Cuộc chiến của
Putin và những biến đổi trong lòng nước Nga
Alexander Gabuev
| Foreign
Affairs
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
28/04/2025
https://nghiencuuquocte.org/2025/04/28/cuoc-chien-cua-putin-va-nhung-bien-doi-trong-long-nuoc-nga/
Moscow,
phương Tây, và việc chung sống không ảo tưởng.
Cuộc
xâm lược Ukraine vào tháng 02/2022 của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm
thay đổi tiến trình lịch sử. Tất nhiên, tác động trực tiếp nhất là đối với những
người dân Ukraine đang phải chịu đựng hành động xâm lược tàn bạo này. Nhưng cuộc
chiến cũng đã thay đổi chính nước Nga, nhiều hơn những gì người ngoài cuộc có
thể hiểu được. Không có lệnh ngừng bắn nào – ngay cả khi đó là lệnh ngừng bắn
được làm trung gian bởi một tổng thống Mỹ yêu mến người đồng cấp Nga của mình –
có thể đảo ngược việc Putin biến đối đầu với phương Tây thành nguyên tắc tổ chức
cho cuộc sống của người Nga. Cũng không có sự chấm dứt hành động thù địch nào ở
Ukraine có thể đảo ngược quan hệ sâu sắc của đất nước ông với Trung Quốc.
Do
chiến tranh, nước Nga của Putin đã trở nên đàn áp hơn nhiều, và chủ nghĩa chống
phương Tây ngày càng phổ biến hơn trong toàn xã hội Nga. Kể từ năm 2022, Điện
Kremlin đã tiến hành một chiến dịch sâu rộng để dập tắt bất đồng chính kiến,
phát tán tuyên truyền ủng hộ chiến tranh và chống phương Tây trong nước, đồng
thời tạo ra những tầng lớp người Nga được hưởng lợi về mặt vật chất từ chiến
tranh. Hàng chục triệu người Nga, bao gồm các quan chức cấp cao và nhiều nhân vật
giàu nhất đất nước, giờ đây đang xem phương Tây là kẻ thù không đội trời chung.
Trong
ba năm, các quan chức Mỹ và châu Âu đã thể hiện quyết tâm đáng kể trong việc chống
lại cuộc xâm lược của Putin. Nhưng đôi khi, họ cũng vô tình tiếp tay cho những
câu chuyện của Putin, rằng phương Tây oán hận Nga và xung đột của họ với Nga là
mang tính sống còn. Chiến lược của các nhà lãnh đạo phương Tây bị lu mờ bởi sự
thiếu vắng một cách tiếp cận mạch lạc và dài hạn đối với Nga, đi kèm với những
lời lẽ gợi ý rằng họ có một kế hoạch lớn hơn so với thực tế. Ví dụ, vào năm
2024, Kaja Kallas – khi đó là Thủ tướng Estonia và hiện là nhà ngoại giao hàng
đầu của EU trong vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Cao ủy EU về Chính sách
Đối ngoại và An ninh – tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo phương Tây không nên lo lắng
rằng cam kết của NATO đối với chiến thắng của Ukraine có thể khiến Nga tan rã.
Bộ máy tuyên truyền của Điện Kremlin đã hăng hái phát tán tuyên bố này để chứng
minh rằng việc chia cắt nước Nga là mục tiêu cuối cùng của phương Tây.
Tổng
thống Mỹ Donald Trump đã phá vỡ sự thống nhất của liên minh xuyên Đại Tây Dương
khi tìm cách nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến. Nhưng ngay cả khi những lời đề
nghị của Trump với Putin mang lại sự tan băng hời hợt trong quan hệ Mỹ-Nga, thì
sự ngờ vực của Putin đối với phương Tây sẽ khiến hòa giải thực chất trở thành
điều bất khả. Putin không thể chắc chắn rằng Trump sẽ thành công thúc đẩy châu
Âu khôi phục quan hệ với Nga, và ông cũng biết rằng vào năm 2028, một chính quyền
Mỹ mới có thể đơn giản thực hiện một sự thay đổi chính sách khác. Có rất ít tập
đoàn Mỹ muốn quay trở lại Nga. Và Putin sẽ không từ bỏ quan hệ chiến lược của
mình với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Điện Kremlin sẽ tiếp tục đón nhận
công nghệ của Trung Quốc (bao gồm cả các công cụ đàn áp kỹ thuật số), duy trì sự
phụ thuộc vào thị trường và hệ thống tài chính của Trung Quốc, và làm sâu sắc
thêm quan hệ an ninh với Bắc Kinh, ngay cả khi điều đó khiến họ đi vào con đường
xung đột với Washington.
Tuy
nhiên, cảm giác khó chịu đến từ chiến lược xoa dịu của Trump có thể thúc đẩy
các nhà lãnh đạo khác, đặc biệt là các nhà lãnh đạo châu Âu, tăng cường cách tiếp
cận ngăn chặn, hoặc thậm chí thể hiện sự thù địch rõ ràng đối với Nga. Nhưng chỉ
riêng điều đó thôi đã là một sai lầm. Chế độ của Putin gần như chắc chắn sẽ
không sụp đổ từ bên trong. Do đó, răn đe vẫn phải là nền tảng của chính sách
phương Tây, và đặc biệt là của chiến lược châu Âu, chí ít là trong tương lai gần.
Nhưng
một ngày nào đó, Putin sẽ không còn nữa. Những nhà lãnh đạo tiếp theo của Nga
nhiều khả năng sẽ xuất thân từ vòng tròn thân cận của ông, nhưng họ có thể linh
hoạt hơn trong việc định hình quỹ đạo của đất nước – và có một số động cơ thực
tế để điều chỉnh hướng đi. Dù người dân không ở trong tình trạng bất ổn, nhưng
nước Nga của Putin đúng là yếu kém từ bên trong. Cách rõ ràng nhất để những người
kế nhiệm Putin cải thiện vị thế của đất nước là tái cân bằng chính sách đối ngoại.
Vì vậy, trong lúc các nhà lãnh đạo châu Âu củng cố khả năng răn đe chống lại
Nga, họ cũng phải bắt đầu chuẩn bị để nắm bắt cơ hội sẽ mở ra khi Putin rời khỏi
sân khấu chính trị.
Họ
phải đưa ra tầm nhìn về một quan hệ kiểu mới với Nga, một quan hệ không còn ảo
tưởng rằng để trở thành đối tác kinh tế và chiến lược vững chắc cho phương Tây,
Nga phải chuyển đổi hoàn toàn như Tây Đức đã làm sau Thế chiến II. Họ phải đề
xuất các điều khoản cụ thể cho sự chung sống hòa bình, chẳng hạn như các chiến
lược kiểm soát vũ khí và các hình thức phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế nhằm ngăn
cản việc vũ khí hóa của cả hai bên. Và các nhà lãnh đạo châu Âu (cũng như các
chính trị gia Mỹ không chia sẻ khuynh hướng ủng hộ Putin của Trump) nên bắt đầu
truyền đạt tầm nhìn đó bằng cách làm rõ mọi thông tin liên lạc liên quan đến
Nga của họ – chẳng hạn, bắt đầu từ các thông báo về việc tăng ngân sách quân sự
của quốc gia của họ.
Không
phải ai trong Điện Kremlin cũng chia sẻ nỗi ám ảnh chống phương Tây của Putin.
Những lúc riêng tư, nhiều thành viên giới tinh hoa Nga thừa nhận rằng cuộc chiến
ở Ukraine không chỉ là một tội ác về mặt đạo đức, mà còn là một sai lầm về mặt
chiến lược. Những người thực dụng như vậy càng dễ hình dung ra một quan hệ tốt
đẹp hơn với các nước phương Tây, thì họ càng có khả năng chiến ưu thế trong cuộc
đấu đá nội bộ không thể tránh khỏi sau khi kỷ nguyên Putin kết thúc. Thay đổi
thông điệp của phương Tây gửi đến Nga không chỉ là sự chuẩn bị tốt cho tương
lai, mà còn là chính sách tốt cho hiện tại. Nếu các nhà lãnh đạo phương Tây ngừng
củng cố câu chuyện của Điện Kremlin, rằng họ quyết tâm kích động sự đối đầu
không có hồi kết với Nga, thì điều đó có thể làm giảm sức hút của những kẻ theo
chủ nghĩa dân túy ở cả cực hữu và cực tả, những người tuyên bố rằng tổ hợp công
nghiệp quốc phòng đang quyết tâm biến chiến tranh thành vĩnh viễn.
Tuy
nhiên, nếu các nhà lãnh đạo phương Tây tiếp tục gợi ý rằng việc thảo luận về một
hình thức chung sống cùng có lợi với Nga là vô ích, thì họ có nguy cơ đẩy những
nhà lãnh đạo tương lai của Điện Kremlin vào một con đường nguy hiểm. Các lãnh đạo
Nga sẽ cảm thấy rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì tất cả những
gì Putin đã làm, bao gồm cả sự phụ thuộc của ông vào Trung Quốc. Một số người ở
phương Tây có thể rút ra bài học từ ba năm qua, rằng họ có rất ít khả năng định
hình quỹ đạo của Nga. Tuy nhiên, họ vẫn có những công cụ mà họ chưa sử dụng hết
– và từ bỏ chúng sẽ là việc làm thiếu khôn ngoan.
