Friday, April 25, 2025

KÊNH ĐÀO PANAMA : PHẦN NỔI CỦA CUỘC CẠNH TRANH MỸ - TRUNG TẠI CÁC CẢNG BIỂN CHIẾN LƯỢC TRÊN THẾ GIỚI (Thùy Dương / RFI)

 



Kênh đào Panama : Phần nổi của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung tại các cảng biển chiến lược trên thế giới

 Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 25/04/2025 - 11:23  -  Sửa đổi ngày: 25/04/2025 - 12:02

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250425-k%C3%AAnh-%C4%91%C3%A0o-panama-ph%E1%BA%A7n-n%E1%BB%95i-c%E1%BB%A7a-cu%E1%BB%99c-c%E1%BA%A1nh-tranh-m%E1%BB%B9-trung-t%E1%BA%A1i-c%C3%A1c-c%E1%BA%A3ng-bi%E1%BB%83n-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-tr%C3%AAn-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi

 

Quỹ đầu tư BlackRock của Mỹ, trong một thời gian đàm phán ngắn kỷ lục, chỉ vài tuần lễ, và với số tiền khổng lồ 19 tỷ đô la, đã « chốt » được với công ty Trung Quốc CK Hutchison thỏa thuận về nguyên tắc để mua quyền quản lý 43 cảng ở 23 nước, trong đó có 2 cảng ở 2 đầu Kênh đào Panama : cảng Balboa (phía Thái Bình Dương) và cảng Cristobal (phía Đại Tây Dương).

 

HÌNH :

Một tàu hàng đi qua kênh đào Panama ngày 21/02/2025. AP - Matias Delacroix

 

Thông tin về vụ chuyển nhượng được đưa ra hôm 05/03/2025, trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump ngay từ khi trở lại Nhà Trắng tố cáo là việc khai thác kênh đào Panama chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và dọa thu hồi lại quyền kiểm soát kênh đào từ Panama.

Đến ngày 08/04, theo AFP, ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio công du Panama (2 tháng sau chuyến thăm của bộ trưởng Quốc Phòng Pete Hegseth), đòi tái lập căn cứ quân sự tại Panama với lý do bảo đảm « an ninh » cho kênh đào. Washington cũng đòi là các tàu quân sự của Mỹ phải được ưu tiên di chuyển miễn phí qua kênh đào. Các chuyến tàu quân sự của Mỹ chiếm 0,3% lưu lượng tàu bè qua lại kênh đào Panama.

 

Không chấp nhận để Washington tái lập căn cứ quân sự của Mỹ tại Panama, nhưng chính quyền Panama cuối cùng đã cho phép quân đội Mỹ và các công ty quân sự tư nhân được Mỹ ủy quyền, sử dụng một số địa điểm, cơ sở và khu vực được chỉ định để huấn luyện, triển khai các hoạt động nhân đạo và thao dợt.

 

Mặc dù thỏa thuận chính thức chưa được Hutchison ký kết với BlackRock vào ngày 02/04/2025 như dự kiến ban đầu, do đang bị cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc điều tra (theo báo Pháp Le Figaro ngày 08/04), nhưng tại sao Mỹ lại nhất quyết gia tăng quyền kiểm soát kênh đào Panama đến như vậy ? Và tại sao Quỹ đầu tư BlackRock của Mỹ lại hào phóng chi tiền mua quyền khai thác cảng từ công ty Trung Quốc CK Hutchison đến thế ?

 

 

 

Tại sao Mỹ muốn kiểm soát các cảng ở kênh đào Panama ?

 

Hubiquitus, từng là một học giả, một nhà ngoại giao, làm việc tại châu Á trong vòng ¼ thế kỷ, trong đó có Trung Quốc, trong bài viết « Cạnh tranh Mỹ - Trung : cuộc chiến chớp nhoáng về các cảng ở Panama », đăng trên trang mạng châu Á, Asialyst, ngày 20/03/2025, nhắc lại là trong số các cảng của Hoa Kỳ mà công ty CK Hutchison kiểm soát,có Ensenada ở Baja California, bang Mexique ; Veracruz ở tiểu bang cùng tên ; Lazaro Cardenas ở Michoacan và Manzanillo ở Colima, cũng của bang Mexique, hay Freeport ở Bahamas.

 

Ít nhất 3 trong số đó bị nghi ngờ là cảng nhập cảnh chính chất gây nghiện Fentanyl và các tiền chất được sử dụng để sản xuất loại ma túy tổng hợp này. Chính quyền Mỹ cho rằng công ty CK Hutchison đã không làm đủ theo khả năng để chống hoạt động buôn lậu Fentanyl vào Mỹ.

 

Chuyên gia Hubiquitus nhắc lại là vào tháng 09/2024, dưới nhiệm kỳ của tổng thống Biden, hai ủy ban của Hạ Viện Mỹ, Ủy ban An ninh Nội địa và Ủy ban Giám sát đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã công bố một báo cáo chung về nguy cơ các cảng của Hoa Kỳ dễ bị Trung Quốc tấn công. Không chỉ cơ sở hạ tầng bến cảng, mà cả hậu cần kỹ thuật số của cảng, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các cần cẩu mới, cực kỳ lớn, được lắp đặt thời gian gần đây để phục vụ việc xếp dỡ các container hàng hóa, cũng có vấn đề đáng lo ngại.

