Hồ Đắc Huân, nhà biên
khảo Lịch Sử Quân Lực VNCH
Lâm Hoài Thạch/Người Việt
April
12, 2025 : 3:02 PM
https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/ho-dac-huan-nha-bien-khao-lich-su-quan-luc-vnch/
WESTMINSTER,
California (NV) – Tốt
nghiệp Khóa 2 Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) Hiện Dịch Đặc Biệt Nha Trang, Thiếu Úy Hồ
Đắc Huân về phục vụ tại Trung Tâm Huấn Luyện Sông Mao, rồi Trung Tâm Huấn Luyện
Quốc Gia Vạn Kiếp, và Tiểu Khu Ninh Thuận.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/03/CCB-Ho-Dac-Huan-3-1-1536x1044.jpg
Từ
trái, cựu Thiếu Tá Hồ Đắc Huân, cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm – người từng là
thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Quốc Phòng VNCH, và cựu Đại Tá Trần Ngọc Thống.
(Hình: Hồ Đắc Huân cung cấp)
Trong
cuộc đời quân ngũ của mình, ông Hồ Đắc Huân được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa
(VNCH) ân thưởng các huy chương gồm Huân Vụ Bội Tinh Hạng Nhất, Danh Dự Bội
Tinh Hạng Nhất, Lục Quân Huân Chương Hạng Nhất, Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ Đẳng,
và nhiều huy chương quân sự.
“Cấp
bậc sau cùng của tôi là thiếu tá Quân Lực VNCH. Sau năm 1975, tôi bị vào tù
trong những trại tập trung của Cộng Sản ở Hiếu Đức, Kỳ Sơn và Tiên Lãnh tại Đà
Nẵng, Quảng Nam. Tổng cộng thời gian bị giam cầm là bảy năm,” ông Huân tâm tình
với phóng viên nhật báo Người Việt tại nhà riêng ở Westminster, một thành phố
trung tâm của Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại.
Ông
Hồ Đắc Huân sinh ngày 1 Tháng Giêng, 1937 tại huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
Ông nhập ngũ ngày 1 Tháng Tám, 1956. Đến ngày 27 Tháng Hai, 1961 được tham dự
Khóa 2 Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) Hiện Dịch Đặc Biệt Nha Trang, và ra trường ngày
31 Tháng Giêng, 1962.
Thiếu
Úy Hồ Đắc Huân mãn khóa
Sau
một năm thụ huấn tại hai quân trường Đồng Đế và Dục Mỹ thì ngày ra trường đã đến.
Vào đêm 30 Tháng Giêng, 1962, trước ngày mãn khóa, một Lễ Truy Điệu được tổ chức
rất uy nghiêm tại vũ đình trường. Trời đầu Xuân sương mù che phủ, xung quanh cảnh
vật âm u mờ ảo làm cho buổi Lễ Truy Điệu Chiến Sĩ Trận Vong càng thêm cảm động.
Khi bắt đầu hành lễ, tất cả đèn của vũ đình trường đều tắt, chỉ còn hai ngọn đuốc
sáng trước Đài Tử Sĩ.
Trong
màn đêm trừ tịch, gió biển Nha Trang thổi qua hàng dương liễu vi vút như tiếng
thở than của những oan hồn tử sĩ vất vưởng đâu đây. Các khóa sinh chỉ còn một
ngày nữa là làm lễ mãn khóa, họ nguyện cầu các anh linh chiến sĩ đàn anh về chứng
giám cho những đàn em SVSQ Đồng Đế để ngày mai họ lên đường về đơn vị trên khắp
bốn vùng chiến thuật phục vụ cho lý tưởng của quê hương và tổ quốc, cũng như nối
gót các đàn anh tạo nên những trang sử oai hùng lưu truyền cho hậu thế.
Đêm
đó, từng cặp SVSQ Khóa 2 Nhân Vị mang súng chỉ địa thay phiên nhau đứng gác Đài
Tử Sĩ cho đến sáng hôm sau.
Ngày
31 Tháng Giêng, 1962, Tổng Thống Ngô Đình Diệm chủ tọa Lễ Mãn Khóa 2 Sĩ Quan Hiện
Dịch Nha Trang. Buổi sáng cùng ngày, tổng thống VNCH từ thủ đô Sài Gòn bay ra
Nha Trang. Quân, dân, cán, chính thành phố Nha Trang nô nức chào mừng Tổng Thống
Diệm trên lộ trình từ phi trường Nha Trang đến Quân Trường Đồng Đế, thể hiện
lòng tôn kính vị lãnh tụ tài ba, lỗi lạc của chính phủ VNCH.
Tháp
tùng với tổng thống có Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, Đại Tướng Lê Văn Tỵ, Đại
Sứ Hoa Kỳ Frederick Nolting, và còn nhiều viên chức cao cấp khác. Ngoài ra còn
có các cơ quan truyền thông trong nước và ngoại quốc, cùng những thân nhân gia
đình của các SVSQ tốt nghiệp đến dự Lễ Mãn Khóa.
