‘Nghệ thuật thương
thuyết,’ mèo nào cắn mỉu nào?
Trúc Phương/Người Việt
April
13, 2025 : 7:31 PM
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/nghe-thuat-thuong-thuyet-meo-nao-can-miu-nao/
Trong
khi Tổng Thống Donald Trump “hổ báo” với tất cả đồng minh, Trung Quốc đang tận
dụng tối đa thời cơ có một không hai này. Chưa bao giờ sức mạnh Mỹ lao xuống
đáy vực nhanh như vậy và chưa bao giờ cơ hội đến với Trung Quốc nhiều bằng lúc
này.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/BL-Tap-Trump-1536x1024.jpg
Chủ
Tịch Tập Cận Bình và Tổng Thống Donald Trump trong lần gặp nhau vào Tháng Mười
Một, 2017, tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Hình: Thomas Peter-Pool/Getty Images)
“Viễn
thân bất như cận lân”
Năm
2018, Chủ Tịch Tập Cận Bình nói rằng thế giới đang trải qua “những thay đổi sâu
sắc chưa từng thấy trong một thế kỷ.” Khái niệm này trở thành trọng tâm trong
thế giới quan địa chính trị của Bắc Kinh, gợi lên sự tương đồng với những thay
đổi dữ dội sau Thế Chiến Thứ Nhất, khi thế giới chứng kiến sự sụp đổ các đế chế
Châu Âu và sự sắp xếp lại chính trị quốc tế. Bây giờ, thế giới lại chứng kiến sự
thay đổi rúng động tương tự, lần này đến từ nước Mỹ.
Hàng
loạt đồng minh truyền thống Châu Âu của Mỹ hiện từng bước tiến thẳng đến Bắc
Kinh. Tại Hội Nghị An Ninh Munich trung tuần Tháng Hai, 2025, Ngoại Trưởng
Vương Nghị nói rằng Trung Quốc là “một thế lực xây dựng kiên định trong một thế
giới đang thay đổi.”
Vương
Nghị nói thêm, “Trung Quốc luôn coi Châu Âu là một cực quan trọng trong thế giới
đa cực,” nhấn mạnh “hai bên là đối tác, không phải đối thủ.”
Thông
điệp của họ Vương rất rõ: Trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang được đánh
dấu bằng loạt căng thẳng giữa Washington và EU, đặc biệt Berlin, (thì) Trung Quốc
sẵn sàng đảm nhận vai trò là đối tác đáng tin cậy với tư cách là quốc gia cam kết
tạo ra một “thế giới đa cực bình đẳng và có trật tự.”
Tổng
Thống Joe Biden đã rất đúng khi “đánh” Trung Quốc bằng cách kiến thiết chặt chẽ
quan hệ gắn bó với Châu Âu, vốn dĩ ngày càng phụ thuộc Trung Quốc. Cần nhắc lại,
trong gần một thập niên, Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Đức.
Berlin thậm chí đã bỏ phiếu chống lại hàng rào thuế quan của EU nhằm vào xe điện
Trung Quốc. Quyết định Berlin đã phản ánh thực tế rằng một số lĩnh vực nhất định
trong nền kinh tế xuất khẩu Đức phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Năm
2024, thặng dư thương mại của Trung Quốc với EU lên đến 1 ngàn tỷ euro ($1.1
ngàn tỷ) – theo ghi nhận ngày 27 Tháng Ba của CEPA (Center for European Policy
Analysis, Washington DC). Trên khắp Châu Âu, bức tranh cũng cùng “một màu,” có
nghĩa nhiều thành viên EU tiếp tục cần Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc
đang ở vị thế tốt để khai thác sức mạnh kinh tế của họ với tư cách là đối tác
ngày càng không thể thiếu của Châu Âu. Không có khối quyền lực chính trị hay khối
thương mại nào có thể sánh được với sức mạnh gần như tuyệt đối của Trung Quốc.
Châu
Âu đang chán Mỹ như cơm nếp nát. Tân Thủ Tướng Đức Friedrich Merz bắt đầu nói về
việc “tách khỏi Mỹ.” Ngày 27 Tháng Ba, trong cuộc gặp Ủy Viên Thương Mại Châu
Âu Maros Sefcovic tại Bắc Kinh, Phó Thủ Tướng Hà Lập Phong (He Lifeng) – đặc
trách kinh tế-thương mại của Trung Quốc – nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với
EU để chống lại các mối đe dọa hung hăng về thuế quan từ Mỹ, để bảo vệ hệ thống
thương mại đa phương toàn cầu…
Trước
cuộc gặp Ủy Viên Maros Sefcovic, ngày 23 Tháng Ba, Hà Lập Phong cũng tiếp loạt
giám đốc điều hành sừng sỏ của Mỹ (Apple, Pfizer, Mastercard, Cargill, công ty
dược Eli Lilly, công ty thiết bị y tế Medtronic, nhà sản xuất kính cường lực
Corning…). Thượng Nghị Sĩ Steve Daines (GOP), một người ủng hộ trung thành của
Trump, thậm chí đã cùng bảy vị CEO Mỹ gặp Thủ Tướng Lý Cường. Reuters cho biết,
khoảng 86 đại diện công ty từ 21 quốc gia đã đến diễn đàn kinh doanh năm nay tổ
chức tại Bắc Kinh mà thành phần tham dự chiếm đa số là các công ty Mỹ.