XUNG
ĐỘT LỢI ÍCH
Trong
hai nhiệm kỳ đầu tiên của Putin tại Điện Kremlin – từ năm 2000 đến năm 2008 –
GDP của Nga đã tăng gần gấp đôi nhờ giá hàng hóa tăng vọt, dòng vốn đầu tư từ
phương Tây, cải cách thị trường, và sự bùng nổ tinh thần khởi nghiệp. So với
giai đoạn chuyên chế của Nga dưới thời các Sa hoàng và chế độ cộng sản, cũng
như thập kỷ hỗn loạn sau khi Liên Xô sụp đổ, đất nước chưa bao giờ vừa thịnh vượng
vừa tự do đến thế. Dù tăng trưởng kinh tế đã chững lại vào những năm 2010,
nhưng khế ước xã hội phần lớn vẫn được giữ nguyên.
Tuy
nhiên, xuyên suốt cuộc chiến ở Ukraine, nền kinh tế Nga và khế ước xã hội mà nền
kinh tế này chống đỡ đã trải qua những thay đổi đáng kể. Trên Foreign
Affairs vào tháng 01/2024, nhà kinh tế Alexandra Prokopenko đã mô tả
tình hình mà Điện Kremlin phải đối mặt là một “bộ ba bất khả thi.” Điện Kremlin
cần tài trợ cho một cuộc chiến ngày càng tốn kém, duy trì mức sống của người
dân, và bảo vệ sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước – vốn là ba mục tiêu không
thể đạt được cùng một lúc.
Nhưng
Putin đã giải được câu đố này. Ông chọn tập trung vào việc tài trợ cho chiến
tranh: từ năm 2025 đến năm 2027, chính phủ Nga có kế hoạch chi khoảng 40% ngân
sách nhà nước cho quốc phòng và an ninh, cắt giảm các ưu tiên khác như y tế và
giáo dục. Chiến tranh đã mang lại lợi ích kinh tế cho phần lớn người dân Nga.
Sau khi giảm nhẹ vào năm 2022, GDP của Nga đã tăng 3,6% vào năm 2023 và tăng
thêm 4,1% vào năm 2024, nhờ chi tiêu quốc phòng. Những bất lợi kinh tế lớn từ
cuộc chiến, chẳng hạn như lạm phát hai chữ số, chỉ bắt đầu xuất hiện vào cuối
năm 2024. Dù tiếng súng có im bặt ở Ukraine, thì nền kinh tế Nga vẫn sẽ tiếp tục
quân sự hóa mạnh mẽ. Bởi ngành công nghiệp quốc phòng cần phải bổ sung cho khoản
mất mát khổng lồ về trang thiết bị của quân đội, và Putin cũng đã cho triển
khai một kế hoạch hiện đại hóa quân đội tốn kém.
Nếu
chiến tranh tái diễn hoặc tiếp diễn ở Ukraine, thì tình hình kinh tế của người
Nga có thể trở nên ảm đạm hơn nhiều. Nhưng viễn cảnh đó khó có thể tạo ra áp lực
nghiêm trọng để buộc phải thay đổi chế độ. Nền kinh tế Nga càng chịu nhiều áp lực,
thì Moscow sẽ càng tăng cường đàn áp. Điện Kremlin đã hình sự hóa việc chỉ
trích chiến tranh và quân đội Nga, đồng thời khởi kiện những nhân vật bất đồng
chính kiến, dù nổi tiếng hay không. Chế độ này cũng mở rộng đáng kể số lượng
người mà họ chính thức xem là “điệp viên nước ngoài” và các cuộc tấn công của họ
vào các tổ chức được cho là “không mong muốn,” đặt ra cho những người chỉ trích
chiến tranh một lựa chọn khắc nghiệt: đi lưu vong nước ngoài hoặc ngồi tù tại
quê nhà. Cảnh sát và lực lượng an ninh cũng có động lực để theo đuổi những vụ
việc như vậy vì các sĩ quan sẽ được khen thưởng tương xứng với số lượng kẻ thù
mà họ vạch trần.
Bằng
việc khiến cái giá phải trả cho việc chỉ trích cuộc chiến của mình trở nên quá
đắt đỏ, Putin cũng đồng thời biến nó thành một công cụ để tái phân phối của cải.
Tất nhiên, những người hưởng lợi chính là các thành viên trong đoàn tùy tùng của
ông và mạng lưới bảo trợ của họ. Một vài người trong nhóm này đã lợi dụng việc
các tập đoàn nước ngoài và đa quốc gia rời khỏi Nga bằng cách mua tài sản khấu
hao, hoặc đơn giản là tịch thu chúng, thường là với sự hỗ trợ của những người
trong cuộc có quyền lực, chẳng hạn như nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov.
Tuy nhiên, ngoài những cá nhân siêu giàu, vẫn còn hàng chục nghìn kẻ cơ hội
khác đã được hưởng lợi từ chiến tranh, bao gồm các doanh nhân tranh thủ kiếm
chác từ việc phá vỡ lệnh trừng phạt. Ở vị trí thấp hơn trong chuỗi này là hàng
trăm nghìn chuyên gia cổ cồn trắng – trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tài
chính, và dịch vụ kinh doanh – đang được hưởng lợi từ mức lương cao hơn sau khi
các đồng nghiệp bất đồng chính kiến của họ di cư và kỹ năng của họ trở nên khan
hiếm.
Cuối
cùng, Putin đã thu hút sự ủng hộ bằng cách mua chuộc những người đàn ông được
huy động ra tiền tuyến, công nhân trong các nhà máy quân sự, và các thành viên
gia đình của họ. Theo Điện Kremlin, vào tháng 06/2024, khoảng 700.000 người Nga
đã có mặt ở tiền tuyến. Mức lương trung bình của một người lính Nga hiện nay là
gần 2.000 đô la một tháng, gấp đôi mức trung bình toàn quốc và gấp bốn lần mức
trung bình chung ở hàng chục khu vực đóng góp nhiều lính nghĩa vụ nhất. Kể từ
khi cuộc xâm lược bắt đầu, hơn 800.000 quân Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương,
và chính phủ đã gửi khoản tiền lên tới 80.000 đô la cho gia đình của mỗi người
lính thương vong hoặc tử vong. Các khoản chi tài chính của Điện Kremlin theo đó
đã tạo ra một nhóm lớn những người mà sự giàu có của họ – và triển vọng nghề
nghiệp của họ – đến từ một cuộc chiến phi nghĩa. Vào năm 2024, Điện Kremlin đã
khởi động một chương trình đào tạo và đưa các cựu chiến binh vào làm việc trong
khu vực công hoặc chính phủ.
Chiến
tranh cũng đã trở thành phương tiện để nhân viên trong khu vực công của Nga đạt
được sự thăng tiến xã hội. Các viên chức dân sự được trao một bước đệm sự nghiệp
mới: làm việc ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng giúp họ thăng tiến nhanh hơn. Đối
với hàng trăm nghìn người Nga làm việc trong lực lượng phản gián và hành pháp,
việc bắt giữ các đặc vụ phương Tây và Ukraine, cũng như vô hiệu hóa các nhà hoạt
động và nhà báo phản chiến hiện là một cách để leo lên nấc thang sự nghiệp. Tất
cả những điều này đã khiến bộ máy hành chính của Nga bị chính trị hóa hơn nhiều.
Ngay cả trong các tổ chức trước đây tương đối thực dụng như ngân hàng trung
ương, các nhà kỹ trị được đào tạo ở phương Tây cũng dần trở thành những chiến
binh chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Từ
rất lâu trước cuộc chiến toàn diện ở Ukraine, và do sự đàn áp của Putin, xã hội
Nga đã phải chịu đựng sự trì trệ và bất lực. Nhưng trong những năm gần đây, Điện
Kremlin đã sử dụng các kỹ thuật xã hội sâu rộng để gieo rắc sự ngờ vực phương
Tây vào tâm lý người Nga. Vào tháng 09/2022, tất cả các trường học bắt đầu triển
khai các buổi tuyên truyền hàng tuần, giảng dạy các câu chuyện ủng hộ chiến
tranh được ngụy trang như các bài học yêu nước. Nhà nước đã can thiệp nhiều hơn
vào giải trí và văn hóa, buộc các nhạc sĩ, nghệ sĩ, và nhà văn có tư tưởng độc
lập phải lưu vong; gán nhãn cho những nhà văn bất đồng chính kiến là “cực
đoan”; và tổ chức các phiên tòa dàn dựng để xét xử các trí thức tự do phản đối
chiến tranh. Được truyền cảm hứng từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, Điện Kremlin đã
tìm cách xây dựng một bức màn sắt kỹ thuật số, cấm Instagram và Facebook, đồng
thời bóp nghẹt YouTube, các mạng xã hội mà gần một nửa số người Nga trên 12 tuổi
trước đây đã sử dụng hàng ngày.
Tất
nhiên, một sự kiện thiên nga đen hoàn toàn có thể thổi bay “Pháo đài Nga.” Sự sụp
đổ đột ngột gần đây của chính quyền Bashar al-Assad ở Syria đã chứng minh rằng
ngay cả những chế độ tàn bạo nhất cũng có thể mong manh hơn vẻ bề ngoài của
chúng. Nhưng sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Putin rất khó xảy ra. Lý do là bởi
nếu số tiền cần thiết để mua chuộc những người chỉ trích tiềm năng bắt đầu bốc
hơi, thì điều đó có thể được bù đắp bằng sự tàn bạo hơn của nhà nước.
