Larry Ong, Epoch
Times
Dịch giả: Trà Văn
Kính
26 Tháng Mười Một , 2015
Cô Giang Lý tại Flushing, Queens, ngày 1
tháng 11 năm 2015, trên tay là bức ảnh cha cô, người đã bị ĐCSTQ sát hại chỉ vì
tập luyện Pháp Luân Công (Benjamin Chasteen/Epoch Times)
Khoảng
thời gian giữa buổi chiều ngày 28 tháng 1 năm 2009, gia đình ông
Giang Tích Thanh nhận được một cú điện thoại từ trại cải tạo lao động Tây Sơn
Bình ở Trùng Khánh thuộc phía tây nam Trung Quốc, thông báo rằng ông Giang đã
chết một cách đột ngột.
“Bị đau
tim cấp tính” là lời giải thích chính thức cho cái chết của người cha 66 tuổi.
Tuy nhiên, trước đó một ngày, con ông đã đến thăm ông, và lúc đó sức khỏe
của ông vẫn còn tốt.
Bốn người
con và ba thành viên khác trong gia đình vội vàng lên xe tức tốc đến trại Tây
Sơn Bình.Vừa mới đến nơi, họ đã bị những tên cai ngục sặc mùi rượu lùa vào
khách sạn Vũ Tấn gần đó.
Họ phải
chờ đợi trong nhiều giờ. Cuối cùng, khi được đưa tới nhà xác và nhìn thấy thi
thể của cha mình được kéo ra từ một hộc tủ đông lạnh, họ đã cuống cuồng chạy ào
đến.
“Cha
tôi chưa chết, ông ấy vẫn còn sống!” Giang Hồng – con gái lớn nhất của ông đã
hét lớn. Họ nhanh chóng cảm thấy mặt và ngực của ông vẫn ấm hơn so với bàn tay
của họ.
Vì hoảng
sợ nên những viên cai ngục bắt đầu la hét và đấm đá những thành viên trong gia
đình này. “Bị tấn công bất ngờ bởi một đám cai ngục rất đông, chúng tôi đã rất
đau buồn, phẫn nộ và tuyệt vọng”. Giang Lý – con gái út của ông đã viết trong một
bản kiến nghị sau đó. Bản kiến nghị này là một phần trong những nỗ lực dai dẳng
nhằm tìm kiếm công lý.
Những
gì xảy ra trong 6 năm tiếp theo là một cuộc hành trình gian nan để tìm hiểu xem
vì sao ông lão đã chết, và nhằm truy cứu trách nhiệm của các quan chức Trung Quốc
có liên quan. Đã có lúc, gia đình đã được thông báo rằng cơ quan nội tạng của ông
đã được lấy đi và trở thành “mẫu vật y tế”.
Khi biết
rõ là Giang Lý và gia đình sẽ không nhượng bộ, câu chuyện đã bắt đầu được dẫn dắt
giống như trong tiểu thuyết kinh điển về nhà nước lạm quyền: Những luật sư có
liên quan đến vụ án này đều bị theo dõi, tra tấn, đánh đập, và liên tục được đề
nghị những khoản tiền lớn để bưng bít thông tin.
Ông
Giang Tích Thanh qua đời khi đang ở nửa chừng án phạt 1 năm bị cưỡng bức cải tạo
lao động; chỉ với cái tội duy nhất là tập luyện Pháp Luân Công – một môn tu luyện
tâm linh truyền thống, đã bị đàn áp ở Trung Quốc trong suốt 16 năm qua.
Nỗ lực
của gia đình nhằm làm sáng tỏ sự thật về cái chết của ông Giang Tích Thanh, và
để rồi phải nhận lấy sự trả thù từ nhà cầm quyền, là một trường hợp điển hình
trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Ông
Giang Tích Thanh (trái) và vợ, bà La Trạch Hội (Ảnh minghui.org)
Trường
hợp của ông Giang Tích Thanh đã thu hút rất nhiều sự chú ý có chủ định vào thời
điểm đó, một phần bởi vì các luật sư đã tường thuật về sự ngược đãi của cảnh
sát Trung Quốc cho các phương tiện truyền thông hải ngoại và các tổ chức nhân
quyền.
