Đại bàng Mỹ đấu với rồng Châu Á
Hiếu Chân/Người Việt
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/dai-bang-my-dau-voi-rong-chau-a/
Thế
giới đang nín thở nhìn cuộc song đấu vô tiền khóang hậu giữa hai thế lực kinh tế
lớn nhất hành tinh: Đại bàng Mỹ và rồng Trung Quốc. Ai sẽ thắng trong ván cờ
sinh tử này?
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/TS-Chien-Tranh-My-Trung-1536x1027.jpg
Container
chứa hàng ở cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, chờ xuất cảng sang Mỹ.
Trung Quốc và Mỹ chuẩn bị một cuộc chiến thương mại mới. (Hình minh họa:
STR/AFP via Getty Images)
Trong
“Ngày Giải Phóng” 2 Tháng Tư, Tổng Thống Donald Trump quyết định đánh thuế đối ứng
(reciprocal tariff) 34% lên hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc. Mức thuế này chồng
lên mức 20% đã áp dụng trước đó, đẩy mức thuế mà hàng Trung Quốc phải chịu khi
xuất vào thị trường Mỹ lên tới 54%. Ngay lập tức, chính phủ Trung Quốc công bố
đánh thuế trả đũa 34% lên hàng hóa nhập cảng từ Mỹ – bằng với mức thuế đối ứng
của ông Trump. Trước đó nhiều mặt hàng nông sản của Mỹ nhập cảng vào Trung Quốc
đã bị áp thuế 10%-15%. Và rồi, hôm Chủ Nhật, 6 Tháng Tư, tức giận với phản ứng
của Bắc Kinh, ông Trump doạ sẽ tăng thuế thêm 50% lên hàng hóa Trung Quốc, áp dụng
từ ngày 9 Tháng Tư, nếu Bắc Kinh không rút lại mức thuế trả đũa của họ. Trung
Quốc tuyên bố họ sẽ không lùi bước. “Nếu Hoa Kỳ khăng khăng theo cách của riêng
mình, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng,” Bộ Thương Mại Trung Quốc cho biết vào
Thứ Ba, theo Reuters.
Cứ
thế, Washington và Bắc Kinh “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” bất chấp sự hỗn
loạn của thị trường ở cả hai bờ đại dương. Nhưng suy cho cùng, dù muộn, thương
chiến với Trung Quốc là cần thiết, cần phải có biện pháp buộc Bắc Kinh hành xử
theo luật pháp và đạo lý. Có điều, cách thức tiến hành thương chiến của ông
Trump có vẻ bất cận nhân tình và khó bảo đảm thắng lợi.
Khi
ông Trump tuyên bố Hoa Kỳ là một thuộc địa, một nạn nhân bị các quốc gia khác lợi
dụng, bị cướp mất công việc làm, ngành công nghiệp và tiền bạc, có thể ông đang
nghĩ tới Trung Quốc. “Đất nước chúng ta và người nộp thuế đã bị bóc lột trong
hơn 50 năm,” ông nói khi công bố chính sách thuế quan hôm Thứ Tư. Tuy không chỉ
đích danh kẻ bóc lột nhưng ai cũng hiểu ông muốn ám chỉ Trung Quốc.
Kể
từ khi bắt đầu cải cách kinh tế theo dẫn dắt của Đặng Tiểu Bình năm 1976, nhất
là từ khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) năm 2001 nhờ chính quyền
Bill Clinton bật đèn xanh, Trung Quốc đã nỗ lực tối đa để trở thành “công xưởng
của thế giới,” làm ra mọi loại hàng hóa có thể bán ra ngôi chợ Tòan cầu. Ở đây
chúng ta không bàn tới cái chính sách “beggar-thy-neighbor policy” (biến hàng
xóm thành ăn mày), lợi mình hại người của Trung Quốc vì đã có nhiều sách báo
phân tích, chỉ lưu ý kết quả của nó là hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập
thị trường, làm phá sản vô số công ty, nhà máy ở hầu hết các quốc gia trên thế
giới. Người tiêu dùng có cơ hội hưởng thụ hàng hóa giá rẻ, nhưng người lao động
thì mất việc do các nhà máy đóng cửa dọn sang Trung Quốc.
