Monday, November 30, 2015

LIỆU LỊCH SỬ DÂN TỘC CÓ THỰC SỰ ĐƯỢC QUAN TÂM? (Đào Tiến Thi)





Thứ Hai, ngày 30 tháng 11 năm 2015

Về việc dạy Sử trong nhà trường:
Liệu lịch sử dân tộc có thực sự được quan tâm?
(Nhân cuộc phê phán chương trình Lịch sử mới)
Đào Tiến Thi

Than ôi, người nước mình không biết rõ việc nước mình! [...] Cho nên lòng yêu nước của mình đã nông lại mỏng, khiến cho tiền đồ của Tổ quốc ngày càng rơi vào suy yếu đắm chìm, thực đáng hổ thẹn, thực đáng đau buồn vậy! 
(Quốc sử giáo khoa của Đông Kinh nghĩa thục, 1907

I- MỘT CUỘC TRANH LUẬN MÀ PHẦN ĐÔNG “ÔNG NÓI GÀ BÀ NÓI VỊT” 

Chương trình giáo dục phổ thông (chương trình tổng thể, dự thảo), từ đây gọi tắt là Chương trìnhđã được công bố ba tháng trước đây. Tuy nhiên từ khi Hội Sử học xới lên vấn đề thì dư luận mới xôn xao. Bao nhiêu lời lẽ nặng nề được trút lên Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Khai tử môn sử”, “môn sử biến mất”, “phá nát môn lịch sử”. Có một cuộc hội thảo mang tên Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông” nhưng báo chí lại tường thuật thành hội thảo “Tích hợp giáo dục lịch sử, Giáo dục quốc phòng an ninh và Giáo dục công dân hợp thành môn Công dân với Tổ quốc trong chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Tôi thấy cuộc tranh luận này ồn ào mà thực ra chẳng đi vào vấn đề. Từ người tham gia phản bác đến người “hưởng ứng”, có lẽ không mấy ai xem Chương trình thực sự viết gì. Cho nên rốt cuộc lại chỉ là một cuộc trút giận không đâu vào ngành giáo dục, giống như nhiều cuộc trút giận khác cứ thỉnh thoảng lại diễn ra, như là dịp xả “stress” cho xã hội trước những bức xúc nhiều khi thuộc về các vấn đề khác.

Chỉ cần đọc qua Chương trình cũng đủ thấy thực sự không hề có chuyện “môn sử biến mất”, hay bị “phá nát”. Cũng không có chuyện môn Lịch sử được “tích hợp” vào môn Giáo dục công dân hay Công dân với Tổ quốc (chữ “tích hợp” được dùng như cách hiểu của dư luận là “lồng ghép” chứ không phải tích hợp như một phương pháp để dạy ở tất cả các môn).

Trước hết xin tóm tắt Chương trình. Tám lĩnh vực giáo dục được nêu trong Chương trình là: Ngôn ngữ và văn học; Toán học; Đạo đức - Công dân; Thể chất; Nghệ thuật; Khoa học xã hội; Khoa học tự nhiên; Công nghệ - Tin học. Mỗi lĩnh vực giáo dục gồm các môn học, các chuyên đề học tập và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo (gọi chung là môn học). Tên môn học thay đổi theo từng cấp. Trong các môn học của một lĩnh vực giáo dục được chia ra: môn bắt buộc (BB), môn tự chọn (TC). Môn TC bao gồm 3 loại: Tự chọn 1 (TC1) là HS có thể chọn hoặc không chọn; Tự chọn 2 (TC2) là tự chọn trong nhóm môn học, HS buộc phải chọn một hoặc một số môn học trong nhóm môn học; Tự chọn 3 (TC3) là tự chọn trong môn học, HS buộc phải chọn một số nội dung trong một môn học.

Ở cấp tiểu học và THCS, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt (tiểu học), Ngữ văn (THCS),ToánNgoại ngữ 1Thể dục, Giáo dục lối sống (tiểu học), Giáo dục công dân (THCS), Cuộc sống quanh ta (lớp 1, 2, 3), Tìm hiểu tự nhiên (lớp 4,5), Khoa học tự nhiên (THCS), Tìm hiểu xã hội (lớp 4, 5), Khoa học xã hội (THCS).

Các môn TC ở tiểu học và THCS gồm: TC1: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc, Nghiên cứu khoa học kỹ thuật (lớp 8, 9). TC3: Kỹ thuật/Công nghệ, Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Ở THPT có 4 môn BB: Ngữ văn 1, Toán 1, Công dân với Tổ quốc, Ngoại ngữ 1. Các môn TC gồm có: TC1: Nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Ngoại ngữ 2. TC2: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn 2, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Toán 2, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. TC3:Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể thao, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (lớp 10, 11, 12); Chuyên đề học tập (lớp 11, 12).

(HS theo định hướng khoa học xã hội thì chọn các môn Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn 2 và môn Khoa học tự nhiên; HS theo định hướng khoa học tự nhiên thì chọn các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Toán 2 và môn Khoa học xã hội)

Qua Chương trình, ta thấy:

- Càng ở lớp dưới, các môn học càng mang tính tổng hợp, không chuyên môn hóa.

- Càng lên lớp trên, các môn học một mặt được chuyên môn hóa theo định hướng nghề nghiệp, mặt khác tiếp tục mang tính tổng hợp, nếu nó không nằm trong khu vực định hướng nghề nghiệp.

Cấu trúc chương trình này phù hợp xu thế của thế giới hiện đại: một mặt kiến thức phải chuyên sâu, mặt khác vẫn cần thiết các kiến thức chung ở mức nào đó. Nó khác chương trình cũ ở chỗ, chương trình cũ để các môn học cứ dàn hàng ngang cùng tiến, càng ngày càng chuyên sâu, dẫn đến kiến thức mỗi ngày một phát triển theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu và hậu quả là nhiều kiến thức không cần thiết, trong khi cái cần chuyên sâu hơn (cho định hướng nghề nghiệp) lại không thể.

Thực ra thì rải rác trong nền giáo dục Việt Nam từ 1945 đến nay đã từng có nhiều lúc chương trình giáo dục được thiết kế theo xu hướng trên. Hồi kháng chiến chống Pháp có chương trình và SGK trung học chuyên khoa bên cạnh chương trình và SGK trung học phổ thông. Gần đây thôi, những năm cuối thập niên chín mươi, có chương trình phân ban (gắn với trường THPT chuyên ban). SGK các môn soạn cho ban Tự nhiên khác ban Xã hội.

Trở lại nói về môn Sử. Ban đầu tất cả tri thức tự nhiên và xã hội (trong đó có lịch sử) hợp thành môn Cuộc sống quanh ta (lớp 1, 2, 3), sau thành môn Tìm hiểu xã hội (lớp 4, 5), rồi thành Khoa học xã hội (cấp THCS và cấp THPT cho HS định hướng khoa học tự nhiên), và cuối cùng mới tách thành Lịch sử, Địa lý (cấp THPT cho HS định hướng khoa học xã hội).

Như vậy, nếu xét những gì thể hiện trên văn bản và xét xu thế dạy học hiện đại, thì chương trình mới tiến bộ hơn chương trình hiện hành. Và môn Sử, cũng như nhiều môn khác, có thay đổi tên gọi, thay đổi cách học, chứ không có chuyện “biến mất” hay “phá nát”.

Tuy nhiên, môn Sử trong nhà trường cùng khoa học lịch sử cũng như sự quan tâm của người Việt Nam hôm nay đối với lịch sử dân tộc thì rất có vấn đề, như sẽ trình bày dưới đây. 

II- VẤN ĐỀ CỦA MÔN SỬ, SỬ HỌC VÀ Ý THỨC VỀ LỊCH SỬ VIỆT NAM CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY

Vừa rồi, chỉ vì nhân giới sử học phản ứng mà xã hội ồn lên phê phán vị trí môn Lịch sử trong chương trình mới, chứ tôi nghĩ thực ra cũng chẳng mấy ai quan tâm đến lịch sử nước nhà. Một số người quan tâm thì cứ chĩa vào ngành giáo dục mà chửi, không thấy rằng giáo dục chỉ là cái ngọn của một cái cây có đầy đủ gốc, thân, cành. Vấn đề đáng quan tâm là khoa học lịch sử của ta đã thực sự là một khoa học chưa? Sử học làm nhiệm vụ rọi ánh sáng vào quá khứ (từ đó định hướng cho hôm nay) hay chỉ để tuyên truyền cho nền chính trị hiện hành? HS học lịch sử để thấm nhuần lịch sử dân tộc hay chỉ để “trả bài” cho xong khi thi cử? v.v. 