Thời
báo Đại Kỷ Nguyên đã rà soát lại một loạt các tài liệu để lấy thông tin cho bài
viết này, bao gồm: báo cáo pháp y chính thức của Viện Pháp y Trùng Khánh; một
văn bản dài 43 trang viết bằng phương ngữ Trùng Khánh ghi lại nội dung một cuộc
họp được tiến hành giữa những người con của ông Giang Tích Thanh và các quan chức
Trùng Khánh; lời khai bằng văn bản của gia đình về hoàn cảnh dẫn đến cái chết của
ông Giang Tích Thanh; cũng như những đơn kiến nghị đã nộp cho các cơ quan của
chính phủ.
Cô
Giang Lý hiện đang sống tại thành phố New York. Và cô cảm thấy rất đau buồn và
phẫn nộ, nhưng chủ yếu nhất là cô cảm thấy bất lực trước cái chết đầy bí ẩn của
cha cô. Và đây là toàn bộ câu chuyện của cô.
Chân,
Thiện, Nhẫn
Vào những
năm 1980 và 1990, hàng triệu người dân Trung Quốc đã đi đến nhiều công viên và
quảng trường để thực hành khí công, một hình thức tập thể dục của người
Trung Quốc kiểu như Thái Cực Quyền. Đảng cầm quyền Cộng sản Trung Quốc đã
tán dương khí công là một phương thức không tốn nhiều tiền mà lại có hiệu quả
cao trong việc giữ gìn sức khỏe, và giúp làm giảm bớt gánh nặng tài chính liên
quan đến những dịch vụ y tế nhà nước.
Các học viên Pháp Luân Công đang tập bài công
pháp số 2, Pháp Luân Trang Pháp, tại quảng trường Tam Hiệp tại Trùng Khánh năm
1998 (Ảnh minghui.org)
http://img.theepochtimes.com/n3/eet-content/uploads/2015/11/04/2004-2-16-chongqing1998-1-674x433.jpg
Pháp
Luân Công, một môn thực hành khí công bao gồm 5 bài tập thiền định, đã nhanh
chóng trở thành một trong những hình thức phổ biến nhất của khí công sau khi được
giảng dạy vào năm 1992. Cốt lõi của Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại
Pháp, chính là việc tu dưỡng đạo đức: các học viên tuân thủ các nguyên tắc về
tính chân thật, lòng từ bi và sự khoan dung trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Bà La
Trạch Hội, vợ của ông Giang Tích Thanh, cũng như rất nhiều người Trung Quốc
khác, vào năm 1996, ban đầu bà thử tập Pháp Luân Công với mong muốn được
giảm bớt vô số những vấn đề về sức khỏe. Và sau đó, sức khỏe và tinh thần của
bà đã thật sự được cải thiện. Trong thời gian giúp đỡ người vợ mù chữ của mình
đọc “Chuyển Pháp Luân” – cuốn sách chủ đạo của Pháp Luân Công, ông Giang Tích
Thanh đã hoàn toàn bị cuốn hút bởi những giáo lý trong cuốn sách. Ông
cũng bắt đầu tập luyện. Sau đó, cặp vợ chồng già này đã giới thiệu Pháp Luân
Công cho con cái của họ.
Đến năm
1999, Pháp Luân Công dường như đã hiện diện ở khắp mọi nơi tại Trung Quốc – một
cuộc điều tra chính thức đã công bố có khoảng 70 triệu người dân Trung Quốc thường
xuyên tập luyện những bài tập này ở những nơi công cộng. Còn nguồn tin của
Pháp Luân Công thì cho biết rằng có hơn 100 triệu người đã tham gia tập luyện.
“Quá
sức độc ác!”
Nhưng
trong con mắt của lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân (không có họ hàng với cô Giang
Lý), thì những con người theo tập môn thiền định ôn hòa này lại là một mối đe dọa
đến “sự ổn định của xã hội”, và của Đảng. Ngày 20 tháng 7 năm 1999, Giang Trạch
Dân đã ra lệnh cho các lực lượng an ninh rộng lớn trên khắp đất nước phải “tiêu
diệt” Pháp Luân Công. Rất nhiều học viên đã bị sa thải và mất việc, bị đưa đến
các trại lao động để cải tạo tư tưởng, và bị tra tấn cho đến khi nào họ chấp nhận
từ bỏ đức tin và tuyên bố chỉ trung thành với ĐCSTQ mà thôi.
Theo thống
kê chưa đầy đủ của trang Minh Huệ – một địa chỉ chuyên cung cấp thông tin về cuộc
đàn áp Pháp Luân Công, đã có hơn 3.900 học viên bị giết chết do tra tấn và ngược
đãi, cùng với hàng trăm ngàn người khác đang sống mòn mỏi, khổ sở trong tù. Các
nhà nghiên cứu đã ước tính rằng trong những năm 2000 – 2008, đã có 65.000 học
viên Pháp Luân Công bị giết để lấy đi nội tạng. Và nếu hành động mổ cướp nội
tạng vẫn tiếp diễn sau năm 2008, thì tổng số học viên thiệt mạng đã hơn
100.000 người.
Ngay
sau khi chiến dịch tiêu diệt Pháp Luân Công được khởi xướng, vợ chồng ông
Giang và bà La đã đi đến Bắc Kinh để phản đối. Riêng tại Trùng Khánh, họ đã
phân phát những tài liệu giải thích những nguyên lý của Pháp Luân Công và phản
bác hành động tuyên truyền của ĐCSTQ – có nghĩa là kích động hận thù nhằm chống
lại việc tập luyện Pháp Luân Công, một kiểu cách có từ thời Cách mạng Văn hóa.
Cặp vợ
chồng già đã bị bắt giữ vì bảo hộ Pháp Luân Công, và bị đưa vào những lớp học cải
tạo tư tưởng – thời gian đầu, đây chỉ là phương thức trừng phạt tương đối nhẹ
nhàng. Do tuổi tác, ban đầu họ đã thoát khỏi sự đánh đập tàn bạo, cũng không bị
ép buộc lao động khổ sai, trong khi rất nhiều học viên Pháp Luân Công bị giam cầm
đã phải gánh chịu những hình phạt đó.
Nhưng mọi
thứ đã thay đổi kể từ năm 2008, khi Bắc Kinh đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa
hè, và khi cộng đồng quốc tế không ngớt lời ca ngợi sự nổi lên của Trung Quốc
trên diễn đàn thời sự thế giới.
Trong
lúc đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công trên đường phố, bà La Trạch Huệ đã bị
cảnh sát Trùng Khánh bắt vào ngày 13 tháng 5 năm 2008. Liền ngay sau đó, cảnh
sát đã đột nhập vào nhà của họ, lôi ông Giang Tích Thanh đi khi ông đang
xem tin thời sự cập nhật về trận động đất lớn ở Tứ Xuyên vừa mới xảy ra trước
đó một ngày.
Ông
Giang đã bị kết án lao động khổ sai 1 năm tại trại Lao động Cưỡng bức Tây Sơn
Bình. Còn bà La thì bị xét xử bí mật và bị tuyên án 8 năm giam giữ tại
Trung tâm Phục hồi Nhân phẩm Phụ nữ Vĩnh Xuyên. Nơi đây, ít nhất 3 lần bà đã bị
đánh đến bất tỉnh.
Khi
nghe tin vợ mình phải chịu án phạt như thế, ông Giang đã bật khóc mà than
lên rằng “Tám năm! Đúng là một lũ ác nhân”.
Đó là
ngày mùng 2 Tết Âm Lịch. Đối với hầu hết các gia đình ở Trung Quốc thì đây là
ngày lễ quan trọng nhất.
“Cha
tôi vẫn còn sống”
Ngày 27
tháng 1 năm 2009, trước cái ngày mà ông Giang Tích Thanh đã bị chết ở trong tù,
vào một trong những dịp hiếm hoi được phép đến thăm nuôi, con cháu của ông vẫn
thấy ông rất hồng hào và khỏe mạnh. Cháu Giang Quý Tự – cháu gái 2 tuổi rưỡi –
đã cố đưa cho ông một bắp ngô, nhưng cai ngục không cho phép ông cầm lấy. Thế
là cô bé móc lấy một nắm đậu phộng từ trong túi ra, và len lén đưa cho ông.
Khi họ
chuẩn bị bịn rịn chia tay, chuyến thăm nuôi đã bị gián đoạn vì tiếng quát tháo
inh ỏi của những viên cai tù – ông Giang đã cố rướn mình hôn tạm biệt cháu gái
của mình qua chấn song sắt. “Chúng tôi hoàn toàn không biết rằng đây là lần cuối
cùng chúng tôi được nhìn thấy cha mình”, gia đình này đã viết trong đơn tố cáo
của họ.
Ngày
hôm sau, buổi chiều vào lúc 3 giờ 40 phút, họ nhận được một cuộc điện thoại
thông báo rằng ông Giang đã chết trước đó một giờ. Cuối cùng, vào khoảng 10 giờ
tối, cả gia đình đã được đưa tới nhà xác gần trại cải tạo lao động.
Điều đầu
tiên họ nhận thấy và cũng là một phần quan trọng của bí ẩn chưa có lời giải đáp
– chính là hơi ấm trên cơ thể của người cha. Cơ thể của ông vẫn rất mềm mại khi
họ chạm vào, ngay cả khi được cho là đã trải qua 7 giờ nằm trong tủ đông lạnh của
nhà xác.
Dựa
theo bản tin đã được đăng trên trang Minh Huệ, một thành viên trong gia đình đã
hét lên “Đến đây cứu cha chúng tôi với! Ông ấy vẫn còn sống!”. Họ đã cố gắng
kéo ông ra và bắt đầu nỗ lực sơ cứu. Nhưng cai ngục quá đông và họ đã bị đẩy ra
khỏi phòng một cách thô bạo mà vẫn không biết chắc rằng liệu ông Giang còn sống
hay đã chết.
Cô
Giang Lý đã chạy ra khỏi nhà xác và gọi cảnh sát. Khi cô gác máy, một trong những
tên cai ngục đang đứng gần cô quay lại rồi lạnh lùng nói “Vô ích. Tụi tao chính
là cảnh sát đây chứ đâu”.
Vài
ngày sau đó, không thèm đếm xỉa đến những nguyện vọng của gia đình, cảnh sát vẫn
đem xác ông đi hỏa táng.
Che
đậy
Những
tháng tiếp theo, chính quyền Trùng Khánh đã bắt đầu tiến hành những hình thức
che đậy một cách có hệ thống.
Đầu
tiên, họ đã công bố những thông tin rất mâu thuẫn về cái chết của ông Giang. Lời
giải thích ban đầu cho rằng ông đã đột ngột lên cơn đau tim do cạo gió theo kiểu
“gua sha”, là phương thức y học cổ truyền Trung Quốc nhằm phát tán chướng
khí và thông khí huyết, bằng cách dùng một vật có bề mặt trơn nhẵn cạo nhè nhẹ
lên da, và thông thường, việc chà xát này sẽ tạo ra các vết bầm tím.
Tại đây
có một chi tiết gây nhức nhối: khi các thành viên của gia đình đến gặp một số
quan chức Trùng Khánh để yêu cầu nhận được báo cáo khám nghiệm tử thi chính thức
vào ngày 27 tháng 3 năm 2009, thì ông Chu Bá Linh – Kiểm sát viên làm việc tại
Viện kiểm sát Trùng Khánh nói rằng, cơ quan nội tạng của ông Giang đã được lấy
đi và trở thành “những mẫu vật y tế”.
Đây là
một điều có bằng chứng xác thực, bởi vì gia đình ông Giang đã một mực yêu cầu
ghi âm lại cuộc họp. Gia đình đã ghi chép bằng một biên bản dài 43 trang trình
bày chi tiết nội dung của cuộc họp, cũng như những lời ghi âm, toàn bộ đã được
Epoch Times xem xét và đối chiếu với những báo cáo pháp y chính thức.
Tuy
nhiên trong một cuộc họp với 2 thành viên của gia đình vào tháng 6, khoảng 20
quan chức ĐCSTQ từ Phòng 610 tại Trùng Khánh, Sở Công an, cho đến các phòng ban
khác lại khẳng định rằng không có vết bầm tím nào xuất hiện trên cơ thể của ông
Giang và xin rút lại câu chuyện cạo gió theo kiểu “gua sha”.
