Wednesday, April 30, 2025

NỬA THẾ KỶ SAU NHÌN LẠI CUỘC NỘI CHIẾN (Nguyễn Gia Kiểng / Thông Luận)

 



Nửa thế kỷ sau nhìn lại cuộc nội chiến

Nguyễn Gia Kiểng  -  THÔNG LUẬN

30/04/2025

https://thongluan-rdp.online/quan-diem/nua-the-ky-sau-nhin-lai-cuoc-noi-chien-nguyen-gia-kieng/  

 

 Mọi quốc gia đều rất khó phục hồi và gượng dậy sau một cuộc nội chiến, dù là một cuộc nội chiến ngắn tiếp theo bởi một cố gắng hòa giải lớn. Chúng ta đã trải qua một cuộc nội chiến 30 năm và sau đó bên thắng không hề có cố gắng hòa giải. Chúng ta cần nhìn rõ những gì phải biết và phải làm nếu muốn đất nước có tương lai.

 

Trước hết phải khẳng định cuộc chiến 30 năm (1945 – 1975) kết thúc ngày 30/04/1975 là một cuộc nội chiến. Khi một cuộc chiến diễn ra trên một đất nước trong đó tuyệt đại đa số chiến binh cũng như nạn nhân là người trong nước thì đó là một cuộc nội chiến, mọi biện luận phủ nhận chỉ ngoáy dao vào vết thương.

 

Nội chiến tàn phá gấp bội một cuộc chiến với nước ngoài bởi vì ngoài những thiệt hại vật chất nó còn hủy hoại tình cảm dân tộc. Khi người ta có thể giết nhau dù không biết nhau thì mặc nhiên người ta không còn coi nhau là đồng bào.

 

Đảng Cộng Sản chia cuộc chiến này làm hai giai đoạn. Họ gọi giai đoạn 1945 – 1954 là “kháng chiến chống Pháp giành độc lập” và giai đoạn 1955 – 1975 là “chống Mỹ cứu nước“. Một lần cho tất cả chúng ta hãy thẳng thắn nhìn lại cuộc chiến này.

 

Có cần kháng chiến chống Pháp giành độc lập không?

 

Một trong những nhà văn Pháp mà tôi thích nhất là Roger Martin du Gard. Bộ trường thiên tiểu thuyết Les Thibault (Gia đình Thibault) của ông là một kiệt tác văn chương -khiến ông được giải Nobel năm 1937- cũng đồng thời là một chứng liệu lịch sử. Qua thảm kịch của gia đình Thibault bộ tiểu thuyết này, đặc biệt là qua cuốn dài nhất Mùa hè 1914 (L’été 1914) Roger Martin du Gard cho thấy là ngay trước Thế Chiến I trong xã hội Châu Âu tư tưởng chính trị đã đề cao các giá trị nhân quyền và bình đẳng đồng thời lên án chiến tranh, chinh phục và chủ nghĩa bá quyền. Thế Chiến I (1914 – 1918) sau đó đã giáng một đòn chí tử vào chủ nghĩa thực dân. Chỉ cần đi qua các làng nhỏ của Pháp hiện nay cũng có thể thấy rõ điều này. Một làng chỉ có vài trăm dân cũng có một tượng đài ghi danh hàng chục thanh niên đã “chết cho nước Pháp” (Morts pour la France). Đa số thanh niên Pháp ở lứa tuổi 18 – 30 đã chết trong cuộc thế chiến này mà nguyên nhân là tranh giành ảnh hưởng, lãnh thổ và thuộc địa. Tình trạng các nước Châu Âu khác cũng tương tự và tất cả các nước thực dân lúc đó đều là những nước Châu Âu. Sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân như thế đã được quyết định. Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập khẳng định chủ quyền của các dân tộc và những quyền con người tuy chỉ được long trọng đưa vào Hiến Chương Liên Hiệp Quốc năm 1948, sau Thế Chiến II, nhưng nội dung của nó đã được biết qua các cuộc thảo luận ngay sau Thế Chiến I. Pháp là một trong những tác nhân chính của tuyên ngôn này. 

 

Chứng cớ cụ thể của sự thay đổi tư duy chính trị của Pháp sau Thế Chiến I là toàn quyền Alexandre Varenne. Ông này được cử sang làm toàn quyền Đông Dương (Việt Nam, Campuchia và Lào) từ năm 1925 đến năm 1928. Ngay khi nhận chức ông đã nới rộng các quyền tự do, đẩy mạnh giáo dục và công khai khuyến khích người Việt Nam chuẩn bị để lấy lại chủ quyền. Sau ba năm ông bị triệu hồi về Pháp dưới áp lực của khối thực dân Pháp tại Đông Dương, nhưng đến năm 1936 chính họ lại bầu ông làm đại diện trong Thượng Hội Đồng Đông Dương. Sau đó Mặt Trận Nhân Dân (Front populaire) lên cầm quyền tại Pháp từ năm 1936 đến năm 1938 đề nghị trả lại miền Bắc cho triều đình Huế nhưng đề nghị này bị chính các trí thức Việt Nam đồng thanh phản đối.

 

Sau Thế Chiến II các cường quốc thực dân không chỉ bị bắt buộc phải trả độc lập cho các thuộc địa mà còn phải tìm mọi cách để trả độc lập thật nhanh. Lý do là vì sau Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập khẳng định quyền bầu cử và ứng cử như nhau cho mọi người các dân tộc của các đế quốc thực dân trở thành thiểu số trong đế quốc của họ. Thử tưởng tượng nếu Anh chưa trả độc lập cho Ấn Độ thì bây giờ sẽ ra sao? Người Ấn Độ thừa đa số để biểu quyết đổi tên đế quốc Anh thành đế quốc Ấn trong đó nước Anh chỉ còn là một tỉnh nhỏ. Một cách tương tự nếu Pháp và Việt Nam vẫn còn là một nước thì bây giờ nước đó sẽ chủ yếu là nước Việt Nam.

 

Như thế chúng ta không cần kháng chiến chống Pháp để giành độc lập. Độc lập là bắt buộc dù muốn hay không, vấn đề chỉ là thương lượng với Pháp để độc lập đến trong những điều kiện thuận lợi nhất. Cuộc chiến gọi là “kháng chiến chống Pháp giành độc lập” đã chỉ có là vì mục đích của Đảng Cộng Sản không phải là độc lập dân tộc mà là để thiết lập chế độ cộng sản. Vả lại nó đã bắt đầu ngay sau Cách Mạng Tháng 8 (ngày 19/08/1945), khá lâu trước khi quân đội Pháp trở lại Việt Nam, với đợt ám sát và thủ tiêu hàng loạt các đảng viên Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng.

 

Cũng cần nhắc lại là Đảng Cộng Sản Việt Nam đã được thành lập ngày 03/02/1930 tại Hồng Kông như một thành viên của Quốc Tế Cộng Sản (hay Đệ Tam Quốc Tế) trong đó các đảng cộng sản đã tuyên thệ (tại Đại Hội 6 của Quốc Tế Cộng Sản năm 1928) là họ chỉ có một tổ quốc là Liên Bang Xô Viết. Nó xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam năm 1931 với một danh xưng không liên quan gì tới Việt Nam là “Xô Viết Nghệ Tĩnh” và một khẩu hiệu không có gì là tình đồng bào “trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ”. Rõ ràng mục tiêu duy nhất của Đảng Cộng Sản là thiết lập chế độ cộng sản, chống Pháp giành độc lập chỉ là một chiêu bài.

Một câu hỏi là người Việt Nam có lý do để căm thù người Pháp đến độ phải chiến tranh với họ không? 

 

Câu hỏi cần được đặt ra vì “căm thù giặc Pháp” đã là khẩu hiệu mà Đảng Cộng Sản sử dụng để kích thích người Việt Nam chấp nhận mọi hy sinh như lời ca bài Hò Kéo Pháo:”Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi, vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù!”.

 

Dĩ nhiên là cuộc tiếp xúc nào với người hơn mình cũng mang đến nỗi tủi nhục vì thua kém và người Pháp, cũng như mọi dân tộc, cũng có những phần tử nhỏ mọn, tham lam và hống hách lợi dụng mọi cơ hội để ức hiếp những người yếu kém. Tuy vậy giai đoạn Pháp thuộc đã rất có lợi cho Việt Nam.

 

Người Pháp áp đặt quan hệ đô hộ, mà họ gọi là bảo hộ (protectorat), trên nước ta từ năm 1884. Nếu tính từ ngày họ chiếm sáu tỉnh miền Nam năm 1867 thì thời gian Pháp thuộc đã kéo dài 78 năm. Trong gần 80 năm đó Pháp đã giúp Việt Nam làm những tiến bộ vượt bậc. Đã có hàng ngàn người tốt nghiệp đại học và cao đẳng trong những bộ môn mà trước đó chúng ta chưa từng biết tới như toán, hóa học, vật lý, luật, cơ học, y, dược v.v. Họ đã xây dựng vô số công trình kết cấu hạ tầng, đường sắt, hải cảng, sân bay. Cuộc sống và kiến thức của người Việt đã tăng lên hẳn. Nhân quyền cũng nhảy vọt, đã có tòa án, nhà vua không còn quyền tùy tiện xử tử, thậm chí giết cả ba họ, bất cứ ai như trước nữa. Việt Nam đã có báo chí, văn học nghệ thuật nở rộ. Có thể nói trong gần 80 năm Pháp đã giúp Việt Nam tiến một đoạn đường dài hơn quãng đường mà chúng ta đã đi được trong suốt dòng lịch sử.

 

Pháp cũng đã giúp Việt Nam trút được cái ách chư hầu đối với đế quốc Trung Hoa. Họ đã buộc Trung Quốc chính thức nhìn nhận Việt Nam là một nước riêng biệt với Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải nhìn nhận một biên giới thuận lợi cho Việt Nam trên đất liền cũng như trên biển, nhìn nhận chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những quyền lợi mà sau này Đảng Cộng Sản không giữ được.

 

Vào năm 1945, nếu bỏ qua mấy tháng chiến tranh dữ dội đưa đến hỗn loạn và cả nạn đói Ất Dậu, Việt Nam là nước phát triển nhất và có nhiều triển vọng nhất Đông Nam Á, hơn xa Cao Ly và Đài Loan. Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn Đông, Hà Nội là thủ đô văn hóa Đông Dương. 

Chúng ta không cần phải mang ơn người Pháp nhưng cũng không có lý do để “căm thù giặc Pháp” như Đảng Cộng Sản rêu rao. Đó cũng chỉ là một khẩu hiệu tuyên truyền mỵ dân như khẩu hiệu “kháng chiến chống Pháp giành độc lập”.

