50
năm kết thúc chiến tranh Việt Nam : « Đồng minh » của Mỹ, người
trong cuộc nghĩ gì ?
Thanh Hà - RFI
Đăng
ngày: 27/04/2025 - 14:51
« Làm
kẻ thù của Mỹ thì dễ nhưng làm bạn với họ thì thật là khó » bởi vì « chính sách của
Hoa Kỳ nay thế này mai thế khác (...) ». Tâm sự này của tổng thống Việt Nam
Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu vào thời điểm năm 1975/1976 làm mọi người nhớ đến một
trong những nhà ngoại giao lỗi lạc nhất của Mỹ với câu nói để đời : « Làm
kẻ thù của Mỹ có thể nguy hiểm. Làm bạn với Mỹ là mối nguy hiểm chết người ».
HÌNH
:
Tổng
thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu bắt tay tổng thống Mỹ Richard Nixon tại
Đảo Midway ngày 08/06/1969. Hai bên thông báo kế hoạch rút 25.000 lính Mỹ khỏi
Miền Nam Việt Nam. AP
Nhân
kỷ niệm 50 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, RFI tiếng Việt mời giáo sư tiến
sĩ Nguyễn Tiến Hưng trở lại với sự kiện Ngày 30 tháng 4 năm 1975. Là một chuyên
gia kinh tế, ông từng giảng dạy tại nhiều đại học danh tiếng ở Hoa Kỳ trước và
sau năm 1975, nguyên là kinh tế gia của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Trong nửa đầu thập
niên 1970, giáo sư Nguyễn Tiến Hưng là phụ tá của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
phụ trách Tái Thiết và đứng đầu bộ Kế Hoạch và Phát Triển.
Là
người trong cuộc, nhân chứng hàng đầu trong một giai đoạn lịch sử của Việt Nam ở
thế kỷ 20, giáo sư Hưng đã ra mắt độc giả nhiều tác phẩm về giai đoạn này1.
Mùa xuân năm 2024, ông đã cho phát hành cuốn « Bức Tử VNCH
Kissinger và 8 Thủ Đoạn Nham Hiểm » - Nhà xuất bản Hứa Chấn Minh.
*****
RFI : Xin kính chào
giáo sư Nguyễn Tiến Hưng. Cảm ơn ông nhận trả lời Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp.
Trước hết, xin giáo sư kể lại một kỷ niệm của Ngày 30 tháng 4 năm 1975.
GS
Nguyễn Tiến Hưng : Vâng thưa cô Thanh Hà, ngày 30/04/1975 tôi đang có mặt
ngay tại thủ đô Washington nhờ một cơ duyên lịch sử tôi đã được chứng kiến toàn
bộ tiến trình của cuộc chiến Việt Nam. Cuộc chiến này bắt đầu khi tổng thống
John F. Kennedy quyết định dấn thân vào Việt Nam và viết thư cho tổng thống Ngô
Đình Diệm là « Hoa Kỳ sẵn sàng tiếp tay với Việt Nam Cộng Hòa,
tăng cường nỗ lực chiến đấu. Phải chiến đấu thắng Cộng sản ». Hôm ấy
là ngày 11/05/1961.
Cho
đến khi nghe tổng thống Gerald Ford tuyên bố : « Đối với nước Mỹ, cuộc
chiến Việt Nam đã xong rồi. Ta hãy quên đi quá khứ và nhìn về tương lai ». Hôm
đó là ngày 27/04/1975. Rồi ba ngày sau ông im lặng nhìn Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.
Ngày
30 tháng 4 là ngày dài nhất và đau lòng nhất trong đời tôi : Dài nhất vì
tôi đã thức trắng đêm 29 để chuẩn bị cho cuộc họp báo ngày 30 tháng 4. Đau lòng
nhất vì tôi không những nhìn thấy sự bi thương của đồng bào miền Nam đang bị bỏ
rơi mà còn cảm giác cay đắng về sự phản bội của đồng minh, từng được xem là đồng
minh chiến lược.