Đúng
10 giờ sáng, tổng thống đứng trước quốc kỳ VNCH, Lễ Mãn Khóa chính thức bắt đầu.
Nhạc hùng ca trỗi dậy. Sau đó tổng thống đặt vòng hoa trước đài kỷ niệm chiến
sĩ trận vong, rồi trở về khán đài danh dự để chứng kiến lễ trình diện các SVSQ
Khóa 2 Hiện Dịch mãn khóa.
Lễ
Tuyên Thệ được cử hành, 422 SVSQ tốt nghiệp quỳ đưa tay cao thề trung thành với
tổ quốc, hy sinh vì chính nghĩa và sẽ làm rạng danh cho quân đội.
Sĩ
số SVSQ tốt nghiệp, gồm 344 Chuẩn Úy Chủ Lực Quân và 98 Thiếu Úy Bảo An Tạm Thời,
trong đó có Thiếu Úy Hồ Đắc Huân. Sở dĩ các tân sĩ quan thuộc Địa Phương Quân,
khi ra trường được mang cấp bậc thiếu úy, vì lúc bấy giờ chưa có cấp bậc chuẩn
úy cho các tân sĩ quan thuộc Địa Phương Quân. Vài năm sau đó, Bộ Tổng Tham Mưu
mới ban lệnh cho các tân sĩ quan thuộc Địa Phương Quân khi ra trường đều mang
lon chuẩn úy cũng như các các binh chủng khác.
Vào
những năm từ 1959 đến 1974, quân trường này đã đào luyện hàng trăm ngàn hạ sĩ
quan, gần 2,000 sĩ quan hiện dịch, trong đó có 118 sĩ quan nguyên là Đốc Sự Quốc
Gia Hành Chánh, và khoảng 12,000 sĩ quan trừ bị để cung ứng cho Quân Lực VNCH.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/03/CCB-Ho-Dac-Huan-3-2-1498x2048.jpg
Cựu
Thiếu Tá Hồ Đắc Huân. (Hình: Hồ Đắc Huân cung cấp)
Phục
vụ tại Trung Tâm Huấn Luyện Sông Mao
Sau
ngày ra trường, Thiếu Úy Hồ Đắc Huân được về làm huấn luyện viên tại Trung Tâm
Huấn Luyện Sông Mao, hướng Bắc Bình Thuận, thuộc quận Hải Ninh của Vùng III Chiến
Thuật. Ông là huấn luyện viên chuyên về môn chiến thuật tác chiến từ cá nhân đến
cấp tiểu đội, trung đội và đại đội cho những khóa sinh của Địa Phương Quân.
Tại
quân trường này ngoài việc đào tạo những tân binh, còn đào tạo những quân nhân
cao cấp hơn, gồm những lớp học dẫn đàn chỉ huy, chuyên huấn luyện những khóa
sinh có cấp bậc từ trung sĩ đến sĩ quan cấp tá. Một khóa đào tạo những hạ sĩ
quan đặc biệt cho những quân nhân cấp bậc hạ sĩ đủ điểm tốt được đơn vị gởi về
Quân Trường Sông Mao đào luyện để được mang cấp bậc trung sĩ.
Trong
thời gian làm việc tại đây, một số cố vấn Mỹ cũng thường xuyên đến viếng thăm
Quân Trường Sông Mao, và đã ngợi khen về khả năng huấn luyện của các huấn luyện
viên tại quân trường này.
Khoảng
gần hai năm sau, ông Huân được thăng cấp trung úy.
Khoảng
năm 1968, ông còn nhớ lúc huấn luyện môn tiểu đội tác chiến và cho khóa sinh được
bắn đạn thật, các khóa sinh được đưa ra xạ trường (sân tập bắn) cách trung tâm
quân trường khoảng 15 cây số và có quân đội mở đường, vị sợ địch phục kích trên
đường di chuyển.
Ông
Huân kể: “Một hôm tại ấp Lương Sơn, tôi cùng tài xế trên đường ra xạ trường thì
bị lọt vào ổ phục kích của Việt Cộng. Trung sĩ tài xế vừa bước xuống xe thì bị
địch bắn chết. Trong tình thế nguy ngập, tôi mới gọi quân trường nhã pháo yểm
trợ thì địch rút lui, nên tôi mới được thoát chết và tự lái xe về quân trường.
Trong trận này, Trúng Tá Trịnh Quang Thanh, chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện
Sông Mao ân thưởng cho tôi một Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Đồng.”
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/03/CCB-Ho-Dac-Huan-3-3-1536x1265.jpg
Ông
Hồ Đắc Huân (giữa) cùng con gái và các cháu ngoại tại Westminster. (Hình: Hồ Đắc
Huân cung cấp)
Phục
vụ tại Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp và Tiểu Khu Ninh Thuận
Ngày
Quân Lực 19 Tháng Sáu, 1968, ông Hồ Đắc Huân được thăng cấp đại úy và được quân
đội chuyển về làm việc tại Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp, Bà Rịa, với nhiệm vụ
huấn luyện viên cấp đơn vị. Một thời gian sau ông được làm Trưởng Ban Huấn Luyện
Đơn Vị trong môn học chiến thuật. Không bao lâu Đại Úy Huân được quân trường
giao nhiệm vụ Trưởng Ban Huấn Luyện Chiến Thuật.
Năm
1972, ông xin về phục vụ tại Tiểu Khu Ninh Thuận, Phan Rang, với chức vụ đại đội
trưởng tác chiến của Địa Phương Quân. Sau đó ông được nhậm chức Liên Đội Trưởng
Tác Chiến 231 của Tiểu Khu Ninh Thuận.
Hai
năm sau, ông được về làm Trưởng Toán Huấn Luyện Tiểu Khu Ninh Thuận cho những
đơn vị tác chiến thuộc Địa Phương Quân. Toán huấn luyện này gồm năm sĩ quan và
vài hạ sĩ quan làm việc với sự chỉ đạo của Tổng Cục Quân Huấn Quân Lực VNCH.
Vì
chiến trường đang sôi động, nên các đơn vị tác chiến này sau nhiều trận đánh phải
được bộ chỉ huy tiểu khu cho nghỉ dưỡng quân hoặc tăng thêm quân số tân binh,
nên những đơn vị này cần thụ huấn thêm những kỹ thuật tác chiến trong vài tuần.
Huấn luyện viên Hồ Đắc Huân và toán huấn luyện sẽ đến nơi đóng quân của các đơn
vị này để huấn luyện, chứ không cần đưa các đơn vị tác chiến này về các trung
tâm huấn luyện.
Đến
năm 1974, ông Hồ Đắc Huân được thăng cấp thiếu tá.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/03/CCB-Ho-Dac-Huan-3-4-1536x1038.jpg
Từ
trái, cựu Trung Úy Lê Đình Thụy, cựu Đại Tướng Nguyễn Khánh, và cựu Thiếu Tá Hồ
Đắc Huân. (Hình: Hồ Đắc Huân cung cấp)
Bị
đưa về những trại tập trung của Cộng Sản
Ngày
16 Tháng Tư, 1975, cộng quân đánh chiếm nhiều tỉnh miền Trung, trong đó có Tiểu
Khu Ninh Thuận. Xem như hàng ngũ quân đội của Tiểu Khu Ninh Thuận bị sụp đổ.
Vì
thế, ngày 18 Tháng Tư, 1975, ông Huân phải ra trình diện Ủy Ban Quân Quản Thị
Xã Tháp Chàm, Phan Rang. Sau đó, ngày 15 Tháng Năm, 1975, ông được họ cấp giấy
chứng nhận cho về trình diện tại Quảng Nam.
Khi
về đến Quảng Nam, ngày 17 Tháng Bảy ông bị chính quyền mới đưa ông vào trại tù
Hiếu Đức, không bao lâu ông bị họ đưa về trại tù Phú Ninh. Rồi lại bị đưa trở về
trại tù Hiếu Đức, Quảng Nam.
Từ
năm 1976 đến 1978, ông bị giam cầm trong những trại tù Kỳ Sơn, Tiên Lãnh tại Đà
Nẵng, Quảng Nam. Đến ngày 26 Tháng Mười Một, 1981, ông được ra khỏi tù về với
gia đình. Tổng cộng thời gian bị tù đày là sáu năm, bảy tháng và tám ngày.
Ngày
22 Tháng Mười, 1991, vợ chồng ông và ba người con được sang định cư tại Orange
County, California, Hoa Kỳ theo diện H.O. 9. Khi đến Hoa Kỳ gia đình ông sống bằng
nghề may cho các hãng may.
Đến
năm 2011, ông là thành viên biên soạn sách “Lược Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa”
cùng với cựu Đại Tá Trần Ngọc Thống và cựu Trung Úy Lê Đình Thụy.
Ngoài
ra, ông xuất bản quyển sách đầu tiên là “Thành Tích 6 Năm Hoạt Động của Chính
Phủ VNCH” (1954-1960) và sách này đã được tái bản lần thứ hai tại hải ngoại. Và
ông cũng xuất bản nhiều loại sách khác.
Tại
Little Saigon, ông viết hàng trăm bài báo về lãnh vực Quân Lực VNCH, đã được phổ
biến trên các nhật báo, tuần báo, nguyệt san, và đặc san. (Lâm Hoài Thạch) [qd]
No comments:
Post a Comment