 

 

Còn giai đoạn mà họ gọi là “chống Mỹ cứu nước”? 

 

Mỹ tuyệt đối chưa bao giờ xâm lăng một nước nào. Chủ nghĩa thực dân hoàn toàn vắng mặt trong văn hóa chính trị của họ. Mỹ là một nước thương mại tìm thị trường chứ không tìm thuộc địa. Ngay khi giành được Philipin từ tay người Tây Ban Nha Mỹ đã trả độc lập cho Philipin. Cũng tương tự như ngay sau khi đánh đuổi được Tây Ban Nha khỏi Cuba họ đã giúp lập ra nước Cuba độc lập. Porto Rico từ một thế kỷ nay chỉ mong được làm một tiểu bang của Mỹ họ cũng không chấp nhận.

 

Quân Mỹ đã tới miền Nam Việt Nam trong khuôn khổ của cuộc Chiến Tranh Lạnh để ngăn chặn sự bành trướng của khối cộng sản, cũng không khác gì hàng trăm ngàn quân Trung Quốc và Liên Xô đã tới miền Bắc để giúp Hà Nội. Khẩu hiệu “chống Mỹ cứu nước” cũng chỉ là một khẩu hiệu tuyên truyền như khẩu hiệu “kháng chiến chống Pháp giành độc lập”. 

 

Cuộc nội chiến vô lý kéo dài 30 năm đã làm 6 triệu người Việt Nam thiệt mạng, làm tan nát tình cảm dân tộc và khiến nước ta tụt hậu bi đát. Cuộc nội chiến này đã chỉ có vì Đảng Cộng Sản đặt tham vọng quyền lực của mình và chủ nghĩa cộng sản lên trên đất nước. Chính Lê Duẩn đã nói “Ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên Xô”.

 

Trước năm 1945 chúng ta phát triển hơn Hàn Quốc và Đài Loan, năm 1975 miền Nam mặc dù đã trải qua 30 năm chiến tranh cũng không thua kém họ bao nhiêu, bây giờ sau 50 năm thống nhất dưới chế độ cộng sản chúng ta thua xa họ về mọi mặt, họ giầu có và phát triển gấp hơn mười lần chúng ta. Thời gian đã đủ dài để chúng ta thấy rằng thành tích duy nhất mà Đảng Cộng Sản còn dám khoe khoang là đã thắng Pháp giành độc lập, thắng Mỹ cứu nước nhưng đó chỉ là một thành tích tuyên truyền bịa đặt không chỉ sai sự thực mà còn ngược hẳn với sự thực.

 

Xuyên tạc lịch sử là điều mọi chế độ độc tài bạo ngược đều làm sau khi đã bưng bít thông tin và cấm đoán những tiếng nói phản biện. Đó là vũ khí tự vệ của chúng và cũng điều duy nhất chúng có thể ít nhiều thành công bởi vì nói dối về quá khứ dễ hơn nhiều so với nói dối về một hiện trạng mà mọi người đều có thể nhìn thấy. Nhưng đó cũng lại là điều tai hại vô cùng cho đất nước bởi vì một dân tộc không hiểu rõ quá khứ không thể lấy những quyết định đúng cho tương lai.

 

Cuộc nội chiến ngu xuẩn này đã có thể tránh được nếu vào thời điểm 1945 chúng ta có những trí thức đủ kiến thức chính trị để soi sáng cho quần chúng về tình hình và hướng đi của thế giới. Tiếc rằng lúc đó chúng ta đã chỉ có những trí thức khoa bảng học vội vã để lấy bằng. 

 

Bổn phận chính của những người trí thức trong mọi quốc gia là hướng dẫn sự hiểu biết trung thực để quần chúng đừng bị cám dỗ bởi những thủ đoạn tuyên truyền gian trá. Cho đến nay trí thức Việt Nam đã không đảm nhiệm sứ mạng đó. Trong quá khứ một số vì nông nổi đã tiếp tay cho mưu đồ đen tối của Đảng Cộng Sản, hiện nay vẫn còn những người bán rẻ danh dự và phẩm giá của mình để làm dụng cụ cho sự dối trá. Kết quả là chúng ta đã là chúng ta ngày nay. 

 

Kỷ niệm 50 năm ngày 30/04/1975 là dịp để trí thức Việt Nam nhắc lại với nhau bổn phận đó. Khẩn cấp!

 

Nguyễn Gia Kiểng

(30/04/2025)

 

 

 



50 NĂM - CÒN ĐÓ NỖI BUỒN (Phạm Tín An Ninh / Diễn Đàn Thế Kỷ)

 



50 năm – còn đó nỗi buồn

Phạm Tín An Ninh

April 30, 2025

https://diendantheky.net/pham-tin-an-ninh-50-nam-con-do-noi-buon/

 

Ngày 24.2.2025 tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ đã quay lưng trước đồng minh NATO cùng hầu hết các quốc gia thuộc thế giới tự do, chính thức đứng về phía Nga, Iran, Bắc Hàn, và những nước thân Cộng sản, bỏ phiếu chống lại nghị quyêt lên án Nga gây chiến tranh xâm lược Ukraine, nhân dịp thế giới kỷ niệm 3 năm ngày Vladimir Putin xua quân vào lãnh thổ Ukraine. Sau đó, cả thế giới lại bàng hoàng, khi vị Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ đã tỏ ra thân thiện với kẻ thù Nga, ca ngợi, bênh vực tên đồ tể Putin trong khi hết lời mạt sát, nhục mạ Tổng thống Zelensky, người đồng cấp, từng là đồng minh thân tín của Hoa Kỳ. Đã vậy, Tổng thống Mỹ còn đòi phải được khai thác khoảng sản, đất quý, tài sản quốc gia của Ukraine để trừ vào số tiền viện trợ trước đây. Có lẽ đây là nguyên nhân tiềm ẩn đưa đến cuộc tranh luận gay gắt, trở thành trận cải vã nặng nề ngay tại Tòa Bạch Ốc, giữa Tổng thống Zelensky của Ukraine và Tổng thống  D. Trump cùng Phó Tổng thống  J.D Vance của Hoa Kỳ vào ngày 28.2.2025, trước sự chứng kiến của các cơ quan truyền thông hiện diện cùng cả thế giới qua màn ảnh truyền hình. Sau khi “mời” Tổng thống Zelensky cùng phái đoàn tùy tùng ra khỏi Phòng Bầu Dục, Tổng thống Trump cũng đã quyết định ngưng tức khắc mọi viện trợ quân sự cũng như cung cấp tin tức tình báo, nhằm áp lực Ukraine phải nhanh chóng ngồi vào bàn hội nghị theo sự sắp xếp của Hoa Kỳ. Đến hôm nay, kết quả hội đàm tuy chưa chính thức ngã ngũ, nhưng ai cũng đã nhìn thấy trước số phận của Ukraine!

 

                                                     ***

 

Sự kiện này xảy ra đúng vào thời điểm người Việt chuẩn bị tưởng niệm 50 năm, ngày kết thúc cuộc chiến Việt Nam. Chính xác hơn là ngày miền  Nam Việt Nam hay nước VNCH bị Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm, cũng với sự phản bội tương tự của đồng minh Hoa Kỳ, khi Mỹ và Bắc Việt đã cùng bắt tay thỏa thuận ký kết hiệp định mạo danh Hòa Bình vào ngày 27.1.1973 tại Paris, quyết định số phận của VNCH, quốc gia chính trong cuộc chiến nhưng bị áp lực để (gần như) phải đứng bên lề. Trong các cuộc hội đàm, phái đoàn VNCH bị xếp ngồi ngang hàng với (cái gọi là) Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng miền  Nam, trong khi ai cũng biết đó chỉ là đám tay sai, con rối do Cộng sản Bắc Việt nặn ra.

 

Vẫn biết rằng, quyết định của nước lớn đối với đồng minh luôn tùy thuộc vào quyền lợi của chính đất nước họ, tuy nhiên điều đau lòng là cung cách hành xử khi quay lưng, phản bội lại những người từng một thời nhận là bạn, cùng sống chết bên nhau. Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, ngày 29.4.1975, tại Đài Loan, ngay sau đêm đầu tiên bị áp lực phải rời khỏi nước, khi trả lời cho một đại diện của chính phủ Mỹ, cũng đã lên tiếng trong ngậm ngùi, cay đắng “Làm kẻ thù của Mỹ thì rất dễ, nhưng làm bạn rất khó”

 

Ukraine và VNCH bị đồng minh Hoa Kỳ bỏ rơi khi cuộc chiến đấu của hai quốc gia này có cùng một đích: tự vệ, chống lại quân xâm lược. Chỉ khác là trong cùng tình huống này, Ukraine có nhiều may mắn hơn VNCH. Bởi cuộc chiến Việt Nam kéo dài quá lâu, có hơn 58.000 quân nhân Mỹ tử trận, một số khác bị bắt làm tù binh, đẩy phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ ngày một dâng cao, đỉnh điểm vào tháng 5/ 1970, đã có đến 4 triệu sinh viên thanh niên liên tục xuống đường, gây bạo động, một số đã bị cảnh sát bắn chết. Thời điểm này đại đa số dân chúng Mỹ, qua lưỡng viện Quốc hội, không còn ủng hộ cuộc chiến Việt Nam. Cũng phải thẳng thắn để thừa nhận, trên thực tế quân dân VNCH đã không chiến đấu hết lòng và dũng cảm bằng Ukraine, và các cấp lãnh đạo, đặc biệt vị tổng thống của họ rất xứng đáng. Ngoài ra, Ukraine vẫn còn được đa số dân chúng Mỹ ủng hộ, quan trọng hơn, được Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và gần như toàn bộ Âu Châu luôn hết lòng, sát cánh. Trong khi ở vào thời điểm (trước và sau) Hiệp định Paris ký kết, VNCH gần như cô thân độc mã. Cùng lúc bị Mỹ bỏ rơi, các đồng minh khác như Úc, Nam Hàn, Thái Lan, kể cả Phi Luật Tân cũng đều theo Mỹ, quay lưng!