Hoa
Kỳ là một trong những nước bị thiệt hại nặng nhất khi các công ty Mỹ chuyển cơ
sở sản xuất sang Trung Quốc để tận dụng công nhân giá rẻ rồi đưa hàng hóa trở về
Mỹ tiêu thụ. Hàng hóa, tuy mang nhãn hiệu Mỹ, theo tiêu chuẩn Mỹ, nhưng hầu hết
sản xuất ở Trung Quốc, tràn ngập các siêu thị. Trong khi đó, các nhà máy của Mỹ
lần lượt đóng cửa vì không cạnh tranh được, hàng triệu người lao động rơi vào cảnh
thất nghiệp, phải tìm nỗi khuây khỏa trong rượu và ma tuý. Số liệu thống kê của
Statista.com cho thấy nếu năm 1985, lượng hàng Trung Quốc bán vào Mỹ chỉ vỏn vẹn
$3.86 tỷ thì đến năm 2024 con số này đã là $582.4 tỷ, tăng 136 lần. Có đi
“road-trip” về các vùng nông thôn miền Trung Tây, đến thăm các thị trấn từng một
thời thịnh vượng nhưng nay tiêu điều ọp ẹp, chỉ còn ông già bà cả ngồi nhớ lại
thời vàng son cũ thì mới thấy tác động khủng khiếp của ngón đòn kinh tế mà
Trung Quốc giáng lên nước Mỹ mấy chục năm qua.
Bất
bình với tính chất không công bằng trong giao thương với Trung Quốc, ngay trong
nhiệm kỳ đầu (2017-2020) Tổng Thống Trump đã khởi động cuộc chiến thuế quan,
đánh thuế 25% lên hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc trị giá $380 tỷ, buộc Bắc
Kinh phải tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ, chấm dứt chính
sách cưỡng bức chuyển giao công nghệ, cân bằng thương mại bằng cách mua thêm
nhiều hàng hóa Mỹ. Cuộc thương chiến Mỹ-Trung lần thứ nhất (2018-2020) có làm
giá cả gia tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng và Trung Quốc trả đũa nhắm vào nông
dân Mỹ nhưng nhìn chung tác hại đối với nền kinh tế Mỹ là không quá lớn trong
khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc giảm dần, từ $418.2 tỷ năm 2018
xuống còn $307 tỷ năm 2020, năm cuối nhiệm kỳ ông Trump.
Chính
quyền của Tổng Thống Joe Biden sau đó vẫn tiếp tục duy trì chính sách thuế đối
với Trung Quốc của chính quyền Trump, đồng thời áp đặt thêm những biện pháp thuế
và kiểm soát xuất cảng có chọn lọc nhắm vào một số sản phẩm và công ty Trung Quốc
trong lĩnh vực công nghệ cao hoặc có quan hệ với quân đội. Đến năm 2024, năm cuối
nhiệm kỳ ông Biden, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc giảm còn $295 tỷ.
***
Trở
lại Tòa Bạch Ốc trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng Thống Trump coi thuế quan là công
cụ vạn năng để giải quyết nhiều bài toán của nước Mỹ, trong đó có khoản thâm hụt
thương mại khổng lồ với các đối tác, lên tới $918 tỷ năm 2024; trong đó Trung
Quốc vẫn là nước đứng đầu sổ với mức thâm hụt $295 tỷ. Ông Trump coi thâm thủng
thương mại là bằng chứng cho thấy Mỹ đang bị các nước bên ngoài lợi dụng và bóc
lột, ông cần phải “lấy lại công bằng” và tất nhiên Trung Quốc là kẻ đầu tiên mà
ông phải xử trước.
Điểm
mới là so với năm 2018, thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc giảm nhưng với các bạn
hàng khác lại tăng, đặc biệt là thâm hụt của Mỹ với Mexico và Việt Nam tăng rất
nhanh. Việt Nam chẳng hạn, xuất siêu sang Mỹ năm 2018 chỉ có $39.5 tỷ, năm 2024
đã lên tới $125 tỷ, tăng hơn ba lần chỉ trong sáu năm; xuất siêu của Mexico vào
Mỹ cũng tăng tương ứng, từ $78 tỷ năm 2018 lên $171.8 tỷ năm 2024, tăng 2.2 lần.
Có hai lý do để giải thích hiện tượng tăng đột biến này: Một là các công ty
chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước có thuế nhập cảng vào Mỹ
thấp hơn, và hai là hàng hóa Trung Quốc “núp bóng” các nước này để tránh thuế.
Dù với lý do nào thì hiện tượng đó cũng khó được chấp nhận, và ông Trump quyết
định “cắt vòi bạch tuộc,” bịt các kẽ hở mà Trung Quốc lợi dụng để đưa hàng vào
Mỹ với thuế suất thấp.
Tuy
vậy, thay vì tập trung hỏa lực vào Trung Quốc và các nước trung gian, chính
sách đánh thuế Tòan bộ, bất phân bạn thù, không chừa cả những chú chim cánh cụt
trên hoang đảo xa xôi của ông Trump, lại phản tác dụng và tước mất cơ hội chiến
thắng của Mỹ trong cuộc đối đầu sinh tử giữa đại bàng và rồng Châu Á.
***
Cần
nhìn vào thực tế, so với cuộc thương chiến Mỹ – Trung lần thứ nhất năm 2018, lần
này Bắc Kinh có thực lực mạnh hơn, có nhiều “lá bài” để chơi hơn cho nên đừng
hy vọng Bắc Kinh sẽ sớm nhân nhượng.
Nhật
báo The Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã chỉ đạo
chính phủ của ông chống trả thật mạnh, với nhiều miếng đòn hiểm được chuẩn bị sẵn,
từ tăng thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ nhập cảng, cấm giao thương với một số công
ty Mỹ và đình chỉ việc xuất cảng các nguyên liệu tối cần thiết cho các ngành
công nghiệp công nghệ cao. Chỉ riêng việc Trung Quốc ngừng xuất cảng đất hiếm –
một nhóm gồm 17 kim loại được sử dụng trong các ngành công nghiệp quốc phòng,
xe điện, năng lượng và điện tử mà Trung Quốc chiếm 90% nguồn cung cấp – đã đủ
giáng một đòn chí tử vào mọi nỗ lực của Washington muốn “tách rời” (decoupling)
khỏi nền kinh tế Trung Quốc.
Truyền
thông Trung Quốc hôm Thứ Ba còn cho biết, Bắc Kinh đang chuẩn bị tung ra sáu biện
pháp chống đỡ chiến tranh thương mại, trong đó có việc cấm nhập cảng phim ảnh Mỹ,
dừng hợp tác song phương về kiểm soát ma túy fentanyl, cấm nhập cảng gia cầm và
đánh thuế thật cao lên hàng nông sản của Mỹ…
Trong
lúc chính phủ nhiều nước vội vã gửi phái đoàn cao cấp tới Florida và
Washington, DC để thương lượng với đội ngũ của ông Trump, đưa ra các nhượng bộ
đổi lấy mức thuế nhẹ hơn thì Bắc Kinh vẫn bình chân như vại và càng lúc càng chống
đối mãnh liệt. Cho đến Thứ Ba, 8 Tháng Tư, chưa có một cuộc tiếp xúc nào, trực
tiếp hay qua điện thoại, giữa quan chức lãnh đạo Trung Quốc với những người đồng
nhiệm phía Mỹ. Ông Tập tỏ ra không vội vã dù giới phân tích cho rằng, duy trì
quan hệ với Mỹ vẫn là điều tối quan trọng với Bắc Kinh và ông Tập không thể bỏ
ngoài tai lời đe doạ của Trump vào lúc kinh tế Trung Quốc đang liêu xiêu vì
tăng trưởng chậm mấy năm qua.
Trước
mắt, Trung Quốc có thể bị thiệt hại, nhưng về lâu dài, ông Tập có hai lợi thế lớn
so với ông Trump. Ông Tập và đảng Cộng Sản cầm quyền không phải lo chuyện bầu cử
trong khi ông Trump đang bị áp lực rất lớn từ sự suy giảm giá cổ phiếu trên thị
trường chứng khóan và bóng ma thất bại trong cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ năm
2026. Nếu trong ván cờ này, ai kiên trì hơn sẽ thắng thì ông Tập có thể là người
chơi đến phút cuối cùng.
Vẫn
còn thời gian để ông Trump điều chỉnh chính sách thuế quan. Liên Âu, Úc, Nhật,
Nam Hàn… đều đang lo sốt vó trước cơn hồng thuỷ hàng giá rẻ từ Trung Quốc tràn
vào thị trường của họ, nhất là sau khi Bắc Kinh vẫn kiên trì đẩy mạnh xuất cảng
và hàng hóa Trung Quốc hết cửa vào Mỹ. Thay vì đánh thuế nặng các đồng minh trước
nay vẫn tuân thủ luật lệ như vậy, ông Trump nên mềm mỏng với họ và cùng nhau lập
thành một liên minh thương mại đối phó với Trung Quốc. Có như vậy mới hy vọng
khuất phục được Bắc Kinh và chiếm thế thượng phong trong cuộc đối đầu hiện nay.
[đ.d.]
No comments:
Post a Comment