 

 

Nguy cơ phần mềm gián điệp

 

Theo Hạ Viện Mỹ, các hệ thống vận hành và kiểm tra giám sát có thể dễ dàng cài đặt « quyền truy cập cửa sau », phần mềm truy cập cho phép bỏ qua quy trình xác thực thông tin, để bí mật trực tiếp thâm nhập từ xa vào bên trong hệ thống, khiến các chuyên gia an ninh mạng của BlackRock sau này có thể khó xác định và vô hiệu hóa. Tất cả những cần cẩu mới này đều cùng do công ty ZPMC (Zhenhua Heavy Industries Company Ltd.) có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc, sản xuất. Trên thực tế, theo chuyên gia Hubiquitus, công ty quản lý, CK Hutchison, rất muốn duy trì quyền truy cập từ xa vào dữ liệu vận hành của các cần cẩu.

 

Điều này gây lo ngại, bởi vì theo giải thích của Carlos Gimenez, cựu thị trưởng của quận Miami Dade, bang Florida và cũng là dân biểu đảng Cộng Hòa của bang Florida : « ZPMC thống trị thị trường toàn cầu và Bắc Mỹ về thiết bị và công nghệ hàng hải, chiếm gần 80% hoạt động chuyển hàng giữa tàu và bến tàu tại các cảng của Mỹ ».

 

Một số người thậm chí còn tự hỏi liệu cảng thứ tư ở kênh đào Panama, được một công ty Trung Quốc xây dựng trong khuôn khổ dự án Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) gần đây đã được khởi động lại, có phải cũng là một phương tiện « tay trong » kiểu « Ngựa thành Troy », ngầm cho phép Trung Quốc có thể ra lệnh phá hủy từ xa trong trường hợp xảy ra xung đột lớn ? Mục đích là ngăn chặn hạm đội quân sự của Hoa Kỳ sử dụng kênh đào Panama, ví dụ để trả đũa việc Mỹ chặn eo biển Malacca!

 

Trên thực tế, trước đây, tướng Omar Efraín Torrijos Herrera, cựu lãnh đạo Panama, đã đe dọa cho nổ tung các âu thuyền ở kênh đào để buộc chính quyền Mỹ của tổng thống Carter phải đàm phán lại về các hiệp ước Kênh đào vào năm 1977.

 

 

Sự thống trị cơ sở hạ tầng bến cảng của các doanh nghiệp Trung Quốc 

 

Báo cáo chung của hai ủy ban của Hạ Viện Mỹ cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc được hưởng các điều kiện ưu đãi đặc biệt, về chi phí lao động và khả năng tiếp cận nguồn tài chính công khi hoạt động trong các lĩnh vực chiến lược, đặc biệt là xuất khẩu và xây dựng cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Con đường Tơ lụa mới.

 

Chính điều này chủ yếu giải thích tại sao một công ty như ZPMC có thể loại được hầu hết các đối thủ cạnh tranh khỏi thị trường : cần cẩu không còn được sản xuất tại Hoa Kỳ, điều có có nghĩa là mọi cảng ở Mỹ phải dùng cần cẩu chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc. Hơn nữa, việc lắp ráp kết cấu bằng thép cũng đều do công ty Trung Quốc ZPMC thực hiện. Phần điện và điện tử cũng do các kỹ sư của ZPMC thực hiện tại Thượng Hải, mà không có sự hiện diện hoặc kiểm tra giám sát của các đối tác nước ngoài.

 

Đối với các cảng do các công ty Trung Quốc như CK Hutchison hay COSCO quản lý, dĩ nhiên là các cần cẩu được lắp đặt là do ZPMC sản xuất. Điều đáng lưu ý là COSCO và ZPMC đều duy trì quan hệ chặt chẽ với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ví dụ ZPPC có đội tàu riêng gồm khoảng 20 tàu cho phép vận chuyển các đoạn của cần cẩu từ Thượng Hải đến cảng mà họ trang bị. Thế nhưng, tàu của ZPMC cũng đã được nhìn thấy tham gia vào việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông mà Trung Quốc đang có tranh chấp với các nước trong vùng, hoặc các tàu này bí mật tham gia các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc.

 

Báo Le Monde ngày 15/02, trong bài viết « Bằng cách nào Trung Quốc thiết lập được mạng lưới cảng trên toàn thế giới ? », cũng nhấn mạnh là chính quyền Mỹ lo ngại về việc các cảng có thể bị Trung Quốc sử dụng vào mục đích quân sự tại những khu vực vốn lâu nay vẫn là sân sau của Hoa Kỳ. Trong thời kỳ khủng hoảng, các cảng thương mại có thể nhanh chóng trở thành căn cứ để triển khai lực lượng hải quân. Còn trong thời bình, các cơ sở hạ tầng ngày càng số hóa này lại là mục tiêu của hoạt động phá hoại hoặc gián điệp. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi sự bành trướng của Trung Quốc trong lĩnh vực này đang khiến chính phủ Mỹ phải gia tăng kiểm tra giám sát.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

THEO DÒNG THỜI SỰ

Donald Trump tố cáo Trung Quốc kiểm soát kênh đào Panama : Thực hư ra sao ?

 

HOA KỶ - PANAMA

Panama bất ngờ chấp nhận để Mỹ triển khai lực lượng vũ trang tại kênh đào Panama

 

Tạp chí Kinh tế

Kiểm soát kênh đào Panama : Trắc nghiệm đầu tiên của Trung Quốc trong cuộc đọ sức với Mỹ

 

 





No comments: