27/11/2015
Thứ nhất, đấu tranh cho môn lịch sử tiếp tục
có vị trí độc lập trong chương trình giáo dục phổ thông không có nghĩa là duy
trì thực trạng môn học đã bị chính trị hóa đến tê liệt trong nhiều chục năm
qua, khiến người dạy loay hoay mãi không thể dạy hay được, người học thì chán
ngán. Đã đến lúc phải thay đổi căn bản đối với môn học này, từ nội dung đến
phương pháp, chứ không chỉ sửa chữa.
Thứ hai, rất cần thiết phải công bố một cách
ngắn ngọn, hàm súc cho xã hội hiểu và phân biệt rõ ba khái niệm: Lịch sử, sử học và dạy - học lịch
sử, cũng như mối quan hệ giữa ba điều ấy. Việc này không thừa, bởi ngay
trong ngành sử không phải ai cũng đã tỏ, còn trong xã hội thì số người hiểu cực
ít. Khi giới lãnh đạo chính trị không hiểu thì sẽ xem nhẹ môn lịch sử và khó có
thể giải thích, thuyết phục được.
Thứ ba, lịch sử thì khách quan, nhưng sử học và dạy
học lịch sử thì không phải như vậy. Trong sử học, nguyên tắc tối thượng là tôn
trọng sự thật, nhưng điều này thường bị vi phạm. Khi sử học bị chính trị hóa
thì nguyên tắc trên sẽ bị vi phạm, bởi nó buộc sử học phải quỳ gối phục vụ cho
mục đích của chính trị mà có trường hợp dẫn đến xuyên tạc sự thật.
Thứ tư, sử học vinh quang thật, nhưng lại rất
dễ phạm phải những căn bệnh nặng, những lỗi không nhỏ. Tiếc thay, sử học nước
ta đã không tránh được. Một thứ “sử học nhà nước”, “sử học quốc doanh” (phân biệt
với sử học chân chính) đang ngự trị.
Một nhà
sử học nổi tiếng nước ta mới mất cách đây vài năm, nói: Sử học ta chẳng có tư
tưởng gì. Sợ thật!
Bị biến
thành công cụ tuyên truyền, đến mức bị chính học sinh chối bỏ, người dân nghi
ngờ, rồi lại chính cơ quan giáo dục quyền lực nhất xóa bỏ. Phải chăng, đó là số
phận của một thứ sử học “phải đạo”?
Bởi thế,
ngành sử cần phải làm lại từ đầu.
Thứ năm, sử học thế nào thì dạy học lịch sử
cũng gần như thế, bởi dạy học phải sử dụng thành tựu nghiên cứu của sử học, đồng
thời cả hai cùng có chung một “bầu trời”, một thể chế. Tư tưởng chỉ đạo cho sử
học, đương nhiên cũng được áp dụng cho dạy học lịch sử. Từ rất sớm, sử học và dạy
học lịch sử nước ta đã được tiêm những liều “vắc xin” để ngừa những tư tưởng
trái chiều. Nhưng liều tiêm khá nặng, khiến cho đối tượng bị tê cứng, hết sinh
khí. Để học sinh chán học sử, để giáo viên không thể giảng hay được tức là môn
sử hết sinh khí rồi.
Có người
bảo ngành sử các ông toàn chạy theo chính trị, chủ yếu là ca ngợi và lặp đi lặp
lại, nên rất nhàm. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Đúng bởi lẽ là sách vở nhiều,
tiến sĩ nhiều nhưng chất lượng sử học rất thấp. Song, thử hỏi, nếu anh bị buộc
phải tiêm “vắc xin” anh có chống lại được không? Vả lại, những thành quả “nhàm
chán” thì anh mới được đọc, còn những thứ “không nhàm chán” thì không dễ xuất bản,
và nếu có thì liệu anh có biết đọc không?
Có người
nói học sinh chán sử là tại sách giáo khoa của môn này viết khô khan và một chiều.
Điều này đúng. Cả giáo trình đại học nữa chứ, đâu phải chỉ sách giáo khoa đâu.
Mà sách giáo khoa là “rút gọn”, là “hạ cấp” của giáo trình. Người viết sách đã
quen tư duy thế rồi. Không khô khan, một chiều sao được khi bị chỉ đạo, bị cạo
gọt từ chương trình chung đến từng bài học, hoặc do sợ quá mà tác giả tự cắt gọt
cho an toàn.
Có người
nói, các thầy cô dạy sử không chịu thay đổi phương pháp nên việc dạy học nhàm
chán, học sinh chán học, chất lượng môn sử rơi đến thảm hại. Điều này cũng
đúng. Nhưng sự thực, đã có thay đổi bộ phận rồi, nhưng chủ yếu là chuyển từ “đọc
chép” sang “nhìn chép” và một vài thứ khác. Song, tài thánh cũng không hấp dẫn
được, bởi phải đi theo rãnh chỉ đạo của cấp trên, từ nội dung sách giáo khoa đến
các bước lên lớp, giáo án. Có nhiều phương pháp được vận dụng, nhưng chạy đi
đâu khỏi khối tài liệu từ đọc thêm đến tranh ảnh, hiện vật, bản đồ, sơ đồ, băng
đĩa đều được biên soạn theo cùng một hướng, với vai trò minh họa cho sách giáo
khoa. Mọi thứ đều minh họa thêm cho sách giáo khoa, còn sách giáo khoa minh họa
cho đường lối chỉ đạo, vậy sáng tạo sao được.
Đã có ý
kiến khá hay về phương pháp dạy học thực chứng, dùng tài liệu gốc để khuyến
khích học sinh khám phá, tự đưa đến nhận thức bài học lịch sử. Hay, nhưng dùng
tài liệu gốc nào đây? Tư liệu gốc có giá trị nhưng “cấm kỵ”, “nhạy cảm” thì
không được sử dụng, còn tư liệu không giá trị, không đáng tin cậy, vô thưởng vô
phạt thì không dùng còn tốt hơn là dùng. Dẫn học sinh đi thăm bảo tàng ư? Bảo
tàng, nhà truyền thống cũng được sắp đặt, được uốn nắn giống như công trình sử
học, giống giáo trình, sách giáo khoa và hằng hà sa số tài liệu đọc thêm môn lịch
sử. Cứ quyển nọ chép lẫn, xào xáo của cuốn kia thôi, anh chạy đằng trời! Vả lại,
tôi bảo anh sáng tạo nhưng anh cứ biết vậy, sáng tạo vừa vừa thôi, anh sáng tạo
quá, tôi không kiểm soát được, anh “chệch rãnh” thì sao...
Nhưng
xin cảnh báo, ngữ văn và triết học cũng thế. Văn, triết mà chẳng có văn có triết,
chẳng có sinh lực gì. Nguyên nhân, thực trạng cũng gần cũng giống như môn lịch
sử. Chỉ có điều không bị động đến. Không bị động đến, nhưng không có nghĩa là
vô can!
Cụ Hồ
nói “dân ta phải biết sử ta” là để “cho tường gốc tích nước nhà", chứ
không phải để càng học càng tối, càng biết càng hoài nghi. Cũng giống như “văn
học phải đạo” với công thức dạy văn: Yêu-căm-chiến-lạc (yêu nước, căm thù giặc,
chiến đấu, lạc quan tin tưởng), sử học “quốc doanh” không thể làm “cho tường gốc
tích”, không làm rạng danh nước nhà được.
Tóm lại,
câu chuyện dạy dỗ thế nào, phương pháp này, nọ vẫn chỉ là phần ngọn của vấn đề.
Nếu cứ bàn mãi về phương pháp, cứ trách thầy cô giáo dạy sử thì chỉ là né
tránh, luẩn quẩn, thiếu hiểu biết và giỏi “bắt nạt người yếu”. Gốc rễ vẫn là ở tính khoa học
độc lập của môn sử, ngành sử. Độc lập ở đây là không bị chính trị hóa,
chứ không phải chỉ là môn lịch sử tồn tại độc lập trong chương trình giáo dục
phổ thông. Có độc lập thì sẽ có khách quan, khoa học, có cống hiến thực sự cho
Tổ quốc, cho dân tộc, cho lẽ sống, sẽ được đời kính trọng, nhà nước nể vì. Có độc
lập thì có sáng tạo trong dạy học lịch sử, sẽ có muôn vàn phương pháp tìm hiểu,
khám phá lý thú được áp dụng, và học sinh sẽ lại say mê, yêu thích môn học này.
PGSTS
Phạm Quốc Sử
*
Trong
chương trình giáo dục từ phổ thông đến đại học, kể từ rất lâu rồi – chính xác
là từ sau cuộc “đấu tranh chống Nhóm Nhân văn Giai phẩm” loại bỏ hết thảy các
Giáo sư ưu tú ở Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội 1957, thay vào đó một
lớp người kiến thức lỗ mỗ nhưng lại rất năng động trong việc “chớp lấy thời cơ”
– việc giảng dạy môn văn đã bị chính trị “phủ bóng” quá nặng, tước hết sinh
khí, biến thành cái học thực dụng và làm cho môn học này từng bước mất sức sống.
Suốt từ
đó đến nay, đề thi tốt nghiệp phổ thông hầu như không bao giờ chọn các tác gia,
tác phẩm, trào lưu tiêu biểu nào khác ngoài chủ đề “văn học cách mạng”, đôi khi
có nhân nhượng cho “văn học hiện thực phê phán 1930-1945không tính Vũ Trọng
Phụng” được ghé phần (trừ duy nhất một lần Bộ Giáo dục có “sáng kiến” ra đề
Nguyễn Trãi vào năm 1980 nhân kỷ niệm 600 năm sinh của ông). Có thể nói ít nhất
cũng phải đến hơn một thập niên sau mốc đổi mới 1986, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, các
nhà văn “chống Mỹ cứu nước” – có thêm Tắt đèn, Bước đường
cùng, Chí Phèo – vẫn chiếm vị trí “sang cả” trong nội dung
và thời lượng giảng dạy. Sự ưu tiên vô đối này phần nào giống chương trình Tú
tài thời Pháp thuộc, Nha Học chính Pháp - Việt mới đầu cũng dành cho văn học
Pháp một chỗ ngồi tối thượng – 6 tiết học một tuần (1). Nhưng rồi họ đã cảm nhận
được tâm lý hụt hẫng “đáng xấu hổ” của thế hệ học sinh người Việt một vài khóa
đầu khi bước chân vào trường đại học, để rốt cuộc biết chủ động bổ sung vào đấy
hai môn văn học Hán - Việt và văn học Hy - La (2).
Nếu coi
giáo dục thời Pháp là giai đoạn thực dân chủ nghĩa không đáng rút kinh nghiệm
thì hãy so sánh với đề thi tốt nghiệp phổ thông của chương trình giáo dục Trung
Quốc hiện nay, một nước “đồng ý thức hệ” và từng giương cao khẩu hiệu “hậu kim
bạc cổ” dưới thời Mao. Chẳng phải mấy thập niên lại đây quốc gia cộng sản này
cũng đã chú trọng rất nhiều đến thi ca, chính luận, tạp văn, tiểu thuyết cổ điển…
xen kẽ với các hiện tượng văn học nổi bật khoảng sau Ngũ Tứ, và cả văn học thế
giới, trong nội dung tổng hợp của đề thi tốt nghiệp trung học của họ (chẳng hạn,
đề thi ở thành phố Vũ Hán năm 2013:http://www.5156edu.com/html4/103366.html
/ ở thành phố Hạ Môn năm 2014:http://www.zx98.com/bnjxw/spokenenglish/gaokao/Chinese/201405/10208.html
/ ở thành phố Vũ Hán năm 2015: http://www.gkxx.com/resource-1064290.html...)?
Xem ra khác với Việt Nam, nhà cầm quyền Trung Quốc đã hiểu được rằng đối với học
sinh, yêu cầu trang bị vốn kiến thức đích thực có ý nghĩa sống còn hơn là tuyên
truyền cho Đảng quang vinh.
Đương
nhiên không phải chỉ chuyện đề tài nào được ưu tiên hay bị coi nhẹ. Vấn đề quan
trọng hơn là “điểm nhấn” trong truyền thụ kiến thức. Những “ba rem” đáp án có định
hướng mà người dạy cũng như người học phải nhớ nhập tâm, có khi trở thành vô
ngôn, năm này tháng khác được đúc kết như những quy định cứng, trước
sau đã biến thầy trò của đất nước chúng ta thành những… “chàng vẹt” lặp đi lặp
lại các ngôn từ minh họa đường lối chính sách, thông qua kiểu diễn đạt cháo chảy,
chẳng còn chỗ để học sinh thức dậy những cảm xúc cá nhân – vốn rất cần thiết –
đối với “phần hồn” ẩn náu trong tác phẩm văn chương. Thậm chí tình trạng trên
còn đưa tới việc xuất hiện những cuốn sách in hàng loạt “bài văn mẫu” của những
vị thầy “hạ bút thành văn”, công bố đàng hoàng như những bộ sách bổ trợ không
thể thiếu của sách giáo khoa văn học mà người học chỉ việc học thuộc và dùng
làm “phao cứu sinh” trong thi cử. Và cứ thế, sự “gò khuôn” lâu ngày thấm vào nếp
nghĩ nếp dạy, từ phổ thông lên suốt đến đại học, đã làm nẩy ra câu tổng kết hóm
hỉnh sau đây, được rất nhiều thế hệ sinh viên Khoa văn nhiều trường đại học
truyền cho nhau, như là bí quyết nhập tâm để “thủ thắng” ở các cuộc “vượt vũ
môn” cuối năm, cuối khóa: “Yêu, Căm, Chiến, Lạc, Dậu, Pha, Phèo” – gặp bất
kỳ đề tài nào, chỉ cần nhắc mấy chữ “yêu nước”, “căm thù”, “chiến đấu”, “lạc
quan”, cũng chỉ cần viện dẫn “chị Dậu” (Tắt đèn), “anh Pha” (Bước đường
cùng), “Chí Phèo” (Chí Phèo) là bài làm nào, bài thi nào y như đều…
“xuôi lọt”.
Thử hỏi,
có bi hài hay không một sự “giản lược” tri thức triệt để không còn gì để nói, đối
với một môn học cốt giúp thế hệ trẻ đi vào khám phá cõi bí mật thẳm sâu là tâm
hồn con người? Có phải đâu chỉ riêng môn sử lâm vào “định mệnh chết yểu” mà
thôi.
Bauxite
Việt Nam
(1)
Xin xem Trịnh Văn Thảo, Le
français dans l’organigramme éducatif du Règlement général de l’instruction
publique (1918-1945), Mục Programme de l’enseignement secondaire
en 1939
Discipline*
|
1e
|
2e
|
3e
|
Littérature
française
|
6
|
4
|
3
|
Philosophie
|
2
|
4
|
2
|
Histoire-géographie
|
3
|
4
|
3
|
Vietnamien
|
1
|
4
|
2
|
Chinois
|
1
|
4
|
1
|
Mathématiques
|
5,30
|
4
|
6
|
Sciences
physiques
|
5
|
4,30
|
4,30
|
Sciences
naturelles
|
2
|
2
|
2
|
(2)
“Enfin, l’absence des humanités classiques sino-vietnamiennes et gréco-latines
(cette dernière n’est dispensée qu’au lycée Albert Sarraut réservé aux enfants
européens et à quelques fils de notables vietnamiens) se fit de plus sentir
notamment dans l’enseignement supérieur. Beaucoup de jeunes Vietnamiens
inscrits dans les disciplines littéraires, juridiques et administratives à
l’université de Hanoi firent preuve d’une ignorance gênante des histoires et
civilisations des deux mondes. De telle sorte qu’une réforme de renseignement
secondaire est envisagée en 1938 pour les humanités sino-vietnamiennes et en
1941 pour les humanités gréco-latines servant de support d’enseignement
complémentaire au baccalauréat de philosophie” – Trịnh Văn Thảo, Le français dans l’organigramme éducatif
du Règlement général de l’instruction publique (1918-1945). Tạm dịch: Cuối
cùng, sự vắng mặt của các bộ môn nhân văn cổ điển Hán - Việt và Hy - La (phần
nói ở sau chỉ được cung cấp tại Trường trung học Albert Sarraut dành cho trẻ em
châu Âu và một số con trai của quan lại người Việt), đã trở thành một ám ảnh đặc
biệt trong chương trình giáo dục ở bậc học cao nhất. Nhiều người Việt Nam trẻ
tuổi theo học các ngành văn học, pháp lý và hành chính tại Đại học Hà Nội đã
làm bằng chứng cho một sự thiếu hiểu biết đáng xấu hổ về lịch sử và nền văn
minh của cả hai thế giới. Vì vậy mà một cải cách thông tin bậc hai được dự báo
trong năm 1938 dành cho bộ môn nhân văn Hán - Việt và trong năm 1941 dành cho
nhân văn Hy - La dùng làm “cột chống” cho phần giáo dục bổ sung ở Ban tú tài
triết
----------------------------
Tích hợp môn lịch sử sẽ là một thảm họa khôn lường!
PGS-TS Phạm
Quốc Sử
Thu
Anh (thực
hiện)
“Đừng
bao giờ nghĩ bảo vệ môn lịch sử là bảo vệ “miếng cơm, manh áo” cho người dạy sử,
mà đó còn là bảo vệ sợi dây kết nối tốt nhất của dân tộc hôm nay với nguồn sinh
khí truyền thống và thời đại”, PGS-TS Phạm Quốc Sử - Trưởng khoa Lịch sử, Trường
đại học Thủ đô Hà Nội khẳng định.
Xoay
quanh việc tích hợp môn lịch sử được Bộ Giáo dục - Đào tạo nêu ra, cùng với những
ý kiến đa chiều từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu sử học, các giáo viên lịch
sử, PGS-TS Phạm Quốc Sử đã có những chia sẻ, những quan điểm hết sức thẳng thắn
về vấn đề này.
Tìm
hiểu, dạy và học lịch sử là vấn đề sống còn của dân tộc
-
Thưa thầy, lịch sử và môn lịch sử có vai trò như thế nào trong đời sống hiện
nay?
-
PGS-TS Phạm Quốc Sử: Lịch
sử là thầy dạy của cuộc sống. Hầu hết những gì diễn ra hôm nay đều có nguồn cội,
căn nguyên từ quá khứ, hay nói cách khác đó là sự tiếp nối của quá khứ. Bởi thế,
muốn hiểu hiện tại, muốn hành xử cho đúng, không lệch lạc trong tương lai thì
phải soi chiếu vào lịch sử.
Còn môn
lịch sử, nó sẽ giúp chúng ta tìm hiểu quá khứ một cách có hệ thống. Tuy nhiên,
có nhận thức đúng về quá khứ hay không còn phụ thuộc vào quan điểm và phương
pháp nhận thức, quan điểm và phương pháp nghiên cứu lịch sử, dạy và học sử của
mỗi người.
Đất nước,
cộng đồng hay cá nhân nào cũng cần đến vai trò của lịch sử. Với dân tộc Việt
Nam, việc tìm hiểu lịch sử còn quan trọng hơn nhiều, bởi lẽ đất nước ta luôn bị
đe dọa, xâm lăng, ngay cả lúc này. Vì vậy, việc tìm hiểu, dạy và học lịch sử là
một trong những vấn đề sống còn của mỗi người trong cộng đồng dân tộc. Hơn nữa,
Việt Nam đang ở trong thời kỳ hội nhập, học sử là để hiểu mình, hiểu người,
giúp chúng ta biết mình đang ở tầm vóc nào, hiểu rõ bạn bè và kẻ thù của mình,
từ đó sẽ hội nhập tốt hơn.
-
Theo thầy, việc tích hợp môn lịch sử cùng 2 môn giáo dục công dân và giáo dục
quốc phòng thành môn công dân với Tổ quốc thì có hợp lý không và tại sao?
-
PGS-TS Phạm Quốc Sử: Bản thân tôi nhận thấy không hợp lý chút nào, thậm chí là
phản khoa học, phản chính trị. Chính trị ở đây là muốn nói đến nhận thức non
kém, mất cảnh giác khi việc tích hợp có thể làm nhạt nhòa, biến mất môn lịch sử,
môn học mà ở bất cứ quốc gia nào cũng được giao một nhiệm vụ tối thượng là
trang bị cho người học kiến thức để nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc và nhận diện mọi
kẻ thù.
Môn lịch
sử không phải chỉ của người dạy lịch sử mà là của nền giáo dục đất nước. Với
vai trò quan trọng của nó, đặc biệt là môn quốc sử cùng với môn quốc văn đã được
khẳng định rằng không thể nào thiếu và trộn lẫn với các môn khác.
Nếu như
môn quốc văn giữ cho dân tộc hồn cốt thiêng liêng để người Việt không quên tiếng
Việt và văn hóa Việt thì môn quốc sử giữ cho dân tộc nguồn sinh khí và sức mạnh,
giúp cho dân tộc không quỳ gối trước bất kỳ thế lực cường quyền nào. Bởi thế kẻ
nào “đánh vào môn lịch sử”, thủ tiêu hay làm biến dạng và tan rã bộ môn này tức
là đã chặt đứt động mạch chính kết nối quá khứ với hiện tại, kết nối nguồn sinh
khí với cơ thể sống của dân tộc hôm nay.
Quan
trọng là lựa chọn cái gì và dạy như thế nào
- Về
chuyện tại sao lại có việc gộp môn lịch sử vào môn công dân với Tổ quốc, theo Bộ
trưởng Phạm Vũ Luận: "Thứ nhất là theo tinh thần chủ trương tích hợp. Thứ
hai, Luật Giáo dục quốc phòng an ninh được Quốc hội thông qua có quy định giảng
dạy lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng. Chúng tôi dự kiến đưa lịch sử vào đó
để tránh trùng lặp”. Thầy có ý kiến như thế nào?
-
PGS-TS Phạm Quốc Sử: Theo tôi, đây là cách giải thích hoàn toàn không hợp lý.
Giải trình thế là sai, bởi mấy lẽ:
Thứ nhất,
“tích hợp” là một chủ trương, thậm chí là một chủ trương “sáng giá” của Bộ
GD-ĐT, nhưng không có nghĩa là cho phép Bộ lôi tuột tất cả các môn vào đó mà
không có cân nhắc. Lịch sử là môn học có thiên chức đặc biệt, cần hết sức thận
trọng nếu như định đụng đến nó. Đã trót để cho nó “nhếch nhác” rồi thì giờ là
lúc giúp cho nó “phục sinh” chứ không phải làm cho nó bị “hòa tan”! Tiếc là Bộ
không có chuyên gia lịch sử, hoặc đã không hỏi các chuyên gia lịch sử về vấn đề
này.
Thứ
hai, sao lại sợ trùng lặp kiến thức lịch sử giữ nước với giáo dục an ninh quốc
phòng mà bỏ cả môn lịch sử? Vậy lịch sử đất nước trên các bình diện khác (như
kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa), lịch sử nhân loại không học nữa sao?
Các môn khác có thể sử dụng ít nhiều kiến thức lịch sử, nhưng là để
phục vụ cho nhiệm vụ của chúng, không thể thay thế cho hệ thống kiến thức toàn
diện và sâu sắc của môn lịch sử được.
Thứ ba,
chủ trương tích hợp như vậy là quá đơn giản, thuần túy từ góc độ kỹ thuật mà
thiếu nhãn quan khoa học, không có triết lý và tư tưởng trong việc giáo dục học
sinh.
- Thầy
có cho rằng vì kiến thức lịch sử của ta quá nặng mà chưa có sự đổi mới trong
cách dạy, tạo sự thích thú cho người học nên dẫn đến có dự án tích hợp này
không?
-
PGS-TS Phạm Quốc Sử: Đã có gì mà nặng. Liệu người ta còn muốn cuốn sách giáo
khoa lịch sử mỏng thế nào nữa, còn muốn kiến thức lịch sử được dạy trong nhà
trường bị lược bớt, giản đơn đến mức nào nữa? Tôi đã cầm hai cuốn lịch sử phổ
thông trung học nước Mỹ, mới xuất bản, nó to gần bằng khổ giấy A4 và dày gấp
3-4 lần cuốn lịch sử phổ thông trung học của ta, dày đặc chữ, tranh ảnh và tư
liệu. Không thấy dư luận nước Mỹ kêu ca vì sách dày, kiến thức nặng nề.
Hãy nói với học sinh bằng thứ ngôn ngữ uyên bác, có văn hóa của chốn học đường
thì mới mong có được những học trò thông thái. Còn nếu cứ cố nói với các em thứ
ngôn ngữ thật đơn giản, nôm na cho dễ hiểu, dễ nhớ đến mức cả các bậc phụ huynh
vốn thiệt thòi do không được đi học cũng hiểu được, thì e rằng “hậu sinh” không
thể “khả úy” được đâu. Kiến thức nặng đến đâu cũng không quan trọng. Quan trọng
là lựa chọn cái gì và dạy thế nào.
Cũng
không phải không có đổi mới trong cách dạy, cách học. Nói không đổi mới thì quả
là phụ công ngành giáo dục, phụ công các thầy cô giáo dạy lịch sử ở trường phổ
thông. Công việc này đã thực hiện từ nhiều năm nay rồi, song hiệu quả không
đáng là bao. Nhưng nghiêm túc mà nói, với nội dung sách giáo khoa được biên soạn
theo hướng chính trị hóa như vậy, lại thêm chỉ đạo môn học có tính pháp lệnh về
cách dạy, cách học, cách kiểm tra, thi cử như hiện nay thì có tài thánh cũng
không thể đổi mới để dạy hay, học hay lịch sử được.
Đã làm
hỏng môn lịch sử, biến nó từ môn học đầy tính hấp dẫn và bác học, thành một môn
học buồn tẻ, khiến cho học sinh chán học, giờ đây thay vì đầu tư làm cho nó hồi
sinh, trở về đúng với giá trị chân chính và vinh quang của nó, thì lại nhân đó
“tích hợp” để bóp chết nó, liệu có phải là việc làm có trách nhiệm với quốc
gia, dân tộc không?
Xóa
môn lịch sử, không thảm họa thì là gì?
-
GS-TS Đinh Quang Báo, Ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia nói: “Không nên đặt vấn
đề tích hợp là xóa môn học mà chỉ là tạo ra giá trị mới cho môn học. Tôi không
nghĩ, môn sử cứng nhắc đến mức chỉ khi đứng độc lập thì mới giáo dục được”. Thầy
nghĩ sao về ý kiến này?
-
PGS-TS Phạm Quốc Sử: Phát biểu thế nào là quyền của mỗi người, song ý kiến ấy
nếu đúng như vậy thì rất nông cạn và mâu thuẫn.
Tích hợp
rõ ràng là xóa một số môn học cũ để tạo ra môn học mới, còn biện hộ gì nữa. Đã
tích hợp rồi thì làm gì còn môn lịch sử nữa, mà là môn khoa học xã hội, hay
“công dân với Tổ quốc”, trong đó có kiến thức lịch sử được sử dụng một cách vụn
vặt, chắp vá, trộn lẫn với kiến thức khác. Đề án đã xác định rõ thế rồi. Mà đã
xóa rồi thì làm gì còn giá trị mới nữa. Đã xóa rồi thì làm gì còn có thể phát
huy tính giáo dục được với tư cách môn lịch sử nữa. Môn lịch sử nếu không “cứng
nhắc” đứng độc lập, mà bị hòa tan, bị thủ tiêu rồi thì làm sao còn giáo dục được.
Một vài mảnh thân xác vụn rời của nó trong một cơ thể khác, nếu có phát huy được
tính giáo dục, cũng là rất hạn chế, nếu không nói là chẳng đáng kể gì.
- Là
người làm công tác giảng dạy lịch sử lâu năm, thầy nghĩ sao nếu việc tích hợp
môn lịch sử được tiến hành?
-
PGS-TS Phạm Quốc Sử: Nếu việc tích hợp môn lịch sử vào các môn học khác được
tiến hành, tôi cho rằng đó sẽ là một hình thái hỗn loạn, sẽ tạo ra những trò cười
mới, như lâu nay ta đã chứng kiến. Sách giáo khoa sẽ thay đổi, biên soạn mới, vứt
sách cũ, tài liệu cũ đi; việc đào tạo giáo viên lịch sử từ các bậc cao đẳng đến
đại học… sẽ phải làm lại toàn bộ, kinh phí tốn kém cho xã hội sẽ không phải là
con số 70.000 tỉ đồng mà Bộ đã lộ ra rồi lấp đi như trước đây, mà là vài trăm lần
như thế. Nhưng điều quan trọng là sẽ làm hỏng hẳn một nền giáo dục dân tộc. Đến
đây thì sẽ là một kịch bản “vỡ nát” và khôi hài từ người dạy đến người học, từ
nhà trường đến xã hội về nhận thức lịch sử mà chính những người hôm nay thiết kế
và vỗ tay cho “tích hợp” môn lịch sử sẽ phải “im bặt”. Bộ Giáo dục - Đào tạo
lúc đó sẽ im bặt. Ngài bộ trưởng hôm nay khi đó đã nghỉ hưu, “hạ cánh an toàn”,
còn ngài mới lên sau đó có thể sẽ “nghiêm túc” xin lỗi trước Quốc hội và thanh
minh “khi đó tôi chưa phụ trách chính việc này” hoặc “khi đó tôi đang công tác ở
nước ngoài”.
- Nếu
tích hợp thì các giáo viên, các em học sinh sẽ phải dạy và học như thế nào,
thưa thầy?
-
PGS-TS Phạm Quốc Sử: Câu hỏi này nên dành cho các tác giả đề án tích hợp môn lịch
sử, là Bộ GD-ĐT, và những người bênh vực nó (đề án), bởi tôi là người phản đối
thì tôi không hình dung kịch bản việc dạy và học sẽ thế nào.
Theo một
người bênh Bộ GD-ĐT, ông nói ý thế này: Việc tích hợp giống như chế biến một
“món ăn tổng hợp”! Ông nói, ví như đáng lẽ ta ăn rời từng món: thịt bò, cần
tây, tỏi tây, nước mắm…, thì giờ ta cho cả vào xào, được ăn cùng lúc tất cả, mà
có khi lại ngon. Cái “khéo” của vị chuyên gia biện hộ lừng danh này là lấy ví dụ
từ món xào thịt bò - cần - tỏi vốn đã thông dụng, nhiều người thích. Nhưng cái
đáng tiếc là ông lại ví việc tích hợp môn lịch sử, một môn có chức năng giáo dục
đặc biệt, đòi hỏi cả tính khách quan khoa học lẫn lý trí và ý thức dân tộc, với
việc chế biến món ăn nghiêng về khía cạnh hưởng thụ và tiêu khiển, khoái khẩu
thì “xơi”, không khoái thì nhè ra, gọi nhà hàng đến mắng.
Không
chỉ khôi hài, mà sẽ là thảm họa khi món lẩu tổng hợp của ông ấy có thể là thịt
gà với mắm tôm và bỗng rượu, thịt chó với cá điêu hồng và đường phèn, trứng gà
với dấm thanh và tỏi…, và theo ông ấy, liệu đó có thể là những món khám phá mới,
hấp dẫn? Ông nói nhiều nước đã làm thế mà và Việt Nam cũng nên làm theo. Theo
tôi, vị chuyên gia này sẽ là người thích hợp nhất để trả lời câu hỏi: Nên dạy
và nên học môn tích hợp lịch sử như thế nào?