1. Vấn đề của sử học và môn Sử trong nhà trường hiện nay

Nhìn vào các bộ chính sử hiện nay, điều dễ nhận thấy là sự ưu tiên đặc biệt cho lịch sử từ khi có Đảng. Ví dụ, bộ Đại cương lịch sử Việt Nam (NXB Giáo dục, tính đến năm 2010 đã tái bản lần thứ 12), gồm 3 tập, hơn nghìn trang. Tập 1: từ đầu đến 1858; Tập 2: 1858 – 1945; Tập 3: 1945 – nay. Bộ Lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, 2012 gồm 4 tập, 3.296 trang. Tập 1: từ nguồn gốc – cuối thế kỷ XIV; Tập 2: cuối thế kỷ XIV – giữa thế kỷ XIX; Tập 3: 1858 – 1945; tập 4: 1945 – 2005.

Nhìn vào cấu trúc trên đã thấy sự mất cân đối. Đành rằng, càng các giai đoạn sử sau càng cần viết kĩ hơn nhưng không thể quá chênh lệch như vậy. Trong bộ Lịch sử Việt Nam (2012), giai đoạn từ thành lập Đảng (1930) – 2005 chiếm 1134 trang, tức hơn 1/ 3 dung lượng bộ sách, trong khi về thời gian nó chỉ có 75 năm (75 năm/ 2700 năm kể từ khi vua Hùng lập nước).

Chính sử được viết mất cân đối như vậy nên môn Sử trong nhà trường cũng mất cân đối theo và còn mất cân đối hơn: HS chủ yếu học lịch sử hiện đại (từ thành lập Đảng). Và nhất là, thi tốt nghiệp, thi đại học cũng chỉ ra trong phạm vi này, chưa bao giờ ra các giai đoạn trước đó. Thói thường với nền giáo dục “thiết thực” của ta, chỉ cái gì thi thì mới học, thành ra học sinh chỉ biết lịch sử đất nước “từ khi có Đảng”, còn lại mấy nghìn năm của dân tộc thì mơ mơ màng màng. Bây giờ cứ thử hỏi sinh viên kể tên các triều đại phong kiến Việt Nam thôi, tôi tin không mấy sinh viên kể đủ và kể đúng thứ tự.

Mặt khác, lịch sử dân tộc từ bao năm đã bị đồng nhất vào lịch sử Đảng. Học lịch sử dân tộc chẳng khác gì học lịch sử Đảng. Về Đảng lại chỉ toàn nói mặt hay, lờ đi những sai lầm hoặc bào chữa cho những sai lầm hoàn toàn có thật. Trang sách lịch sử vì thế trở nên một thứ tụng ca phiến diện và khô khan.

Có một vấn đề nhức nhối trong các bộ chính sử cũng như SGK Lịch sử kể từ Hội nghị Thành Đô (1990) đến nay là cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (do Khmer Đỏ gây ra trong sự xúi giục và hậu thuẫn trực tiếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc) và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 (do Đặng Tiểu Bình – người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc đó – phát động) vẫn cố tình bị “quên” đi. Ấy là chưa kể các cuộc xâm lược và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa (1974), 7 bãi đá ở Trường Sa (1988) của Trung Cộng.

Việc này không chỉ làm mất đi một mảng lịch sử chống ngoại xâm oai hùng và bi thương mà nguy hiểm hơn: thế hệ trẻ không tin vào những gì chúng học trong lịch sử nữa. Chỉ từ việc này mà lớp trẻ có quyền nghi ngờ, rằng lịch sử mà chúng được người ta dạy thực ra đã bị cắt xén, bị “sáng tác lại”.

Ngoài ra, lịch sử Nam tiến của dân tộc, so với thời chiến tranh, có được nhắc đến ít nhiều, song thực sự cho đến nay vẫn không được viết rõ ràng. Đa số người dân Việt Nam không biết quá trình hình thành nửa nước phía Nam ra sao. Nếu có biết ít nhiều thì lại thường sai lệch, do đó, không thấy được sự vô lý của việc “đòi đất” của các thế lực cực đoan ở Campuchia trước kia cũng như hiện nay.

Một nền sử học bị quan phương hóa, chính thống hóa cao độ như thế thì tất yếu người học mất niềm tin vào sự thực lịch sử. 

2. Vấn đề ý thức về lịch sử Việt Nam của người Việt Nam hiện nay

Thời chiến tranh chống Mỹ (1955 – 1975) và những ngày chống Tàu Cộng (1979), lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam luôn luôn được khơi dậy. Những bài thơ cảm hứng về lịch sử, những vở chèo, tuồng, kịch nói, phim truyện về các cuộc kháng chiến xưa luôn hiện diện hằng ngày. Ông Tố Hữu viết “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” là rất đúng với ngày ấy và chính đó là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Nhưng rồi, từ đầu thập niên chín mươi, bỗng nhiên đề tài lịch sử và kháng chiến (chống Trung Quốc) trong văn học nghệ thuật trở nên vắng bóng. Những truyện thiếu nhi viết về lịch sử kiểu như Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Trăng nước Chương DươngBên bờ Thiên Mạc,… lại càng vắng bóng. Vắng bóng mà cũng không mấy ai thắc mắc, băn khoăn gì. Cách đây 5 năm, còn có người than thở “Những cuộc khởi nghĩa bị dập tắt” thì đến nay cũng không còn ai than thở những điều như thế nữa.

Từ khi ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đẩy mạnh các hành động gây hấn và xâm lược Việt Nam, một số ít người Việt Nam muốn tìm về truyền thống chống giặc phương Bắc xưa của tổ tiên làm điểm tựa cho hôm nay nhưng nhìn chung không được số đông ủng hộ. Bản thân người viết bài này trong nhiều lần trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên và các cán bộ an ninh, khi đề cập về sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong chống ngoại xâm thời trước (để ngày nay đừng hèn quá) thì chẳng mấy ai tin, rất lạ!. Nếu không thể chối bỏ sự thực là dân tộc ta đã từng đánh thắng những đế quốc phương Bắc hùng mạnh nhất, thì họ chống chế theo một điệp khúc muôn thuở: “trước khác bây giờ khác”. Hỏi khác thế nào thì không mấy ai trả lời được. Hoặc có người đưa ra là: trước chiến tranh thô sơ, ta dựa vào đánh du kích, còn ngày nay chiến tranh hiện đại, cái gì ta cũng thua kém Trung Quốc! Có người còn hay chộp lấy các sự việc “triều cống” và xin “phong vương” của các triều đại trước để bào chữa cho tinh thần “khôn khéo” hôm nay (khôn khéo gì mà mỗi ngày mất thêm đất, thêm biển nhiều hơn, nhiều hơn mãi?). Lịch sử Việt Nam đã không đến được với người Việt Nam hay là đã đến theo một cách khác?

Tóm lại, vấn đề hôm nay chưa phải là môn lịch sử có tên gọi là gì, học tích hợp hay không, cần bao nhiêu tiết,… Học nhiều chỉ để trả bài, chẳng hề xúc cảm thì chẳng những vô ích mà còn thêm mệt.

Tôi rất đau xót khi dân mình ngày càng vô cảm với lịch sử dân tộc. Nhưng một khi người dân thấy mình không có quyền gì với đất nước, tức là thấy đất nước không phải là của mình, một đất nước “đã có Đảng và Nhà nước lo”, thì tất nhiên họ thơ ơ, không sao trách được. Và vì tất cả bạn bè, đồng nghiệp, anh em, cấp trên, các cán bộ an ninh,… hầu như bao giờ cũng khuyên tôi nên biết sống cho mình và cho gia đình mình. Và vì thế, chuyện quốc gia, xã hội trở thành chuyện viển vông, chỉ dành cho những kẻ “phản động” hay “điên điên” mà thôi! 

 Đ.T.Thi

Được đăng bởi Xuân Nguyên vào lúc 22:12 

----------------------------------

THỰC TẾ GIÁO DỤC VIỆT NAM THỜI CỘNG SẢN NHƯ THẾ NÀY ĐÂY :

Cô Giáo bị buộc thôi việc vì khuyến khích học sinh tìm hiểu thông tin trên Internet 








No comments: