Wednesday, April 16, 2025

ĐẠI HỌC HARVARD UNIVERSITY V. TRUMP : TIỀN hay TỰ DO? (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Đại học Harvard University v. Trump: Tiền hay tự do?

Hiếu Chân/Người Việt

April 15, 2025 : 9:02 PM

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/dai-hoc-harvard-university-v-trump-tien-hay-tu-do/ 

 

Trong lúc cả thế giới tập trung chú ý vào cuộc chiến thuế quan mà ông Donald Trump, tổng thống Mỹ, phát động hồi đầu tháng này, một trận chiến khác đang âm thầm diễn ra: xung đột giữa chính quyền liên bang và đại học Harvard University – viện đại học lâu đời nhất, giàu nhất và có uy tín nhất của nước Mỹ, nếu không nói là của thế giới.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/A1-Harvard-Trump-1536x1024.jpg

Mọi người tụ tập quanh tượng John Harvard tại khuôn viên đại học Harvard University ở Cambridge, Massachusetts, hôm 15 Tháng Tư. Trường đại học nổi tiếng hàng đầu thế giới này bị chính quyền Donald Trump đóng băng $2.2 tỷ tiền tài trợ của liên bang sau khi từ chối một loạt danh sách các yêu cầu của chính quyền. (Hình: Joseph Prezioso/AFP via Getty Images)

 

Tin mới nhất là vào sáng Thứ Ba, 15 Tháng Tư, ông Trump đe dọa tước quy chế “miễn thuế” của Harvard. Trên mạng Truth Social, ông viết: “Có lẽ Harvard nên bị tước mất Quy Chế Miễn Thuế và bị Đánh Thuế như một Thực Thể Chính Trị nếu nó tiếp tục thúc đẩy ‘Căn Bệnh’ chính trị, ý thức hệ và được bọn khủng bố hỗ trợ/gây cảm hứng.”

 

Lời đe dọa được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tòa Bạch Ốc thông báo sẽ đóng băng khoản tài trợ $2.2 tỷ cho Harvard University.

 

Đây là lần thứ bảy chính quyền quyết định cắt tài trợ một viện đại học danh tiếng của quốc gia trong nỗ lực buộc các đại học phải tuân theo nghị trình chính trị của Tổng Thống Trump. Trước đó, việc đóng băng đã áp dụng với sáu viện đại học khác, tất cả đều nằm trong danh sách tám viện đại học tư thục uy tín nhất miền Đông Bắc nước Mỹ, gọi chung là Ivy League (Brown University, Columbia University, Cornell University, Dartmouth College, Harvard University, Princeton University, the University of Pennsylvania và Yale University.)

 

Một cuộc đối đầu đã hình thành giữa một bên là các trường đại học danh tiếng và một bên là chính quyền Trump đang muốn định hình lại nền giáo dục đại học của Mỹ; cuộc xung đột sẽ thử thách giới hạn quyền lực của chính phủ với sự độc lập, tự chủ của đại học – cái làm cho đại học Mỹ trở thành điểm đến mơ ước của giới học giả và sinh viên khắp thế giới.

 

Câu chuyện bắt đầu từ xa hơn, từ nỗi bất mãn của giới chính trị bảo thủ đối với nền giáo dục Mỹ; họ nhìn thấy các đại học là “hang ổ” của giới chính trị cánh tả, là môi trường “tẩy não” thế hệ trẻ khiến chúng xa rời các giá trị bảo thủ và trở nên cấp tiến. Trong các cuộc vận động tranh cử năm ngoái, ông Trump nhiều lần nói rằng, không ở đâu mà sự bất công chính trị lan tràn như trong các khu học xá đại học, nơi “bọn cuồng tín Marxist và bọn điên” điều hành, nơi các tư tưởng bảo thủ về đạo đức, gia đình, nghĩa vụ công dân… bị bóp nghẹt. Ông than phiền về tình trạng kỳ thị chủng tộc, nói rằng một số viện đại học có ác cảm với sinh viên da trắng; ông thề sẽ cho “điều tra về dân quyền” ở các trường khuyến khích đa dạng (diversity), ông cam kết sẽ tước bỏ nguồn tài trợ nghiên cứu từ liên bang nếu các trường không chịu thay đổi…

