Tuesday, April 8, 2025

CƠ HỘI MÀ TRUNG QUỐC CÓ THỂ NẮM BẮT TRƯỚC ĐÒN THUẾ QUAN CỦA DONALD TRUMP (Anh Vũ / RFI)

 



Cơ hội mà Trung Quốc có thể nắm bắt trước đòn thuế quan của Donald Trump

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 07/04/2025 - 15:45  -  Sửa đổi ngày: 08/04/2025 - 14:42

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20250407-c%C6%A1-h%E1%BB%99i-m%C3%A0-trung-qu%E1%BB%91c-c%C3%B3-th%E1%BB%83-n%E1%BA%AFm-b%E1%BA%AFt-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C4%91%C3%B2n-thu%E1%BA%BF-quan-c%E1%BB%A7a-donald-trump

 

Cuộc chiến thương mại và thuế quan do tổng thống Donald Trump phát động với cả thế giới nhưng chủ yếu nhắm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nhận thấy, một trong những bên có thể được hưởng lợi lại chính là Trung Quốc – quốc gia là tổng thống Mỹ xem là đối thủ số một.

 

HÌNH :

Hình minh họa : Lá cờ Mỹ và Trung Quốc với dòng chữ "Thuế quan 34%". REUTERS - Dado Ruvic

 

Ngay sau khi Donald Trump thông báo mức thuế đối ứng đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc 34%, Trung Quốc là nước duy nhất đáp trả bằng mức thuế tương đương, kèm theo những biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm – những nguyên liệu cho công nghệ mà Mỹ đang rất cần, đưa một loạt công ty Mỹ vào danh sách kiểm soát đặc biệt. Hành động của Bắc Kinh là chưa từng có.

 

Khác với nhiệm kỳ đầu tiên (2017–2021), lần này Donald Trump không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn cả thế giới, bao gồm cả các nước đồng minh từng ủng hộ lập trường cứng rắn của Washington đối với Bắc Kinh.

 

Rõ ràng đối đầu trực diện với Mỹ là một thách thức lớn đối với Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc cũng nhìn thấy một số cơ hội chiến lược và dài hạn trong cuộc chiến thuế quan lần này.

Ngay trước khi Donald Trump thông báo hôm 02/04 áp thuế tối thiểu 10% và các khoản thuế bổ sung đối với những quốc gia bị cho là đặc biệt thù địch trong thương mại, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tuyên bố muốn “đẩy nhanh” các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do.

 

Lizzi Lee, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Viện Chính sách Xã hội châu Á (Asia Society Policy Institute) nhận định : “Nếu Trump tiếp tục đơn phương theo đuổi chủ trương biệt lập, tôi cho rằng Bắc Kinh sẽ chủ động tiếp cận các thủ đô này một cách quyết liệt hơn, tự thể hiện mình là nhân tố ổn định kinh tế trong khu vực”.

 

Trung Quốc sẽ nhân cơ hội này để cải thiện hình ảnh và vị thế trong trật tự thương mại toàn cầu. Trước đó hầu như cả thế giới đều nhìn Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, lấn lướt trong quan hệ  kinh tế.  Bà Lizzi Lee  giải thích : “Trung Quốc mô tả các mức thuế của Trump như bằng chứng cho thấy sự suy tàn của nước Mỹ, sự quay lại chủ nghĩa bảo hộ, đe dọa đồng minh và sự thiếu tin tưởng vào các chuẩn mực quốc tế”.

 

Bà Tôn Vân (Yun Sun), chuyên gia tại trung tâm tư vấn Stimson Center, cho biết bà từng nghĩ Trung Quốc sẽ phản ứng “mềm mỏng hơn”, nhưng hiện tại Bắc Kinh dường như ít lo ngại hơn so với nhiệm kỳ đầu của vị tổng thống tỷ phú của đảng Cộng Hòa.

 

Bà nhận định : “Tôi nghĩ Trung Quốc coi đây là một cơ hội và cho rằng Hoa Kỳ đang tự bắn vào chân mình”. “Hiện có một số quốc gia bất mãn, những đồng minh cứng và trung thành của Mỹ, giờ đây, niềm tin của họ vào chính sách đối ngoại của Mỹ chưa hoàn toàn sụp đổ, nhưng ít nhất cũng đang bị đặt dấu hỏi”.

 

Do phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ, Trung Quốc giờ đây buộc phải tìm kiếm và phát triển thị trường mới: Đông Nam Á, châu Phi, châu Âu. Thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và Con đường” để tạo mạng lưới kinh tế rộng lớn hơn, giảm phụ thuộc vào phương Tây. Hay thậm chí có thể khuyến khích các doanh nghiệp chuyển nhà máy đến các nước lân cận (như Việt Nam, Bangladesh), từ đó hình thành chuỗi cung ứng khu vực do Trung Quốc điều phối.

 

Jacob Stokes, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới- Center for a New American Security (CNAS), nhấn mạnh đến mối quan hệ khó khăn giữa Bắc Kinh  với nhiều quốc gia khác, từ các tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Ấn Độ và Đông Nam Á, cho đến những lo ngại từ Châu Âu về việc Trung Quốc ủng hộ Nga trong cuộc chiến tại Ukraina.

 

Nhà phân tích này cũng cho rằng cựu tổng thống Joe Biden đã thành công trong việc xây dựng các liên minh với những quốc gia khác để tạo áp lực lên Trung Quốc, từ vấn đề mạng 5G đến an ninh.

 

Cuối nhiệm kỳ của chính quyền Biden, Bắc Kinh cảm thấy khá cô lập và tôi nghĩ phần lớn áp lực đó đã giảm đi, vì "kẻ gây rối" giờ đây rõ ràng lại là Washington”.

 

Trung Quốc, quốc gia đã xuất khẩu hơn 500 tỷ đô la hàng hóa sang Mỹ trong năm ngoái, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi các mức thuế của Mỹ. Cú sốc thuế quan của Donald Trump là có thật. Các nhà xuất khẩu của nước này, vốn đã suy yếu do suy thoái kinh tế, đang chứng kiến ​​khả năng cạnh tranh của mình giảm sút. Cuộc chiến thương mại này là thách thức lớn với Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng là “phép thử” buộc Trung Quốc phải điều đẩy nhanh quá trình tự chủ và chuyển đổi mô hình phát triển.

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐIỂM BÁO

Thuế quan : Donald Trump làm cho nước Mỹ hay Trung Quốc vĩ đại trở lại ?

 

THUẾ QUAN - TRUNG QUỐC TRẢ ĐŨA MỸ

Chiến tranh thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ, chứng khoán thế giới tiếp tục giảm mạnh

 

 





No comments: