Bến Nghé, Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn –
những biểu tượng lịch sử – văn hóa ở Nam bộ
Nguyễn Thanh Lợi - Bauxite Việt Nam
23/04/2025
https://boxitvn.online/?p=93562
Đây là những
địa danh đặc biệt, có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với thành phố Hồ Chí Minh,
mà còn của cả Nam Bộ, có mối quan hệ mật thiết với nhau. Không phải ngẫu nhiên
mà các chế độ chính trị trước đã đặt nó cho những cấp hành chính phù hợp với vị
thế của địa danh.
*
Địa
danh là những tấm bia lịch sử – văn hóa, thể hiện dấu ấn của con người với những
vùng đất, thể hiện quá trình chinh phục thiên nhiên, kiến tạo xã hội. Ở thành
phố Hồ Chí Minh ngày nay, có những địa danh đi qua năm tháng, song hồn cốt của
nó đã hằn sâu trong thức của cộng đồng nơi đây. Bến Nghé, Sài Gòn, Gia Định, Chợ
Lớn là những địa danh như thế. Việc đặt tên phường cho những địa danh có bề dày
lịch sử ở thành phố Hồ Chí Minh là điều phải hết sức cân nhắc!
Sông
Bến Nghé có tên chữ là sông Tân Bình, thường gọi là sông Sài Gòn. Con sông này
làm ranh giới giữa hai huyện Tân Bình (Sài Gòn) và Phước Long (Biên Hòa), trung
tâm địa bàn của phủ Gia Định. Trung tâm thương mại Bến Nghé tính từ gò Tân Khai
(quận 1) đến Gò Vấp. Phố thị Bến Thành nằm trên bờ sông Bến Nghé, ở đầu kinh dẫn
nước (đường Nguyễn Huệ nay), dẫn vào hào thành Gia Định. Do vậy, Bến Nghé vừa
là “cảng biển”, vừa là giang cảng.
Đất
dinh Phiên Trấn, sau đổi ra trấn Phiên An, rồi tỉnh Gia Định, dân gian vẫn gọi
là Bến Nghé hay Sài Gòn.
Ngày
21/12/1988, thành phố Hồ Chí Minh sáp nhập phường 8 và phường 10 (quận 1) và đổi
tên thành phường Bến Nghé.
Địa
danh Sài Gòn xuất hiện lần đầu trong sách Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý
Đôn với sự kiện: “Năm 1674, Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn
đánh Cao Miên và phá vỡ lũy Sài Gòn”. Thực ra, hai địa danh Sài Gòn và Bến Nghé
đã xuất hiện rất sớm, từ năm 1623, đó là 2 đồn thu thuế của chúa Nguyễn.
Có
nhiều thuyết giải thích về địa danh Sài Gòn, mà nguồn gốc của nó từ “Prey
Nokor” phiên âm theo tiếng Khmer, là “thị trấn giữa rừng” được nhiều người chấp
nhận.
Năm
1698, Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn Phúc Chu phong làm Kinh lược sứ, lập phủ
Gia Định với hai huyện, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, lập xứ Sài Gòn
làm huyện Tân Bình (từ hữu ngạn sông Sài Gòn đến sông Vàm Cỏ).
Trong
lịch sử, địa danh Sài Gòn để chỉ những phạm vi khác nhau. Ban đầu tên gọi Sài
Gòn để chỉ cả Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, một phần Long An và
Tiền Giang ngày nay. Về sau, xứ Sài Gòn nằm ở phía tây sông Sài Gòn, tức một phần
địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nay. Bản đồ của Le Brun vẽ thành phố năm 1795 đặt
tên là “Ville de Saigon » (thành phố Sài Gòn) hoặc trong An Nam đại quốc họa đồ
(1838) có ghi địa danh Sài Gòn. Chợ Sài Gòn hay phố Sài Gòn trong Gia Định
thành thông chí (1820) để chỉ khu vực chỉ rộng bằng 1/3 hay ¼ quận 5, tức khu vực
Chợ Lớn nay.
Ngày
8/1/1877, Tổng thống Pháp là Thống chế De Mac Mahon ký ban hành sắc lệnh lập
thành phố Sài Gòn, thành phố cấp I. Thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn chỉ
chiếm một diện tích nhỏ và tách rời nhau, thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.
Năm
1698, đặt phủ Gia Định, mới chỉ có 2 huyện Phước Long và Tân Bình. Đến năm
1757, phủ Gia Định đã bao trùm khắp Nam Bộ. Năm 1790, xây thành Bát Quái để lập
Gia Định kinh. Năm 1802, bỏ Gia Định kinh, đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định,
gồm 4 dinh và 1 trấn, trong đó dinh Phiên Trấn thuộc địa bàn thành phố ngày
nay. Năm 1832, giải thể Gia Định thành, đổi 5 trấn thành 6 tỉnh, trấn Phiên An
đổi thành tỉnh Phiên An. Năm 1836, đổi tên tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định.
Năm 1862, khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, tỉnh Gia Định đặt lỵ sở tại
Sài Gòn, quản phủ Tây Ninh, phủ Tân Bình, gồm cả phần đất của Long An ngày nay.
Năm
1900, Gia Định là một trong 20 tỉnh ở Nam Kỳ.
No comments:
Post a Comment