 

                                                     ***

 

Vụ tấn công tàn bạo của tổ chức khủng bố Hamas vào Israel ngày 7 Tháng Mười, 2023, giết chết 1,200 thường dân và bắt làm con tin hơn 250 người, cuộc trả đũa cũng không kém tàn bạo của Israel vào Dải Gaza tiếp sau đó khiến hàng chục ngàn người Palestine bị giết đã làm bùng phát nhiều cuộc biểu tình phản đối Israel, ủng hộ Palestine trong khuôn viên nhiều trường đại học, yêu cầu nhà trường cắt đứt quan hệ hợp tác với Israel. Chính quyền Trump nhìn nhận đây là biểu hiện của chủ nghĩa bài Do Thái (anti Semitism) và quyết định trấn áp.

 

Nhưng theo nhiều nhà phân tích, chống chủ nghĩa bài Do Thái chỉ là cái cớ bề ngoài để chính quyền Trump thực hiện một nỗ lực lớn hơn nhằm định hình lại hệ thống giáo dục đại học, loại bỏ tư tưởng cấp tiến, cánh tả và thúc đẩy các chương trình chính trị “Nước Mỹ trước hết” của Tổng Thống Trump.

 

Mười ngày sau khi nhậm chức, ngày 1 Tháng Hai, 2025, Tổng Thống Trump cho thành lập đội đặc nhiệm chống chủ nghĩa bài Do Thái (Task Force to Combat Anti Semitism) gồm 20 giới chức lãnh đạo của một số bộ trong nội các để điều tra các tố giác vi phạm nhân quyền ở các đại học và buộc các đại học phải thay đổi chính sách, bảo đảm sự an toàn cho giảng viên và sinh viên gốc Do Thái.

 

Mười viện đại học lớn bị đưa vào danh sách điều tra, trong đó có ba trường của California là UC Berkeley, UC Los Angeles và University of Southern California. Biện pháp chính mà chính quyền sử dụng là “đóng băng” các khoản tài trợ của chính quyền liên bang, buộc các đại học hoặc phải thực hiện các yêu cầu của chính quyền hoặc bị cắt tài trợ, bãi bỏ các dự án nghiên cứu, đóng cửa phòng thí nghiệm và đóng băng việc tuyển dụng các giáo sư, nhà khoa học.

 

Trước năm 1945, các đại học Mỹ nhận được rất ít tài trợ từ ngân quỹ công; nhưng điều đó thay đổi từ năm 1950 khi Quỹ Khoa Học Quốc Gia (National Science Foundation) được thành lập, tiếp sau đó là Viện Y Tế Quốc Gia (National Institute of Health). Nhờ tiền tài trợ và hợp đồng nghiên cứu từ chính phủ, các viện đại học xây dựng các chương trình đào tạo tiến sĩ, mở nhiều phòng thí nghiệm, thu hút nhiều nhà khoa học từ khắp thế giới – nhiều người là tài năng hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu của họ.

 

“Đại học nghiên cứu” (research university) – nghiên cứu kết hợp với giảng dạy – đã trở thành chuẩn mực của đại học Mỹ nửa sau thế kỷ 20 và từ các giảng đường, phòng thí nghiệm đã xuất hiện nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ nhân loại ngày nay, từ mạng Internet đến vaccine mRNA. Hiện mỗi năm ngân sách nước Mỹ chi ra khoảng $60 tỷ để tài trợ nghiên cứu cho các viện đại học. Giờ đây nhiều người lo ngại mối quan hệ thống nhất giữa nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo ở đại học có nguy cơ bị đổ vỡ do nguồn tài trợ bị cắt.