Sau đó,
các quan chức đã đề nghị được giải quyết vấn đề bằng tiền, với điều kiện gia
đình sẽ không kiện cáo nữa. Cô Giang Lý cho biết, tại một cuộc gặp riêng xảy ra
trong năm đó, ông Trần Cửu Vinh – Phó Giám đốc Sở Công an Trùng Khánh đã đưa
cho gia đình 300.000 nhân dân tệ (tương đương 47.000 USD) cộng với lời hứa rằng
mẹ của họ sẽ được trả tự do nếu như gia đình không theo đuổi vụ án này nữa.
Vào năm
2012, cô Giang Lý đã được 2 cảnh sát Trùng Khánh trực tiếp nói rằng, cô có quyền
“đưa ra bất kỳ giá tiền nào” để chấm dứt vụ kiện này.
Cô
Giang Lý và gia đình đã bỏ ngoài tai tất cả những lời năn nỉ theo kiểu giống
như vậy. Và thay vào đó, họ đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan trung ương ở Bắc
Kinh để điều tra về cái chết của cha mình hiện vẫn còn chưa rõ nguyên nhân.
Bà Sarah
Cook, là chuyên gia phân tích cao cấp của Freedom House – một trong các tổ chức
phi chính phủ (NGO) có trụ sở tại New York phát biểu: “Có một điều
rất phổ biến là các quan chức Trung Quốc thường hay vung tiền nhằm đổi lấy sự
im lặng từ các nạn nhân của sự bất công. Bởi vì họ sợ rằng, một khi đơn tố cáo
của nhân dân được gửi đến các cấp cao hơn trong bộ máy quan liêu Trung Quốc,
thì điều đó sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến việc thăng quan tiến chức của họ”.
Bà Cook
cho biết vấn đề ở Trung Quốc là “các nhà hành pháp không sử dụng luật pháp, hoặc
nguyên tắc, đối với tính mạng những con người là các học viên Pháp Luân Công
như ông Giang Tích Thanh”.
Gây
áp lực
Khi họ
thấy rằng không thể dùng tiền để đổi lấy sự im lặng của cô Giang Lý, lực lượng
an ninh Trung Quốc đã quay sang tấn công, đe dọa và sách nhiễu gia đình cũng
như người chủ trong chỗ làm của cô.
Vào
tháng 12 năm 2009, Giám đốc hãng hàng không Thượng Hải đã sa thải cô. Chẳng bao
lâu sau, chồng cô – nhân viên bảo vệ của một nhà máy, đã đệ đơn xin ly hôn vì
những áp lực không ngừng của chính quyền địa phương.
Những
người khác nếu cố gắng giúp đỡ gia đình này cũng bị săn lùng. Hai luật sư
Trương Khải và Lý Xuân Phú làm việc tại Bắc Kinh, cũng đã bị 20 người đàn ông
phục kích tại nhà ông Giang ở Trùng Khánh vào ngày 13 tháng 5 năm 2009. Vụ án
này đã thu hút sự chú ý trong hầu khắp cộng đồng nhân quyền Trung Quốc.
Tại đồn
cảnh sát, những luật sư này đã bị thẩm vấn và bị đánh đập trong nhiều giờ. Cảnh
sát cũng đe dọa sẽ truy tố họ vì đã tham gia vào vụ việc này.
Luật sư
Trương Khải cho biết: “Đây là một hành động lưu manh rất điển hình. Họ chỉ muốn
doạ dẫm và bắt ép chúng tôi không được tham gia vào vụ án này. Họ rất sợ hãi;
chắc chắn họ đang muốn che giấu điều gì đó”, dựa theo một báo cáo của tổ chức
Nhân Quyền ở Trung Quốc – một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York.
Gần đây
nhất, cả hai luật sư này đã biệt tích từ tháng 8 năm 2015, điều này là một phần
trongchiến
dịch đàn áp các luật sư nhân quyền với quy mô rất lớn bởi các nhà chức
trách Trung Quốc.
Ông
Lương Tiểu Quân – luật sư nhân quyền ở Trung Quốc và cũng là bạn của 2 luật sư
này, cho biết trong một cuộc điện thoại vào ngày 2 tháng 11: “Họ đã bị bắt. Tôi
không biết họ đang ở đâu. Tôi không thể liên hệ với họ, và bạn cũng không thể
nào liên hệ được với họ”.
Trong
khi việc đàn áp các luật sư nhân quyền ngày càng được cộng đồng quốc tế biết đến
nhiều hơn, thì cái chết không tự nhiên mà những luật sư ấy đang tìm kiếm công
lý đã im lìm rơi vào quên lãng.
Bà Cook
cho biết rằng, sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với trường hợp của ông Giang
và nỗi sợ hãi khi sự thật bị phơi bày là động cơ thúc đẩy cảnh sát phải ngã giá
với những thành viên trong gia đình ông Giang để buộc họ im lặng, qua đó giúp
cho chúng khỏi bị truy cứu trách nhiệm.
Trong một
diễn biến ngoài sức tưởng tượng, Giang Lý và người chị gái của mình đã làm mọi
cách để mẹ của 2 cô – bà La Trạch Huệ – được trả tự do vào tháng 1 năm 2010.
Đây là lần đầu tiên một học viên Pháp Luân Công ở Trùng Khánh được phóng thích
trước thời hạn.
Khi biết
chắc rằng mẹ cô không còn nằm trong nanh vuốt của lực lượng an ninh ĐCSTQ nữa,
thì cô Giang Lý càng tập trung nhiều nỗ lực hơn để tìm lại công lý cho cha
mình.
Sáu
năm ròng rã gửi đơn kiến nghị
Nhưng 5
năm đã trôi qua kế từ đó mà chẳng được kết quả gì đáng kể. Cô Giang Lý vẫn chỉ
tất tả chạy vòng quanh giữa cơ man các cơ quan chính phủ, và đôi khi cô còn bị
bắt nhốt trong những nhà tù ở Thượng Hải và Bắc Kinh từ vài ngày cho đến vài tuần.
Đôi khi
cũng có những người cảm thông cho hoàn cảnh của cô, điển hình như 2 cán bộ làm
việc tại Văn phòng Quốc Vụ Viện nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vào tháng 9
năm 2012, nhưng điều đó hầu như chẳng giúp được gì. Khi được hỏi tại sao cô
không chịu nhận số tiền ấy, thì Giang Lý trả lời: “Bởi vì mạng sống của con người
là vô giá”.
“Trường
hợp ông Giang Tích Thanh là hình ảnh thu nhỏ cho những hành động độc ác nhất mà
các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc phải gánh chịu từ nhà cầm quyền Trung
Quốc, đến mức mà họ (học viên Pháp Luân Công) đã trở thành nhóm người bị đối xử
tồi tệ nhất trong ngục tù”, bà Cook nhận xét.
“Nó phản
ánh những nghịch lý của Trung Quốc ngày nay – vừa là một nền kinh tế hiện đại
nhưng mặt khác, lại là tra tấn thảm khốc và giết người hàng loạt”, bà nói.
Năm
nay, cô Giang Lý đã nhận được visa du lịch đến New York vào ngày 19 tháng 7. Cô
hy vọng sẽ sớm đưa vụ án này ra trước Liên Hiệp Quốc trong một ngày gần nhất.
Cô Giang Lý tham gia một cuộc biểu tình kêu gọi
lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hãy chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công, tại
Dag Hammarskjold Plaza trước Trụ sở Liên Quốc tại New York ngày 26 tháng 9,
2015. (Samira Bouaou/Epoch Times)
Hiện
nay, cô đang sống trong cộng đồng người Hoa ở khu Flushing, Queens. Cô luôn kể
lại câu chuyện của mình cho nhiều khách du lịch Trung Quốc đi dạo qua quảng trường
Thời Đại.
“Tôi
luôn nói với mọi người”, cô Giang nói: “Những gì tôi nói đều là sự thật. Nó
hoàn toàn chính xác”.
Cô
Giang Lý cũng là một trong số gần 190.000 học viên Pháp Luân Công đã nộp đơn khởi
kiện hình sự đối với Giang Trạch Dân, người lãnh đạo ĐCSTQ phát động chiến dịch
bức hại Pháp Luân Công. Nhưng trong thời gian sắp tới, cô không hy vọng là mình
sẽ có một câu trả lời rõ ràng về cái chết của cha cô, chừng nào Trung Quốc vẫn
còn được cai trị bởi ĐCSTQ.
---------------------------
Bài
viết này có sự đóng góp của phóng viên Frank Fang, Juliet Song và Matthew
Robertson.
No comments:
Post a Comment