VŨ
ĐIỆU CHIẾN TRANH
Cuộc
chiến ở Ukraine không tạm thời làm chệch hướng chính sách đối ngoại của Nga. Nó
đã thay đổi chính sách này mãi mãi. Chính sách đối ngoại của Nga đã trở nên phụ
thuộc vào ba mục tiêu: xây dựng các liên minh để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh, duy
trì nền kinh tế bị trừng phạt, và trả thù phương Tây vì đã hỗ trợ Ukraine. Các
quan chức Nga đã đầu tư nhiều hơn vào quan hệ đối tác với các chế độ và tổ chức
sẵn sàng gây thêm khó khăn cho phương Tây, cụ thể là Triều Tiên, Iran, và các lực
lượng ủy nhiệm của Iran như phiến quân Houthi ở Yemen.
Nếu
chiến tranh kết thúc và Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Điện Kremlin có thể tạm dừng
một số hoạt động chống Mỹ táo bạo nhất của mình, bao gồm việc cung cấp vũ khí
cho các đối thủ của Mỹ như lực lượng Houthi. Nhưng họ vẫn sẽ duy trì khả năng
tiếp tục các hoạt động đó một khi đội ngũ của Trump rời khỏi Nhà Trắng. Điện
Kremlin cũng đã nỗ lực duy trì và mở rộng quan hệ với các nước đang phát triển
trên khắp thế giới bằng cách giảm giá mạnh hàng hóa Nga và tăng cường xuất khẩu
sang Ấn Độ, Đông Nam Á, Châu Phi, Trung Đông, và Mỹ Latinh.
Đáng
chú ý nhất là Nga đã quyết định chuyển hướng sang Trung Quốc. Trước chiến
tranh, hai nước này mắc kẹt trong một quan hệ phụ thuộc lẫn nhau theo kiểu bất
đối xứng, trong đó Trung Quốc có nhiều đòn bẩy hơn, còn Nga thì phòng bị nước
đôi bằng cách duy trì quan hệ thương mại, tài chính, và công nghệ với châu Âu.
Tuy nhiên, kể từ năm 2022, Putin đã chấp nhận phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc
để đổi lấy sự hỗ trợ của Bắc Kinh cho cuộc chiến. Điện Kremlin đã xoay xở để tiến
hành chiến tranh trong ba năm qua chỉ nhờ vào dòng chảy các thành phần vũ khí
quan trọng từ Trung Quốc. Nền kinh tế Nga vẫn duy trì được đà tăng trưởng vì
Trung Quốc hiện mua đến 30% hàng xuất khẩu của Nga, tăng từ 14% vào năm 2021, đồng
thời còn cung cấp 40% hàng nhập khẩu, tăng từ 24% trước chiến tranh. Bắc Kinh
cũng cung cấp cho Moscow một cơ sở hạ tầng tài chính được định giá bằng đồng
nhân dân tệ để tiến hành hoạt động thương mại nước ngoài.
Nga
đã đánh cược rằng sự phụ thuộc này sẽ được đền đáp. Bởi vì Bắc Kinh là đối thủ
chính của Washington, nên việc tăng cường sức mạnh Trung Quốc, theo quan điểm của
Điện Kremlin, là một khoản đầu tư chiến lược vào sự sụp đổ của bá quyền toàn cầu
Mỹ. Vì lý do đó, Nga hiện đã cung cấp cho Trung Quốc các thiết kế vũ khí mà họ
từng ngần ngại chia sẻ trước năm 2022. Họ cũng khuyến khích các phòng thí nghiệm
và trường đại học của mình đóng góp vào hệ sinh thái đổi mới của Trung Quốc, khởi
xướng các dự án chung Trung-Nga trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, toán học ứng
dụng, công nghệ thông tin, và không gian. Số lượng người Nga làm việc cho các
công ty Trung Quốc như Huawei tăng vọt. Moscow cung cấp cho Trung Quốc các mặt
hàng giá rẻ như dầu và khí đốt thông qua các tuyến đường bộ, đảm bảo Bắc Kinh vẫn
tiếp cận được các nguồn tài nguyên trong trường hợp bị phong tỏa trên biển,
cũng như uranium cho chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
CHUẨN
BỊ CHO GIÔNG BÃO
Trong
chiến dịch tái tranh cử năm 2024, Trump đã hứa sẽ “chia rẽ” Trung Quốc và Nga.
Trên cương vị tổng thống, ông dường như đang cố gắng thực hiện lời hứa bằng những
lời đề nghị nồng nhiệt của mình với Putin. Nhưng dù Trump có nỗ lực đến đâu,
thì nước Nga dưới thời Putin sẽ không bao giờ là một quốc gia không gây đe dọa
cho châu Âu và Mỹ. Châu Âu sẽ cần tiếp tục cố gắng răn đe năng lực của chế độ
Nga – và chuẩn bị làm việc đó với ít sự hỗ trợ hơn từ Mỹ. Các nhà lãnh đạo châu
Âu vẫn nên định hình nỗ lực này như một nỗ lực xuyên Đại Tây Dương, và tốt nhất
nên theo đuổi nó thông qua NATO hoặc, nếu đội ngũ của Trump từ chối tham gia,
thì với một nhóm các đồng minh cấp cao của Mỹ bao gồm các nhà thực hành chính
sách đối ngoại, các nhà lãnh đạo quân sự, và các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp
quốc phòng Mỹ.
Ưu
tiên hàng đầu là tăng cường sản xuất quốc phòng. Các nhà phân tích đôi khi
trình bày ưu tiên này như một thách thức đơn giản, nhưng không phải vậy. Nếu
các nhà hoạch định chính sách chuyển sang củng cố an ninh của châu Âu mà không
đồng thời giải quyết sự tăng trưởng kinh tế yếu kém của lục địa già, họ sẽ chỉ
tiếp thêm động lực cho những người theo chủ nghĩa dân túy phản đối việc tăng
chi tiêu quốc phòng và kêu gọi xoa dịu Putin.
Châu
Âu và Mỹ cũng phải chống lại cái gọi là chiến tranh bóng tối của Nga. Moscow đã
phát triển nhiều cách khác nhau để phá hoại an ninh và chính trị của các nền
dân chủ, bao gồm các hành vi phá hoại, giết người có chủ đích, lan truyền thông
tin sai lệch trên mạng, và can thiệp vào các cuộc bầu cử. Điện Kremlin tự hào về
những phát minh này và việc sử dụng chúng có lẽ sẽ tiếp tục sau bất kỳ lệnh ngừng
bắn nào ở Ukraine. Hiện chưa có khuôn khổ nào với Nga để quản lý sự leo thang
chiến tranh hỗn hợp, nhưng một khuôn khổ như vậy phải được phát triển. Mỹ, cũng
như Châu Âu, sẽ cần các khoản đầu tư kéo dài nhiều thế hệ vào phản gián, chống
khủng bố, và chống tội phạm có tổ chức. Sự xuất hiện tự nhiên của Hồi giáo cực
đoan và chủ nghĩa cực hữu ở Châu Âu đã tạo ra một môi trường chín muồi để Điện
Kremlin khai thác.
Tuy
nhiên, bên cạnh việc tăng cường răn đe, các nhà lãnh đạo phương Tây, đặc biệt
là các nhà lãnh đạo châu Âu, phải bắt đầu hình dung một cách tiếp cận khác đối
với Nga. Đất nước mà những người kế nhiệm Putin sẽ thừa hưởng gần như chắc chắn
sẽ mất cân bằng sâu sắc do nhiều năm đầu tư quá mức vào quân đội, suy giảm khả
năng tiếp cận công nghệ tiên tiến, phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, và các xu
hướng nhân khẩu học vốn đã bất lợi nay lại bị cuộc chiến ở Ukraine làm trầm trọng
thêm. Xét đến việc giới tinh hoa quân sự, tình báo, và hành pháp của Nga đã đầu
tư rất nhiều vào cuộc chiến ở Ukraine, và hưởng lợi từ đó, những người kế nhiệm
Putin có rất ít động lực để đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ. Ngay cả những người
Nga thực dụng nhất cũng không muốn có quan hệ thù địch với Trung Quốc. Nhưng một
nhóm thực dụng đáng kể trong giới tinh hoa Nga hiểu rằng cuộc chiến ở Ukraine
là một thảm họa và có thể muốn dần dần xóa bỏ những khía cạnh độc hại nhất
trong di sản của Putin – nhưng đó là chỉ khi họ biết rằng cánh cửa có thể mở ra
ở phía phương Tây.
SẴN
SÀNG ỨNG PHÓ
Thay
đổi thông điệp mà phương Tây gửi tới Nga – và làm cho thông điệp mới đó trở nên
rõ ràng, mạch lạc – sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, không chỉ vì Trump đã phá vỡ sự
thống nhất của liên minh xuyên Đại Tây Dương. Trong nội bộ châu Âu, các chính
phủ khác nhau có quan điểm khác nhau về Nga. Nhưng các nhà hoạch định chính
sách châu Âu và các chính trị gia Mỹ không muốn đi theo cách tiếp cận của Trump
vẫn có thể bắt đầu bằng cách hình dung một cách cụ thể hơn các đường nét của một
mối quan hệ an ninh ổn định hơn.
Nếu
các sự kiện diễn ra theo quỹ đạo hiện tại, NATO và Nga sẽ sớm được trang bị đến
tận răng các vũ khí thông thường, bao gồm xe tăng và máy bay không người lái,
cũng như vũ khí chiến lược, như tên lửa hạt nhân siêu thanh. Những rủi ro phát
sinh từ kịch bản này đã quen thuộc với chúng ta kể từ thời Chiến tranh Lạnh, và
biện pháp khắc phục cũng vậy: kiểm soát vũ khí với các cơ chế xác minh mạnh mẽ
và các kênh liên lạc để quản lý các sự cố. Nếu các nhà đàm phán phương Tây và
Nga có đủ lòng tin vào nhau, bước tiếp theo sẽ là ký các thỏa thuận áp đặt việc
cắt giảm kho vũ khí thông thường và chiến lược (tương tự như Hiệp ước Cắt giảm
Vũ khí Chiến lược Mỹ-Nga, dự kiến hết hạn vào năm 2026, hoặc Hiệp ước về Lực lượng
Vũ trang Thông thường ở châu Âu, mà NATO và Nga đã đình chỉ vào năm 2023). Cả
hai bên có thể thảo luận về cách thức hạn chế sự can thiệp của họ vào chính trị
nội bộ của nhau nếu Nga sẵn sàng chấm dứt những nỗ lực phá hoại các nền dân chủ.
Sự
phụ thuộc kinh tế lẫn nhau đã từng là nguồn thịnh vượng cho cả Nga và phương
Tây. Nhưng vào thời điểm Putin rời đi, châu Âu có lẽ đã hoàn toàn không còn phụ
thuộc vào hàng hóa của Nga. Nếu điều đó xảy ra, thì việc nối lại nhập khẩu một
số nguyên liệu thô của Nga sẽ không đe dọa đến nền độc lập của châu Âu, nhưng
chỉ làm đa dạng hóa hơn nữa chuỗi cung ứng của châu Âu. Việc khôi phục quan hệ
thương mại cũng sẽ có lợi cho Nga bằng cách giảm sự phụ thuộc của họ vào thị
trường Trung Quốc.
Tuy
nhiên, không thể có sự xích lại gần nhau đáng kể nào giữa Nga và phương Tây nếu
cuộc chiến tàn ác mà Putin đã gây ra chống lại Ukraine không được giải quyết.
Dù Moscow và NATO có bắt đầu các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí, chẳng hạn như
về tên lửa, thì cũng không thể thiết lập một trạng thái cân bằng mới có ý nghĩa
chừng nào Kyiv – nước bị đe dọa – vẫn tiếp tục chế tạo vũ khí. Bất kỳ dự án nào
trong tương lai nhằm khôi phục hoàn toàn quan hệ kinh tế với Nga đều cần phải tạo
ra nguồn quỹ cho việc tái thiết Ukraine, thậm chí là một số hình thức bồi thường
cho nước này.
Tất
nhiên, Moscow khó có thể chấp nhận sự hiện diện của những từ ngữ đó trong bất kỳ
tài liệu chính thức nào. Nhưng một loại thuế đặc biệt đối với hàng hóa mà Nga
bán cho châu Âu có thể tạo ra nguồn quỹ cho Ukraine trong một khoảng thời gian
được thỏa thuận. Hoặc các chủ thể quốc tế có thể thành lập một quỹ tái thiết
Ukraine rồi để Nga đóng góp một tỷ lệ nhất định GDP của mình trong một khoảng
thời gian nhất định. Nền kinh tế Nga càng tăng trưởng nhanh, thì Ukraine sẽ
càng nhận được nhiều tiền, theo đó tạo ra động lực cho EU mua hàng hóa của Nga
và đầu tư vào nước này.
Nhiều
nước châu Âu sẽ muốn lôi kéo Ukraine vào khi xây dựng bất kỳ chiến lược nào đối
với nước Nga hậu Putin. Đối với nhiều người ở Kyiv, một nước Nga suy yếu vĩnh
viễn hoặc bị phá hủy hoàn toàn dường như là kết quả cuối cùng tốt nhất. Nhưng một
kết quả như vậy khó có thể phục vụ cho lợi ích của châu Âu, xét đến mối nguy từ
sự sụp đổ của một nước láng giềng khổng lồ với đầy rẫy vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Việc Ukraine gia nhập NATO là điều cấm kỵ đối với Putin hiện nay, và những người
kế nhiệm ông có thể cũng sẽ thù địch với vấn đề đó. Nhưng các nhà lãnh đạo Nga
thực dụng hơn cuối cùng có thể nhận ra rằng việc Ukraine ở trong NATO là một mối
đe dọa nhỏ hơn đối với Nga so với một Ukraine đầy thù hận không bị ràng buộc bởi
các quy tắc và kỷ luật của liên minh.
CHUYỂN
ĐỔI
Để
trình bày tầm nhìn mới này cho người dân Nga, các nước phương Tây phải khẩn
trương khôi phục các kênh liên lạc mà họ đã để cho lụi tàn trong thời chiến. Cần
phải làm rõ với cả người dân và giới tinh hoa Nga rằng Điện Kremlin muốn cô lập
Nga khỏi phương Tây, chứ không phải chiều ngược lại. Các nghệ sĩ, nhà khoa học,
trí thức, và vận động viên không phát tán tuyên truyền chiến tranh không nên bị
tẩy chay chỉ vì họ là người Nga, và châu Âu cần điều chỉnh chính sách thị thực
của mình, vốn đang khiến người Nga gần như không thể đặt chân đến châu lục này.
Trong
các thông điệp công khai, các nhà lãnh đạo và quan chức phương Tây phải không
ngừng nhấn mạnh rằng họ không phản đối người dân Nga, mà chỉ phản đối những lựa
chọn chính sách tai hại của Putin. Họ nên lập luận rằng chính những lựa chọn
này đã khiến cuộc sống của người dân Nga trở nên kém thịnh vượng và kém an toàn
hơn. Các quan chức phương Tây cũng cần khôi phục mối liên hệ bền vững hơn với
các quan chức và giới tinh hoa chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, những người
sẽ trở thành xương sống của bộ máy nhà nước Nga thời hậu Putin. Họ có thể làm
điều này trước tiên tại các diễn đàn quốc tế, nơi các cuộc thảo luận với những
người đối thoại Nga sẽ phục vụ các lợi ích chung hiện có, chẳng hạn như ngăn chặn
các hành động khiêu khích ngoài ý muốn trên biển và trên không. Đúng là nhiều
người đối thoại Nga sẽ cố gắng thu thập thông tin tình báo của riêng họ, nhưng
đó không phải là một rủi ro mới.
Việc
hình dung về nước Nga hậu Putin có vẻ quá xa vời và trừu tượng, đặc biệt là sau
khi những nỗ lực lật đổ ông lần lượt thất bại – nổi bật nhất là cuộc nổi loạn
năm 2023 của thủ lĩnh lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin. Việc suy nghĩ về cách để
kết nối lại với Nga có thể gây chia rẽ nội bộ. Sự đoàn kết mà phương Tây đạt được
về vấn đề Ukraine trước khi Trump tái đắc cử là một thành tựu. Giờ đây, với một
tổng thống thân Putin ở Nhà Trắng, sự đoàn kết của châu Âu lại càng quý giá
hơn. Nhưng nhiều nước châu Âu, đặc biệt là những nước ở sườn phía đông của
NATO, đơn giản là không muốn nghĩ đến bất kỳ hình thức hòa hoãn nào với Điện
Kremlin ngay cả sau khi Putin ra đi.
Tuy
nhiên, họ buộc phải làm vậy. Các nhà lãnh đạo phương Tây cần phải đối mặt và giải
quyết những quan ngại của chính các công dân của họ, những người không muốn có
một cuộc đối đầu tốn kém và không có hồi kết với Nga. Và việc hình dung về một
quan hệ thực dụng sẽ không chỉ là một bài tập trí tuệ đơn thuần, mà có thể là một
công cụ để thúc đẩy nước Nga tiến tới một cuộc chuyển đổi. Putin chưa bao giờ
phản ứng nồng nhiệt với những lời đề nghị của phương Tây, nhưng sự tồn tại của
những lời đề nghị đó vẫn có thể làm tan rã chế độ sau khi ông rời đi. Putin đã
không chuẩn bị một người kế nhiệm vì ông lo sợ quyền lực của mình bị xói mòn. Nếu
ông cuối cùng cũng chỉ định một người, thì người đó sẽ yếu hơn nhiều so với
chính ông, tạo ra không gian cho các thế lực chính trị đối địch tranh giành ảnh
hưởng. Ngay cả khi không có cuộc chiến kế nhiệm nào nổ ra, thì quá trình chuyển
đổi của nước Nga hậu Putin vẫn có thể giống với giai đoạn những năm 1950 sau
cái chết của Stalin, trong đó sự xuất hiện của lãnh đạo tập thể trên thực tế
cho phép chuyển hướng sang tự do hóa và thực dụng.
Sự
thay đổi gần đây trong giới lãnh đạo Mỹ đã khiến người châu Âu không kịp chuẩn
bị. Một sự thay đổi đột ngột ở Điện Kremlin cũng sẽ dẫn đến kết quả tương tự,
trừ phi phương Tây chủ động hình dung về quan hệ của họ với nước Nga hậu Putin.
Một cuộc chiến vĩnh viễn luân phiên giữa chiến tranh lạnh và chiến tranh nóng
không phải là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nếu các nhà lãnh đạo phương Tây
trì hoãn việc thảo luận về một tầm nhìn khác, họ có nguy cơ tiếp tay cho những
nỗ lực của Putin nhằm biến cuộc đối đầu với phương Tây thành di sản vĩnh viễn.
-------------------------
Alexander
Gabuev
là Giám đốc Trung tâm Carnegie Nga-Á Âu tại Berlin.
Nguồn: Alexander Gabuev, “The
Russia That Putin Made,” Foreign Affairs, 17/04/2025
No comments:
Post a Comment