, mỗi đêm nghe chó sủa là tim tôi nuốn rớt ra ngoài. Sau khi hết đi thủy lợi,
tôi xin làm thư ký cho “Công đoàn xe lam” (Sau là Hợp tác xã xe lam), tôi đánh
máy giỏi, viết báo cáo hay (cho phòng giao thông) nên bác Nhu chủ tịch Công
đoàn quý tôi. Làm được bốn tháng, ông Hai Ngọc phó ban an ninh Ấp thấy tôi ngồi
đánh máy, bèn gọi bác Nhu ra nói “Thằng này học Mỹ về, anh cho nó làm, nó coi hết
tài liệu của ta”. Thế là mất việc, tôi đành xin làm “công nhật” ở Nhà máy luyện
cán thép Việt Thành, dùng búa tạ đập sắt gù mới ra lò. Một tổ bốn thằng, đập bốn
vỉ (40 phôi sắt) ăn 44 xu. Mỗi tổ phải đập 16 vỉ, để mỗi thằng lãnh 44 xu/ngày.
Một bạn trong tổ tôi bị phôi sắt đè gãy chân, tôi không bị thương nhưng chân
tay bị phỏng, sau một năm rưỡi đập sắt gù, tôi làm cháy hai đôi giày boot de
chaud (của trường Bộ binh Thủ Đức và trường bay Sheppard), bù lại tôi biết đứng
trên giàn cao ba mét, quay búa 7kg cả chục vòng không mỏi.
TÔI
ĐƯA EM SANG SÔNG
Tôi
cù lần, nhát gái, 21 tuổi vào trường Bộ binh Thủ Đức chưa có mảnh tình lận
lưng. Mỗi chủ nhật, ra vườn tao ngộ thấy bạn gái đi thăm bạn đồng khóa mà mơ.
Tháng 12/1972, sang Không quân, tôi quen được một hoa khôi trường Trung học Cần
Giuộc, nhờ người quen hai bên làm mai. Da nàng trắng, mũi cao, môi son, tóc
dài, chữ viết bay bướm với nét đá, nét bụng. Tháng 6/1973 tôi học Anh ngữ tại
Gò vấp, nàng học Trường Quốc gia Sư phạm Sài gòn thỉnh thoảng nghỉ trưa tôi
xách xe máy ra trường nàng ngồi ghế đá tâm sự, khiến nhiều bạn (nam lẫn nữ)
ghen tỵ. Chúng tôi có đến nhà nhau ra mắt ba má. Nàng đi coi bói kể lại tôi
“Anh Tân Mẹo, cầm tinh con mèo, xuất tướng tinh con rái cá, cân nặng “Một cây
hai”, mạng tòng bá mộc. Em Nhâm Thìn, cầm tinh con rồng… mạng trường lưu thủy.
Thầy nói, nước sông dài nuôi cây cao, bóng cả là rất hạp nhau”. Tháng 10/1973,
tôi thi đủ điểm đi Mỹ, nàng may hai áo dài tím, hứa sẽ mặc đi dạy sau khi tốt
nghiệp tháng 6/1974.
Tôi
ở Mỹ 16 tháng, thư từ Việt Nam qua Mỹ và ngược lại mất hai tuần, tôi đã gửi 15
lá thư và nhận 15 lá. Mỗi lá tôi kèm 5-6 tấm hình màu, mỗi lá nàng kèm một chân
dung trắng đen chụp ở ảnh viện, tấm nào cũng đẹp như nghệ sĩ. Năm 1974, nàng
lên Lai Khê (gần căn cứ Sư đoàn 5 bộ binh) dạy tiểu học. Khi tôi về nước, nàng
về hai lần vào ngày chủ nhật trong tháng 3/1975 để gặp tôi ở nhà bạn học ở Q.8.
Sau đó, tình hình chiến sự leo thang, quốc lộ 13 không an toàn, tôi không gặp
nàng nữa. Sau 30/4, tôi bị quản chế tại chỗ, không thấy nàng về thăm. Khoảng
tháng 9/75, nàng hẹn gặp tôi ở nhà bạn nói rằng, việc dạy học ở Lai Khê quá vất
vả, thiếu điện, thiếu dầu, thiếu gạo nàng sống không nổi. Ty Giáo dục chỉ cho
cô nào có chồng được về Sài gòn. Má nàng biết vậy ép nàng lấy anh B. kĩ sư công
chánh, đang làm phó giám đốc một xí nghiệp (Má nàng và má Kĩ sư B là bạn thân).
Tôi
suy nghĩ một lúc rồi nói “Hiện tại của anh mất, tương lai anh không có, còn dĩ
vãng của anh bị sĩ nhục, nguyền rủa mỗi ngày. Mạng anh là cây tòng bá giờ thành
“tà bóng”, không thể che cho em! Anh chúc em hạnh phúc”! Một hồi sau, nàng nói
“Em lấy chồng, rồi sẽ có ngày anh lấy vợ. Thư và hình ảnh tặng cho nhau có thể
làm cho tụi mình mất hạnh phúc”. Tôi nói
“Em đúng, anh sẽ trả cho em tất cả thơ, hình”. Nhớ ngày 17/1/1973, Mỹ và Bắc Việt
trao trả tù binh cho nhau tại sông Bến Hải và Lộc Ninh. Hơn hai năm sau, tôi và
nàng “trao trả thư từ” tại Q.8. Chủ nhật tuần sau đó, nàng đưa tôi xấp thư gói
trong giấy báo. Tôi đưa lại nàng xấp thư, nàng giở ra kiểm tra từng tấm ảnh.
Tôi không kiểm tra thư. Đám cưới nàng không mời tôi, như lời tôi dặn lúc chia
tay. Nàng sinh đứa con trai đầu lòng năm 1976, nên được về Sài Gòn vì lý do con
mọn. Tôi đàn guitar hay, nhưng ca rất dở, vậy mà cứ khoái hát bài “Tôi đưa em
sang sông” của Y Vũ – Nhật Ngân.
Năm
1979, Trung đoàn E.88 sang Campuchia đánh Ponpot, thiếu úy Thiệu hy sinh, tôi
buồn và cầu cho anh siêu thoát. Nếu anh bộ đội chĩa súng vô bụng tôi đọc được
bài này, xin vui lòng liên lạc, tôi sẽ đãi anh nhậu với rượu XO. Bởi vì, anh đã
không lỡ tay cướp cò, hoặc là trong băng đạn không có đạn. Dù giả thiết nào tôi
đều biết ơn!
No comments:
Post a Comment