Saturday, November 28, 2015

Còn Việt cộng, 50 năm nữa, kinh tế vẫn tụt hậu (Trần Nguyên Thao - Danlambao)






Thống kê mới nhất được Hà Nội chính thức nhìn nhận, cho biết GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 là 2.052 đôla (1). Mức GDP này được Hà Nội cho là “khá cao”, nhưng chỉ bằng Malaysia 26 năm về trước (1988). Do vậy, Việt Nam vẫn đối mặt với nguy cơ tụt hậu so với nhiều quốc gia trong khu vực. GDP bình quân đầu người mới nhất của Việt Nam thấp hơn hẳn các nước Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam trên giấy tờ là 1400 Mỹ kim. Việt Nam là quốc gia hố phân cách giầu, nghèo quá lớn, hàng trăm ngàn quan đỏ đảng viên có hàng chục triệu đến tiền tỷ Mỹ kim, trong khi phần lớn người lao động tại nhiều vùng nông thôn nằm mơ “định hướng” suốt đời này kiếm lấy bát cơm còn khá chật vật (2). Cứ đà này thì 50 năm tới, mức thu trung bình của một người Việt Nam, nếu còn “hai đảng cướp anh em”, cũng vẫn ở hạng thấp nhất so với 6 nước vừa nói.

Nước có mức GDP bình quân đầu người gần Việt Nam nhất là Phillippines, nhưng cũng đến 2.843 Mỹ kim. Thu nhập bình quân đầu người cũng được Cục thống kê Việt- cộng đánh giá là "có nguy cơ bị nới rộng" thua xa các nước trong khu vực.


Tin tức xấu về ngân sách nhà nước chỉ còn 45 ngàn tỷ cho hai tháng cuối năm, được tung ra đúng vào lúc Hà Nội ráo riết chuẩn bị đại hội thứ 12 toàn đảng, vào đầu năm 2016; cũng là lúc Hà Nội đón tiếp long trọng người cầm đầu Tầu cộng, Tập cận Bình – người bị dân chúng tại Hà Nội và Sài Gòn, lần đầu tiên công khai biểu tình phản đối, chỉ đích danh là “quân xâm lược”, mang ý nghĩa Tầu cộng xâm lăng Việt Nam cả về kinh tế lẫn lãnh thổ. 

PEW Reseach Center mới đây mở cuộc thăm dò tại Việt Nam, theo đó 79% dân chúng được hỏi ý kiến tỏ ý công khai “chống Trung cộng”.

Hôm 10 tháng 11, tuyệt đai đa số đại biểu Quốc hội Việt cộng (90,5%) thông qua chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,7%, mức cao nhất từ năm 2008 tới nay. Cơ chế này thường đưa ra những điều viển vông, lạ kỳ. Thí dụ: năm 2016, vốn đầu tư toàn xã hội phải bằng 31% GDP. Hà Nội cạn kiệt ngân khoản, phải vay nợ khắp nơi như số báo tháng 11 Diễn Đàn Giáo Dân đã trình bầy. Nếu năm tới vay nợ không đủ tiêu thì lấy đâu ra tiền để đầu tư (?)


Điều lạ kỳ là trong lúc ngân sách cạn kiệt thì chính bộ Tài Chánh lại đề nghị Quốc Hôi xóa các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc danh sách cổ phần hóa, giao, bán, sáp nhập và sắp xếp lại.

Đề nghị trên sẽ dẫn đến trường hợp các DNNN hiện nay chưa đến thời điểm thực hiện cổ phần hóa, cố tình chây ì, không nộp thuế để tăng số nợ thuế lớn hơn số lỗ tích lũy của DNNN hoặc cố tình không khai số thuế nợ trong giá trị của DNNN để được hưởng chính sách xóa nợ. Nếu trường họp này xẩy ra, thì bao nhiêu tiền cho nợ trước đó sẽ vào túi riêng các đảng viên VC một cách hợp pháp! 

Tại Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC, gốm 21 quốc gia thành viên, kỳ này họp thượng đỉnh ở Manila, Phi Luật Tân trong hai ngày 18 và 19 tháng 11 đã “lên án khủng bố dưới mọi hình thức” và kêu gọi tăng cường hợp tác phát triển kinh tế được mô tả là “vũ khí hữu hiệu nhất để diệt trừ gốc rễ của khủng bố và cực đoan”. Bản thông cáo chung không nói gì đến tranh chấp Biển Đông. Tuy vậy, bên lề APEC, sáng thứ Tư 18/11 Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino, trong đó có đề cập chủ đề Biển Đông. Sau đó, Ông Aquino nói với báo chí rằng, Hoa kỳ và Phi đồng lòng áp dụng các biện pháp cần thiết để "tự do hàng hải được duy trì”, bảo đảm cho hải lộ chuyên chở đến 5000 tỷ Mỹ Kim hàng hóa mỗi năm ngang qua vùng biển này. 

Trước khi hội nghị APEC khai mạc, Tổng thống Mỹ thông báo viện trợ tàu chiến cho Philippines và cung cấp 250 triệu đô la tăng cường hiệu năng hải quân cho nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, ông Obama kêu gọi Trung cộng phải ngừng hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của mình và tái khẳng định cam kết của Washington đối với quốc phòng và an ninh của Philippines - một trong các bên liên quan tới tranh chấp nói trên. 

Lần đầu tiên, kể từ sau khi hiệp định được thông qua, đại diện 12 quốc gia thành viên TPP cũng gặp lại nhau tại hội nghị APEC lần này. Nhưng an ninh toàn cầu đang rất “nóng”, nên chủ đề chính là kinh tế bị lu mờ trong APEC.

Tổng Thống Mỹ, ông Obama đã kêu gọi Hành Pháp sớm phê chuẩn Hiệp Đinh TPP. Quốc Hội có 90 ngày, để cứu xét TPP. Nhằm gia tăng sức mạnh cho việc vận động Quốc Hội sớm xem xét TPP, hôm 13 tháng 11, tổng thống Mỹ có cuộc hội kiến với nhiều nhân vật tên tuổi thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Nhà Trắng, trong đó có các cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, Madelaine Albright, Colin Powell, hay cựu bộ trưởng Quốc phòng Bill Cohen. Theo tin của SBS, Tổng Thống Mỹ Barack Obama hy vọng Quốc Hội sẽ ra quyết định trong phiên họp tới, khai mạc đầu năm 2016. Phía Lập pháp Mỹ, chưa công bố thời điểm xem xét Hiệp Định TPP.

Trong tư thế đối lập, tân Chủ Tịch Hạ Viện Mỹ vừa được đa số Dân Biểu tín nhiệm, ông Paul Ryan, đòi hỏi chính quyền Obama “phải giải thích cặn kẽ hơn”, TPP sẽ đem lại cho công dân Hoa kỳ những lợi ích gì. Ngay lập tức 12 quốc gia thành viên TPP đã đồng loạt công bố bản tuyên bố chung, trong đó cam kết, bảo đảm đối với các Dân Biểu Mỹ “sẽ tránh phá giá để cạnh tranh hay thao túng hối suất với mục đích tranh thương”. 

Theo báo New York Times, chi tiết quan trọng của TPP được công bố hôm 05 tháng 11 nói là, TPP đòi Việt Nam thay đổi luật hoặc ra luật mới cho phép công nhân thành lập công đoàn độc lập. Công nhân sẽ được phép đình công để đòi hỏi mức lương và giờ làm hợp lý, điều kiện làm việc và các quyền khác. Các nghiệp đoàn công nhân không phải gia nhập công đoàn của Việt cộng đang có, mà có thể hợp tác với nhau, tìm giúp đỡ của bất kỳ tổ chức lao động quốc tế nào, như Liên đoàn lao động và hiệp hội của các tổ chức công nghiệp Hoa Kỳ (AFL-CIO).

Ông Tom Malinowski, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Đặc trách Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động cho rằng: “Đây là cơ hội tốt nhất từ nhiều năm để khuyến khích cải tổ thể chế sâu sắc ở Việt Nam mà sẽ thúc đẩy nhân quyền, và nó sẽ chỉ xảy ra nếu TPP được thông qua.”

Nếu được Quốc Hội các quốc gia hội viên TPP chấp thuận, thì các nước thành viên sẽ gắn bó hơn với Hoa Kỳ và Nhật bản là hai đầu máy khác của kinh tế toàn cầu. Trong vài năm nữa thôi, Nam Hàn, Đài Loan, Colombia, Costa Rica, Indonesia, Thái Lan đang có ý định tham gia vào TPP. Khi ấy, thế giới sẽ rõ ràng hai hình thái phát triển gần như đối nghịch về học thuyết kinh tế, giữa tự do kiểu TPP và kiểm soát kiểu Bắc Kinh. Có thể nói, TPP là thế trận kinh tế mang tham vọng “vây hãm” nhằm giới hạn dã tâm “Hán hóa” cả kinh tế lẫn lãnh thổ từ Bắc Kinh đang vươn ra trong vùng Thái Bình Dương.

Hoa Kỳ sẽ theo dõi việc tuân thủ của Việt Nam theo một thỏa thuận riêng. Năm năm sau khi TPP có hiệu lực, Mỹ có thể ngừng lợi ích giao thương nếu cho rằng Việt Nam không tuân thủ yêu cầu. Ngoài ra, một Ủy Ban gồm ba chuyên gia của Mỹ, Việt Nam và International Labour Organization (ILO), cũng sẽ có báo cáo. Chi tiết về thẩm quyền của Ủy Ban này chưa ai được biết. Nhưng John Sifton, từ tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, cho rằng hiệp định sẽ không thể thực thi “trên thực tế”. Ngờ vực của Human Rights Watch cũng có mấu chốt, bởi vì bản chất gian xảo thâm căn của Hà Nội.

Hà Nội vẫn đang mưu mô đưa ra các quy định nhằm trì hoãn công nhân thành lập nghiệp đoàn độc lập, như số báo tháng trước Diễn Đàn Giáo Dân đã báo động. 

Thời gian (5) năm mang ý nghĩa rất lớn để người dân giành cho được quyền làm chủ vận mạng đất nước từ tay bạo quyền Việt cộng; mà đối với công nhân Việt Nam, khởi đi từ quyền tổ chức nghiệp đoàn độc lập. Khi gia nhập WTO (1998) Việt cộng cũng cam kết sẽ cho công nhân được hưởng các quyền căn bản, nhưng Hà Nội đã “câu giờ” để tiếp tục thông đồng với giới chủ đàn áp, bóc lột công nhân. Đến nay thời hạn hiệu lực WTO đã sắp hết, Hà Nội vẫn không thi hành những gì đã ký với ILO.

Mới đây (22 tháng 11), trong lúc TPP vừa mới ký, chưa có hiệu lực thì xẩy ra vụ công ty Yupoong, thuộc Đồng Nai cho hàng loạt công nhân nghỉ việc không bồi thường đúng hợp đồng lao động. Hai đại diện Tổ Chức Lao Động Việt Nam, cô Đỗ Thị Minh Hạnh và ông Trương Minh Đức, đã đến giúp các công nhân đòi quyền lợi lao động hợp lý thì Hanoi cho Công an vây bắt, đánh đập gây thương tích cho cả hai. Sau cùng, công an đã phải trả tự do cho hai đai diện Lao Động Việt Nam trước sức ép của quần chúng. Biến cố này được nhiều giới chính quyền và dân sự ngoại quốc lên tiếng yểm trợ công nhân. 

Trước đó 10 ngày, một sự kiện nóng bỏng khác xảy ra vào tối ngày 12/11/2015 tại trụ sở công an phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Gần 1000 người dân tự ý dựng lều, nấu cháo, tính chuyện suốt đêm bao vây đồn công an, để đòi tự do cho luật sư Trần Vũ Hải, người nổi tiếng nhận tranh đấu cho các vụ “nhạy cảm” và dân oan, bị Hà Nội "bắt giữ trái pháp luật và xâm phạm đến thân thể, nhân phẩm danh dự của công dân". 

Tình thế ngày nay khắc hẳn với thập niên trước, khi Hanoi mới vào WTO: nay dân chúng ngày càng hiểu rõ bản chất “mafia” của Hà Nội. Các hành động của người dân rất hiên ngang không còn sợ sệt. Các biến cố vừa nói sẽ là mẫu cho các cuộc đấu tranh khác, để người dân từng bước chống lại chế độ áp bức, trấn lột của Việt cộng, đòi lại quyền sống thực sự của con người cần được sống cơm no, áo ấm và bình đẳng.

Nov 22-2015

___________________________________

Chú thích:

(1) Lấy GDP của quốc gia hay lãnh thổ chia cho dân số đang sống tại cùng thời gian và địa lý, số thành sẽ là GDP bình quân đầu người. Số liệu này thuộc thống kê năm 2014; năm nay 2015 chưa có số liệu chính thức.

Tổng sản phẩm quốc nội hay GDP (viết tắt của Gross Domestic Product) là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ nhất định (thường là quốc gia) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm). 

(2) Ngày 23/10/2013, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố trước Quốc Hội VC: “...Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ Nghĩa xã Hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”









No comments: