Trần Quí Cao
Posted
by adminbasam on
28/11/2015
Trần
Trung Đạo
là tác giả đã nêu lên và thảo luận nhiều đề tài sâu sắc. Trong bài viết mới có
tựa là một câu hỏi: “Nhìn
sang Miến Điện, nhìn lại Việt Nam đang thiếu ai ? “(1), ông trả lời trực tiếp:
“Nhưng phân tích cho cùng, những người mà Việt Nam thiếu nhất không
không phải là Aung San Suu Kyi hay Thein Sein mà là Nhân dân”
Câu trả
lời như trên của tác giả gợi trong tôi nhiều suy nghĩ.
TÔI
HIỂU NHÂN DÂN NHƯ THẾ NÀO?
Tôi hiểu
rằng Nhân Dân là một tập hợp bao gồm tất cả những người sống trong một quốc gia
và đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý để chính thức là công dân của quốc gia đó.
Trong Nhân Dân có những người cao thượng và những người ích kỷ, những người gan
dạ và những người nhút nhát. Người thẩm phán với tù nhân có thể có lý lịch tư
pháp khác nhau, nhưng đều cùng là hai thành viên của Nhân Dân.
Hiểu
như vậy thì một quốc gia không bao giờ thiếu Nhân Dân, vốn là
bộ phận cấu thành chủ chốt của quốc gia (nhân dân, lãnh thổ, chính quyền). Nhân
Dân lúc nào cũng là Nhân Dân, và trong một quốc gia dân chủ thì quyền làm chủ
thực sự của quốc gia thuộc về Nhân Dân, theo nguyên tắc tuân theo đa số trong
khi vẫn tôn trọng thiểu số.
Nếu tôi
hiểu không hiểu lầm thì chữ Nhân Dân trong đoạn văn trên của của Trần Trung Đạo
chỉ một thành phần trong Nhân Dân, thành phần đó có tri thức, có tinh thần
trách nhiệm và dám đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho cộng đồng và cho thế
hệ sau. Vậy, theo ý Trần Trung Đạo, thì Nhân Dân Việt Nam thiếu, hay nói cách
khác là chưa có đủ, những người hiểu biết, quả cảm, dám tranh đấu và hy sinh,
cho nên Nhân Dân Việt Nam chưa thể sớm thể giàu mạnh và văn minh.
Tôi là
người có niềm tin rất mạnh mẽ vào Nhân Dân Việt Nam, rằng Nhân Dân này rồi sẽ
vượt qua nhiều sóng gió, khó khăn để quật khởi. Như lịch sử mấy nghìn năm của
nó đã chứng minh.
Hiểu
như vậy thì đoạn văn của Trần Trung Đạo có mâu thuẫn với niềm tin mạnh mẽ nói
trên của tôi không?
KHÓ
KHĂN LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY LÀ CHẾ ĐỘ ĐỘC ĐẢNG VÀ TOÀN TRỊ
Quả thật,
Việt Nam chúng ta đang đối mặt với thách thức rất lớn đang cản trở sự phát triển
và nền tự chủ của dân tộc. Không vượt qua thách thức này, chúng ta sẽ chậm tiến
và lệ thuộc.
Thách
thức đó chính là chế độ độc tài, độc đảng và toàn trị đang áp đặt chủ nghĩa xã
hội (cộng sản) biến tướng lên Việt Nam. Thách
thức này kéo theo hệ quả Việt Nam lệ thuộc nhiều mặt vào Trung Cộng đang lấn
chiếm bờ cõi. Chính vì vậy nhiều người mong muốn Việt Nam “thoát cộng”, “thoát
Trung”.
Tôi tin
rằng thách thức cốt lõi là ách độc tài độc đảng và toàn trị. Khi gỡ bỏ được ách
này, Việt Nam tự khắc sẽ thoát cộng và thoát Trung.
Nhân
dân Việt Nam có làm được điều này không?
Tới hôm
nay, dù có bao nhiêu đề tài thời sự cấp bách, người Việt Nam vẫn còn rất quan
tâm về cuộc bầu cử dân chủ của Myanmar cách nay 3 tuần. Cuộc bầu cử chỉ trong một
ngày, nhưng nhân dân Myanmar đã chuẩn bị cho nó từ ròng rã mấy năm nay, và nếu
thực sự nhìn lại xa hơn thì quá trình chuẩn bị đã tới vài thập niên. Cách thức
tổ chức bầu cử, kết quả cuộc bầu cử và cách tiếp nhận kết quả cuộc bầu cử của
bên đối lập thắng lớn và bên cầm quyền thua to (nếu xét trên số phiếu bầu cho mỗi
bên) cho thấy cuộc bầu cử thực sự tự do dân chủ. Dù có thể còn nhiều khó khăn
phía trước, trình độ dân trí về tự do dân chủ của Myanmar được chứng tỏ đủ cao
để có cách ứng xử được thế giới khâm phục trong hoàn cảnh đất nước đang dưới chế
độ độc tài nhưng có quyết tâm tiến bước về dân chủ từ mấy năm nay. Quyết tâm tiến
về dân chủ của Myanmar, theo nhiều nhà quan sát, có nguồn gốc từ quyết tâm độc
lập với Trung Cộng của nước này.
Việt
Nam có làm được như vậy không?
NHÂN
DÂN VIỆT NAM Ở ĐÂU?
Ngược với
dự đoán của một số nhà quan sát, báo chí trong nước, được kiểm soát rất chặt chẽ
bởi Ban Tuyên Huấn Trung Ương, đã đưa tin tương đối mạnh tay về cuộc bầu cử
này. Theo Trần Trung Đạo,
đảng CSVN không kiểm soát chặt chẽ thông tin (như Trung Cộng hay Bắc Hàn) là vì
đảng coi thường nhân dân, đảng không tin rằng nhân dân Việt Nam sẽ làm được điều
nhân dân Myanmar đã làm được.
Tôi có
cùng quan sát với ông Trần Trung Đạo, tuy nhiên tôi hiểu sự việc từ một góc độ
khác. Tôi hiểu rằng sự việc đó xảy ra là vì cuộc tranh đấu của nhân dân đã có kết
quả nhất định.
Vốn tin
vào câu cách ngôn “nhân dân nào, chính quyền đó”, tôi không chia hai phe dân
chúng và chính quyền như hai thực thể trên hai chiến tuyến hoàn toàn đối lập và
cách ly nhau (dù cách nhìn này có căn bản của nó), trái lại tôi nhìn thấy mối
tương tác mạnh mẽ giữa hai bên bởi vì nhân dân có mặt cả trong dân chúng và
trong chính quyền.
Trong
những năm qua, phong trào dân chủ tại VN phát triển. Ngày càng có nhiều dân
chúng tranh đấu, càng có nhiều viên chức chính quyền và đảng viên công khai dấn
thân và ủng hộ.
Nhìn từ
bên ngoài, lực lượng đấu tranh còn quá yếu. Vài trăm người, vài chục hội đoàn, mỗi
hội đoàn vài chục thành viên! Tuy nhiên nếu xét trong bối cảnh chính quyền độc
tài CS đang nắm các phương tiện bạo lực tuyệt đối, đang không ngần ngại đàn áp
bằng những biện pháp tàn bạo, không lương thiện và đôi khi phi nhân tính, thì
những con số nhỏ nhoi trên có ý nghĩa không nhỏ. Một người tranh đấu nên được đếm
bằng cả ngàn, cả chục ngàn người trong chính thể tự do.
Đây
chính là giai đoạn ủ, trong giai đoạn này số người tham gia tranh đấu phát triển
theo cấp số cộng. Sau giai đoạn “ủ” sẽ tới giai đoạn phát triển bùng nổ theo cấp
số nhân. Đây là bài học của các cuộc “cách mạng” tại những quốc gia độc tài
trong vòng 25 năm trở lại, từ các nước Đông Âu cuối thập niên 1980 cho tới các
nước Bắc Phi.
Xã hội
Việt Nam đang chuyển động, cả dân thường lẫn chính quyền. Nếu xét trên cấp độ cộng
đồng, dù chưa có thống kê nào chúng ta cũng nhận thấy rõ rệt rằng hiện nay, so
với 5 năm trước:
1) Số
người tham gia bày tỏ chính kiến đòi các quyền tự do căn bản cho dân chúng tăng
lên rất nhiều. Nói chung, phong trào đấu tranh cho nhân quyền trong Việt Nam đã
lớn mạnh lên hẳn. Vậy, tính toàn trị của xã hội đã giảm.
2) Số
người tham gia trên các trang mạng, và số trang mạng thảo luận về các đề tài
chính trị xã hội trên mọi khía cạnh, mọi khuynh hướng… cũng tăng rất đáng kể. Vậy, tính
đa nguyên trong xã hội đã tăng.
3) Số
dân chúng bình thường quan tâm tới chính trị gia tăng. Trong các buổi gặp mặt bạn
bè, buổi nhàn đàm nơi công sở, quán cà phê…, họ phê phán các hiện tượng bất
công, độc tài, tham nhũng, bất lực của chính quyền, nhất là tính hèn yếu của
chính quyền không bảo vệ được lãnh thổ quốc gia lẫn tính mạng dân chúng…. Họ
cho rằng chính thể độc tài và toàn trị của đàng CSVN là nguyên nhân. Vậy,trình
độ dân trí của dân chúng đã tăng.
4) Số
người trong bộ máy lãnh đạo đảng, Ban Chấp hành Trung ương, có thiện cảm và/hay
ủng hộ các quan điểm cải cách đã tăng. Tư tưởng đấu tranh giữa các khuynh hướng
chính trị đang dần thay thế quan điểm sắt máu “địch, ta, bạn, thù”. Trong khi
các chính sách kiểm soát, cấm đoán và đàn áp tư tưởng dường như được siết chặt
bởi Ban Tuyên Huấn, trong thực tế tư tưởng các ủy viên trung ương đã rộng rãi
hơn nhiều. Ở cấp độ đảng viên thông thường, mức độ “thoáng, rộng rãi” về tư tưởng
có thể xem đã gần với mức độ của dân chúng! Điều này có nguyên nhân từ, và nó
thúc đẩy mạnh mẽ, ảnh hưởng lẫn nhau giữa chính quyền và dân chúng. Vậy, tương
tác chính trị của dân chúng và chính quyền đã lớn mạnh, và nội bộ đảng
đang có “diễn biến hòa bình”.
Đảng
CSVN hiện nay, dù thiếu tri thức trong việc quản lý đất nước, lại rất ranh ma
trong việc bám giữ quyền lực. Họ không tàn bạo như các thế lực độc tài Iraq,
Lybia, Trung Cộng, Bắc Hàn… nhưng biết quân bình quyền lực giữa các nhóm chóp
bu, khéo mị dân và biết theo dõi, truy bức dân chúng. Cho nên, các chuyển biến
tích cực trong vòng năm năm qua là bước tiến bộ lớn của Việt Nam, có sự góp
công và hy sinh của nhiều người.
Có người
nóng ruột cho rằng các chuyển biến của Việt Nam quá chậm. Tôi cũng nóng ruột,
nhưng đôi khi lại tự hỏi phải chăng tốc độ biến chuyển đó phản ánh mối tương
quan lực lượng thực sự giữa các thành phần trong nhân dân, phản ánh hoàn cảnh
thực tế của nhân dân. Nhanh hơn thì có sẽ gây đổ vỡ chăng? Chậm thì chắc hơn vì
sẽ đạt đồng thuận cao hơn chăng? Tốc độ đó phản ánh sự hèn yếu hay sự khôn
ngoan của nhân dân?
Nhớ rằng trong vòng 70 năm qua nhân dân Việt
Nam đã trải qua những bài học quá đớn đau và tàn khốc:
a) Mấy
thế hệ “nóp với dáo” “lao vào giặc” không tiếc mạng sống giành độc lập, thì nay
đời con cháu đang chứng kiến tổ quốc bị uy hiếp nghiêm trọng và bị mất từng phần
lãnh thổ bởi kẻ xâm lăng truyền thống trong lịch sử. Còn các quốc gia “đồng
trang lứa” không tốn máu xương, nay lại đang thực sự độc lập, tự chủ, giàu mạnh,
ấm no!
b) Mấy
thế hệ hừng hực tin vào và triệt để đi theo chủ nghĩa cộng sản để rồi thấy chủ
nghĩa bị thế giới vứt bỏ; chống lại chế độ đang có, chiến đấu cho một chế độ mới
với các giá trị sống cao đẹp hơn để bây giờ thấy xã hội xuống tới đáy của đạo đức
suy thoái, phong hóa suy đồi, các giá trị sống trở về gần với bản năng sinh vật!
Từng chứng
kiến những cuộc biểu tình rung rinh Sài Gòn trước năm 1975, những bài báo hừng
hực lửa tiến công vì lý tưởng, tôi không nghĩ đa số trong nhân dân Việt Nam “không
biết đòi quyền lợi, không ý thức về quyền hạn và không quan tâm đến trách nhiệm
phải hoàn thành đối với đất nước họ, đối với tương lai con cháu họ”.
Biết rằng
một phần không nhỏ trong số người tạo nên các sự kiện đó, hiện nay, đang tự vấn,
đang hối hận xót xa…tôi nghĩ trong nhân dân có nhiều người như chim bị ná sợ
cây cong, e rằng vội quá, lý tưởng quá, sẵn sàng hy sinh quá… thì dễ bị lôi kéo
vào con đường bồng bột sai lầm. Tôi tin rằng hiện nhân dân Việt Nam có sự lựa
chọn, sự chín chắn của mình. Như con hổ nép mình lâu chờ thời cơ chắc chắn.
Thời cuộc
quốc tế đua nhau phát tín hiệu tốt lành: Hoa Kỳ, Nhật, Úc công khai tỏ thái độ
chống hoạt động bá quyền của Trung Quốc; TPP đã được ký kết; các nước ASEAN có
liên quan trực tiếp tới Biển Đông hòa cùng tiếng nói chống bá quyền Trung Quốc;
Myanmar từ độc tài khét tiếng chuyển hóa về dân chủ vững vàng và bình yên…
Các sự
kiện trong lòng Việt Nam cho thấy có thể nhân dân nước này đang tận dụng thời
cơ để chuyển mình bước ra khỏi giai đoạn ủ. Tăng tốc liên kết chiến lược về
kinh tế và quân sự với các cường quốc thế giới và khu vực, tham gia các hiệp định
thương mại tự do; không chính thức đàn áp các hội đoàn độc lập… không dựng tường
lửa ngăn cản các trang mạng tự do đang đăng tải tin tức về chuyển biến thời cuộc
thế giới và phê bình chính quyền, trên báo chính thống xuất hiện các bài bình luận
chống Trung Cộng cùng lúc với thông tin về cuộc bầu cử tưng bừng ở Myanmar…
Chính
nhân dân hiện diện đằng sau tất cả các sự kiện và chuyển biến tích cực nói
trên. Những chuyển biến làm nền cho sự phát triển trong tương lai. Những chuyển
biến chuẩn bị cho đất nước bước vào giai đoạn bùng nổ cải cách theo cấp số
nhân.
Lúc đó
dân chủ, công bình, tri thức, văn minh cùng nhau ùa về hỗ trợ cho tổ quốc phát
triển. Lúc đó Nhân Dân Việt Nam sẽ cùng nhau cần cù, khiêm tốn và tự tin xây dựng
tương lai.
Không
biết Trần Trung Đạo có cùng quan điểm với tôi không, nhưng chắc rằng chúng ta,
cũng như đa số trong nhân dân Việt Nam, có cùng ước mong và mục đích về một nước
Việt Nam thực sự dân chủ.
______
(1) Trần
Trung Đạo. Nhìn sang Miến Điện, nhìn lại Việt Nam đang thiếu ai?
*
BÌNH LUẬN
: Lại một lý luận tự ru ngủ và mơ mộng viễn vông
No comments:
Post a Comment