*
RFI : Vì sao giáo sư
đã có mặt tại Washington trong những ngày 29 và 30 tháng 4 ?
GS
Nguyễn Tiến Hưng :
Về nhiệm vụ của tôi Ngày 30 tháng 4, bối cảnh là như thế này : Ngày 19/04/1975,
Quốc Hội Mỹ dự trù biểu quyết để xem có tiếp tục viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa
nữa hay không. Tin tức Dinh Độc Lập có được thì rất là tuyệt vọng.
Ngày
14 tháng 4, tức là chỉ hai tuần trước khi Sài Gòn sụp đổ, tổng thống Thiệu chỉ
thị tôi phải đi ngay Washington cùng với ngoại trưởng Vương Văn Bắc và đại sứ
Trần Kim Phượng. Chúng tôi phải đưa ra một giải pháp tức là yêu cầu Mỹ cho vay
ba tỷ đô la trong 3 năm, rồi chúng tôi sẽ hoàn lại hết. Mục đích của giải pháp
này là để Quốc Hội Mỹ đừng quyết định ngừng viện trợ cho miền Nam Việt Nam và
tuyên bố cho cả thế giới biết vào ngày 19/04/1975.
Tôi
lên máy bay sáng sớm ngày 15/04/1975 tại Tân Sơn Nhất. Sang đến Washington thì
Quốc Hội đã hành động xong rồi. Rất là đau đớn. Tôi liền thay đổi mục tiêu và
hướng đến việc kêu gọi cứu vớt đoàn người tị nạn đang túa ra Biển Đông. Sau đó
thì Quốc Hội cấp một khoản tiền 455 triệu đô la để tài trợ cho chương trình định
cư.
*
RFI
: Trong
cuốn sách giáo sư cho ra mắt bạn đọc mùa xuân 2024, « Bức Tử
VNCH Kissinger và 8 Thủ Đoạn Nham Hiểm », do thời gian có hạn nên xin phép tập
trung vào phần 2 của cuốn sách : Một Kế Sách, tám thủ đoạn. Giáo sư giải
thích Henry Kissinger, người sau này trở thành ngoại trưởng Hoa Kỳ và có lúc
kiêm nhiệm luôn cả chức Cố Vấn An Ninh Quốc Gia dưới 2 thời tổng thống Nixon và
Ford, « ít nhất là đã hình thành kế sách Decent Interval từ năm
1967 » (tr.141). Thưa ông chiến lược đó là gì ?
GS
Nguyễn Tiến Hưng :
Tựa đề Bức tử Việt Nam Cộng Hòa, tôi nghĩ là đã nói lên tất cả
rồi. Cuốn sách là một lời cáo trạng lịch sử dựa trên Hồ Sơ Mật Dinh Độc
Lập mà tôi rất may mắn còn giữ được. Vì nếu mà tôi không giữ được hồ
sơ đó thì không ai biết được chuyện Việt Nam Cộng Hòa kết thúc như thế nào, vì
Kissinger đã giấu đi hết.
Chiến
lược Decent Interval của ông ấy là làm thế nào để có một
« Khoảng thời gian coi cho được », để khỏi mất danh dự :
Kissinger quan niệm Mỹ không thể nào chiến thắng ở cuộc chiến Việt Nam, bởi đây
là một cuộc chiến du kích mà Mỹ thì không quen với chiến tranh du kích : Thế
Chiến Thứ Nhất, Thế Chiến Thứ Hai, Chiến Tranh Triều Tiên đều là chiến tranh
quy ước.
Thành
thử Henry Kissinger đã nghĩ ra chiêu bài Decent Interval : miễn
là làm sao có được một khoảng thời gian - như là độ vài năm, từ khi Mỹ rút lui
khỏi miền Nam cho đến khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Vì như vậy không mang tiếng
là bỏ rơi đồng minh.
Để
thi hành chiến được đó, Kissinger phải dùng đến thủ đoạn. Ông ấy đã nghĩ rằng
chỉ còn cách là đạt được một hiệp định : Hiệp Định Paris cho phép nước Mỹ
« ra đi » một cách danh chính ngôn thuận. Ông Kissinger cố gắng hết sức
trong bí mật điều đình với Miền Bắc để Hiệp Định Paris được ký kết ngày
27/01/1973.