 

                                                              ***

Vào thời gian này, đơn vị chúng tôi đang hành quân tảo thanh tại khu vực Kontum – Tây Nguyên, sau khi vừa liên tục tạo các chiến thắng lẫy lừng, đánh tan các lực lượng hùng hậu thuộc Mặt Trận B-3 của tướng Cộng sản Hoàng Minh Thảo. Với khẩu hiệu “sinh Bắc tử Nam”, Cộng sản Bắc Việt chuyên áp dụng chiến thuật biển người, đẩy đám bộ đội, đa phần là thanh niên, sinh viên miền Bắc bị cưỡng bách nhập ngũ, như những con thiêu thân lao theo sau các trận địa pháo, để bằng mọi giá phải chiếm được căn cứ Charlie của Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù,  mở cánh cửa ngõ xua chiến xa T-54 với hỏa tiễn tầm nhiệt của Liên Xô, tràn ngập BTL Tiền Phương SĐ22BB tại Tân Cảnh, chiếm cứ một vùng Bắc Kontum. Sau đó, một lực lượng Cộng quân hùng hậu hơn, gồm Sư Đoàn 320, Sư Đoàn 2 (sau này tăng cường thêm Sư Đoàn 968 từ Lào sang), cùng 4 trung đoàn biệt lập 66, 95, 20, 24, Trung đoàn Đặc công 400, 2 trung đoàn Pháo,  6 tiểu đoàn Phòng không và 1 tiểu đoàn Tăng T-54… tràn xuống phía Nam nhằm thôn tính thành phố Kontum, trong ý đồ tiến chiếm Pleiku, nơi có bản doanh của BTL/QĐII/VNCH hầu dùng làm bàn đạp tràn xuống đồng bằng, duyên hải, nhưng đã bị thảm bại trước một lực lượng VNCH, với chỉ duy nhất mỗi Sư Đoàn 23 BB cùng 3 tiểu đoàn Pháo Binh và 1 chi đoàn chiến xa M-41 cơ hữu, đặc biệt được Không quân (giai đoạn đầu có B-52 của Hoa Kỳ) yểm trợ. Điều này đủ để chúng tỏ khả năng chiến đấu của Quân Lực VNCH.

 

Ngay trong trận chiến đầu tiên tại tuyến Tây Bắc Kontum, vào sáng ngày 14.5.1972. cả hai Trung đoàn 28 và 64 của Sư Đoàn (Thép) 320 Cộng sản cùng 1 tiểu đoàn xe tăng bị tiêu diệt, làm cho cả sư đoàn có tiếng, kỳ cựu này bị kiệt quệ, không còn khả năng chiến đấu. Sau đó chỉ đúng 10 ngày, sáng sớm ngày 24.5.72. trong trận tấn công cùng lúc vào Tòa Giám Mục, Bệnh Viện 2 Dã Chiến và vòng đai phi trường Kontum, cả Trung đoàn 52 thuộc Sư Đoàn 2 (Quảng Đà) mới tăng cường từ vùng Quảng Nam vào, bị đánh tan, đã phải giải thể. Một số lớn cán binh của Trung đoàn 141 thuộc sư đoàn này bị bắt và ra hồi chánh. (Những thất bại này Cộng sản Bắc Việt đã phải công nhận qua chính các hồi ký, quân sử của họ)

 

Chiến thắng Kontum vào Mùa Hè 1972 của đơn vị chúng tôi ở Quân Đoàn II, cùng lúc với Bình Long ở Quân Đoàn III và Quảng Trị ở Quân Đoàn I đã bẻ gãy ý đồ thôn tính VNCH của Cộng sản Bắc Việt, khi lợi dụng việc Hoa Kỳ vừa rút hết quân về nước, đồng thời cắt giảm tối đa quân viện cho VNCH, sau chiêu bài “Việt Nam Hóa Chiến Tranh”. 

 

Nhưng rồi Hiệp Định Paris ngày 27.1.1973 như một trận gió chướng tàn độc, cuốn trôi hầu hết những chiến công mà chúng tôi đã phải trả bằng biết bao máu xương để đạt được, cùng lúc làm tiêu hao hào khí mà quân sĩ đơn vị chúng tôi vừa dâng cao trong men say chiến thắng. Hiệp định Paris mà Hoa Kỳ và Bắc Việt đã thỏa hiệp, ký kết trên nỗi đau thương, phẫn uất cùng thân xác của những người lính khốn khổ chúng tôi, chính là huyệt mộ do chính Hoa Kỳ đào lên nhằm chôn sống quân lực và cả quốc gia đồng minh VNCH sau đó.

 

Ủy Ban Nobel Hòa Bình Na Uy năm 1973 đã phải vô cùng xấu hổ và ân hận khi có một quyết định vội vã, sai lầm, trao giải cho Henry Kissinger và Lê Đức Thọ. Bị cả thế giới và nhiều dân biểu Na Uy phản đối, một số thành viên bất mãn rút tên ra khỏi Ủy Ban. Sau đó chính Lê Đức Thọ đã phải từ chối nhận giải, vì hơn ai hết, chính cá nhân ông ta và cả Bộ chính trị Đảng Cộng sản đều biết trước là sẽ không hề có hòa bình, bởi họ đã mưu đồ từ trước, không hề tôn trọng hiệp định mà chỉ lợi dụng những kẽ hở có toan tính, để đẩy mạnh cuộc chiến nhằm sớm cưỡng chiếm Nam Việt Nam.

 

Hiệp định mang tên Hòa Bình, nhưng kỳ thực chỉ là hình thức ngưng bắn kiểu “da beo”, để các lực lượng Cộng sản Bắc Việt không phải rút về Bắc mà được tiếp tục hiện diện hợp pháp tại các phần đất mà họ vừa lấn chiếm, cùng lúc Hoa Kỷ cắt hết viện trợ quân sự cho VNCH để đổi lấy tù binh, trong khi Cộng sản Bắc Việt vẫn được Trung Cộng, Liên Xô cùng khối Cộng sản gia tăng tối đa viện trợ. Lợi dụng tình hình này, Cộng sản Bắc Việt đã ào ạt chuyển đại quân, chiến xa, vũ khí, đạn dược, nhiên liệu vào chiến trường miền Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh, và một số từ Lào sang để gia tăng cường độ các cuộc tấn công, trong khi chúng tôi phải chiến đấu trong những điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, từ quân số, vũ khí, đạn dược, nhiên liệu, đến mọi phương tiện khác. 

 

Hồi tưởng thời gian này, tôi bỗng thấy đồng cảm và thấm thía với tâm trạng của người lính trẻ Paul Bäumer, nhân vật chính trong “All Quiet On The Western Front” (Mặt Trận miền  Tây Vẫn Yên Tĩnh), tác phẩm viết về chiến tranh nổi tiếng của nhà văn Đức, Erich Maria Remarque, mặc dù tình huống tương tự đã xảy ra từ thời Đê Nhất Thế Chiến, hơn 55 năm trước:

 

“Ngày tháng trôi qua. Mùa hè 1918 này là mùa hè đẫm máu và kinh hoàng nhất. Thời gian giống như những thiên thần đang bay lượn trên vùng hủy diệt một cách không thể hiểu nổi. Dường như ai cũng biết rằng chúng tôi sẽ phải thua trong cuộc chiến này. Nhưng rất ít ai nói ra điều ấy. Chúng tôi đang bị đẩy lui. Chúng tôi không còn đủ quân số, không đủ tiếp liệu, đạn dược để có khả năng phản kích sau cuộc tổng công kích này. Duy chỉ có các chiến dịch hành quân là còn đang tiếp diễn – và những cái chết sẽ vẫn còn tiếp tục…”

 

Là những người trực tiếp chiến đấu, cận kề quân sĩ, chúng tôi đã phải xót xa, đau đớn đến dường nào khi chứng kiến đồng đội của mình ngã xuống mỗi ngày trong tình trạng tức tưởi, oan khiên như thế!

 

Hơn mười năm phục vụ trong một đơn vị Bộ Binh bình thường, nhưng chúng tôi chưa hề một lần chiến bại, ngay cả những trận chiến gay go, đẫm máu nhất, với lực lượng địch đông gấp nhiều lần và vũ khí tối tân hơn, điển hình như trận chiến Kontum. Vậy mà bỗng dưng chúng tôi trở thành những người bại trận. Bi thảm và tủi nhục hơn là dù có “gãy súng”, “buông súng” hay không, chúng tôi cũng bị thuộc về bên phía “đầu hàng” theo lệnh của ông tướng mới lên làm tổng thống ba ngày, nhân danh Tổng Tư Lệnh. Sau này, có người bảo ông làm đến đại tướng mà ngây thơ, nghe theo lời dụ dỗ, móc nối của ai đó và một người em ở phía bên kia, tin Cộng sản sẽ thành lập “chính phủ ba thành phần”. Có người lại bảo ông giành chức tổng thống chỉ để làm một điều duy nhất – đầu hàng. Cũng có người bênh vực, bảo nhờ ông đầu hàng nên tránh được một cuộc tắm máu, và có đủ thời gian cho một số người kịp chạy đến Subic Bay hay đảo Guam, sang Mỹ sớm. Là những thằng lính khốn khổ nhất, năm tháng chỉ ở trong núi rừng, dưới các giao thông hào, ngộp thở với tiếng bom đạn cùng bao nhiêu thứ lệnh lạc chiến trường, chúng tôi đâu có biết gì về chính trị bẩn thỉu, nhất là các biến cố dồn dập, hỗn độn trong những ngày tháng cuối cùng tại thủ đô Sài gòn.

 

                                                            ***

 

Trong chiến tranh, thắng bại dù sao cũng là lẽ thường tình. Cuộc nội chiến Mỹ 1861-1865, Nam quân đã đầu hàng Bắc quân, và trong Đệ Nhị Thế Chiến, nước Nhật hùng mạnh đã phải đầu hàng quân đội đồng minh, sau khi hai quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki. Kẻ chiến thắng đã hành xử văn minh, nhân bản như thế nào, cho dù các cuộc chiến ấy cũng vô cùng tàn khốc, cướp đi rất nhiều sinh mệnh của hai bên – cả dân lẫn lính. Nhưng cuộc bại trận của chúng tôi sao mà phẫn uất và đau đớn quá. 

 

Bị đồng minh phản bội, bỏ rơi trong đành đoạn, tức tưởi. Thua một kẻ địch không đáng để thua. Một chế độ tự do nhân bản, văn minh, phồn thịnh lại phải đầu hàng một chế độ man rợ, nghèo nàn, lạc hậu. Có lẽ trong lịch sử chiến tranh Đông-Tây, chưa từng có những người lính nào ở phe thắng trận lại ngồi khóc ở vệ đường trên phần đất vừa mới chiếm được – như trường hợp nhà văn bộ đội Cộng sản Dương Thu Hương và nhiều người khác nữa– bởi nhận ra mình bị lừa dối, uổng phí cả một thời trai trẻ để đi “giải phóng” một miền đất tự do, văn minh, nhân bản, giàu có, hạnh phúc gấp vạn lần “miền Bắc xã hội chủ nghĩa” của mình. 

 

Đến hôm nay, cuộc chiến oan nghiệt ấy đã kết thúc vừa đúng nửa thế kỷ. Hầu hết những dấu tích chiến tranh trên quê hương đã bị “bên thắng cuộc” chôn xóa, hủy diệt, ngoại trừ một số rất ít được chọn lọc, tô son thiếp vàng, trưng bày trong các viện bảo tàng, nhằm để tô vẽ, tuyên truyền. Trong số chứng tích còn sót lại là những nấm mồ xác xơ của hàng vạn tử sĩ miền Nam, nằm trong các nghĩa trang tiêu điều hoang phế, bị kẻ chiến thắng đập phá, hủy hoại, nhục mạ. Thực ra, họ rất muốn phá hủy hoàn toàn cho sạch hết chứng tích cuộc chiến mà chính họ đã làm hoen ố lịch sử dân tộc một thời, như đã từng san bằng, giải tỏa một số các nghĩa trang quân đội ở các tỉnh miền Trung, nhưng sở dĩ một số ít nghĩa trang lớn còn sót lại, dù trong tình trạng bị phá hủy, thay tên gọi (như nghĩa trang quân đội Biên Hòa trở thành một nghĩa trang dân sự địa phương lạ lẫm nào đó), chỉ nhằm để kiếm lợi trong các cuộc tuyên truyền, thương lượng, đổi chác với Hoa Kỳ cùng thế giới tự do, và cũng để gạt gẫm, lừa mị đồng bào miền Nam hầu ngụy tạo một chút gì cái “tình dân tộc” trong chiêu bài “hòa hợp hòa giải”.

 

Mới đây, có người phát hiện Nghĩa trang Sư Đoàn 22BB hoang phế nằm lẩn khuất trong một vùng núi rừng Bình Định. Cây cỏ và cả rác rến gần như che lấp hàng ngàn mộ phần tử sĩ rêu phong. Một số đồng đội, nhà hảo tâm trong và ngoài nước cùng hô hào đóng góp, nhờ một số các anh chị em còn nặng tấm lòng với miền Nam trong nước tiếp tay, phát quang, sơn sửa, kẻ lại tên tử sĩ và dựng lại các tấm bia gãy đổ. Vậy mà, sau đó họ đã bị chính quyền Cộng sản đe dọa, ngăn chặn, gây bao phiền muộn. Kế hoạch trùng tu “kín” một số nghĩa trang hoang phế khác trong vùng cũng vì đó mà đành phải hủy bỏ.

 

Hàng vạn trại tù vội vàng được dựng lên sau tháng 4/1975, trên khắp mọi miền đất nước, nhằm đày ải, hành hạ, giết dần mòn gần một triệu quân cán chính, trí thức, văn nghệ sĩ, kể cả nhà sư và linh mục miền Nam. Giờ hầu hết những trại nằm trong rừng sâu, núi thẳm đã biến mất, một số trại tù lớn ở các thành phố thì đã được nâng cấp, sửa sang để trở thành những trại giam lớn của tỉnh hay cấp nhà nước. Tuy nhiên cứ thi thoảng người dân lại phát hiện một số nấm mồ “tù cải tạo” nằm sâu trong núi rừng Lào Cai, Yên Bái hoang vu, giờ chỉ còn mỗi tấm bia xám xịt rêu phong, lẩn khuất dưới cỏ cây từ gần 50 năm trước. 

 

https://diendantheky.net/wp-content/uploads/2025/04/unnamed-37.jpg

(Mộ tù cải tạo trong rừng núi Yên Bái – Ảnh từ youtube)

 

Một chứng tích đau lòng khác, những thương phế binh VNCH bị đối xử tệ hại, đang phải sống từng ngày khốn cùng trong nước. Phần đông, theo thời gian đã chết do nghèo đói, bệnh tật. Số còn lại cũng đã già nua, sống lây lất trên các vỉa hè góc phố. Vậy mà họ vẫn không yên với một chế độ thiếu vắng tính nhân bản, tình tự dân tộc, luôn nặng hận thù. Với nghĩa tình cùng lòng tri ân của những đồng đội, đồng bào từ hải ngoại và cả trong nước, vận động gom góp gởi về, qua các vị Linh mục nhân từ thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn, để các vị tổ chức mỗi năm một, hai lần buổi họp mặt “Bên nhau đi nốt cuộc đời”, như là một chút ủy lạo trong tinh thần huynh đệ chi binh và biết ơn những người đã hy sinh một phần thân thể, vậy mà chính quyền Cộng sản cũng đã tìm mọi cách gây khó khăn, đe dọa, ngăn chặn cấm đoán, để cuối cùng phải hủy bỏ. 

 

https://diendantheky.net/wp-content/uploads/2025/04/unnamed-38.jpg

(thương phế binh VNCH – Ảnh: Dân Làm Báo)

 

Chứng tích quan trọng và sinh động hơn, là sự hiện diện của hơn 5 triệu người Việt đã phải bỏ nước ra đi, đang sống lưu vong trên khắp mặt địa cầu. Sau tháng 4.1975, cả một miền Nam “thua cuộc” đã nhanh chóng trở thành một vùng đất chết, khốn cùng, bi thảm. Người dân có cảm giác như bị lưu đày ngay trên chính quê hương mình. Tương lai chỉ còn là những cơn ác mộng. Thời ấy, mọi người chỉ còn biết nhìn ra biển khơi mênh mông để ước mơ một sự đổi thay nào đó ở phía bên kia chân trời mịt mờ vô định. Và còn gì đau đớn hơn khi con người nghĩ tới chuyện phải bỏ quê hương ra đi lại là một niềm khát vọng! Trong suốt lịch sử thăng trầm của dân tộc, chưa có thời kỳ nào mà người dân phải bỏ cả quê hương, nhà cửa, mồ mả ông bà cha mẹ để vượt thoát ra đi trong cái chết. Chính quyền Cộng sản từng tuyên truyền, bôi xấu họ là bọn phản quốc chạy theo chân đế quốc nhằm tìm chút bơ thừa sữa cặn, để rồi không lâu sau đó lại âu yếm, chiêu dụ, gọi họ là những “khúc ruột ngàn dặm”, những “sứ giả” của quê hương, dân tộc. Thực chất, các cộng đồng người Việt tỵ nạn trên hầu hết các quốc gia tự do – mà chính quyền Cộng sản vẫn luôn xem là “các thế lực thù địch”- đa phần đã thành công vượt bậc tại các quốc gia định cư, thế hệ con cháu thành đạt trên đủ mọi lãnh vực, từ giáo dục, khoa học kỹ thuật, chính trị, quân sự, văn học, âm nhạc. Đó là những đóng góp rất tích cực cho các quốc gia đón nhận họ, nhưng cũng là những chất xám quý báu mà chính quyền Cộng sản trong nước hằng mơ ước. 

 

Trong suốt 50 năm, kẻ chiến thắng đã cố tình biến miền Nam, vùng đất tự do văn minh hạnh phúc xinh đẹp một thời, trở nên nghèo nàn, khốn khổ hơn so với cái nôi “cách mạng” miền Bắc, nhưng rồi dù có bị đàn áp, bần cùng hóa. phân biệt đối xử đến đâu, người miền Nam vẫn luôn giữ được văn minh, nhân bản, và đất miền Nam vẫn luôn đáng yêu, đáng sống. Đã có hằng triệu triệu người dân miền Bắc bỏ quê cha đất tổ tìm vào đất phương Nam, mong được đổi đời. Mật độ dân số miền Nam, đặc biệt tại Sài gòn ngày một đông đúc, có khi gấp gần 5 lần so với tháng 4.1975, nhà cửa, cao ốc thi nhau dựng lên bừa bãi, đến nỗi nhiệt độ trở nên nóng bức trong cả mùa đông, và nhiều con đường phố đã trở thành sông, chỉ sau một cơn mưa, dù không lớn lắm. Ngay cả các tỉnh cao nguyên, miền Trung, giờ cũng đầy những người miền Bắc bỏ xứ vào đây lập nghiệp, giành nương chiếm rẫy của những người Thượng, vốn từng bao nhiêu đời khai sơn phá thạch, sống chết ở đây.

 

50 năm, nền giáo dục “xã hội chủ nghĩa” lạc hậu, xuống cấp đã làm cho bao thế hệ học trò trở nên thua kém rất xa so với thế giới chung quanh. Đến nỗi một cô giảng viên trường Đại học Sư phạm (Thái Bình) đã công khai trong một chương trình trên truyền hình Hà Nội, rằng “Tự Lực Văn Đoàn là một gánh cải lương, và ông Nhất Linh là ca sĩ cổ nhạc”. Tệ hại và tủi nhục hơn là tình trạng tha hóa trong ngành giáo dục, kể cả thầy giáo và học trò. Chuyện thầy giáo gạ tình, hiếp dâm nữ sinh cũng như chuyện học trò, kể cả nữ sinh, đánh nhau và đánh luôn cả thầy cô giáo, gần như là chuyện thường tình.

 

Đặc biệt, ngôn ngữ Việt (cả tiếng nói lẫn chữ viết) bị biến cải một cách tùy tiện, ngốc nghếch, kể cả muốn Tàu hóa như trường hợp ông giáo sư tiến sĩ Bùi Hiền nào đó. Lịch sử (và môn Sử học) được dựng lên từ bao điều dối trá. “Anh hùng Lê Văn Tám” được xây tượng đài, đặt tên cho các con đường lớn, công viên, trường học, bắt học trò cả nước phải học tập, noi gương như một vị anh hùng. Thực chất, lại là một người không hề có thật, mà chỉ là nhân vật tưởng tượng. Chính ông GS Trần Huy Liệu, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN đã thú nhận với GS Phan Huy Lê, nhân vật Lê Văn Tám là do mình “dựng” nên và nhờ GS Phan Huy Lê sau này khi đất nước yên ổn, nói lại giùm, lỡ khi đó ông Trần Huy Liệu không còn nữa.  (GS Phan Huy Lê: Trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám, Khoa Đông phương học). Và ông Phan Huy Lê đã công bố sự thật này năm 2005,  người dân trong nước do đó đều biết câu chuyện gian dối lừa mị này, vậy mà đảng và nhà nước vẫn không hề một lời lên tiếng.

 

50 năm, nền văn học “xã hội chủ nghĩa” còn lại những gì, ngoài mấy trăm bài thơ tuyên truyền, nịnh lãnh tụ, tiêu biểu cỡ Tố Hữu “Ta bên người, người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn bên Người một chút…” hay “ Xta-lin ơi!/Hỡi ôi Ông mất, đất trời có không?/Thương cha, thương mẹ, thương chồng/Thương mình thương một, thương Ông thương mười), cùng các bản nhạc “đỏ”: Bác đang cùng chúng cháu hành quânTrường Sơn Đông Trường Sơn Tây,Tiếng Chày Trên Sóc Bam Bo,  Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng, Cô Gái Vót Chông… mà đám văn công hát đi hát lại trong mấy ngày lễ lớn, và tất nhiên chẳng ai còn muốn nghe!

 

Nhưng 50 năm với những bản tình ca miền Nam, một thời bị cho là nhạc vàng, cấm đoán, đến nỗi có người hát (như Toán Xồm, Lộc Vàng) đã từng bị đàn áp,  tù đày để người phải bỏ mình, người thì gần cả một đời khốn đốn, giờ lại làm mê mẩn say đắm mọi người lớn nhỏ, kể cả những “đồng chí lãnh đạo”, công an, bộ đội, từ Nam ra Bắc, từ thành phố cho đến các hang cùng ngõ hẻm, vùng sâu vùng xa. Mà oái ăm thay, đa phần những bản nhạc tình ca này lại viết rất đẹp về lính VNCH, người lính “bên thua cuộc”.

 

Trong một bài tiểu luận viết vào ngày 1.1.2022, dưới nhan đề “Níu một thời, giữ một đời”, nhà văn Ban Mai, một trí thức trẻ của chế độ (giảng viên tại trường Đại Học Quy Nhơn) đã viết:

 

“Việt Nam, sau năm 1975 kết thúc chiến tranh giữa hai miền Nam – Bắc. Hòa bình đã đến sau mấy thập niên tang tóc vì bom rơi, đạn nổ. 

 

Thế nhưng, người miền Nam đã không thể tưởng tượng nổi, tiếp sau đó là một thảm cảnh kinh hoàng… Trầm trọng hơn nữa: Sự xơ xác tinh thần của trí thức miền Nam không còn được tự do trình bày suy nghĩ, không còn được tự do hấp thụ tri thức nhân loại. Thay vào đó là những đợt học tập chính trị triền miên, theo một định hướng duy nhất: Chủ nghĩa Marx. Tất cả sách báo, văn học nghệ thuật bị tịch thu tiêu hủy, nền văn chương miền Nam hoàn toàn bị bôi xóa. Giống như thời man rợ của Tần Thủy Hoàng năm 210 trước công nguyên… 

 

Bắt đầu sau năm 1975, những thế hệ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam không hề biết đã từng có một nền văn học nghệ thuật miền Nam vô cùng gíá trị với nhiều thể loại “trăm hoa đua nở”, đề cao tự do, dân chủ, với ý thức khai phóng, nhân bản, theo kịp trào lưu thế giới…

Bên trong nước, mấy năm gần đây có một bạn trẻ Nguyễn Trường Trung Huy ở Sài Gòn cũng dày công sưu tầm văn học miền Nam và bộ sưu tập của bạn ngày một đồ sộ đáng cho ta kinh ngạc, đó là một kỳ công. Tôi tin rằng, trên đất nước Việt Nam này có nhiều người thầm lặng âm thầm tìm kiếm, lưu giữ một nền văn chương nhân bản mà ta tưởng rằng đã chết sau năm 1975. Ngày nay, giới nghiên cứu văn học trong nước đang ngày càng tìm kiếm để nghiên cứu, mới đây trong một đề thi luận văn bậc trung học phổ thông, có một giáo viên đã đem bài thơ “Ta về” của Tô Thùy Yên cho học sinh bình giảng, với những câu thơ đầy tính nhân văn:

 

“Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này”.

 

(Tô Thùy Yên là một sĩ quan VNCH, từng bị tù đầy qua nhiều trại giam trong gần 13 năm, sau tháng 4.1975)

 

Tuy đây chỉ mới là một hành động đơn lẻ nhưng đó là một tín hiệu vui.


Tôi tin rằng, sẽ không còn bao lâu nữa dòng văn chương miền Nam (1954-1975) sẽ được đưa vào giảng dạy chính thức trong nhà trường, nó xứng đáng được trả về với đúng vị trí của nó trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam hiện đại, không ai và không một thể chế nào có thể bôi xóa một thời đại lịch sử của nước nhà. Giữ gìn, bảo tồn và chia xẻ văn học miền Nam cho đời sau là trách nhiệm của chúng ta, của tôi và các bạn những người yêu tiếng Việt, những người yêu văn chương Việt Nam”

 

Một vị giáo sư khác trong nước, chuyên nghiên cứu về Văn Học Việt Nam đã khẳng định Trong hai thập niên 1955-1975, nếu không có Văn Học miền Nam, thì nền Văn Học Việt Nam xem như không hề có, hoặc chẳng có gì cả!”

 

Nhà thơ, nhà giáo cũng là nhà báo nổi tiếng miền Bắc, Hoàng Hưng, trong bài viết “Về ảnh hưởng của Văn hóa miền Nam (VNCH) sau 1975”, sau khi hết lời ca ngợi lối sống, văn hóa, văn học miền Nam, đã kết luận:

 

“…nhìn một cách tổng thể, toàn bộ đời sống miền Nam, trong đó có đời sống văn hoá, văn học, trong 45 năm qua đã dần dần “giải phóng” người dân miền Bắc khỏi cái nhà tù lớn trong đó con người bị buộc phải giả tạo, “gồng mình” hoặc bị mê hoặc mà mù quáng tuân phục trong thời chiến và theo “định hướng XHCN…. 

 

Đến nay nó vẫn tiếp tục đóng góp vào tiến trình “giải Cộng” gian lao của đất nước! Chắc chắn sẽ đến một ngày, đất nước chứng kiến một cuộc phục hưng văn hoá, văn học, đi tiếp con đường mà văn hoá, văn học miền Nam đã đi. Con đường Tự Do, Nhân Bản, Hội Nhập Quốc Tế.”

 

                                               ***

 

Sau 50 năm, tất nhiên đất nước cũng đã có những đổi thay nhất định. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt tại các đô thị có nhiều phát triển, đời sống người dân ở đây có khá hơn so với nông thôn. Tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam vẫn còn tụt hậu khá xa so với nhiều nước chung quanh. Chính ông Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây đã công khai tuyên bố: “Cách đây 50 năm vào những năm 1960-1970, Singapore chỉ mong được sang Bệnh viện Chợ Rẫy (Sài gòn) để chữa bệnh, giờ thì ta lại ước mơ được vào khám bệnh ở Singapore.” 

 

Theo thống kê của IMF (International Monetary Fund/Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế), lợi tức tính theo đầu người ở Việt Nam cho năm 2025 là 4,986 Mỹ kim (Mk), trong khi ở Singapore là 93,956 Mk, và so với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á khác, mức sống của người dân Việt nam đều rất thấp:

 

-Hàn Quốc (Nam Hàn): 37,675 Mk
-Nhật Bản                   :  35,611 Mk
-Đài Loan                   :  34,944 Mk
-Malaysia                   :  14,423 Mk
-Thái Lan                   :    7,754 Mk

Tệ hơn, Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với cả Mộng Cổ (Mongolia), một nước chỉ có đồng cỏ và sa mạc, với lợi tức trung bình của người dân năm 2025 ở đây là: 7,576 Mk.

 

Điều đặc biệt đáng chú ý hơn là trong hầu hết các quốc gia Đông Âu, mới giã từ chế độ Cộng sản khoảng 30 năm nay, người dân đều có lợi tức cao hơn nhiều so với Việt Nam (4,896 Mk).

 

-Tiệp Khắc (Czech Republic) = 33,038 Mk
-Hung Gia Lợi (Hungary)       = 25,703 Mk
-Ba Lan (Poland)                     = 25,040 Mk
-Lỗ Ma Ní (Romani)               = 21,570 Mk
-Bảo Gia Lợi (Bulgari)           = 18,456 Mk 

 

Tuy vậy, chủ trương làm “kinh tế thị trường (với cái đuôi) theo định hướng XHCN” thực tế cũng đã làm giàu nhanh chóng cho hầu hết tầng lớp đảng viên, gia đình và phe nhóm, đưa họ sớm trở thành những nhà tư bản “đỏ”, đào thêm cái hố ngày càng sâu giữa giai cấp giàu (đảng) và nghèo (dân). Điều này hoàn toàn trái ngược mục tiêu “đấu tranh giai cấp” mà đảng Cộng sản từng hô hào; đấu tố, giết hại dã man hàng mấy vạn người vô tội trong “Cải Cách Ruộng Đất”, lộ rõ chiêu trò lừa gạt “giải phóng miền Nam”, và hiện nguyên hình một đám thảo khấu khi chủ trương “tiêu diệt tư sản mại bản” rất tàn độc ngay sau khi cướp được miền Nam.

 

Sự làm giàu bộc phát (và bất chính) của tầng lớp tư bản đỏ này đã kéo theo hiện tượng xuống cấp từ Giáo Dục, Văn Hóa, Y Tế, tha hóa về Đạo Đức, Xã Hội và cả Tôn Giáo. Đặc biệt nhất là vấn nạn thối nát, tham nhũng – tất nhiên ngay trong hàng ngũ đảng Cộng sản, kể cả những lãnh đạo cao cấp nhất, từ hàng tướng lãnh, thứ bộ trưởng, thủ tướng đến cả chủ tịch nước – như là một thứ quốc nạn không còn thuốc chữa. Chức quyền được chuyền tay theo kiểu “cha truyền con nối”, “gia đình trị” của thời phong kiến. Đảng đứng trên pháp luật, thu tóm mọi quyền lực, tài sản quốc gia. Đảng viên sống phè phỡn giàu sang trên đầu những người dân cùng khốn. Đám con cháu, những “hạt giống đỏ”, được đưa sang du học tại các trường tư nổi tiếng ở các nước tư bản, tất nhiên bằng tiền của nhà nước hoặc từ tham nhũng, chuẩn bị cho các vai trò kế vị.

 

Một ông thủ tướng (sau đó là chủ tịch nước) từng mở miệng khoe khoang “Việt nam bây giờ đang là một đất nước đáng sống nhất, cái cột đèn ở hải ngọai mà có chân thì cũng đã chạy hết về Việt Nam” (sic!). Trong khi ấy, hàng vạn cô con gái phải bỏ cha mẹ, người tình sang làm vợ cho những ông già bệnh hoạn, tàn tật ở tận Đài Loan, Nam Hàn, như một thứ nô lệ, kể cả nô lệ tình dục. Nhiều cô không liên lạc được với gia đình. Một số bị giết chết hoặc bị bán vào các động mãi dâm. Tại một số nước Á châu, báo chí công khai quảng cáo dịch vụ “mua vợ Việt Nam” với giá bằng một món đồ chơi rẻ mạt. Trong lịch sử dân tộc, dù có những giai đoạn lệ thuộc khó khăn, nhưng không có thời kỳ nào mà thân phận những người con gái, đàn bà Việt Nam lại rẻ rúng và thê lương như thế. Chính quyền đã “xuất khẩu” hàng vạn, hàng trăm ngàn người lao động đi khắp thế giới, ngay cả những nước nghèo ở tận châu Phi, nhằm kiếm sống và kiếm thêm ngoại tệ cho nhà nước. Đã vậy vẫn cứ tiếp tục những dòng người tìm mọi cách trốn khỏi Việt Nam, để một số phải chết ngạt trong những chiếc xe đông lạnh, kín mít, một số phải sống trong núi rừng, trồng á phiện và bị bắt, vì không có quốc gia nào chấp nhận để dung thân. Một sự kiện đáng xấu hổ, khi nhóm chín người tháp tùng chuyên cơ của bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyến viếng thăm “hữu nghị” Hàn Quốc, vào đầu tháng 12.2018, đã bỏ trốn khi vừa mới bước chân lên đất khách. Đó là chưa kể một số ra nước ngoài chỉ để ăn cắp, làm gái điếm, đến nỗi cái “hộ chiếu” Việt Nam đã từng trở thành nỗi ô nhục.

***

Sau đúng 50 năm, tại Sài gòn, trước cả mấy tháng, nhà nước Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị rầm rộ mừng ngày “thống nhất”, thao dược một cuộc diễn binh rất qui mô mà tốn phí dự trù hằng chục triệu Mỹ kim, vẫn với lời ca “thề phanh thây uống máu quân thù” vẫn với các khẩu hiệu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, hừng hực không khí kiêu ngạo, hận thù. Trong khi ấy, đã có những anh bộ đội có mặt trong đoàn quân giải phóng ngày nào, theo chân nhà văn Dương Thu Hương (ngồi khóc ở vệ đường, khi nhận ra mình bị lừa gạt để chém giết đồng bào, hủy hoại cả một miền Nam nhân bản, văn mình, giàu đẹp) giờ cũng đã tột cùng ăn năn hối hận, như trường hợp cựu cán binh Bình Ngọc với bài thơ “Xin Lỗi Tháng Tư!”:

 

Thời trai trẻ, gác bút nghiên, gác mọi ước mơ …lên đường “ đánh Mỹ!”
Cây súng trên vai, máu đỏ trong tim!
Mụ lí trí! Hùng hục vượt Trường Sơn.
Đêm nghỉ, ngày đi, giày vẹt gót, áo sờn vai thấm lạnh!
Mẹ còng lưng vắt kiệt sức, mỏi mòn, thao thức đợi con về!
“Ba mươi tháng Tư” bên thắng cuộc, hả hê
Con trở thành kẻ “kiêu binh!” trong đoàn “quân Giải phóng!”
Nhưng! Ba mươi tám năm sau con vô cùng thất vọng!
Không hiểu mình đi Giải phóng cho ai?
Chễm chệ trên cao, toàn những kẻ bất tài!
Đáy xã hội, nhiều “dân oan!” mất đất.
Những nghịch lý, tai ương…chồng chất!
Khoảng cách “sang, hèn” cứ rộng mãi ra.
Người ở “quê” không còn tha thiết với “ao nhà”.
Tràn vào miền  Nam “ngoạ, chiếm, xâm canh…từ núi, rừng, chợ búa, thị thành, lầu cao, gác tía ….!”

Đi đâu, ở đâu cũng gặp toàn người “ngoài ấy”.

Nhà cửa, ruộng vườn ngoài ấy họ bỏ hoang???
Quê Hương tôi, tên thật đẹp (làng Vàng).
Cũng có đình, chùa, bờ xôi, ruộng mật!
Không hiểu vì sao nhiều người “bỏ tất” để vào Nam chen lấn, đua đòi?
Riêng tôi!

Đã mấy năm nay, tôi đã làm kẻ “chạy trốn!”
Trốn khỏi “sai lầm” những năm, tháng …đã đi qua!

Mỗi tháng Tư về tôi lại nhớ vào Nam!
Xin lỗi! “tháng Tư!”
Xin lỗi! miền Nam, những việc tôi đã làm!
Xin lỗi tất cả!
Cả những người “bên thua cuộc!”


Biết sao được!
Mọi người chúng ta sinh ra, đâu có thể chọn được thời cuộc
Nhưng! Lẽ đời, Đen, trắng phải phân minh!
Xin lỗi! “tháng Tư!”
Hãy tha thứ cho mình! Rất chân thành, chứ không phải lời giả dối.

 

Hay trường hợp của Trần Đức Thạch, cựu phân đội trưởng trinh sát, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4, qua các bài thơ 

 

Tạ Lỗi miền Nam

Tôi sinh ra ở miền Bắc
Không hình dung ra giặc thế nào
Người ta hô hào
Phải căm thù giặc…?
Người ta dạy tôi là người miền Bắc
Phải biết thương yêu đồng bào miền Nam
Bà con ruột thịt đang lầm than
Dưới gót giày của Mỹ Diệm…
Những người con nông dân thật thà như đếm
Mặc áo lính vai khoác súng lên đường
Hồn nhiên tin là đi bảo vệ tổ quốc quê hương
Đánh đuổi quân xâm lược…
Thống nhất đất nước
Mới ngớ ra “Quân ta đánh dân mình
miền Nam giàu và dân sống văn minh
Không đói khát vật vờ như dân miền Bắc…”
Hận ngút trời đứa nào lừa tuổi xuân tôi coi dân mình là giặc!

Sám Hối

Thế hệ chúng tôi tội lỗi ngập đầu
Nhìn con cháu lòng muôn hổ thẹn…


Thế hệ chúng tôi một thời chinh chiến
Thắng lợi mang về là xua đuổi văn minh
Thắng lợi mang về là làm khổ dân mình
Để đểu cáng lên ngôi gây tội ác

Thế hệ chúng tôi hoàn toàn lầm lạc
Quên dân tộc mình theo chủ nghĩa Mác Lê Nin
Bệnh hoạn tư duy méo mó cách nhìn
Gieo thù hận trong lòng con cháu


Thế hệ chúng tôi đổ bao xương máu
Chẳng ý nghĩa gì khi dân tộc điêu linh
Chẳng ý nghĩa gì khi đất nước tanh bành
Lãnh thổ giang sơn bị ngoại bang gậm nhắm


Thế hệ chúng tôi cuộc đời cay đắng lắm
Mất chính mình mang tội ác với tương lai

 

                                                   ***

 

Riêng những người lính miền Nam, sau nhiều năm bị tù ngục, đọa đầy, nhiều gia đình ly tán, lưu lạc khắp bốn phương trời, nếu còn sống sót giờ cũng đã trên dưới 80, nhưng vết thương từ cuộc chiến bất hạnh ấy vẫn mãi luôn âm ỉ trong lòng. Một quãng đời trai trẻ, những vinh nhục, những đớn đau tức tưởi trong giờ khắc phải buông súng, cùng những món nợ máu xương chưa trả được cho đồng đội anh em, rồi cùng sẽ xót xa theo họ về cõi vô cùng. 

 

Xin được đồng cảm với tâm sự của một đồng đội đàn anh, nhiều năm chiến đấu bên nhau, từng là một cấp chỉ huy trẻ tuổi, thao lược: 

 

“Tuổi đời chồng chất, sức khỏe và những hăng say của tuổi thanh xuân ngày tháng nguội dần. Tôi thấy cuộc sống mình hụt hẫng hoang mang. Mỗi năm lại vắng thêm đồng đội và rồi một ngày nào đó, cũng sẽ tới lượt mình. Điều tự nhiên này, thực chất chẳng phải là nỗi ưu tư bởi vì đó là quy luật. Nhưng điều làm tôi suy ngẫm là ý nghĩa về cuộc đời của chính mình, thế hệ chúng ta, qua những việc đã làm, những đau thương đã trải…thực sự là gì, hoặc chẳng là gì hết?”

 

    Cuối tháng 4-2025  

    Phạm Tín An Ninh

 

 




NỖI ÂN HẬN CỦA MỘT 'DŨNG SĨ DIỆT MỸ' (Thạch Phùng  -  Saigon Nhỏ)

 



Nỗi ân hận của một ‘dũng sĩ diệt Mỹ’

Thạch Phùng  -  Saigon Nhỏ

30 tháng 4, 2025

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/noi-an-han-cua-mot-dung-si-diet-my/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2025/04/Ngay-ve-cua-mot-dung-si-1024x787.jpg

Rạp chiếu bóng Kiến Thành là rạp chiếu bóng duy nhất tại Thị xã Quãng Ngãi, được ông Huỳnh Dân xây vào năm 1950. Sau năm 1975, rạp bị nhà nước Cộng Sản quản lý và đổi tên thành rạp chiếu phim Hòa Bình. Năm 2017 tỉnh Quảng Ngãi quyết định đóng cửa rạp chiếu phim Hòa Bình vì chẳng ai vào xem. Đến năm 2023, rạp được đấu giá và hiện đã chuyển đổi thành khu thương mại. (Hình: Báo Lao Động)

 

LTS. Đây là một câu chuyện có thật của một “dũng sĩ diệt Mỹ” ở Quảng Ngãi. Để bảo vệ sự an toàn cho nhân vật, chúng tôi xin phép không dùng tên thật.

 

 

Sau hơn 35 năm tốt nghiệp kỹ sư, Trung được phân nhiệm về Sở Điện Lực Quảng Ngãi. Tưởng con đường quan chức mở rộng chào đón một “dũng sĩ diệt Mỹ” năm nào, nhưng anh cứ loay hoay mãi ở chức vụ phó trưởng phòng vật tư. Nhiều đồng chí, đồng môn của anh, cùng “lớn lên trong mùa cách mạng” ngày đó, đã từ từ vượt mặt anh, ngoi lên làm giám đốc, thậm chí có người leo đến chức chủ tịch, bí thư tỉnh.

 

Xét về lý lịch, nếu Trung không thuộc loại “thái tử đảng” thì cũng là đảng viên cốt cán, được đào tạo để sau này nắm quyền lãnh đạo vì thân thế có cha là sĩ quan quân đội cấp tướng, tư lệnh một quân khu. Mẹ anh là “bà mẹ Việt Nam anh hùng,” từng bám trụ, đào hầm nuôi giữ nhiều cán bộ qua các giai đoạn chiến tranh. Bản thân anh cũng từng “nhảy núi” với nhiều chiến công ngay từ tuổi niên thiếu.

 

Với gốc gác “con nhà cách mạng nòi” như thế thì con đường tiến thân của anh lẽ ra bay như diều gặp gió. Thế nhưng, đột nhiên từ một phó phòng sở với nhiều quyền lợi, anh quay sang rượu chè be bét, rồi mượn cớ say rượu chửi bới lãnh đạo từ trên xuống dưới, quy kết họ tham nhũng, hối hộ, hạch sách dân,…

 

Nếu chỉ là người dân thường, chắc Trung cũng bị ăn cơm tù từ lâu rồi, nhưng nhờ cái lý lịch đỏ hơn son ấy, không lãnh đạo nào ở cơ quan, ban ngành chính quyền tỉnh dám “đụng” đến anh, mà thường chỉ thì thầm với nhau: “Chấp chi với tên suốt ngày say rượu ấy.” Họ luôn tìm cách lánh mặt mỗi khi tình cờ “va” vào anh trên đường phố, hay trong cơ quan công quyền.

 

Chẳng biết khi nào anh say thực, lúc nào say vờ, nhưng mỗi lần từ Sài Gòn hay Đà Nẵng ra tìm, tôi đều gặp anh trong tình trạng sặc sụa hơi men. Uống rượu với anh, tôi chỉ ngại duy nhất một điều là anh thường bất ngờ lôi gọi thẳng cho bí thư, hay chủ tịch tỉnh mà mày tao, chi tớ, chửi rủa om sòm vì chuyện nào đó bất bình của dân, mà chẳng liên quan gì tới anh.

 

Có lần, Trung gọi cho ông bí thư tỉnh họ Phạm. Dù đang họp Hội Đồng Nhân Dân tỉnh, nhưng ông Phạm vẫn phải phone trả lời ậm ừ cho qua chuyện, rồi hẹn sẽ gọi lại trao đổi sau khi họp xong. Anh không chịu, đòi ông phải ra ngoài nghe điện thoại của anh, nếu không anh sẽ tới tận nơi, lôi cổ ông bí thư ra khỏi phòng họp. Chẳng hiểu Trung có uy tín cỡ nào, hay ông bí thư họ Phạm có bí mật gì cần anh giữ kín, mà ông ta sợ anh một phép, vội chạy ra ngoài hành lang, nghe anh “chửi như tát nước” một thôi một hồi.

 

Không chỉ một lần đó ở quán nhậu vắng, mà còn nhiều dịp khác ngay tại văn phòng làm việc, hoặc ở nhà riêng, Trung muốn chửi ông lãnh đạo nào là gọi phone “nhả ngọc, phun châu.” Anh nói: “Tôi coi vậy chứ còn có ích cho dân. Nhiều vụ việc, tôi la toáng lên chúng mới quan tâm giải quyết. Giờ tiếng dân chỉ là tiếng kêu giữa rừng hoang hay ngoài biển cả, có thằng nào thèm nghe. Muốn chúng nghe, chỉ có mâm cao cỗ đầy, chỉ có phong bì, phong bao dầy cộp; chứ hàng tạ, hàng thước đơn thư kêu cầu, khiếu kiện cũng vứt vô thùng rác cả. Quan chức giờ hư hết rồi. Chẳng thằng nào còn nhớ những năm tháng khốn cùng được dân che chở, được dân nhịn miệng nuôi ăn. Chẳng thằng nào còn nhớ những đồng bào, đồng chí đã hy sinh, thậm chí đã bị chết oan trong chiến tranh…”

 

Mỗi lần nói ra, Trung lại nức nở khóc, rồi bước tới một góc phòng nơi anh đặt một bàn thờ nhỏ, thắp hương sụt sùi khấn vái. Các con anh cho tôi biết, đó là bàn thờ của chừng mười oan hồn, được anh mang về thờ khi biết rõ sự thật đau lòng gắn liền với danh hiệu “dũng sĩ” bất nhân mà anh đã nhận được trước đó.

 

Tôi không dám hỏi anh điều oan khiêng ấy, cho tới một ngày nọ, từ Sài Gòn, tôi nhận được tin anh nhắn, gọi ra Quảng Ngãi gấp, dự “giỗ 40 năm cho vài người thân.”

 

Sau lễ cúng trang trọng và bữa cơm chay được anh thực hiện tại ngôi chùa nhỏ sát chân núi, đường lên ngôi mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, Trung kể cho tôi nghe câu chuyện của những oan hồn mà anh mang về thờ:

 

“Họ đã đi theo tôi suốt mấy chục năm, mà tôi không hề hay biết. Nhiều đêm, mơ hồ thấy những người lính Mỹ hoặc lính VNCH bị tôi sát hại trong một lần duy nhất lập ‘chiến công lừng lẫy.’ Năm đó, tôi đang học Đệ Nhị ở Trần Quốc Tuấn. Đây là ngôi trường trung học công lập lớn nhất Quảng Ngãi. Chắc chắn ở đây, ai cũng biết rõ lai lịch tôi có nguồn gốc Việt Minh, cộng sản mấy đời. Cha ở chiến khu Ba Tơ, rồi tập kết, lại trở về Khu 5 làm tư lệnh. Mẹ bám trụ ủng hộ, nuôi giấu Việt Cộng. Vậy mà tôi vẫn được chính quyền Miền Nam cho học hành tử tế, chẳng ai gây rắc rối, làm cho gia đình tôi phiền hà.

 

Một hôm, cán bộ từ trên núi xuống, nói tôi phải gia nhập hàng ngũ chống Mỹ cùng với cha chú. Rồi họ chỉ dẫn sơ sài cách dặt mìn hẹn giờ, và yêu cầu tôi diệt Mỹ ngay trong lòng thị xã Quảng Ngãi, chứ không cần đi đâu xa.

 

Không lâu sau đó, tôi được trao một trái mìn dấu trong giỏ lát, và được lệnh đặt nó trong rạp chiếu bóng. Cấp trên cho biết hôm đó sẽ có nhiều lính Mỹ tới xem phim, hay biểu diễn văn nghệ của bên chiến tranh chính trị Sài Gòn ra phục vụ. Đây cũng là thử thách để cấp trên xem xét kết nạp tôi vào đoàn thanh niên cách mạng và tương lai sẽ được vào đảng.

Tôi tiến hành theo đúng kế hoạch. Vào trong rạp, tôi đặt giỏ lát có trái mìn dưới gầm ghế rồi ung dung bước ra ngoài. Trái mìn nổ tung ngay sau tôi ra khỏi rạp và đến được chỗ an toàn. Ngay sau đó, tôi được tổ chức giúp chạy lên núi, vào mật khu để tránh sự truy sát của chính quyền.

 

Tại mật khu này, một buổi lễ được tổ chức rất long trọng để tuyên dương “chiến công” của tôi. Có nhiều lực lượng vũ trang về tham dự, nào quân chính quy từ miền Bắc, quân chủ lực miền, du kích, đoàn viên từ các vùng mới chiếm đóng… tất cả lên tới cả trăm người. Tôi được tuyên dương là “dũng sĩ diệt Mỹ”, với thành tích là đã sát hại một lúc được hơn một chục sĩ quan và lính Mỹ từ căn cứ Chu Lai và Hạm đội 7.

 

“Gương chiến đấu” của tôi còn được phổ biến, bắt các nơi học tập để nhân điển hình.

 

Nhờ có danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ” này, mà những ngày tháng trên núi, tôi cũng được ăn mặc ưu đãi hơn chút đỉnh so với những người khác, vì cũng còn có khi được cử đi tới đơn vị khác nói chuyện, kể đi kể lại cái thắng lợi này.

 

Khi xuất ngũ, tôi được đi học lại theo nguyện vọng, được làm cán bộ đoàn trường nhờ cái “mác dũng sĩ.” Tôi hoàn toàn tin đấy là sự thật, và rất hãnh diện khi mình có chút công lao với Đảng.

 

Sau khi ra trường, tôi về Quảng Ngãi công tác. Mấy năm đầu cũng không có gì thắc mắc, nhưng rồi sự thực câu chuyện đánh bom của tôi dần dần được hé lộ. Qua anh em công nhân ngành điện cũ được lưu dung, và qua lời kể của những người đêm đó bị thương tật còn sống, và nhất là qua lời chứng của một vài gia đình thân nhân các nạn nhân, tôi mới biết vụ nổ mìn do tôi thực hiện hôm đó, chẳng có người lính Mỹ nào, cũng chẳng có ai là lính VNCH nào có mặt để bị tử thương như trong báo cáo, mà số người chết chỉ toàn đàn bà, trẻ con đi xem chiếu phim mà thôi!”

 

Trung thừa nhận, anh bị sốc nặng sau khi biết rõ sự thật, và để tránh ám ảnh, anh lao vào bia, rượu; trở thành đệ tử lưu linh, anh sống bạt mạng, bất chấp những thế lực khác tại địa phương. Không ai đụng tới anh, có thể họ nể anh có ông cha cấp tướng trong quân đội. Dù sao cha anh cũng từng có thế giá. Đệ tử dưới quyền ông ngày nào,  nay cũng đang giữ nhiều chức vụ chủ chốt trong chính quyền. Mặt khác, tại Quảng Ngãi cũng còn nhiều quan chức tỉnh được mẹ anh cất giấu, nuôi dưỡng trong thời kỳ chiến tranh. Dẫu sao, vuốt mắt cũng phải nể mũi, họ cũng phải tỏ ra họ còn nhân tính, biết nể nang ơn nghĩa năm xưa, nay chịu đựng “thằng con trời đánh” của ân nhân thì cũng… ráng chịu cho qua chuyện.

 

Sau khi nghe Trung kể câu chuyện đau thương, thay vì gọi Trung bằng biệt danh “Trung cùi” như trước, tôi gọi anh là “Trung khủng bố” Thế mà anh không giận. Anh nói đối với anh, cái tên “Trung khủng bố” là lời kết án chính xác nhất cho tên “dũng sĩ diệt Mỹ,” dù có muộn tới mấy chục năm.

 

Uớc nguyện nhất của anh lúc này là những oan hồn vì anh mà thiệt mạng, hãy tha tội cho một tên “khủng bố” vẫn đang phải sống vất va, vất vưởng như anh, với nỗi ân hận muộn màng, có lẽ đeo đuổi anh đến suốt cuộc đời.

 

 





43 HỘI ĐOÀN NGƯỜI VIỆT TẠI MỸ GỬI THƯ CHO TỔNG THỐNG TRUMP (Xuân Phương / Saign Nhỏ)

 



 

43 hội đoàn người Việt tại Mỹ gửi thư cho Tổng Thống Trump

Xuân Phương –  Saigon Nhỏ

30 tháng 4, 2025

https://saigonnhonews.com/thoi-su/43-hoi-doan-nguoi-viet-tai-my-gui-thu-cho-tong-thong-trump/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2025/04/tuong-dai-chien-si-Viet-My-doantrang-3-1024x793.jpg

Tượng đài chiến sĩ Việt-Mỹ ở thành phố Westminster. (Hình: ĐT/SGN)

 

Đánh dấu 50 năm kết thúc chiến tranh, 43 tổ chức hội đoàn người Việt tại Mỹ, trong đó có Đảng Việt Tân, đã gửi thư cho Tổng Thống Donald Trump để bày tỏ nhận định: Việt Nam cần phải “thoát Trung” để có thể thật sự trở thành đối tác chiến lược toàn diện đáng tin cậy của Hoa Kỳ.

 

Lá thư được gửi đến Ban Biên Tập Saigon Nhỏ, nguyên văn như sau:

 

Thư gửi Tổng Thống Trump – April 2025

 

Ngày 29 tháng 4, 2025

 

Tổng Thống Hoa Kỳ
Tòa Bạch Ốc
1600 Pennsylvania Ave NW
Washington, DC 20500

 

Kính gửi Tổng Thống Donald Trump,

 

Tiền thuế của người dân Hoa Kỳ không nên tiếp tục chi trả cho cái gọi là “ngoại giao cây tre” của Hà Nội. Trong cương vị các tổ chức người Mỹ gốc Việt, chúng tôi viết thư này để bày tỏ quan điểm nhân dịp đánh dấu 50 năm Sài Gòn sụp đổ – kết thúc Chiến tranh Việt Nam, và tương lai quan hệ Mỹ – Việt.

 

Chúng tôi tin rằng chế độ cộng sản tại Việt Nam tiếp tục lợi dụng mối quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ để đạt được lợi ích kinh tế và ngoại giao — đồng thời vẫn cổ xúy các luận điệu chống Mỹ trên các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát, đặc biệt liên quan đến hệ quả của cuộc chiến. Cách tuyên truyền này không chỉ gây tổn thương sâu sắc đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt mà còn xúc phạm đến 58.000 quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh vì lý tưởng tự do tại Việt Nam.

 

Mặc dù quan hệ thương mại với Hoa Kỳ ngày càng phát triển, Việt Nam vẫn bị ràng buộc về kinh tế và chính trị với Trung Quốc. Do những lựa chọn của chế độ Hà Nội, Việt Nam thâm hụt thương mại đáng kể với Trung Quốc trong khi hưởng lợi thặng dư với Hoa Kỳ — cho thấy định hướng kinh tế và chiến lược thực sự của họ. Chúng tôi tin rằng nếu Việt Nam thật tâm muốn trở thành đối tác thương mại đáng tin cậy của Hoa Kỳ, họ cần thể hiện rõ hơn sự độc lập với Trung Quốc.

 

Chúng tôi ủng hộ quyết định, theo tường thuật của báo chí, là các giới chức Hoa Kỳ không tham dự các chương trình kỷ niệm ngày 30 tháng 4 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Việc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tham gia diễn binh không chỉ gây xúc phạm nặng nề đối với người Mỹ gốc Việt và cộng đồng người Việt trên khắp thế giới, mà còn là tín hiệu rõ ràng cho thấy Hà Nội vẫn ưu tiên liên minh với Trung Quốc.

 

Hà Nội và Bắc Kinh đã củng cố thêm mối quan hệ trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam đầu tháng này. Hai bên đã ký hàng chục thỏa thuận, bao gồm kế hoạch xây dựng các tuyến đường sắt kết nối chặt chẽ Trung Quốc với Việt Nam. Việc gắn bó với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc sẽ là một thảm họa kinh tế và chiến lược đối với người dân Việt Nam. Tuyến đường này cũng sẽ biến Việt Nam thành cửa ngõ phía sau cho Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa và phá hoại chính sách thương mại của Hoa Kỳ.

 

Là người Mỹ gốc Việt, nhiều người trong chúng tôi đã chạy trốn chế độ cộng sản và hiện đang đóng góp tích cực cho xã hội Hoa Kỳ, chúng tôi coi dân chủ và nhân quyền là những giá trị thiêng liêng. Chúng tôi tin rằng mối quan hệ vững mạnh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam phải được xây dựng không chỉ trên mục tiêu kinh tế chung, mà còn dựa trên sự tôn trọng tự do, phẩm giá con người và xã hội cởi mở.

 

Thưa Tổng Thống, chúng tôi biết ngài luôn ủng hộ một nền ngoại giao mạnh mẽ, công bằng và đặt lợi ích nước Mỹ lên hàng đầu. Cộng đồng chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các chính sách bảo đảm Hoa Kỳ là một quốc gia vững mạnh, được tôn trọng và nguyên tắc trong các mối quan hệ, đặc biệt với những quốc gia vẫn đang phải đấu tranh cho chính những quyền tự do mà chúng ta trân quý.

 

Trân trọng,

 

Danh sách các tổ chức và cá nhân ký tên:

 

Liên Minh Dân Chủ Việt Nam

Lê Phát Minh, chủ tịch Ban Cố Vấn Liên Minh Dân Chủ Việt Nam Boston
Trần Huệ An, đại diện Hội Cựu Tù Nhân Ái Tử Bình Điền Huế
Thái Hòa, chủ tịch Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Boston
Nguyễn Phúc, hội trưởng Hội Cựu Sĩ Quan Pháo Binh Houston
Lê Văn Sanh, hội trưởng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Houston
Lê Học Đức, hội trưởng Hội Cựu Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia
Nguyễn Văn Ngôn, hội trưởng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam Vùng Đông Vịnh
Trần Thạnh, phó hội trưởng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Houston
Nguyễn Thực, chủ tịch Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Stockton, CA
Võ Duy Linh, hội trưởng Chùa Phật Giáo Boston
Phạm Lê Rô, đại diện Phong Trào Giáo Dân Việt Boston
Lay Tư Mỹ, hội trưởng Tập Thể Cựu Chiến Sĩ VNCH, Trung Tâm Tây Nam Hoa Kỳ
Richard Bùi Đẹp, trung tâm trưởng Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai
Phan Kỳ Nhơn, chủ tịch Tạp Chí Gia Đình
Lê Phước Lâm, giám đốc Hội Nhân Ái Tình Thương Hawaii
Janet T Kurizaki, hội trưởng Hội Cao Niên Hawaii
Ann Cathy Clemons, hội trưởng Học Viện Công Dân
Bác Sĩ Nguyễn Phúc Anh Lan

Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa

John-Hòa Nguyễn, giám đốc Hội Đồng Hương Quảng Trị Boston
Phạm Như Tân, đại diện Little Saigon San Diego
Nguyễn Thế Sử, CEO Liên Đoàn Không Quân 84 Kỹ Thuật
Lê Tấn Thành, hội trưởng Hội Thủy Quân Lục Chiến Houston
Lê Hoài Đức, hội trưởng Hội Đền Hùng San Diego
Trần Văn Hoạch, hội trưởng Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt San Diego
Nguyễn Văn Lực, hội trưởng Hội Đồng Hương Thái Bình
Hoàng Soan, hội trưởng Đài Phát Thanh TNT Boston
Lê Hoàng Hà, giám đốc Đài Phát Thanh Trực Tiếp TNT
Võ Bình, giám đốc Đài Phát Thanh TNT Sacramento/Stockton
Tiến Sĩ Trần Diệu Chân, giám đốc Đài Phát Thanh TNT San Jose
Ngô Trọng Đức, giám đốc Đài Phát Thanh TNT San Diego
Trần Trọng Nghĩa, giám đốc Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hawaii
Nguyễn Hoàng, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Massachusetts
Thân Vĩnh Bảo Toàn Vinnie, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Ohio
Lê Thế, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Vùng Washington DC, Maryland & Virginia
Hoàng Đức Long, chủ tịch Vietnamese American Heritage Foundation
Nancy Bùi, giám đốc Hội Y Tá Việt Mỹ
Hương Đình, hội trưởng Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston & Vùng Phụ Cận
Nha Sĩ Chu Văn Cương, chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam San Diego
Đặng Kim-Trang, chủ tịch Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam Seattle
Lee Ducly Bùi, giám đốc Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Hạt Los Angeles County, CA
Nguyễn Long, chủ tịch Hội Người Việt Cao Niên San Joaquin County, CA
Nguyễn Em, hội trưởng Đảng Việt Tân
Hoàng Tứ Duy, tổng bí thư

 

 

Bản Anh ngữ

 

Letter to President Trump – April 2025

 

April 29, 2025

 

The President

The White House
1600 Pennsylvania Ave NW
Washington, DC 20500

 

Dear President Donald Trump,

 

American workers and taxpayers should not have to pay for Hanoi’s so-called bamboo diplomacy. As Vietnamese American organizations, we write to express our perspective on the 50th anniversary of the Fall of Saigon, the end of the Vietnam War and the future of US-Vietnam relations.

 

We believe the communist regime in Vietnam continues to exploit its strategic partnership with the United States for economic and diplomatic gain—while at the same time promoting anti-American narratives in state-controlled media, especially regarding the war’s legacy. This approach not only deeply wounds the Vietnamese American community but also dishonors the 58,000 American servicemen and women who gave their lives for the cause of freedom in Vietnam.

 

Despite growing trade ties with the United States, Vietnam remains economically and politically entangled with China. Because of the choices of the Hanoi regime, Vietnam runs a significant trade deficit with China while enjoying a surplus with the U.S.—a reflection of where its true economic and strategic orientation lies. We believe Vietnam must demonstrate greater independence from China if it genuinely seeks to be a reliable trading partner of the United States.

 

We support the reported decision by U.S. officials not to attend the Socialist Republic of Vietnam’s April 30th commemorative events. The inclusion of the Chinese People’s Liberation Army in the military parade is not only deeply offensive to Vietnamese Americans and Vietnamese communities around the world, but also an unmistakable signal that Hanoi continues to prioritize its alliance with China.

 

Hanoi and Beijing further cemented their ties during Xi Jinping’s visit to Vietnam earlier this month. They signed dozens of agreements, including the planned construction of railways tightly connecting China to Vietnam. Being tethered to China’s One Belt One Road would be an economic and strategic calamity for the Vietnamese people. This infrastructure would also make Vietnam a further back door for China to export its goods and undermine U.S. trade policy.

 

As Vietnamese Americans—many of whom fled communism and now contribute proudly to American society—we hold democracy and human rights as sacred values. We believe that a strong relationship between the U.S. and Vietnam must be built not only on shared economic goals, but on mutual respect for freedom, human dignity, and open societies.

 

We know, Mr. President, that you have always stood for strong, fair, and America-first diplomacy. Our community stands ready to support policies that ensure the United States remains strong, respected, and principled in its relationships, particularly with nations that continue to struggle with the very freedoms we cherish.

 

Sincerely,