Phá
giá đô la và tái cơ cấu nợ của Mỹ : Kế hoạch còn nguy hiểm hơn chiến tranh
thương mại
Thanh Hà - RFI
Đăng
ngày: 15/04/2025 - 16:24
Trong
tuần lễ từ ngày 07-13/2025 thị trường chứng khoán toàn cầu trồi sụt thất thường
và bị chấn động vi « trận bão thương mại » xuất phát từ thủ đô
Washington. Công luận thế giới tập trung vào chiến tranh thương mại không hồi kết
giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng « đó mới chỉ là tiền đề cho một chiến lược
quy mô hơn, nguy hiểm hơn ». Mang nợ nhiều nhất trên thế giới, Hoa Kỳ muốn
hình thành một trật tự mới về tiền tệ và tài chính.
HÌNH
:
Đồng
đô la Mỹ, đơn vị tiền tệ quốc tế và đơn vị dự trữ. Ảnh minh họa. AP - Anupam
Nath
RFI
mời giáo sư Eric Monnet, trường kinh tế Paris School of Economics giải thích về
« chiến thuật nguy hiểm » đó của chính quyền Trump mà mục tiêu sau
cùng là « tái cơ cấu núi nợ » 30.000 tỷ đô la của Hoa Kỳ.
Mỹ
lấn cấn vì núi nợ 30.000 tỷ đô la
Đầu
tuần trước, lãi suất tín dụng mà Hoa Kỳ phải đi vay đã đột ngột tăng mạnh :
lãi suất tín dụng 10 năm « tăng gần nửa điểm » trong vài giờ đồng hồ
trong đêm 9-10/04, làm dấy lên viễn cảnh quốc gia mang nợ lớn nhất thế giới phải
đối mặt với một « cuộc khủng hoảng niềm tin », thiếu hụt thanh khoản.
Nhiều tờ báo tài chính quốc tế nói đến « một làn gió hoảng loạn » đã
thổi đến Nhà Trắng trong vài giờ và chính điểm này đã buộc tổng thống Donald
Trump phải tạm hoãn cuộc chiến thương mại với toàn cầu (ngoại trừ với Trung Quốc).
Hãng
tin Mỹ Bloomberg xác nhận hiện tượng một số chủ nợ của Washington « ồ ạt
bán đi Treasuries - công trái phiếu » của Hoa Kỳ mà họ
đang nắm giữ. Mãi tận Singapore, cơ quan môi giới Lombard Odier cũng nói đến
« một cuộc đình công từ phía các chủ nợ cho Hoa Kỳ vay mượn tiền ». Tại
Nhà Trắng, các cộng tác viên và cố vấn tài chính, tiền tệ của tổng thống Donal
Trump ghi nhận « nhiều hoạt động bất thường, bán đi công trái phiếu của Mỹ
». Hiện tượng này « xuất phát từ châu Á » vào lúc mà Nhật Bản và
Trung Quốc là hai chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ
Cùng
lúc tỷ giá hối đoái của đô la Mỹ sụt giảm. Tổng thống Donald Trump muốn giữ giá
đô la ở mức thấp để thúc đẩy xuất khẩu, hay chính xác hơn là để thu hẹp thâm hụt
mậu dịch của nền kinh tế số 1 toàn cầu với rất nhiều các bạn hàng trên thế giới
- đứng đầu là Trung Quốc.
Vậy
thì tại sao Nhà Trắng đã vội lùi bước trên vấn đề thuế quan khi chiến dịch
« Ngày Giải Phóng » nước Mỹ của ông Trump mới chỉ vừa có hiệu lực lúc
00 giờ ngày 09/04 ?
Trả
lời RFI Việt ngữ, giáo sư Eric Monnet, giảng dậy tại trường kinh tế Paris
School of Economics, trước hết trở lại với mục tiêu chính của cuộc chiến thương
mại Mỹ đang khơi mào với quá nhiều những thông báo ồn ào để rồi cũng Nhà Trắng
lại đính chính sau đó hay thay đổi ý kiến vào giờ chót.
Eric
Monnet : « Thật
khó để biết Hoa Kỳ thực sự đang tính toán những gì, nhưng ít nhất chúng ta có
thể suy luận mục tiêu chính : Họ muốn có một cán cân thương mại thặng dư.
Tức là xuất khẩu nhiều hơn là nhập khẩu. Điều đã được chứng minh trong các phát
biểu của Trump, cũng như trong các thống kê ông đã trình bày. Hoa Kỳ muốn chấm
dứt tình trạng nhập siêu, chinh phục lại vị trí của một cường quốc thương mại.
Thế nhưng Washington tuyệt đối không khuyến khích dân chúng hạn chế mua hàng của
nước ngoài mà lại chọn giải pháp trừng phạt các bạn hàng của Mỹ, để cộng đồng
quốc tế giảm xuất khẩu vào Mỹ.
Có
hai vũ khí để giảm tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới vào Hoa Kỳ : một
là các hàng rào quan thuế như đã được đề cập đến rất nhiều. Biện pháp thứ hai
là phá giá đồng tiền Mỹ so với các đơn vị ngoại tệ khác. Nhưng đến nay biện
pháp này chưa được sử dụng cho dù đã được chính quyền Trump nói tới khá nhiều ».
Tăng
sức hấp dẫn của hàng Mỹ, « dìm hàng ngoại »
Việc
làm yếu đi đồng đô la đơn giản chỉ làm cho hàng Mỹ rẻ hơn so với hàng của những
nơi khác bán sang Hoa Kỳ. Chính quyền Washington qua đó kỳ vọng hàng Mỹ có sức
thu hút cao hơn, để có thể xuất khẩu dễ hơn, đồng thời thì hàng nhập vào Hoa Kỳ
trở nên đắt đỏ hơn, nên dân Mỹ sẽ chuộng đồ nội địa. Mục tiêu phá giá đồng tiền,
hay ít ra là giữ giá đồng đô la ở mức thấp để kích thích xuất khẩu của Mỹ, được
coi là « giai đoạn 2 » của một chiến lược « rộng lớn » và
nguy hiểm đối với thế giới. Kế hoạch đó do 2 nhân vật chủ xướng. Người thứ nhất
là bộ trưởng Tài Chính Scott Bessent và Stephen Miran cố vấn cho ông Trump.
Miran hoạt động trong hậu trường. Tháng 11/2024 đã công bố một cặn kẽ những
bước để thực hiện điều mà « chiến lược gia » về tiền tệ và tài chính
này báo trước sẽ là một « cuộc Big bang ».
3
giai đoạn của một cuộc cách mạng tiền tệ
Kế
hoạch mang tên ông Miran gồm : Ở giai đoạn 1, Mỹ mở một cuộc thương chiến
« tàn khốc » đến nỗi, tất cả các đối thủ phải cầu cạnh Washington.
Khi đó ở giai đoạn 2, Hoa Kỳ đồng ý nhượng bộ với điều kiện các « chủ nợ »
phải bán bớt đồng đô la, qua đó giảm tỷ giá hối đoái của đồng tiền Mỹ. Ở giai
đoạn cuối cùng Washington đòi các chủ nợ thay thế công trái phiếu của Mỹ họ
đang nắm giữ để bằng những « công trái có giá trị cả trăm năm ».
Giai
đoạn 3 này mới là mục tiêu sau cùng chiến lược gia tài chính của Donald Trump,
Stephen Miran nhắm tới : Đây là giải pháp cho phép « giảm nhẹ gánh nặng
nợ nần » của nước Mỹ, giảm bớt lãi suất tín dụng mà hàng năm chính quyền
Liên Bang vẫn phải thanh toán cho các chủ nợ nước ngoài mà đứng đầu là Nhật Bản,
Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu.
Giáo
sư kinh tế Eric Monnet, trường Paris School of Economics phân tích tiếp :
Eric
Monnet :
« Có hai cách để làm giảm giá trị đồng đô la : đầu tiên là nới lỏng
chính sách tiền tệ, đòi Ngân Hàng Trung Ương giảm lãi suất chỉ đạo. Và chúng ta
đã thấy rằng Trump đang gây áp lực, đặc biệt là qua những phát biểu trên mạng
xã hội để Cục Dự Trữ Liên Bang Fed, giảm lãi suất. Cách thứ nhì để giảm giá đồng
tiền và đây là kế hoạch thực sự của Stephen Miran. Ông này chủ trương Mỹ đàm
phán với những quốc gia đang nắm giữ nhiều đô la, như Châu Âu, Trung Quốc
hay Nhật Bản để đạt được một thỏa thuận dẫn đến việc giảm giá trị đồng đô
la so với các đồng tiền lớn khác ».
Thuế
hải quan : vũ khí để mặc cả
Đòi
các quốc gia khác đến thảo luận với Hoa Kỳ, nhưng đổi lại Mỹ cũng phải nhượng bộ
: tức là khi các quốc gia khác đồng ý duy trì một « đồng đô la
yếu », họ được lợi gì ?
Eric
Monnet : « Chính
xác là như vậy và cũng vì thế mà chiến lược của Mỹ trước hết là phải dùng đòn
thuế hải quan để áp đặt với thế giới luật chơi. Bắt mọi người phải thương thuyết,
để rồi sau đó, trong một giai đoạn thứ hai, Hoa Kỳ dùng đòn thuế quan như công
cụ đòi các quốc gia khác chấp nhận việc giảm giá trị tỷ giá hối đoái, tức là giảm
giá trị đồng đô la.
Và
đó là điều mà họ gọi là Thỏa Thuận Mar A Lago (dinh thự riêng của Donald Trump ở
bang Florida). Cho tới nay thỏa thuận Mar A Lago chưa hiện hữu, đây mới chỉ là
một kế hoạch. Ý tưởng ở đây là Trump cũng thực hiện một thỏa thuận, đàm phán về
tỷ giá hối đoái tương tự như Thỏa Thuận Plaza hồi năm 1985 đạt được dưới chính
quyền của tổng thống Ronald Reagan. Plaza là tên một khách sạn ở New York và
cũng chính tại đây Washington và các đối tác đã đồng ý giảm tỷ giá hối đoái của
đô la ».
Vẫn
trong cuộc trả lời dành cho RFI Tiếng Việt hôm 10/04/205 vừa qua, giáo sư
Monnet nói đến tính khả thi của kế hoạch mà tổng thống Trump và các cộng tác
viên của ông gọi là « Thỏa thuận Mar A Lago ».
Eric
Monnet : « Kế
hoạch này có khả thi hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình thế
giới đến lúc đó, tức là liệu rằng chiến tranh thương mại Mỹ gây nên sẽ làm rối
loạn toàn cầu tới mức nào, kinh tế của thế giới có nguy cơ bị xuống dốc quá hay
không… Nếu tình hình quá tồi tệ, thì điều đình hạ giá đô la có thể là cánh cửa
duy nhất để khôi phục một chút mô hình đa phương trong một thế giới ngày càng hỗn
loạn trước mắt, đây là điều có thể xảy ra nhưng không phải là vào thời điểm hiện
tại và chắc chắn là không phải theo các điều khoản mà Mỹ đang áp đặt với thế giới
như hiện nay. Đương nhiên thỏa thuận quốc để giảm giá đồng đô la sẽ bất lợi cho
các quốc gia khác trên thế giới ».
Nguy
cơ Mỹ không còn làm chủ tình hình
Điều
khó hiểu ở đây là vào lúc chính quyền Mỹ tìm cách giữ giá đồng đô la thấp so với
các ngoại tế khác trên thế giới (euro, franc Thụy Sĩ, yen hay nhân dân tệ…) thế
nhưng Nhà Trắng bị đẩy vào thế bất an, khi đồng đô la trượt giá và trước tin dường
như Trung Quốc -và có thể là cả Nhật Bản, đang mạnh tay bán ra công trái phiếu
của Hoa Kỳ.
Giáo sư
Eric Monnet thận trọng phân tích về hiện tượng đó :
Eric
Monnet : « Thực
ra hiện tại rất khó để nói chính xác liệu Trung Quốc có bán trái phiếu kho bạc
Mỹ hay không. Các dữ liệu trước mắt chưa cho phép tôi khẳng định điều đó. Trái
lại, mối đe dọa đó là có thật. Tức là Trung Quốc, cũng như nhiều ngân hàng
trung ương khác trên thế giới đang nắm giữ rất nhiều trái phiếu nợ của Mỹ như một
khoản dự trữ ngoại tệ. Những quốc gia này hoàn toàn có thể bán ra những công
trái đó của Hoa Kỳ, giới hạn dự trữ bằng đô la để đi mua các ngoại tệ khác, có
thể là euro chẳng hạn.
Đây
là kịch bản từ lâu nay Hoa Kỳ đã lo sợ và cũng là lý do tại sao Donald Trump từng
dọa nạt thế giới, kể cả Bắc Kinh là nếu mà các quốc gia này bán trái phiếu kho
bạc Mỹ thì ông Trump sẽ lại càng tăng thuế hải quan. Nhưng một khi Nhà Trắng đã
ấn định những mức thuế hải quan quá cao đi mất rồi, chúng ta tự hỏi điều gì thực
sự có thể ngăn cản các quốc gia này bán đô la.
Trong
đêm 9 rạng sáng 10 tháng 4/2025 (theo giờ Paris) một khối lượng lớn công trái
phiếu của Mỹ được bán ra, đô la mất giá. Cùng lúc lãi suất ngân hàng Mỹ phải đi
vay tăng mạnh, làm tăng chi phí nợ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên đây là con dao hai lưỡi
vì trong trường hợp của Trung Quốc, ồ ạt bán đi đô la, tiền Mỹ mất giá, tức là
đồng tiền Trung Quốc bị đẩy lên cao. Điều này bất lợi cho xuất khẩu của Trung
Quốc do vậy Ngân hàng trung ương đã phải can thiệp tìm cách giữu tỷ giá hối
đoái ở mức thấp so với đồng tiền của Hoa Kỳ. Nước cờ đó không có lợi gì cho Bắc
Kinh. Nhưng những giao động trong tuần qua cho thấy chúng ta đã bước vào
một thế giới mà ở các bên luôn chủ trương dùng sức mạnh để áp đặt chính sách
kinh tế ».
Mục
tiêu của Mỹ : Phá giá đồng đô la
Theo
quan niệm của ông trùm tiền tệ đứng trong bóng tối cố vấn cho tổng thống Trump
là do quy chế của đơn vị đồng tiền dự trữ và là thước đo lường các
luồng thương mại cho toàn cầu mà đô la của Mỹ bị nâng giá một cách « bất
công, cướp đi hàng triệu công việc làm của người lao động Hoa Kỳ », thành
thử điều đơn giản là Mỹ cần « bắt các nền kinh tế khác trên thế
giới đóng góp hay đúng hơn là trả giá khi họ sử dụng đô la như một đơn vị tiền
tệ dự trữ ».
Một
đồng đô la mềm giá tăng sức cạnh tranh của hàng công nghiệp made in USA và sẽ
bóp ngạt các đối thủ cạnh tranh của Hoa Kỳ. Trước mắt Thỏa thuận tiền tệ Mar A
Lago của chiến lược gia kinh tế Miran vẫn còn là một « kế hoạch » còn
đang được hình thành, nhưng đã để lộ rõ những điều như sau : Thứ nhất, chính
quyền Trump có khuynh hướng « mặc cả với thế giới bằng sức mạnh »
nhưng không chắc sẽ đem lại những kết quả như mong muốn.
Thứ
hai, như kinh tế gia Nicolas Véron được báo Les Echos
(17/03/2025) trích dẫn đã nhận định, chủ trương kết hợp các đòn thuế quan mạnh
tay và hù dọa của chính quyền Trump, mới chỉ chưa đầy 100 ngày ở Nhà Trắng, đã
hủy hoại hết các mối liên minh gắn chặt siêu cường thương mại và nền kinh tế số
1 toàn cầu với những nước bạn thân thiết nhất như Canada, Mêhicô, Liên Âu và cả
nhiều đồng minh của Mỹ ở Châu Á. Chưa biết sẽ có Thỏa Thuận Mar A Lago nào hay
không để thay thế Thỏa Thuận Plaza chỉ biết rằng trước mắt, nước Mỹ của Donald
Trump không còn nhiều đồng minh.
Điểm
thứ ba là Hoa Kỳ sẵn sàng thay đổi luật chơi về tài chính và thương mại, khai tử
mô hình do chính Washington đã tạo ra, miễn là làm sao có lợi cho nước Mỹ.
No comments:
Post a Comment