Tôi
đang trả lời phỏng vấn với đài RFI bên Paris, thì cái chữ Paris nó dính liền với
óc tôi rất là sâu đậm vì Hiệp Định Paris và trước đó nữa thì cũng đã có những sự
kiện về chiến tranh Việt Nam cũng xảy ra ở Paris .
*
RFI : Như tựa đề phần
2 trong cuốn sách Bức Tử VNCH Kissinger và 8 Thủ Đoạn Nham Hiểm, tám thủ đoạn
đó gồm Dối gạt tổng thống Nixon, Nhân danh ông Nixon gây áp lực với tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu, Vẽ một kế hoạch tối mật để thuyết phục đồng minh là Việt Nam
Cộng Hòa, Tung hỏa mù Quốc Hội Mỹ, Che mắt luôn cả tổng thống Ford… Nhưng theo
giáo sư trong số này, thủ đoạn nào là nham hiểm nhất ?
GS
Nguyễn Tiến Hưng :
Có lẽ thủ đoạn nham hiểm nhất là lừa dối tổng thống Nixon. Khi Nixon lên cầm
quyền tháng 1/1969, ông đã hứa sẽ đem lại một giải pháp hòa bình cho Việt Nam –
Vừa hòa bình vừa danh dự, chứ không phải là một cái hiệp định để che giấu sự thất
bại. Thế nhưng Kissinger « giỏi » lắm. Ông ấy « tài ba » lắm :
Kissinger đã che đậy thất bại của ông ấy sau 4 năm hòa đàm. Tổng thống Nixon
thì không tin vào đàm phán mà chỉ tin vào chương trình mà ông gọi là « Việt
Nam hóa » tức là giúp cho miền Nam tự lực tự cường để một mình có
thể chiến đấu được, tồn tại được. Kissinger thì ngược lại : ông ấy không
tin vào giải pháp Việt Nam hóa của Nixon và đã thuyết phục tổng thống rằng tại
sao chủ trương Việt Nam hóa sẽ không thành công.
Theo
Kissinger, « mấy người lính Việt Nam thì làm sao mà đánh lại được như
là người Mỹ mà Hoa Kỳ đã huy động đến nửa triệu lính Mỹ còn không ăn thua ». Trong
hoàn cảnh đó, tổng thống Nixon cứ để cho ông Kissinger tiến hành đàm phán và đại
khái là ông ấy đã đánh lừa được tổng thống Nixon. Kissinger thuyết phục được
Nixon là hiệp định này (Hiệp Định Paris) có lợi cho miền Nam chứ không phải là
có hại cho miền Nam.
Câu
hỏi là tại sao ông Nixon, một chính trị gia cáo già mà lại có thể tin được như
vậy. Cái chuyện đó là như thế này và đã được chính tổng thống Nixon viết lại
trong hồi ký của ông : Kissinger cứ báo cáo với tổng thống rằng Hiệp Định
Paris « Chỉ là một phương cách để cho Bắc Việt giữ được thể diện thôi, chứ
còn họ (Hà Nội) đã nhượng bộ hết rồi, không có gì cả ». Thì
cái nham hiểm nhất ở đây là đánh lừa Nixon.
Mà
dù Nixon là cáo già chính trị cũng đã tin, vì ông Kissinger quá tài ba mà tổng
thống Nixon thì lại lơ là không để ý đến đàm phán. Sau Nixon, một nguy hiểm
khác là Henry Kissinger cũng đã giấu tổng thống Ford khi mà ông Ford lên thay
thế tổng thống Nixon ngày 08/08/1974 (ngày mà mà tôi gọi là ngày Song Bát). Ông
Ford không biết gì hết.
Một
ngày sau khi nhậm chức (09/08/1974) tổng thống Ford viết thư cho tổng thống Thiệu
và cam kết « Tất cả những gì mà nước tôi đã hứa hẹn thì sẽ được hoàn
toàn tiếp tục và sẽ được tuân thủ trong nhiệm kỳ của tôi »
*
RFI : Ngày 30 tháng
Tư là hồi kết của chế độ Sài Gòn, với những hệ quả mà ai cũng biết. Nhưng đây
cũng là một cột mốc quan trọng đối với hình ảnh và uy tín của Hoa Kỳ trong bang
giao quốc tế …
GS
Nguyễn Tiến Hưng :
Đúng như vậy. Hậu quả của chiến tranh Việt Nam đối với Mỹ còn kéo dài cho đến
ngày hôm nay. Thứ nhất, bạn bè đồng minh của Mỹ không còn dám tin cậy vào Mỹ. Đồng
minh khắp nơi đều dè dặt khi phải hợp tác với Hoa Kỳ vì sợ rằng lại trở
thành Việt Nam Cộng Hòa thứ hai.
Điểm
thứ nhì – và đây mới là điều quan trọng : Kẻ thù thì coi thường nước Mỹ. Sau cuộc
chiến Việt Nam 1975, thì đến cuộc Cách Mạng Iran năm 1979. Iran bắt toàn bộ
nhân viên của tòa đại sứ Mỹ tại Teheran, rồi đối đầu với Mỹ cho đến ngày hôm
nay. Sau Iran đến Irak cũng tại Trung Đông. Tổng thống Irak Saddam Hussein đã
xem thường Mỹ khi nói « Một nửa triệu quân ở Việt Nam còn chẳng làm gì
được mà bây giờ còn bày đặt sang Irak để chiến đấu. Irak không phải là cái chỗ
để đi picnic ! »
Thời
tổng thống Bush - hình như là năm 2001 hay 2002 gì đấy, đã tiết lộ, tình báo Mỹ
CIA đã chặn được lệnh của Ayman Al Zawahiri (nhân vật số 2 tổ chức Al Qaeda tại
Afghanistan) cho cấp dưới của ông ấy rằng : « Những hậu quả của sự
sụp đổ của Hoa Kỳ tại Việt Nam, việc họ bỏ chạy và bỏ rơi những người đã theo họ
làm cho chúng ta nên suy nghĩ. Ta phải sẵn sàng ngay từ bây giờ ! ». Đến
ngày 15/08/2021, cả thế giới đã chứng kiến cuộc tháo chạy ê chề khỏi Kabul.
*
RFI : Còn trên hồ
sơ Ukraina hiện tại thưa giáo sư ?
GS
Nguyễn Tiến Hưng : Về Ukraina, tôi nghĩ rằng ông Putin cũng đã thấy bài học
Việt Nam khi đưa quân xâm được Ukraina năm 2022. Có khả năng rất cao tổng thống
Nga quan niệm dù Mỹ có viện trợ dồi dào nhưng nếu kéo dài cuộc chiến ít lâu thì
rồi Mỹ cũng phải buông tay. (…) Tuy nhiên, tổng thống Zelensky vẫn còn một
phương tiện để điều đình : Hoa Kỳ đang rất cần đất hiếm của Ukraina khi mà
Trung Quốc đã bắt đầu ngừng xuất cảng đất hiếm sang Mỹ (…) Zelensky có tài
nguyên khoáng sản để giữ Mỹ lại một phần nào. Hơn nữa Ukraina giờ đây có cả khối
Âu châu yểm trợ. 50 năm trước Miền Nam Việt Nam cô đơn một mình.
Tôi
còn nhớ ngày 21/12/2022 sau khi được Quốc Hội Mỹ tiếp đón nồng hậu, ra khỏi Quốc
Hội, tổng thống Zelensky trông đã rất vui vẻ. Sau đó, tôi đã chia sẻ quan điểm
rằng dù có nhận được gói viện trợ hào phóng thì Ukraina cũng vẫn phải chuẩn bị
cho tình huống tồi tệ nhất : Một ngày nào đó, sự yểm trợ sẽ không còn nữa. Trước
Zelensky, thì tổng thống Afghanistan, Hamid Karzai cũng từng được Quốc Hội Mỹ
đón tiếp, để rồi ngày bị Mỹ bỏ rơi ngày 15/08/2021.