- Thầy
nghĩ sao nếu môn lịch sử bị xóa bỏ?
-
PGS-TS Phạm Quốc Sử: Đó sẽ là thảm họa cho dân tộc. Bên ngoài thì Trung Quốc
chiếm Hoàng Sa, một số đảo Trường Sa, bên trong thì xóa môn lịch sử, chặt đứt mối
liên hệ giữa lớp trẻ hiện tại với truyền thống cha ông. Trong ngoài như thế
không thảm họa thì là gì?
Thực ra, những gì diễn ra hôm nay đối với
môn lịch sử cũng đã là thảm họa rồi. Những ngày hân hoan mới giành được độc lập,
hay đang vượt qua thử thách thù trong giặc ngoài 1945-1946, chắc không ai tưởng
tượng sẽ có ngày học sinh tung hê tài liệu môn lịch sử vì “thoát nạn”, không phải
thi môn học buồn tẻ khó nhớ này.
Đấy là
thảm họa, nhưng không phải chỉ cho mấy cô giáo dạy môn lịch sử trong trường phổ
thông, mà cho tương lai của toàn dân tộc. Một thảm họa khôn lường.
Có người
nói: Người không hiểu lịch sử thì không khác gì con trâu. Con trâu thì ruộng
nào cũng cày, bởi nó không tự biết mình, nguồn cội mình! Thế mà người ta lại định
xóa môn lịch sử, thử hỏi có nguy không?
Không
xóa, nhưng phải làm lại, đổi mới căn bản môn sử
- Vậy
khi việc “tích hợp” bị phản đối, môn lịch sử nên được giảng dạy trên ghế nhà
trường theo cách nào, để không lâm vào cảnh bi đát như những gì từng được nhắc
đến trong vài năm qua, thưa thầy?
-
PGS-TS Phạm Quốc Sử: Đó là một câu chuyện nghiêm túc.
Thứ
nhất,
đấu tranh cho môn lịch sử tiếp tục có vị trí độc lập trong chương trình giáo dục
phổ thông không có nghĩa là duy trì thực trạng môn học đã bị chính trị hóa đến
tê liệt trong nhiều chục năm qua, khiến người dạy loay hoay mãi không thể dạy
hay được, người học thì chán ngán. Đã đến lúc phải thay đổi căn bản đối với môn học này, từ nội dung đến
phương pháp, chứ không chỉ sửa chữa.
Thứ
hai,
rất cần thiết phải công bố một cách ngắn ngọn, hàm súc cho xã hội hiểu và phân
biệt rõ ba khai niệm: Lịch sử, sử học và
dạy - học lịch sử, cũng như mối quan hệ giữa ba điều ấy. Việc này không thừa,
bởi ngay trong ngành sử không phải ai cũng đã tỏ, còn trong xã hội thì số người
hiểu cực ít. Khi giới lãnh đạo chính trị không hiểu thì sẽ xem nhẹ môn lịch sử
và khó có thể giải thích, thuyết phục được.
Thứ ba, lịch sử thì khách
quan, nhưng sử học và dạy học lịch sử thì không phải như vậy. Trong sử học,
nguyên tắc tối thượng là tôn trọng sự thật, nhưng điều này thường bị vi phạm.
Khi sử học bị chính trị hóa thì nguyên tắc trên sẽ bị vi phạm, bởi nó buộc sử học
phải quỳ gối phục vụ cho mục đích của chính trị mà có trường hợp dẫn đến xuyên
tạc sự thật.
Thứ
tư,
sử học vinh quang thật, nhưng lại rất dễ phạm phải những căn bệnh nặng, những lỗi
không nhỏ. Tiếc thay, sử học nước ta đã không tránh được. Một thứ “sử học nhà
nước”, “sử học quốc doanh” (phân biệt với sử học chân chính) đang ngự trị.
Một nhà
sử học nổi tiếng nước ta mới mất cách đây vài năm, nói: Sử học ta chẳng có tư
tưởng gì. Sợ thật!
Bị biến
thành công cụ tuyên truyền, đến mức bị chính học sinh chối bỏ, người dân nghi
ngờ, rồi lại chính cơ quan giáo dục quyền lực nhất xóa bỏ. Phải chăng, đó là số
phận của một thứ sử học “phải đạo”?
Bởi thế,
ngành sử cần phải làm lại từ đầu.
Thứ
năm,
sử học thế nào thì dạy học lịch sử cũng gần như thế, bởi dạy học phải sử dụng
thành tựu nghiên cứu của sử học, đồng thời cả hai cùng có chung một “bầu trời”,
một thể chế. Tư tưởng chỉ đạo cho sử học, đương nhiên cũng được áp dụng cho dạy
học lịch sử. Từ rất sớm, sử học và dạy học lịch sử nước ta đã được tiêm những
liều “vắc xin” để ngừa những tư tưởng trái chiều. Nhưng liều tiêm khá nặng, khiến
cho đối tượng bị tê cứng, hết sinh khí. Để học sinh chán học sử, để giáo viên
không thể giảng hay được tức là môn sử hết sinh khí rồi.
Có người
bảo ngành sử các ông toàn chạy theo chính trị, chủ yếu là ca ngợi và lặp đi lặp
lại, nên rất nhàm. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Đúng bởi lẽ là sách vở nhiều,
tiến sĩ nhiều nhưng chất lượng sử học rất thấp. Song, thử hỏi, nếu anh bị buộc
phải tiêm “vắc xin” anh có chống lại được không? Vả lại, những thành quả “nhàm
chán” thì anh mới được đọc, còn những thứ “không nhàm chán” thì không dễ xuất bản,
và nếu có thì liệu anh có biết đọc không?
Có người
nói học sinh chán sử là tại sách giáo khoa của môn này viết khô khan và một chiều.
Điều này đúng. Cả giáo trình đại học nữa chứ, đâu phải chỉ sách giáo khoa
đâu. Mà sách giáo khoa là “rút gọn”, là “hạ cấp” của giáo trình. Người viết
sách đã quen tư duy thế rồi. Không khô khan, một chiều sao được khi bị chỉ đạo,
bị cạo gọt từ chương trình chung đến từng bài học, hoặc do sợ quá mà tác giả tự
cắt gọt cho an toàn.
Có người
nói, các thầy cô dạy sử không chịu thay đổi phương pháp nên việc dạy học nhàm
chán, học sinh chán học, chất lượng môn sử rơi đến thảm hại. Điều này cũng
đúng. Nhưng sự thực, đã có thay đổi bộ phận rồi, nhưng chủ yếu là chuyển từ “đọc
chép” sang “nhìn chép” và một vài thứ khác. Song, tài thánh cũng không hấp dẫn
được, bởi phải đi theo rãnh chỉ đạo của cấp trên, từ nội dung sách giáo khoa đến
các bước lên lớp, giáo án. Có nhiều phương pháp được vận dụng, nhưng chạy đi
đâu khỏi khối tài liệu từ đọc thêm đến tranh ảnh, hiện vật, bản đồ, sơ đồ, băng
đĩa đều được biên soạn theo cùng một hướng, với vai trò minh họa cho sách giáo
khoa. Mọi thứ đều minh họa thêm cho sách giáo khoa, còn sách giáo khoa minh họa
cho đường lối chỉ đạo, vậy sáng tạo sao được.
Đã có ý
kiến khá hay về phương pháp dạy học thực chứng, dùng tài liệu gốc để khuyến
khích học sinh khám phá, tự đưa đến nhận thức bài học lịch sử. Hay, nhưng dùng
tài liệu gốc nào đây? Tư liệu gốc có giá trị nhưng “cấm kỵ”, “nhạy cảm” thì
không được sử dụng, còn tư liệu không giá trị, không đáng tin cậy, vô thưởng vô
phạt thì không dùng còn tốt hơn là dùng. Dẫn học sinh đi thăm bảo tàng ư? Bảo
tàng, nhà truyền thống cũng được sắp đặt, được uốn nắn giống như công trình sử
học, giống giáo trình, sách giáo khoa và hằng hà sa số tài liệu đọc thêm môn lịch
sử. Cứ quyển nọ chép lẫn, xào xáo của cuốn kia thôi, anh chạy đằng trời! Vả lại,
tôi bảo anh sáng tạo nhưng anh cứ biết vậy, sáng tạo vừa vừa thôi, anh sáng tạo
quá, tôi không kiểm soát được, anh “chệch rãnh” thì sao...
Nhưng
xin cảnh báo, ngữ văn và triết học cũng thế. Văn, triết mà chẳng có văn có triết,
chẳng có sinh lực gì. Nguyên nhân, thực trạng cũng gần cũng giống như môn lịch
sử. Chỉ có điều không bị động đến. Không bị động đến, nhưng không có nghĩa là
vô can!
Cụ Hồ
nói “dân ta phải biết sử ta” là để “cho tường gốc tích nước nhà", chứ
không phải để càng học càng tối, càng biết càng hoài nghi. Cũng giống như “văn
học phải đạo” với công thức dạy văn: Yêu-căm-chiến-lạc (yêu nước, căm thù giặc,
chiến đấu, lạc quan tin tưởng), sử học “quốc doanh” không thể làm “cho tường gốc
tích”, không làm rạng danh nước nhà được.
Tóm lại,
câu chuyện dạy dỗ thế nào, phương pháp này, nọ vẫn chỉ là phần ngọn của vấn đề.
Nếu cứ bàn mãi về phương pháp, cứ trách thầy cô giáo dạy sử thì chỉ là né
tránh, luẩn quẩn, thiếu hiểu biết và giỏi “bắt nạt người yếu”. Gốc rễ vẫn là ở
tính khoa học độc lập của môn sử, ngành sử. Độc lập ở đây là không bị chính trị
hóa, chứ không phải chỉ là môn lịch sử tồn tại độc lập trong chương trình giáo
dục phổ thông. Có độc lập thì sẽ có khách quan, khoa học, có cống hiến thực sự
cho Tổ quốc, cho dân tộc, cho lẽ sống, sẽ được đời kính trọng, nhà nước nể vì.
Có độc lập thì có sáng tạo trong dạy học lịch sử, sẽ có muôn vàn phương pháp
tìm hiểu, khám phá lý thú được áp dụng, và học sinh sẽ lại say mê, yêu thích
môn học này.
-
Xin chân thành cảm ơn thầy!
T.A.
No comments:
Post a Comment