Cú
sốc thuế quan lớn nhất cho nền kinh tế thế giới trong 100 năm qua
Michael Sauga phỏng vấn Gabriel Felbermayr - Spiegel
Nguyễn
Văn Vui
chuyển ngữ
05/04/2025
HÌNH
:
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2025/04/1-19-768x892.jpeg
Tổng
thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng mức thuế quan cao đối với toàn thế giới, gây
ra những hậu quả nghiêm trọng. Nhà kinh tế học Gabriel Felbermayr cảnh báo về
nguy cơ giá cả tăng cao, tăng trưởng chậm lại và tình trạng bất ổn lớn. Ông
khuyến nghị EU nên có cách đối phó thận trọng.
Gabriel
Felbermayr, sinh năm 1976, là Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Áo tại Vienna.
Trước đó, ông là Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel và đã từng nghiên cứu về
thương mại quốc tế trong nhiều năm.
Spiegel:
Thưa ông Felbermayr, Donald Trump đã thực hiện lời đe dọa của mình và áp đặt
thuế quan cao đối với toàn thế giới. Hậu quả sẽ ra sao?
Felbermayr: Đây là cú sốc thuế
quan lớn nhất cho nền kinh tế thế giới trong 100 năm qua. Chúng ta đang chứng
kiến một thời khắc lịch sử, như chính Trump đã nói. Nếu tình hình này tiếp diễn,
thương mại toàn cầu sẽ suy giảm, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, giá cả leo
thang và thị trường ngoại hối sẽ trở nên bất ổn. Thế giới có thể phải đối mặt với
một giai đoạn hỗn loạn.
*
Spiegel:
Ai sẽ chịu thiệt hại nặng nhất?
Felbermayr: Theo những tính
toán ban đầu, chính Mỹ sẽ là nước chịu thiệt hại lớn nhất. Tôi dự đoán rằng sản
xuất tại Mỹ có thể giảm tới 2% do các mức thuế quan này, thậm chí có thể xóa sạch
mức tăng trưởng kinh tế dự báo của Mỹ trong năm nay.
*
Spiegel:
Đây có phải là một chính sách tự sát về kinh tế?
Felbermayr: Vâng, rất khó để
tìm ra một lý do kinh tế hợp lý cho chính sách này. Việc tách nước mình ra khỏi
thương mại toàn cầu đồng nghĩa với từ bỏ những lợi thế của phân công lao động
quốc tế. Điều này thật sự phi lý. Chính sách “thời kỳ hoàng kim” mà Trump cam kết
vẫn là một chuyện bí ẩn.
*
Spiegel:
Ông dự đoán tác động của chính sách này đối với EU ra sao?
Felbermayr: Đây là một tin xấu,
đặc biệt đối với ngành công nghiệp Đức, bởi mức thuế 20% áp dụng trên toàn EU sẽ
ảnh hưởng nặng nề nhất đến Đức. Sản xuất tại nước này có thể giảm khoảng 0,5 điểm
phần trăm, làm gia tăng nguy cơ Đức sẽ trải qua thêm một năm suy thoái.
*
Spiegel:
Trump áp mức thuế khoảng 50% đối với Trung Quốc và Việt Nam, nhưng chỉ 10% đối
với Anh và Australia. Điều này sẽ có tác động như thế nào?
Felbermayr: Điều này sẽ khiến
dòng chảy thương mại thay đổi. Các quốc gia có thuế quan thấp hơn sẽ có lợi thế
cạnh tranh khi giao thương với Mỹ. Tuy nhiên, tác động tổng thể sẽ không lớn,
vì những nước này không có thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ.
Đối
với Đức, điều này lại mang đến một chút lợi thế, vì thuế quan đối với hàng
Trung Quốc cao gấp đôi so với hàng Đức, giúp doanh nghiệp Đức cạnh tranh hơn
khi xuất khẩu sang Mỹ. Nhưng lợi thế này chỉ tồn tại nếu thuế quan giữ nguyên.
*
Spiegel:
Ông có dự đoán thuế quan sẽ thay đổi không?
Felbermayr: Đây là một phần
trong chiến thuật đàm phán của Trump. Chẳng hạn, ban đầu ông ta đe dọa áp thuế
cao đối với Mexico và Canada, nhưng sau đó lại có những điều chỉnh để bảo đảm
dòng chảy hàng hóa giữa ba nước Bắc Mỹ không bị gián đoạn, ngoại trừ một số
ngành như xe hơi và thép.
*
Spiegel:
Trump lập luận rằng, ông chỉ áp thuế bằng với mức rào cản thương mại của các đối
tác. Điều này có đúng không?
Felbermayr: Các số liệu mà
Trump công bố dường như được tính toán một cách tùy tiện. Mỹ cho rằng rào cản
thương mại của châu Âu cao hơn Mỹ 39%, nhưng điều này không có cơ sở. Trên thực
tế, mức thuế quan của EU chỉ cao hơn Mỹ khoảng một điểm phần trăm.
*
Spiegel:
Trump cho rằng thuế giá trị gia tăng ở châu Âu là một lợi thế thương mại không
công bằng.
Felbermayr: Điều này thật vô
lý. Thuế giá trị gia tăng đánh vào tiêu dùng, không phải xuất khẩu. Các doanh
nghiệp Mỹ ở châu Âu cũng phải trả mức thuế này như các công ty EU. Nếu tính
công bằng, cũng cần xem xét các lợi thế mà Mỹ có, chẳng hạn như thuế năng lượng
thấp và chi phí lao động rẻ hơn. Không có nghiên cứu đáng tin cậy nào chứng
minh rằng EU thật sự có các thực hành thương mại không công bằng đối với Mỹ.*
Spiegel: Trên
Internet có lý thuyết cho rằng chính phủ Mỹ tính thuế quan bằng cách chia thặng
dư thương mại của các quốc gia cho các khoản nhập khẩu.
Felbermayr: Có vẻ là như vậy,
nhưng phương pháp này rất đáng ngờ và không tuân theo tiêu chuẩn quốc tế. WTO
có những tiêu chí rõ ràng cho thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp,
trong khi cách tính của Mỹ lại không minh bạch.
*
Spiegel:
Trump muốn dùng thuế quan để giảm thâm hụt thương mại và đưa ngành công nghiệp
trở lại Mỹ. Điều này có khả thi không?
Felbermayr: Một số công ty có
thể chuyển sản xuất về Mỹ để tránh thuế, nhưng họ cũng có thể chuyển sang
Mexico hoặc Canada. Hơn nữa, Mỹ gần như đã đạt mức toàn dụng lao động trong nền
kinh tế rồi, có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, nên việc tìm lao động cho
các ngành sản xuất sẽ khó khăn, đẩy lương và giá cả lên cao. Điều này sẽ làm
cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trở nên đắt đỏ, và không loại trừ khả năng thâm hụt
thương mại của Mỹ sẽ vẫn tiếp tục. Có thể thuế quan sẽ phá hủy nhiều việc làm
hơn là tạo ra.
*
Spiegel:
Trump kỳ vọng sẽ thu được một khoản tiền khổng lồ từ những mức thuế này.
Ông đánh giá thế nào về điều này?
Felbermayr: Tất nhiên, thuế
quan của Mỹ sẽ tăng mạnh với các mức thuế cao như vậy. Lợi nhuận thu được có thể
lên đến 600 tỷ đô la Mỹ. Nhưng con số này có vẻ bị thổi phồng. Lý do là vì nhập
khẩu vào Mỹ sẽ giảm mạnh do thuế mới. Tuy vậy, đối với tài chính công đó chỉ là
muối bỏ biển. Trump muốn dùng khoản thuế này để giảm thuế thu nhập, mà mức thâm
hụt ngân sách của Mỹ hiện nay là gần 1,9 ngàn tỷ đô la. Trong trường hợp lạc
quan nhất, thâm hụt ngân sách của Mỹ cũng chỉ có thể giảm khoảng một phần ba mà
thôi.
*
Spiegel: Là
đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, EU đặc biệt bị ảnh hưởng bởi thuế quan của
Trump. EU nên phản ứng như thế nào?
Felbermayr: EU cần phải thể
hiện sự đáng tin cậy. Brussels đã tuyên bố sẽ có biện pháp đối phó, thì nay là
lúc thực hiện điều đó. Tuy nhiên, phản ứng một cách có chừng mực sẽ là lựa chọn
khôn ngoan. Đáp trả theo cách ăn miếng trả miếng, hoàn toàn không có lợi. Làm
như vậy sẽ gây tổn hại cho EU nhiều hơn là cho Mỹ. Thay vào đó, EU cần nhắm vào
những điểm mà Mỹ có thể bị tổn thương. Đồng thời, họ cũng nên tìm cách khiến Mỹ
bất ngờ với những biện pháp mà Washington có thể không lường trước.
*
Spiegel:
Ông có thể đưa ra một ví dụ?
Felbermayr: Trump từng
tuyên bố rằng Mỹ cần sản xuất nhiều vi mạch hơn. Tuy nhiên, để đạt được điều
đó, ông ta sẽ cần đến máy móc chế tạo chip hiện đại, mà hiện nay gần như hoàn
toàn do công ty ASML của Hòa Lan sản xuất. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu EU đe dọa
áp thuế xuất khẩu đối với những máy móc này?
Chính
Trump cũng đã từng nói, EU đang “vắt sữa” người dân Mỹ như những con ngỗng ngày
Giáng sinh bằng các mặt hàng xuất khẩu. Trong trường hợp vi mạch, EU có thể dễ
dàng đảo ngược lập luận của Trump. Như vậy, Brussels không chỉ có thể gia tăng
nguồn thu, mà còn cho thấy sự phi lý trong các luận điệu của Trump.
*
Spiegel:
Nhiều chính trị gia EU đề xuất đánh thuế vào doanh thu kỹ thuật số. Ông nghĩ
sao về điều này?
Felbermayr: Đây có thể là một
biện pháp hợp lý, vì Mỹ đang có thặng dư thương mại lớn trong lĩnh vực này so với
EU. Theo logic thương mại mới của Mỹ, họ nên giảm bớt thặng dư này. Ngoài ra,
các biện pháp trong lĩnh vực cạnh tranh cũng có thể được cân nhắc.
*
Spiegel:
Ông đánh giá thế nào về những biện pháp đó?
Felbermayr: EU từng áp dụng
các hình phạt đối với hành vi chống cạnh tranh của các công ty công nghệ lớn của
Mỹ. Tuy nhiên, kể từ đó, sự cạnh tranh trên các thị trường nền tảng kỹ thuật số
gần như chưa có gì cải thiện đáng kể cả. Vì vậy, còn rất nhiều biện pháp để thực
hiện. Điều quan trọng lúc này không phải là tính ngoại giao hay pháp lý, mà là
hiệu quả.
*
Spiegel:
Liệu vẫn còn cơ hội để đàm phán không?
Felbermayr: Dĩ nhiên là có.
Đây nên là ưu tiên hàng đầu. Tôi vẫn tin rằng Trump muốn đạt được một thỏa thuận.
Tôi không loại trừ khả năng, cuối cùng các rào cản thương mại giữa hai bên sẽ
được dỡ bỏ. Điều này cũng có thể suy ra từ những tuyên bố của Trump trong tuần
này, nếu cả hai bên đều thể hiện thiện chí.
*
Spiegel:
EU đánh thuế nhập khẩu xe hơi ở mức 10%, trong khi Mỹ chỉ áp thuế 2,5%. Điều
này có hợp lý không?
Felbermayr: Vâng, thật ra EU
không cần một mức thuế xe hơi cao như vậy. Tuy nhiên, cho đến nay, EU vẫn kiên
quyết duy trì mức thuế này. Đây là một sai lầm.
*
Spiegel:
Ông có nghĩ Trump sẽ sẵn sàng rút lại các tuyên bố gần đây nếu EU giảm thuế xe
hơi không?
Felbermayr: Nhìn cuộc đàm
phán kéo dài với Mexico và Canada kết thúc, tôi không loại trừ khả năng này. Cuộc
chiến thương mại giữa Trump và hai nước này đã diễn ra nhẹ nhàng hơn dự đoán.
Hiệp định thương mại mà Mỹ ký với họ thật sự mang lại sự bảo vệ cần thiết. Điều
này cho thấy, một thỏa thuận tương tự giữa Brussels và Washington hoàn toàn có
thể khả thi.
*
Spiegel:
Trước đây, Mỹ là trụ cột của hệ thống thương mại toàn cầu. Liệu điều đó có còn
đúng không?
Felbermayr: Không, điều đó
đã hết từ lâu rồi, ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ của Trump. Khi đó, Mỹ đã làm
tê liệt Tổ chức Thương mại Thế giới và từ đó không còn giữ vai trò duy trì trật
tự trong hệ thống thương mại quốc tế.
*
Spiegel:
Điều này có ý nghĩa gì trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc?
Felbermayr: Đây là một nghịch
lý trong chính sách thuế quan của Trump. Nó khiến các nước như Hàn Quốc, Đài
Loan, Nhật Bản và các nước EU gần gũi hơn với Trung Quốc. Nếu các mức thuế quan
cao này vẫn được duy trì, những nước này sẽ càng xích lại gần Trung Quốc hơn,
vì Bắc Kinh hiện có thể đứng ra bảo vệ thương mại theo quy định.
Tôi
không thấy Trump đang sử dụng biện pháp nào có thể mang lại lợi thế cho Mỹ
trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Trump đang đẩy xa các đồng minh tự nhiên của
mình trong cuộc cạnh tranh quyền lực với Bắc Kinh. Cuối cùng, điều này có thể
khiến Mỹ bị cô lập trong nền kinh tế toàn cầu, còn Trung Quốc mới là bên hưởng
lợi.
No comments:
Post a Comment