Le
Point : Donald Trump, người chôn vùi đế chế Mỹ
Thụy My - RFI
Đăng
ngày: 20/04/2025 - 01:12
Bài
xã luận của Le Point gọi Trump là « người đào mồ chôn
đế chế Mỹ ». Cách đây đúng 50 năm, Hoa Kỳ bị sỉ nhục ở Việt Nam nhưng
ngày nay, chính Nhà Trắng đã tự làm cho nước Mỹ suy tàn.
HÌNH
:
Một
chú chó với khẩu hiệu phản đối đeo ở cổ trong cuộc biểu tình chống tổng thống Mỹ
Donald Trump và cố vấn Elon Musk trong ngày xuống đường « Hands Off ! » tại
Florida, Hoa Kỳ ngày 05/04/2025. REUTERS - Kent Nishimura
L’Express tuần này đăng hình vẽ
hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình mặt đối mặt, chạy tít lớn « Cuộc
song đấu làm thay đổi thế giới », The Economist dự báo « Cuộc
khủng hoảng đồng đô la sẽ diễn ra như thế nào ». Le Point nói về « Groenland,
đất hứa khó tin của băng giá ». Hòn đảo đang được Mỹ dòm ngó cũng
là vùng đất mê hoặc các nhà khoa học.
Courrier
International dành
hồ sơ cho « Nước Nga do người Nga kể lại ». Người
dân Irkutsk ở Xibêri nghĩ gì về chiến tranh, chế độ biến cựu chiến binh thành
giới tinh hoa mới như thế nào ? Mức lạm phát thực sự là bao nhiêu, và nền
kinh tế Nga ra sao ? Tuần báo Pháp đi tìm câu trả lời trên báo chí
Nga. Le Nouvel Obs nói về một cuốn sách nói về nhân vật thầy
tu Pierre gây tranh cãi, nhưng tin bài bên trong dành phần lớn cho tổng thống Mỹ
đang khuynh đảo thế giới.
Thất
bại ở Việt Nam, Mỹ khôi phục vị thế khi Liên Xô sụp đổ
Trong
bài xã luận, Le Point gọi Trump là « người đào mồ chôn
đế chế Mỹ ». Cách đây đúng 50 năm, Hoa Kỳ bị sỉ nhục ở Việt Nam nhưng
ngày nay, chính Nhà Trắng đã tự làm cho nước Mỹ suy tàn.
Ngày
30 tháng Tư năm 1975, quân cộng sản Bắc Việt chiếm Sài Gòn, Miền Nam đầu hàng,
những người Mỹ cuối cùng di tản bằng trực thăng. Đây là nỗi nhục cho nước Mỹ,
hai năm trước đã ép buộc đồng minh Việt Nam Cộng Hòa ký với Hà Nội hiệp định
hòa bình Paris, chiến lược ngăn chận chủ nghĩa cộng sản thất bại. Nhưng vài năm
sau, đến lượt Liên Xô nếm mùi Việt Nam của mình tại Afghanistan từ 1979 tới
1989. Các vệ tinh lần lượt đòi độc lập và sau đó Liên bang Xô viết không còn tồn
tại nữa. Hoa Kỳ ra khỏi chiến tranh lạnh trong tư thế người chiến thắng.
Quyền
bá chủ của Mỹ vẫn tồn tại sau khi Sài Gòn thất thủ, nhưng 50 năm sau, cũng như
La Mã vào đầu Công nguyên, sự suy tàn bắt đầu từ trái tim quyền lực. Chưa đầy
100 ngày ở Nhà Trắng, Donald Trump đã khiến cho các đồng minh của Mỹ khắp năm
châu trở nên bất an hơn bao giờ hết. Ông làm rung chuyển hệ thống kinh tế
thương mại thế giới, đảo ngược tiến trình toàn cầu hóa, giảm bớt vai trò thống
trị của đồng đô la xanh. Trump làm yếu đi « quyền lực mềm » của Mỹ, giải thể
USAID, làm suy yếu nền tảng của « pax americana », cấu trúc an ninh toàn cầu với
Mỹ là trung tâm.
Trump
chôn vùi đế chế Mỹ ?
Ngược
về quá khứ, đây là cả một quá trình. Đưa quân sang Irak, tổng thống George W.
Bush làm mất đi tính chính danh cho sự can thiệp của Mỹ ; rồi đến Barack Obama
khẳng định Mỹ không còn là « hiến binh quốc tế », từ chối tấn công Syria. Trong
nhiệm kỳ đầu, Donald Trump thỏa thuận với Taliban, mở đường cho việc Mỹ rút
quân mà sau đó Joe Biden thực hiện trong những điều kiện tệ hại. Quay lại với
quyền lực, chỉ trong ba tháng, Trump đã ra những quyết định dồn dập bằng cả bốn
năm của những người tiền nhiệm.
Ông
áp dụng các biện pháp bảo hộ chưa từng thấy một cách không nhất quán, đánh mạnh
vào một số đồng minh trung thành nhất. Trump làm tổn hại lòng tin vào kinh tế Mỹ,
gia tăng nguy cơ suy thoái toàn cầu. Donald Trump phá hoại hệ thống đa phương,
rút khỏi nhiều định chế và hiệp định quốc tế. Trump xích lại gần Nga, phản đối
tính chính danh của tổng thống Volodymyr Zelensky và từ chối coi Vladimir Putin
là kẻ xâm lược.
Tổng
thống Hoa Kỳ tỏ ra cứng rắn với Canada, Panama và Groenland. Đây là phác thảo của
khái niệm quan hệ quốc tế dựa trên vũ lực. Viễn cảnh này gây lo ngại cho châu
Âu, vốn hiểu ra tình hình của mình trước Putin một cách trễ tràng. Đồng thời
khiến các đồng minh châu Á của Washington như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc phải
lo sợ. Nhiều năm nỗ lực cô lập Trung Quốc trở nên vô ích. Và Le Point cho
rằng khác với năm 1975, lần này vị thế bá chủ của Hoa Kỳ khó thể khôi phục.
Uy
tín tổng thống thứ 47 xuống dốc
Sau
ba tháng quay lại Nhà Trắng, chỉ còn 45 % người Mỹ ủng hộ chính sách của Donald
Trump, theo thăm dò mới nhất của Viện Gallup. Courrier International trích dẫn
The Hill cho biết chưa có tổng thống Mỹ nào có tỉ lệ tệ hại như vậy ngoại trừ
chính ông Trump, với 41 % tín nhiệm trong quý đầu nhiệm kỳ 1 năm 2017. Tuy 90 %
người Cộng Hòa ủng hộ, nhưng tỉ lệ này đối với cử tri Dân Chủ là 4 % ; còn
cử tri độc lập là 37 %, giảm 9 điểm.
Trung
Quốc chấp nhận đối đầu thương mại, vì mục tiêu địa chính trị
Hồ
sơ của L’Express giải thích « Trung Quốc chuẩn bị
cho cú sốc lớn với Hoa Kỳ như thế nào ». Liệu Bắc Kinh rốt cuộc sẽ
chấp nhận một thỏa thuận, dù chỉ tượng trưng, với Donald Trump hay không ?
Trung Quốc vốn chưa bao giờ tôn trọng những cam kết trong cuộc chiến tranh
thương mại lần thứ nhất năm 2020, nói rằng « sẵn sàng đối thoại ».
Nhưng Tập Cận Bình - đã hứa hẹn « sự phục hưng Trung Hoa » - sẽ không
phủ phục trước nhà tỉ phú Mỹ. Bà Alice Ekman, Viện nghiên cứu An ninh Liên Hiệp
Châu Âu tóm tắt : « Trung Quốc sẵn sàng trả giá cho việc leo
thang. Bởi vì mục đích cuối cùng không phải là kinh tế, mà là chính trị và địa
chiến lược ».
Hai
người khổng lồ ra đòn ngày càng mạnh trên vũ đài, nhưng chế độ Bắc Kinh tin rằng
Washington sẽ bỏ cuộc trước. Nếu duy trì thuế quan, người tiêu thụ Mỹ phải chịu
đựng vật giá tăng vọt, khan hiếm hàng. Bước lùi đầu tiên của Washington là tạm
hoãn đánh thuế bổ sung cho máy tính, điện thoại di động và một số mặt hàng công
nghệ cao từ Trung Quốc. Trên mạng xã hội ở Hoa lục, đã xuất hiện hình ảnh những
người Mỹ béo phì ngồi sau các máy may, do trí thông minh nhân tạo (AI) vẽ.
Trên
lý thuyết, Bắc Kinh có vẻ lệ thuộc Washington nhiều hơn : Năm ngoái bán
sang Hoa Kỳ 439 tỉ đô la hàng hóa nhưng nhập của Mỹ chỉ 143 tỉ đô la. Nếu
thương chiến kéo dài, kinh tế Trung Quốc vốn đang chậm lại sẽ bị ảnh hưởng nặng
nề, với nguy cơ thất nghiệp. Tuy nhiên chế độ độc tài này có thể hạn chế việc
rút vốn, buộc dân chúng phải thắt lưng buộc bụng. Trung Quốc đã lập một ê-kíp
quốc gia để hỗ trợ thị trường chứng khoán, và guồng máy tuyên truyền không ngớt
tố cáo Donald Trump gây thiệt hại cho dân Hoa l.
Dù
không ngờ Trump đánh nhanh, đánh mạnh như vậy, Bắc Kinh đã chuẩn bị đối phó
ngay từ cuộc thương chiến thứ nhất. Xuất khẩu sang Mỹ từ 19,2 % nay chỉ còn
14,7 %, và một loạt biện pháp trả đũa đã được nghiên cứu. Theo bà Camille
Boullenois của Rhodium Group, không chỉ thuế quan mà còn có việc hạn chế hoạt động
của một số công ty ngoại quốc ở Hoa lục, giới hạn xuất khẩu đất hiếm.
Thương
chiến của Trump ngang tầm chiến tranh Việt Nam
Nhưng
không chờ đến thời Donald Trump, từ khi lên ngôi năm 2012, Tập Cận Bình đã gia
tăng đối địch với Hoa Kỳ, với mưu đồ thống trị thế giới. Ông ta khởi động dự án
đại quy mô « Con đường tơ lụa mới » từ 2013, và đến 2015 là kế hoạch
« China 2025 » nhằm tạo ra những nhà vô địch trong lãnh vực công nghệ
mới, đồng thời hiện đại hóa quân đội. Những năm gần đây Trung Quốc có bước tiến
lớn về xe điện và bình điện, trí thông minh nhân tạo, chất bán dẫn. Tập Cận
Bình tin rằng phương Tây đang suy tàn, với Brexit năm 2016 và bầu ra nhà lãnh đạo
dân túy Donald Trump trong cùng năm, rồi đến đại dịch Covid. Sự hỗn loạn trên
toàn thế giới do Trump II gây ra càng củng cố niềm tin của ông Tập.
Nhìn
lại lịch sử, việc thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949 là giai đoạn
chống Mỹ đầu tiên, Mao Trạch Đông gọi Hoa Kỳ là « cọp giấy ». Vào thời
đó, Trung Quốc nghèo đói không thể đạt được tham vọng. Trở thành cường quốc
kinh tế thứ nhì thế giới, chỉ đến thời Tập Cận Bình, Trung Quốc mới tìm cách
qua mặt Mỹ trên mọi phương diện, từ kinh tế, công nghệ cho đến hệ tư tưởng, ngoại
giao và quân sự. Nếu chống chọi được cuộc khủng hoảng hiện nay, sẽ là cơ hội địa
chính trị cho Bắc Kinh. Cho dù ông Trump có xoay chiều, hậu quả khó thể khắc phục.
Ông
Adam S. Posen, giám đốc Peterson Institute for International Economics ở
Washington viết : « Chính quyền Trump chọn lao vào một cuộc
chiến tương đương với chiến tranh Việt Nam về mặt kinh tế, sẽ sa lầy, gây mất
lòng tin trong cũng như ngoài nước, và chúng ta đều biết sẽ kết thúc như thế
nào ». Trong bối cảnh nóng bỏng này, cuộc đấu tranh làm bá chủ
toàn cầu liệu có dẫn đến xung đột vũ trang hay không ? Cả Trump lẫn Tập đều
không muốn một cuộc chiến giữa hai siêu cường nguyên tử, với hệ quả khó lường.
Nhưng L’Express đặt
câu hỏi, chuyện gì sẽ diễn ra nếu ngày mai tàu Trung Quốc và Mỹ đụng độ ở eo biển
Đài Loan ? Với những gì quan sát được trên mặt trận thương mại, không thể
bác bỏ khả năng một sự leo thang.
Ukraina :
Hy vọng hưu chiến lùi xa
Nhìn
sang Ukraina, The Economist bình luận « Đánh và
đàm : Viễn cảnh ngưng bắn ở Ukraina của Trump xa dần », tổng
thống Mỹ ngày càng cho thấy đã bị Nga lừa bịp. Hứa chấm dứt chiến tranh Ukraina
trong một ngày, nay ông chỉ hy vọng đạt được ngưng bắn trong 100 ngày, có nghĩa
là trước cuối tháng. Tổng thống thứ 47 bắt đầu gọi là « cuộc chiến của
Biden », nhưng nếu kéo dài, ngày càng có thể trở thành cuộc chiến của Trump.
Courrier
International dẫn
lời ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tại Paris cảnh báo, nếu sự việc không tiến triển
Hoa Kỳ có thể quay sang làm việc khác vì « có nhiều ưu tiên cần phải
tập trung ». Đáp lại, Kremlin nói rằng không gấp gáp đạt ngưng bắn
– một cách nói thường xuyên của Matxcơva trong suốt quá trình ông Trump cố gắng
dàn xếp chấm dứt chiến tranh – theo The New York Times.
The
Washington Post nhận
định, tuyên bố của ông Marco Rubio cho thấy « nỗ lực hòa bình của
Hoa Kỳ đang bị sa lầy và tổng thống Trump ngày càng bực tức ». Ba
tháng sau khi nhậm chức, tiến bộ duy nhất mà tổng thống Mỹ đạt được là thỏa thuận
ngưng bắn một phần trong 30 ngày. Thế nhưng Kremlin vẫn làm ngơ trước lời kêu gọi
tôn trọng ngưng bắn của Mỹ - mà Ukraina đã chấp nhận - và lại còn gia tăng tấn
công.
Vụ
thảm sát Sumy bộc lộ mặt thật Putin
Ngày
13/04, hai hỏa tiễn đạn đạo đã rơi xuống Sumy giết chết 35 người trong đó có
nhiều tín đồ đi dự lễ Lá, sau khi đã đánh vào Kryvyi Rih ngày 04/04 làm 20 người
chết. Courrier International dịch bài phóng sự của The
Guardian nhấn mạnh, tại Sumy, Nga đã lộ rõ bộ mặt thật. Những hỏa tiễn
này chứa đầy bom bi để sát thương tối đa thường dân. Có những người bị thiêu sống
trong xe của mình, xác những trẻ em được tìm thấy tại một khu vui chơi…
L’Express nhắc lại sự kiện ở
Sarajevo ngày 28/08/1995, năm loạt mooc-chê đã tàn phá ngôi chợ Markalé làm 37
người chết và 90 người bị thương. Vụ thảm sát được cho là quân đội Serbia thực
hiện gây sốc khiến cộng đồng quốc tế can thiệp. Sau chiến dịch oanh tạc của
NATO ; bốn tháng sau chiến tranh Bosnia kết thúc.
Ngoại
trưởng Ba Lan Radek Sikorski tuyên bố ê-kíp ông Trump cần phải hiểu rằng
Kremlin đang « chế giễu thiện chí » của họ. Tuy vậy
Donald Trump có vẻ miễn nhiễm trước sự xấu hổ, ông đặc biệt ưu ái Nga và thù địch
với Ukraina, cho rằng đó chỉ là « sai sót ». Đáng
kinh ngạc là một ngày sau, 14/04, Trump cáo buộc Ukraina là kẻ gây chiến và bác
bỏ đề nghị mua hỏa tiễn Mỹ của Kiev. Hồi tháng Ba, Trump ngưng cung cấp vũ khí
và tin tình báo cho Ukraina trong một thời gian ngắn để gây sức ép, ngược lại với
Nga không có cây gậy nào mà chỉ toàn những củ cà rốt. Le Nouvel Obs cho
rằng « Donald Trump là người tập tành học việc theo Putin ».
Hai
giải pháp của châu Âu cho hòa bình Ukraina
Các
viên chức Mỹ và Nga gặp gỡ hôm 10/04 tại Istanbul để thảo luận về việc tu bổ
các đại sứ quán, báo chí Matxcơva khẳng định hai bên tiếp tục xích lại gần nhau
hơn, không liên quan đến việc thương lượng về Ukraina. Trump đánh « thuế đối
ứng » cho toàn thế giới, Ukraina đang bị chiến tranh tàn phá cũng chịu thuế
10 % còn Nga được miễn. Một niềm an ủi cho Kiev là thương chiến làm giá dầu từ
80 đô la một thùng xuống còn 65 đô la, làm vơi hẳn túi tiền của Putin.
Viện
trợ quân sự cho Ukraina hoàn toàn thiếu vắng trong các tuyên bố của Trump, và
ông còn rút lực lượng Mỹ khỏi Rzeszów, trung tâm chuyển tiếp vũ khí cho Ukraina
ở Ba Lan. Một dấu hiệu khác là các quan chức Lầu Năm Góc gần đây còn chất vấn một
đồng minh vì sao tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev.
Hiện
nay đối với châu Âu có hai hướng. Thứ nhất, Anh và Pháp cố gắng thành lập một lực
lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraina, chỉ tập trung vào việc huấn luyện và tuần tra
chung trên không phận. Như vậy việc răn đe Matxcơva tiến hành theo ba trục :
quân đội Ukraina đối mặt với Nga ở miền đông, lực lượng châu Âu ở miền tây, và
ít nhất là có sự hiện diện của Mỹ tại các nước NATO. Nhưng việc thành lập một lực
lượng như vậy tùy thuộc vào ngưng bắn mà cho đến nay vẫn không đạt được.
Đặc
sứ Mỹ Steve Witkoff lại tuyên bố cách nhanh nhất để có hưu chiến là để cho Nga
sở hữu luôn bốn tỉnh của Ukraina mà Kremlin yêu sách kể cả các phần đất vẫn
chưa chiếm được. Tất nhiên Kiev và châu Âu không thể chấp nhận điều này, dẫn đến
con đường thứ hai : gia tăng viện trợ quân sự. David Shimer, cựu cố vấn an
ninh của ông Biden khẳng định không có thời gian để mất. Châu Âu cần chuyển nhượng
thêm vũ khí bất chấp các rủi ro, tài trợ cho kỹ nghệ quốc phòng Ukraina và
thương lượng với ông Trump mua hệ thống phòng không Mỹ, sử dụng tài sản Nga bị
đóng băng để chi trả.
No comments:
Post a Comment