*
RFI : Trên tất cả các
cuộc xung đột vừa nêu và cho đến cuộc chiến thương mại mà chính quyền Mỹ hiện
nay đang khơi mào với gần hết thế giới, những căng thẳng hiện tại với các đồng
minh thân thiết nhất của Washington như Châu Âu, Canada hay Nhật, Hàn Quốc cũng
như với các quốc gia mà Mỹ đã ký Hiệp Định Đối Tác Chiến Lược như Việt Nam…
Ông đánh giá thế nào về khái niệm « đồng minh » trong quan niệm
của Hoa Kỳ ?
GS
Nguyễn Tiến Hưng :
Có lẽ cái hay nhất là tôi nhắc lại câu tổng thống Thiệu khi ông ấy phản hồi về
cuộc chiến. Ông nói rằng « Làm kẻ thù của Mỹ thì dễ nhưng làm bạn với họ
thì thật là khó »2. Câu hỏi đặt ra là tại sao ông ấy
lại nói như vậy thì có một lần tổng thống Thiệu tâm sự với tôi « Chính
sách của Hoa Kỳ thì nay thế này mai thế khác biết đâu mà mò ! » 3.
Một
trong những điểm mà tổng thống Thiệu không hiểu rằng thể chế của Mỹ, cứ 4 năm
có cuộc bầu cử mà mỗi một lần. Có cuộc bầu cử là có sự thay đổi sâu sắc. Thí dụ
như cuộc bầu cử năm 2024 vừa rồi chúng ta thấy nó thay đổi như thế nào ! Vì thế
khi bang giao với Mỹ thì phải hiểu văn hóa của Mỹ và hiểu thể chế của nước Mỹ.
Về
văn hóa thì người Mỹ rất chóng chán - Không cái gì trụ được quá 3 năm... một cuộc
chiến kéo dài hơn ba năm thì họ không chịu được. Điển hình là cuộc chiến Việt
Nam : trong giai đoạn từ năm 1965 cho đến 1968, công luận ủng hộ hết mình.
Nhưng sau 3 năm thì họ chán. Cuộc chiến Ukraina cũng vậy. Đó cũng là thường
tình thôi. Có chăng là Âu châu không học cái bài học cũ, và câu nói của ông Thiệu
năm xưa bây giờ vẫn còn tính thời sự (…)
Về
khái niệm đồng minh nó không có liên tục mà thay đổi tùy từng thời gian và tùy
vào quan niệm về quyền lợi của Hoa Kỳ. Thí dụ như ngày 14/04/2024 trên đài
PBS tổng thống Zelensky tuyên bố với nữ ký giả Amna Nawas : « Tôi
có thể nói thẳng với bà rằng nếu không có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ
không thể nào chiến thắng. Có nghĩa là chúng tôi sẽ thất bại ».
Nghe
câu này tôi lập tức nhớ lại lời ông Nguyễn Văn Thiệu. Tuyên bố cũng với nữ ký
giả tên là Oriana Fallaci tháng 1/1973. Ông Thiệu nói : « Thưa
bà, nếu Mỹ bỏ rơi thì đối với chúng tôi đó là sự kết thúc : sự kết thúc
hoàn toàn, sự kết thúc tuyệt đối ». Chỉ cần thay hai cái
tên Zelensky bằng Nguyễn Văn Thiệu thì toàn bộ ngữ điệu nội dung và tâm thế gần
như không thay đổi. Lịch sử như đang đã lập lại, nó chỉ hơi khác là khác về
nhân vật và địa danh thôi.
*
RFI : Vậy phải chăng, luôn có
một sự xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ít ra là từ nửa thế kỷ
qua thưa giáo sư ?
GS
Nguyễn Tiến Hưng :
Lord Palmerston (thủ tướng Anh trong giai đoạn 1859-1865) đã từng nói : Nước
Anh chẳng có bạn vĩnh viễn và cũng chẳng có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi
là vĩnh viễn. Vì cơ duyên lịch sử tôi đi du học ở Hoa Kỳ từ năm 1958 nên đã chứng
kiến tất cả cuộc chiến tranh Việt Nam từ tổng thống Eisenhower rồi đến Kennedy,
Johnson, Nixon và sau cùng là Ford. Nghiên cứu mấy chục năm nay thì thấy rõ rằng
Mỹ luôn đặt quyền lợi của mình trên hết. (...)
Lý
do quan trọng nhất để Hoa Kỳ nhảy vào cuộc chiến Việt Nam đó chính là vì quyền
lợi của Hoa Kỳ. Vì muốn giữ địa vị là siêu cường số một của thế giới cho nên phải
ngăn chặn Trung Cộng với chính sách gọi là containment of red China -
ngăn chặn Trung Cộng đỏ.
Khi
Mỹ tháo chạy thì lý do quan trọng thứ nhất cũng chỉ vì quyền lợi của Hoa Kỳ, vì
Việt Nam không còn quan trọng nữa khi ông Nixon mở được cửa Bắc Kinh.
Khi
Nixon nối lại bang giao với Bắc Kinh, mở cửa Bắc Kinh thì tất phải đóng cửa Sài
Gòn. Bắt được tay ông Mao thì phải buông tay ông Thiệu. Cũng như là sau Thế Chiến
Thứ Hai, quyền lợi của Mỹ khi xây dựng NATO (Liên Minh Bắc Đại Tây Dương) là để
có một thành trì vững chãi ở bên kia Đại Tây Dương, ngăn chận Liên Xô. Bây giờ
Liên Xô đã chụp đổ và Chiến tranh lạnh không còn nữa thì NATO không còn quan trọng
nữa. Do vậy bài học chính yếu là phải tự trông cậy vào mình chứ không thể nào
trông cậy vào người ngoài mãi mãi.
RFI : Trân trọng cảm ơn
Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng.
*****
Trong
Lời Mở Đầu cuốn « Bức Tử VNCH - Kissinger và 8 Thủ Đoạn Nham Hiểm »,
tác giả Nguyễn Tiến Hưng nhắc lại hai sự kiện diễn ra cách nhau đúng nửa thế kỷ
: « Năm 1972, tiến sĩ Kissinger, cố vấn tổng thống Nixon nên bỏ
rơi Miền Nam Việt Nam và đổ cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa ‘kém cỏi’ »
(tr.23).
Năm
mươi năm sau, tại Diễn Đàn Davos -Thụy Sĩ, cũng ông Kissinger « công
khai đề nghị Ukraina phải nhường ngay một phần lãnh thổ cho Nga và chấp nhận một
số điều kiện của Nga ».
Đến
những trang cuối cuốn sách, tác giả trích dẫn thêm quan điểm của Henry
Kissinger : « Đừng làm Nga mất mặt (…) nếu không thì sẽ có thể
có những xáo trộn không thể giải quyết được (…) và đừng quên Nga là một thế lực
mạnh mẽ tại Âu châu » (tr. 452).
--------
1.
Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập (1986) đồng soạn thảo với nhà
báo Jerrod Schecter ; Khi Đồng Minh Tháo Chạy (2005)
, Tâm Tư Tổng Thống Thiệu (2010), Khi Đồng Minh Nhảy
Vào (2016). Bức Tử VNCH Kissinger và 8 Thủ Đoạn Nham Hiểm,
NXB Hứa Chấn Minh.
2.
Theo
giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tâm sự với bà Anna
Chennault, một nhân vật thân tín của tổng thống Nixon, trong một cuộc gặp
tại Đài Loan sau khi ông Thiệu rời Sài Gòn năm 1975.
3.
Lời
tổng thống Thiệu khi gặp lại phụ tá của ông là giáo sư Nguyễn Tiến Hưng tại
Luân Đôn, Anh Quốc, năm 1976.
No comments:
Post a Comment