Chưa
hết, ngày 26 Tháng Ba, Tổng Giám Đốc Điều Hành Apple Tim Cook đã đến trung tâm
công nghệ Hàng Châu, nơi đặt trụ sở công ty khởi nghiệp AI DeepSeek. Trong chuyến
công du Trung Quốc lần này, Tim Cook công bố khoản tài trợ 30 triệu nhân dân tệ
($4.1 triệu) cho Đại Học Chiết Giang. Trong khi đó, ngày 10 Tháng Tư, Thủ Tướng
Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã có mặt tại Bắc Kinh trong chuyến công du thứ ba
trong vòng hai năm, nhấn mạnh việc thắt chặt quan hệ thương mại với Trung Quốc
trong kế hoạch đa dạng hóa nhằm hạn chế lệ thuộc Mỹ. Tây Ban Nha – nền kinh tế
tăng trưởng nhanh nhất Tây Âu – là quốc gia được Trung Quốc đầu tư mạnh vài năm
qua.
Không
chỉ lôi kéo Châu Âu, Bắc Kinh cũng đang “dụ” Nhật và Nam Hàn. Trong cuộc gặp
hai ngoại trưởng Nhật và Nam Hàn tại Tokyo vào hạ tuần Tháng Ba, Ngoại Trưởng
Vương Nghị nói rằng nếu ba nước láng giềng cùng hợp tác, thương mại chắc chắn
có “tiềm năng lớn.” Họ Vương nhắc, minh triết phương Đông từng ca ngợi rằng,
“Viễn thân bất như cận lân” (tương tự cách nói của người Việt “Bán anh em xa
mua láng giềng gần.”)
Toàn
cảnh, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của phần lớn các quốc gia
trên thế giới. Tháng Mười Hai, 2024, Bắc Kinh đã xóa bỏ thuế quan nhập cảng từ
43 quốc gia kém phát triển nhất thế giới, trong đó có 33 nước Châu Phi. Trong
khi đó, mức thuế quan cao ban đầu do Trump áp đặt nhắm vào cả một số quốc gia
nghèo nhất châu Phi, từ Madagascar đến Lesotho, vốn đang chao đảo sau khi các
chương trình viện trợ của USAID về y tế công cộng, dinh dưỡng và giáo dục bị dừng
đột ngột.
Biết
mình biết ta
Trung
Quốc không là nước nhỏ. Tập Cận Bình cũng không phải hạng nguyên thủ sẵn sàng
“hôn mông” Trump. Một cách công bằng, dù đối mặt nhiều khó khăn gây ra từ sai lầm
trong chính sách đối nội nhưng Trung Quốc vẫn đạt được nhiều thành tích đáng kể.
Họ đã phát triển mạng 5G với tốc độ chóng mặt, chiếm lĩnh thị trường Châu Phi,
Châu Á và một số khu vực Châu Âu. Những tiến bộ cực nhanh của Trung Quốc trong
lĩnh vực truyền thông lượng tử và mạng vệ tinh cho thấy họ chớp thời cơ cực
nhanh và đầu tư đúng hướng.
Một
cách để đo lường chất lượng nghiên cứu khoa học của một quốc gia là tính tổng số
bài viết có sức ảnh hưởng mạnh (high-impact papers – HIP) được xuất bản mỗi năm
– tức các ấn phẩm được giới khoa học trích dẫn nhiều nhất. Theo dữ liệu từ công
ty phân tích khoa học Clarivate, năm 2003, Mỹ xuất bản HIP nhiều hơn 20 lần so
với Trung Quốc. Đến năm 2013, số bài viết HIP của Mỹ chỉ nhỉnh hơn Trung Quốc
khoảng bốn lần (dẫn lại từ The Economist).
Theo
xếp hạng Leiden (Leiden Ranking) về khối lượng đầu ra nghiên cứu khoa học, hiện
có sáu đại học hoặc tổ chức nghiên cứu Trung Quốc đang nằm top 10 thế giới.
Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về khoa học vật lý, hóa học và khoa học môi
trường. Nghiên cứu ứng dụng là thế mạnh của Trung Quốc. Họ cũng thống trị công
nghệ sản xuất pin mặt trời perovskite (perovskite solar panel). Các nhà hóa học
Trung Quốc đã phát triển một phương pháp mới để chiết xuất hydro từ nước biển bằng
cách sử dụng màng chuyên dụng để tách nước tinh khiết, sau đó có thể tách nước
tinh khiết bằng phương pháp điện phân. Trung Quốc hiện cũng cho ra lò nhiều bằng
sáng chế hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Dữ
liệu OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development) cho thấy, kể
từ cuối những năm 2000, ngày càng có nhiều nhà khoa học Trung Quốc trở về nước
hơn là rời đi. Trung Quốc hiện tuyển dụng nhiều nhà nghiên cứu hơn cả Mỹ và
toàn bộ EU. Theo Bộ Giáo Dục Trung Quốc, từ năm 2000 đến 2019, hơn sáu triệu
sinh viên Trung Quốc đã đi du học và sau đó trở về. Thành phần này, gọi là “rùa
biển” (“haigui” – hải quy, nghĩa bóng có nghĩa trở về từ hải ngoại), được hưởng
nhiều ưu đãi. Chương trình “Thiên nhân kế hoạch” (Ngàn tài năng trẻ) tặng các
nhà nghiên cứu dưới 40 tuổi khoản tiền thưởng một lần lên tới 500,000 nhân dân
tệ ($150,000).
Trung
Quốc hiện đóng góp khoảng 40% bài báo nghiên cứu về AI trên thế giới, so với
khoảng 10% của Mỹ và 15% của EU và Anh cộng lại. Một trong những bài báo nghiên
cứu AI được trích dẫn nhiều nhất mọi thời là đến từ Trung Quốc. Nghiên cứu này
chứng minh rằng mạng neuron sâu (deep neural networks) có thể được đào tạo để
nhận dạng hình ảnh. Còn có vô số bằng chứng cụ thể khác cho thấy Trung Quốc
không chỉ đang đi đầu mà thậm chí qua mặt Mỹ ở một số lĩnh vực. CNN (26 Tháng
Ba) có một bài viết dài cho thấy hãng xe điện BYD của Trung Quốc cho Tesla ngửi
khói như thế nào…
Trump
trao cờ cho Trung Quốc phất
Chẳng
cuộc thương chiến nào, dù khốc liệt đến đâu, có thể làm Trung Quốc “sụm bà
chè.” Đòn thuế quan là không đủ để một đối phương khổng lồ như Trung Quốc gục
ngã. Kết quả cuộc thương chiến giai đoạn Trump 1.0 đã cho thấy điều đó. Trump
đã quá tự tin và đưa ra một thông điệp sai khi thực hành chính sách “đơn phương
bắt nạt”; và Trung Quốc đã rất chủ động khi tận dụng cơ hội để đưa ra một thông
điệp hy vọng trên một bối cảnh thế giới tuyệt vọng: Hãy hợp tác với Trung Quốc
để cùng có lợi, vì sự thịnh vượng chung.
Trung
Quốc chẳng tử tế gì khi “chơi” với các nước nhưng cách tiếp cận “tổng bằng
không” của Mỹ đối với thế giới, cùng với việc hoạch định chính sách “lúc nắng
lúc mưa” của Trump, khiến tất cả giờ đây phải phòng ngừa rủi ro. Cựu viên chức
tình báo Mỹ Derek Grossman, giáo sư Trường Chính Sách Công RAND, nhận định:
“Chúng ta càng làm đảo lộn trật tự quốc tế, đặc biệt với đồng minh và đối tác của
chúng ta, thì họ càng cố tìm giải pháp thay thế. Thực sự có rất ít giải pháp
thay thế, và Trung Quốc là giải pháp chính” (Wall Street Journal, 11 Tháng Tư).
[Tổng
Thống] Joe Biden đã rất đúng khi khống chế sự trỗi dậy kinh khủng của Trung Quốc
bằng việc liên tục củng cố quan hệ đồng minh, chứ không phải phá nát giềng mối
này. Tập Cận Bình, nhân vật tối thượng của một đế quốc Trung Hoa thế kỷ 21, khó
có thể “hôn mông” Trump. Thay vì quỳ gối cầu cạnh Trump, Bắc Kinh đang dùng nghệ
thuật thương thuyết riêng để lôi kéo những “người tình” lần lượt “bỏ Trump” đi.
MAGA
và Trump tin rằng ông là “thiên tài xuất chúng” về “nghệ thuật thương thuyết”
(The Art of the Deal) nhưng Trung Quốc mới chính là kẻ đang sử dụng nghệ thuật
này khi tận dụng tất cả lá bài có thể có để mở ra con đường sống cho họ trong
khi Tòa Bạch Ốc đóng hàng loạt cánh cửa với thế giới bên ngoài. [kn]
No comments:
Post a Comment