 

                                                         ***

 

Trở lại với vụ xung đột giữa chính quyền liên bang và các đại học.

 

Đại học Columbia University ở New York là trường đầu tiên bị chính quyền liên bang cắt hợp đồng giá trị $51 triệu vào ngày 3 Tháng Ba vì theo ông Trump, Columbia University đã cho phép “biểu tình bất hợp pháp” trong khuôn viên trường. Ngay sau đó, bà Minouche Shafik, viện trưởng, mất chức và cựu sinh viên Mahmoud Khalil bị bắt giam, bị đưa vào diện trục xuất vì tham gia biểu tình ủng hộ Palestine.

 

Ngày 7 Tháng Ba, chính quyền quyết định đóng băng $400 triệu tài trợ cho trường. Columbia University sau đó đã phải thực hiện chín yêu cầu của chính quyền như đưa khoa nghiên cứu Trung Đông vào diện giám sát, tuyển thêm giáo sư cho Viện Nghiên Cứu Israel và Do Thái, cải tiến quy định về biểu tình và kỷ luật sinh viên, cấm mang khẩu trang (mask) để che mặt trong khu học xá, bố trí thêm cảnh sát chống biểu tình… Những biện pháp do bà Katrina Armstrong, viện trưởng lâm thời, đưa ra lập tức bị các hội đồng giáo sư phản đối; họ tố cáo nhà trường đã đầu hàng nhục nhã sự đàn áp chưa từng có tiền lệ của Tổng Thống Trump vào quyền tự do học thuật của nhà trường. Khoản tài trợ $400 triệu đến nay vẫn bị treo lại và chưa biết chính quyền có giải ngân cho Columbia University hay không.

 

Sau trường hợp của Columbia University, một giới chức cao cấp trong chính quyền nói với truyền thông rằng họ muốn “giết gà dọa khỉ,” đánh vào một mắt xích yếu nhất để lung lạc các đại học khác. Tiếp theo Columbia University, chính quyền Trump đã lần lượt đóng băng hoặc đe dọa đóng băng khoản tài trợ cho các đại học Cornell University ($1 tỷ), Northwestern University ($790 triệu), Brown University ($510 triệu), Princeton University ($210 triệu), và University of Pennsylvania ($175 triệu).

 

Sang Tháng Tư, mục tiêu chuyển sang Harvard University. Ngày 31 Tháng Ba, đội đặc nhiệm của chính phủ thông báo sẽ “xem xét toàn diện” Harvard và cho biết khoản tài trợ $9 tỷ cho trường này có thể bị ảnh hưởng.

 

Ngày 3 Tháng Tư, chính quyền gửi một lá thư kèm theo danh sách 10 yêu cầu đến ban lãnh đạo của Harvard, đòi nhà trường cấm biểu tình trong khuôn viên, xóa bỏ các định kiến trong chương trình giảng dạy của các khoa. Một tuần sau, chính quyền gửi thêm một lá thư khác, yêu cầu Harvard cải cách bộ máy quản trị, thay đổi chính sách tuyển dụng và tuyển sinh có tham khảo “chủng tộc, màu da, nguồn gốc dân tộc…,” chấm dứt tất cả các chương trình DEI, sàng lọc sinh viên nước ngoài, buộc thôi học những sinh viên “ác cảm với các giá trị Mỹ,” và chấm dứt việc công nhận các hội đoàn của sinh viên.

 

Dân Biểu Elise Stefanik (Cộng Hòa-New York), nhân vật quyền lực thứ ba của đảng Cộng Hòa và là cựu sinh viên Harvard, nói rằng nhà trường là một “ổ ung nhọt.” Ông Pete Hegseth, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, lên truyền hình nói ông có thể “trả lại cho người gửi” tấm bằng mà ông nhận được từ Harvard…

 

Giọt nước đã tràn ly, hôm Thứ Hai, 14 Tháng Tư, ông Alan Garber, viện trưởng Harvard, gửi thư cho hội đồng giáo sư và sinh viên cho biết ông từ chối các đòi hỏi của chính quyền mà ông cho là vượt quá quyền hành của nhánh hành pháp, và khẳng định Harvard “sẽ không từ bỏ sự độc lập hoặc các quyền hiến định của mình.”

 

“Không chính quyền nào – cho dù do đảng nào cầm quyền – được ra lệnh cho các đại học tư có thể giảng dạy những gì, được thuê mướn hoặc tiếp nhận những ai, lĩnh vực nghiên cứu nào có thể theo đuổi,” bức thư viết. Ông Garber cũng cho rằng, các yêu cầu của chính quyền là mối đe dọa không chỉ đối với Harvard mà cả với tính tự chủ của các đại học Mỹ. “Không chỉ Harvard mà bất cứ đại học tư thục nào cũng không cho phép mình bị chính quyền liên bang điều khiển,” bức thư viết.

 

Ngay sau đó, chính quyền liên bang thông báo đóng băng khoản tài trợ $2.2 tỷ và cắt hợp đồng trị giá $60 triệu với Harvard. Các giáo sư Harvard đã khởi kiện để bác bỏ những yêu sách của chính quyền. Hai luật sư thuê ngoài đại diện cho lợi ích của Harvard cũng ra tuyên bố khẳng định các yêu sách đó vi phạm quyền của nhà trường theo Tu Chính Án Thứ Nhất                                             

 

                                                            ***

 

Với quỹ tài trợ hiện có lên tới $56 tỷ, Harvard là trường giàu nhất trong các đại học Mỹ và có thể sẽ không gặp nhiều khó khăn khi bị cắt tiền tài trợ, ít nhất là trong ngắn hạn.

 

Chắc chắn vụ đụng độ giữa Harvard University và chính quyền sẽ dẫn tới tranh tụng ở tòa và chưa biết phía nào sẽ thắng, quyền lực của chính quyền liên bang trong trách nhiệm sử dụng tiền đóng thuế của người dân hoặc quyền tự do ngôn luận và quy chế tự trị, tự chủ của đại học Mỹ.

 

Vào lúc này, dư luận ở nước Mỹ đã chia rẽ sâu sắc. Cựu Tổng Thống Barack Obama gọi yêu sách của chính quyền liên bang là một “nỗ lực vụng về nhằm phá hủy tự do học thuật” và ông hy vọng các đại học khác sẽ đi theo tấm gương Harvard.

 

Giáo Sư Larry H. Summers, cựu viện trưởng Harvard và cựu bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ, ủng hộ quyết tâm bảo vệ tự do học thuật của viện trưởng đương nhiệm Alan Garber.

 

“Chính quyền Trump, với các yêu sách gần như độc tài, đã mang thêm nhiều sự đoàn kết với đội ngũ giảng dạy Harvard hơn bất kỳ lúc nào trong thế kỷ 21. Harvard đã đóng góp cho nước Mỹ trước Trump và sẽ đóng góp rất lâu nữa sau Trump,” ông Summers viết trên mạng X hôm Thứ Ba, 15 Tháng Tư.

 

Ông Summers còn tự hỏi, nếu Harvard không phản kháng thì ai sẽ có khả năng phản đối chính quyền Trump?

 

Có ít nhất hai bộ trưởng trong chính quyền Trump – ông Pete Hegseth và ông Robert F. Kennedy, bộ trưởng Y Tế – là cựu sinh viên Harvard. Trước vụ xung đột có khả năng leo thang, lôi kéo nhiều đại học khác, một câu lạc bộ Cộng Hòa Harvard (Harvard Republican Club) ra lời kêu gọi nhà trường dàn xếp với chính quyền và “trở lại với các nguyên tắc của nước Mỹ đã đào tạo ra những con người vĩ đại của đất nước này” thay vì dấn sâu vào một cuộc xung đột chẳng có lợi cho ai. [qd]

 





No comments: