Tuấn Khanh - Báo Tiếng Dân
02/04/2025
https://baotiengdan.com/2025/04/02/gap-nhau-tam-tinh-diem-lai/#google_vignette
Cuộc
gặp bất ngờ giữa các trí thức, văn nghệ sĩ với ông bí thư Nguyễn Văn Nên vào
ngày 30 tháng 3, ở Viện nghiên cứu Phát triển Phương Đông, Sài Gòn, đem lại nhiều
tò mò cho những người hay tin, và cũng để lại không ít những lời bàn.
Trong
tất cả các bài viết ngắn, viết dài trên mạng xã hội nói về chuyện này, nổi bật là
bài viết của giáo sư Mạc Văn Trang. Ông mô tả cuộc gặp một cách đơn giản,
không màu mè hoa lá, không ngợi ca hay chê bai. Trần thuật của giáo sư Mạc Văn
Trang, có thể thấy được cái tôn nghiêm của một trí thức – trí thức đau đáu với
đất nước và không ngại phản biện.
Qua
mô tả của giáo sư Mạc Văn Trang, có thể thấy cuộc gặp này được cân nhắc kỹ lưỡng:
Người phát thư mời là tiến sĩ Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát
triển Phương Đông ký, nhưng có sự ủy nhiệm của ông Nên. Việc ông
Nên không ra mặt mời, có lẽ vì không muốn số lượng khách e ngại không khí chính
trị nên không tham gia vào giờ cuối. Chủ
đề mà ông tiến sĩ Phú đưa ra với các khách mời cũng nhẹ nhàng: Làm sao để Sài
Gòn thu hút người tài, và vấn đề tự chủ đại học.
Thật
ra, trong giới trí thức còn được nhà nước nhìn mặt, đã râm ran từ giữa năm 2024
về tin ông Nên cử người đi nhiều nơi, xin gặp riêng để bàn việc góp ý hay phát
triển thành phố. Nội dung nghe là vậy, nhưng còn gì nữa thì chưa rõ. Nhà thơ Đỗ
Trung Quân cho biết, đã từng có một trợ lý đến tận nhà mời đến gặp ông bí thư,
nhưng ông Quân đã từ chối, và ngỏ ý nếu thăm viếng thì mời ông Nên đến tận nhà,
còn gặp riêng ở cơ quan nhà nước thì ông thấy chưa tiện. Chắc ngoài nhà thơ Đỗ
Trung Quân, cũng có nhiều người khác được mời gặp nhưng không rõ sự tình thế
nào.
Nói
vậy để biết, bẵng đi một thời gian dài, ít nhất là từ 2014, sau vụ giàn khoan
981, trí thức “phản biện” hoặc ai không tuyền một màu của ngôn luận nhà nước,
đã có sự phân biệt rõ ràng, nếu không nói là có phần đối xử khắc nghiệt. Tín hiệu
của cuộc gặp 30 tháng 3 năm 2025 này, mơ hồ cho thấy một chuyển động khác,
nhưng để nói là tốt hơn hẳn, hay hoàn toàn đáng tin cậy thì có lẽ còn phải chờ
xem.
Giáo
sư Trang là người viết suy nghĩ của mình, rằng khi ông đến nơi và thấy đủ ban bệ
“mình biết đây là buổi họp mặt vui vẻ, tâm tình là chính thôi”. Quả vậy, mời đến
Viện nghiên cứu Phát triển Phương Đông để thảo luận hai đề tài cực lớn, bắt buộc
phải va chạm các ý kiến chính trị, thì quả là bất thường. Vì chỉ mỗi một đề
tài, trí thức đủ mọi phía tranh luận thôi thì cũng mất cả tháng. Thấy rõ chỉ là
cái cớ gặp nhau “tâm tình” thôi.
Có
thể nói, có ba người nói hộ được nỗi niềm của “phía lề trái”, là nhà văn Hoàng
Hưng, nghệ sĩ Kim Chi và giáo sư Mạc Văn Trang. Cũng cần phải kể ra đây, vì
không phải lúc nào lãnh đạo cũng ngồi cùng bàn, lắng nghe người nói chuyện, mà
điều 331 thì bị cho đứng ở ngoài sân.
Nhà văn Hoàng Hưng thì nói về thế đứng của trí thức độc lập và
cách của nhà nước nhìn ngó về họ lâu nay. “Trí thức độc lập mới đóng góp được
cho đất nước!”, ông Hưng nói, và viết trên trang của mình.
Nhiều
năm trước, khẩu hiệu này có thể bị soi xét với những vết đen kéo dài đến suốt đời.
Nhưng lúc này, khi tổng bí thư Tô Lâm bày tỏ sự tin tưởng vào nền kinh tế tư
nhân – chứ không phải là doanh nghiệp nhà nước – sẽ đem lại sự vững mạnh cho đất
nước, thì âu cũng là cơ hội để những người cầm quyền nhìn nhận lại giá trị của
trí thức độc lập, khác với trí thức hội đoàn được nuôi bằng tiền ngân sách.
Nghệ
sĩ Kim Chi thì nói cho dân oan, nói cho những bất công mà bà thấy, chồng chất
qua những vụ án được đăng trên báo chí nhà nước mỗi ngày. Trí thức yêu nước là
vậy, trí thức cất tiếng để nói cho những số phận chung quanh mình. Vào thời buổi
này, quan chức, trí thức, nghệ sĩ… ai cũng vun vén lo thân, kể chuyện thành tựu
đời mình… hiếm khi nghe được lời bộc bạch về đất nước và ước mơ tốt đẹp hơn.
Tôi
nhớ có lúc trò chuyện với bà, nghệ sĩ Kim Chi kể hai vợ chồng bà bị bọn dư luận
viên chửi bới, sỉ nhục không kể xiết, mà bà nhận xét rằng ai có sự khác biệt
cũng bị vạ như vậy. “Chị không hiểu sao một lực lượng vô học lại được nuôi dưỡng
đến vậy”, bà Chi nói với tôi, với vẻ ngạc nhiên chân chất của một người miền
Nam, là chuyện mà bà không thể nào tưởng tượng được, dù sống gần trọn đời người.
Hôm
30 tháng 3, có mặt ông Huỳnh Thành Đạt, phó Ban Tuyên giáo – Dân vận Trung
ương, bà Chi nói “chỉ lên tiếng sao chính quyền bớt lỗi lầm, dân bớt oan ức, bất
công”. Lời thật như sấm động nhưng không nghe phản hồi nào của các quan chức có
liên quan. Thật sự, là con người, thật khó mà không dành đôi phút suy ngẫm về
hiện trạng này của đất nước.
Giáo
sư Trang không nói nhiều về mình, mà ông nói về sư Minh Tuệ. Là người dõi theo
hành trình của một người tu tập tự do, và khát khao được tự do hướng Phật chứ
không từ xiềng xích của một tổ chức, ông thấu hiểu những vận hạn mà sư Minh Tuệ
đang chịu. Ông đặt một câu hỏi thay cho rất nhiều người “Vậy Đảng, Nhà nước,
Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ứng xử với sư Minh Tuệ thế
nào cho tốt đời, đẹp đạo?”.
Ông
Trang quả không nói về mình. Ông không kể rằng những nhận định của mình về đất
nước, con người, giáo dục… đầy tâm huyết nhưng đáp lại, ông bị cấm xuất cảnh đi
thăm con ở Ba Lan hơn một năm nay. Trong buổi “tâm tình” hôm 30 tháng 3, ông
cũng không đánh tiếng việc xét lại chuyện chặn xuất cảnh của ông.
Quên
nói đến Trần Tiến, người được mô tả là có mặt, gõ bàn hát một bài rồi sau đó biến
mất lúc nào không hay. Đọc đến đó, mà buồn cười, vì biết tính cách của Trần Tiến
trước giờ vẫn vậy. Ông không ngồi lâu ở chỗ hội họp, trịnh trọng, làm bộ làm tịch.
Tiện cửa, là ông phóng ra “làm lon bia nhé”. Hồi Trịnh Công Sơn còn sống, ở Hội
Âm nhạc Thành phố rộn rịp giới thiệu nhóm “Những người bạn”, ông nháy mắt bảo
tôi, Ngọc Lễ, Nguyễn Đạt: “Bọn mình lập nhóm ‘Những kẻ thù’ nhé, cho nó thật”.
Nói đến đây mới nhớ, cuộc gặp mặt này không có Trần Long Ẩn nhỉ? Chắc ông ta
cũng buồn!
Đọc
lại các ghi chép về buổi gặp mặt 30 tháng 3, dân đen như tôi cũng nhận ra được
tâm tình chân thành của người Việt, nước Việt bị đẩy về lề trái. Đất nước đâu cần
thu hút nhân tài đâu xa, chỉ cần lắng nghe lời thật của bọn lề trái, đã giúp vỡ
ra được nhiều điều.
Chỉ
nghĩ, phải chi các nhà lãnh đạo có lúc thật sự lắng nghe tâm tình của bọn dân
đen như vậy, con người đỡ phải bôi mặt hằn thù nhau. Cả buổi “tâm tình”, nghe bằng
tấm lòng, chỉ thấy đọng lại vài lời, vài người như vậy.
No comments:
Post a Comment