Saturday, November 28, 2015

Ghi ở bãi rác lớn nhất Miền Trung (Thanh Hiếu - Petro Tmes)





Thanh Hiếu  -  Petro Tmes
16:00 | 28/11/2015

Người dân ở khu vực quanh bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) sống muôn vàn khổ cực. Họ khổ đến nỗi cứ khắc khoải, đợi mong về một cuộc sống đơn giản là có “một hơi thở trong lành”, có nước sạch, đi ngủ không phải đeo khẩu trang hay ăn cơm không phải chui vào màn...  Vậy mà ở nơi bãi rác lớn nhất miền Trung này, những ước mong đơn giản đến đau lòng như vậy cũng khó mà thực hiện. Núi rác càng cao bao nhiêu thì nỗi khổ của người dân càng tăng.
 
Cuối tháng 10, trời Đà Nẵng lặng gió. Không khí ở khu vực quanh bãi rác Khánh Sơn như đặc quánh lại. Dường như mùi hôi của rác ngấm vào từng thớ đất, từng lá cây, ngọn cỏ.
Cụ Nguyễn Tài kê ghế ngồi ngoài sân, thở dài, rít thật lâu một hơi thuốc cuộn sâu kèn. Cụ Tài là dân gốc làng Khánh Sơn này, sống đến nay đã 84 tuổi và cũng trải qua cuộc sống 24 năm gần nơi bãi rác, từ khi bãi rác của thành phố chuyển về đây. Khác với suy nghĩ của đám trẻ, cụ Tài thường đau đáu về câu chuyện sợ cái danh xưng Khánh Sơn chỉ còn là quá khứ. Cụ bảo, cái tên làng Khánh Sơn này có khoảng 600 năm nay rồi, thế mà giờ đây sợ mất, mà mất là mất từ đám trẻ nơi này không dám nhận tên. Rồi cụ lại thở dài, lại rít thuốc, khóe mắt chân chim ngấn nước. 
Cụ kể, mấy đứa nhỏ làng này bây giờ đi học, đám bạn hỏi nhà ở đâu, chẳng đứa nào dám nhận là nhà ở Khánh Sơn, vì bị chọc “chỗ đó là bãi rác, chỗ mô mà ở, nhà mi ở trên bãi rác à”, rồi xấu hổ, không dám đi học. Thế nên, khi được hỏi như vậy, đám trẻ Khánh Sơn đứa nào đứa nấy đều trả lời là nhà ở Đà Sơn, là nơi ngay liền kề Khánh Sơn. “Mất tên tiên tổ để lại là từ chỗ ấy mới đau lòng chú ạ”, cụ  Tài lại thở dài. Người già thường lo xa, nhưng không phải không có lý, khi mà cái danh xưng Khánh Sơn từ 24 năm nay, gắn liền với từ bãi rác - bãi rác Khánh Sơn mất rồi.

Bãi rác Khánh Sơn là bãi rác lớn nhất miền Trung, rộng 38ha, mỗi ngày tiếp nhận hơn 700 tấn rác từ toàn thành phố Đà Nẵng

Chị Hồ Thị Hiệp trú ở tổ 169 lập cập bê thùng nước từ trên xe xuống rồi than thở, nước lại lên giá, dùng nước nhớ tiết kiệm. Chị bảo, trước đây nguồn nước ngầm vẫn còn dùng được, thế nhưng giờ đây, giếng nước nào trong khu vực cũng nổi váng, vàng khè, giặt đồ còn chẳng dám chứ đừng nói là để nấu ăn. Nhà chị Hiệp cũng chỉ cách bãi rác Khánh Sơn vài trăm mét và cuộc sống của chị cũng gắn liền với bãi rác này từ nhiều năm nay. Nhà chị có 2 đứa con, đều đang tuổi đi học và cũng như bao đứa trẻ ở đây, đi ra ngoài chúng cũng chẳng dám nhận mình là người Khánh Sơn.
Chị bảo, nhiều khi đi nhặt rác về, nhìn thấy chúng ngồi học đeo khẩu trang, đi ngủ đeo khẩu trang, ăn cơm phải chui vô màn mà ứa nước mắt. Trước đây, thành phố Đà Nẵng cũng có hỗ trợ tiền nước cho bà con, nhưng cũng chỉ được 2, 3 năm rồi đột nhiên cắt, cũng chỉ thông báo cắt mà chẳng nói rõ lý do cho bà con.
“Nghe bảo là công ty gì đó ở bãi rác bố trí việc làm cho chúng tôi nên không hỗ trợ nữa. Nói thì nói vậy, việc làm thì không thấy, tiền nước thì cũng cắt, chế độ hỗ trợ nào cũng cắt. Nói chung là cuộc sống gần cái bãi rác ni, khổ không bút mực mô tả được”, chị Hiệp nói. Theo thống kê, có khoảng 2.700 người dân quanh khu vực này bị ảnh hưởng cuộc sống từ bãi rác, còn những người sống trực tiếp thì khổ đến mức “không bút mực mô tả được” như gia đình chị Hiệp cũng phải vài trăm người.
Người dân Khánh Sơn trước đây làm nông, cũng nuôi con lợn, con gà, làm ruộng như những vùng khác. Thế nhưng từ ngày bãi rác Khánh Sơn chuyển về đây, đất đai trở nên cằn cỗi, ruộng bỏ hoang, nuôi con gì chúng cũng còi cọc, lay lắt. Bà Nguyễn Thị Hằng ở tổ 170 kể, ngày trước trồng rau cũng có đồng ra đồng vào. Thế nhưng bây giờ ra chợ, ai hỏi rau này ở đâu, nói trồng ở Khánh Sơn là người ta bỏ đi mua chỗ khác liền. Bà bảo, họ nói đó là rau rác, ăn sao nổi...
Bãi rác Khánh Sơn có diện tích 38ha, hiện là bãi rác lớn nhất miền Trung. Theo thông tin từ ông Hà Văn Thái, Giám đốc Công ty Quản lý bãi và Xử lý chất thải bãi rác Khánh Sơn, rác của TP Đà Nẵng đều tập trung về đây, mỗi ngày khoảng 700 tấn. Đó là ngày thường, còn ngày lễ, tết có thể gấp ba lần, thậm chí đêm giao thừa còn lên đến 2.500 tấn. Cứ theo tốc độ thế này, đến năm 2018, là bãi rác Khánh Sơn hết chỗ chôn lấp và đóng cửa.
Hiện thành phố Đà Nẵng đã đạt ngưỡng dân số hơn 1 triệu người, chưa kể số lượng người di chuyển từ các địa phương khác, cộng thêm khách du lịch trong nước và quốc tế đến thành phố này hằng ngày là rất lớn. Và tất cả rác từ hơn 1 triệu con người này đều đổ về Khánh Sơn, trong khi công nghệ xử lý không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường. Liệu có bất công quá cho những con người nơi đây không?
Nói về căn nguyên của việc tại sao bãi rác lại đặt ở Khánh Sơn, ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu kể. Hồi ấy, ông còn là Chủ tịch xã Hòa Khánh, trực thuộc huyện Hòa Vang chứ chưa tách về quận Liên Chiểu như bây giờ. Một ngày, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng  Nguyễn Bá Thanh về địa phương, trao đổi việc chuyển bãi rác của thành phố từ quận trung tâm là Thanh Khê về đây vì đã tính hết cách rồi, không có chỗ nào khác cả.
Ông Thị kể tiếp, khi ấy ông cùng Đảng ủy xã đã tổ chức họp người dân lại nói, thôi nhận khó về mình, vì cái chung của thành phố. “Ban đầu người dân cũng phản ứng dữ lắm, nhưng chính quyền địa phương động viên nên họ chấp nhận. Thế rồi người dân nơi đây chịu đựng ô nhiễm vì cái chung của thành phố cũng đã 24 năm nay rồi”.
 Hồi giáp tết Ất Mùi 2015, tôi có gần trọn một ngày trên bãi rác khổng lồ Khánh Sơn chứng kiến công việc của những người nhặt rác nơi đây. Họ thật thà, chăm chỉ, nhưng nhiều nỗi niềm, sẵn sàng buông lời bực dọc khi thấy người lạ. Cũng dễ hiểu thôi, khi cuộc sống quá cơ cực, nhọc nhằn thì sức lực đâu để họ suy nghĩ về lời ăn, tiếng nói.
Chiếc xe máy vào số 2, ì ạch chở tôi và một anh cán bộ Công ty Quản lý bãi và Xử lý chất thải bãi rác Khánh Sơn bò qua con dốc cao lên đỉnh bãi rác. Đến gần đỉnh, mùi hôi thối xộc lên, không khí như đặc quánh, thứ nước rỉ đen thui sền sệt nhóp nhép, ngập nửa chiếc ủng. Đi qua một lán trại làm bằng bạt rách cả bốn phía, tôi thấy có người tranh thủ ngồi ăn sáng, có người ngồi phân loại chai lọ, có người tranh thủ ngả lưng trên tấm vải bạt cũ. Anh cán bộ bảo, họ đang chờ xe rác đến. Cũng chẳng ai buồn trò chuyện với người lạ, vì khi rảnh rỗi, họ tranh thủ nghỉ ngơi, còn khi làm việc thì mải mê cào bới.
Chọn một điểm cao, chọn góc máy, tôi lặng ghi hình cuộc mưu sinh của những con người cùng khổ này. Khi xe rác đến, từng tiếng hô nhau, xe đến rồi, xe đến rồi. Họ xách theo sọt, cào và đeo găng tay, mắt dõi theo xem xe rác đỗ chỗ nào. Khi cánh cửa thùng sau xe mở lên cao, hàng chục con người lao vào; người dùng cào ngắn, kẻ dùng cào dài đưa rác về sọt của mình và nhanh tay tranh thủ phân loại. Ầm ĩ cả một góc bãi.
Ồn ào, hối hả vậy thôi, nhưng nếu để ý sẽ thấy họ làm việc rất trật tự. Sọt xếp quanh xe, không chen lấn, ai đến trước có chỗ đẹp, ai chậm chân thì chịu khó ở xa, không tranh giành, không lời qua tiếng lại. Có lẽ ở một nơi khổ đến cùng cực, họ cũng chẳng tranh giành, hơn thua nhau làm gì cái chỗ lấy rác.
Một tiếng còi dài, lái xe như cố báo hiệu cho những người nhặt rác rằng xe đổ rác đã xong, xin tránh ra xa không sẽ nguy hiểm. Đoàn người lại lặng lẽ tản ra, rồi lại hợp vào, nhanh tay hốt lấy đống rác vừa đổ từ xe. Túi nilon bỏ sang một bên, đồ nhôm sắt bỏ sang một bên, chai lọ lỉnh kỉnh bỏ sang một bên... Cứ thế, họ phân loại rất thành thạo như một kỹ năng được định sẵn, hình thành qua nhiều năm tháng. Sự khẩn trương, nhanh nhẹn ấy quyết định nồi cơm của gia đình họ ngày hôm nay, là đầy hay vơi...

Những người nhặt rác ở đây đều khó nhọc cùng cực và trong họ đều nhiều nỗi niềm

Trò chuyện với những con người này thật khó, vì trong họ ai cũng có những nỗi niềm nặng trĩu. Khi tôi đưa máy ảnh lên, rất nhiều người không ủng hộ, “chụp cái chi mà chụp”, “có cho được cái chi không mà chụp”... Ở góc này bãi rác, hay ở góc kia bãi rác, đều là những lời kiểu như vậy. Sau cùng, một bà đứng tuổi khẽ khàng nói: “Con đừng chụp rõ mặt nghe con. Con gái cô học ở xa, nó xem báo mà thấy mẹ nó khổ cực thế này thì nó còn học sao nổi. Thương mẹ mà nó bỏ học thì cô biết mần răng”.
Đến lúc ấy tôi mới hiểu nỗi niềm và sự mặc cảm của họ. Anh cán bộ đi cùng tôi bảo, vậy thôi mà họ thật thà lắm, nhiều lần nhặt được sổ hộ khẩu, sổ đỏ, hay giấy tờ tùy thân, họ đều tìm đến tận nơi trả lại, mà cũng không đòi hỏi gì cả. Trong khi một ngày vất vả, họ chỉ được khoảng 150 nghìn đồng, ngày nào may mắn thì được hơn. Anh còn kể, có trường hợp đang cào bới còn nhặt được cả súng, lựu đạn và giao nộp ngay cho Cơ quan Công an.
Anh Hà Văn Thái, Giám đốc Công ty Quản lý Bãi và xử lý chất thải bãi rác Khánh Sơn bảo, bây giờ trên bãi rác có 311 người hằng ngày nhặt rác. Theo đúng quy định thì không cho nhặt rác trên bãi, nhưng thấy bà con nghèo quá nên chúng tôi bảo bà con làm đơn, hơn 300 cái đơn đang cất ở cơ quan, mà trong mỗi cái đơn ấy đều trình bày những cảnh đời khó nhọc.
Giữa trưa, xe rác vãn. Họ tranh thủ ăn, uống ngay trên bãi rác. Rồi tranh thủ ngả lưng, trên những tấm vải, tấm bạt cũ. Rồi những gánh rác đã phân loại được gánh đi, đôi vai oằn xuống, bởi ngoài gánh rác còn là cuộc sống của cả gia đình trên vai...
Con đường Hoàng Văn Thái là con đường dẫn lên Khu Du lịch Bà Nà tiên cảnh, một trong những nơi thu hút nhiều khách du lịch nhất thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng đoạn từ đầu đường Hoàng Văn Thái đến lối rẽ vào bãi rác Khánh Sơn cũng như các công ty tham gia xử lý, tần suất xe du lịch chạy cũng chỉ nhiều cỡ xe chở rác. Từng đoàn, từng đoàn xe chở rác ở đây ra vào cả ngày, chở rác từ khắp nơi trong thành phố về tập kết. Dù có thùng xe khép kín, nhưng xe rác đi đến đâu thì mùi hôi đến đó. Và nước rỉ rác chảy từng dòng khắp nơi trên mặt đường. 
Người dân ở đây bảo, chưa là chi mô, phải đến vào đầu buổi trưa, khi đoàn xe đến giờ vào bãi đổ, xếp hàng dài dằng dặc. Trong khi lúc chờ xe mình đến lượt, cánh lái xe đi uống cà phê, để mặc nước rỉ lênh láng trên đường. Cái chỗ nước rác rỉ xuống, đến ngày hôm sau ruồi vẫn còn bu.
Nhiều người nói, đây giống như một vùng đất chết ở Đà Nẵng. Khi theo thời gian, đã có nhiều công ty xử lý rác được đưa về đây. Chính Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh ngay chuyến vi hành đầu tiên cũng từng thừa nhận trong buổi thị sát mới đây tại bãi rác Khánh Sơn rằng: “Sức chịu đựng của con người cũng có giới hạn. Thành phố Đà Nẵng đang xây dựng là thành phố đáng sống, thành phố môi trường, ai đến cũng khen. Nhưng đó chỉ là ở trung tâm, mới thấy cái hào nhoáng thôi, họ đâu có biết ở Đà Nẵng có một vùng thế này, họ có đến Khánh Sơn đâu mà biết người dân phải chịu ô nhiễm”.
Hiện người dân vùng này phải chịu ảnh hưởng từ 5 nguồn là bãi chôn lấp rác Khánh Sơn của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng; khu vực xử lý nước thải bể phốt và nước rỉ bãi rác; hai lò đốt rác thải y tế và rác thải công nghiệp do Xí nghiệp Dịch vụ Môi trường số 2 vận hành; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn của Công ty CP Môi trường Việt Nam và Nhà máy Xử lý rác thải công nghiệp của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ môi trường Ánh Dương. Nói như một người dân nơi đây, ống khói xử lý rác càng nhiều, khói càng cao thì cuộc sống của chúng tôi càng ngắn lại...
Khổ quá thì phải kiến nghị, đòi quyền lợi. Thế nhưng, sau nhiều lần kiến nghị, chính quyền địa phương không thể giải quyết, các công ty không xử lý triệt để ô nhiễm và mùi hôi, sự ô nhiễm thì ngày càng nồng nặc. Cực chẳng đã, người dân nơi đây đã nhiều lần phải chặn đoàn xe rác, không cho vào trong bãi đổ, để mong một cuộc đối thoại giải quyết vấn đề ô nhiễm.
Mới đây nhất, ngày 21-10, hàng trăm người dân sống gần khu vực này đã đổ ra đường không cho xe chở rác vào bãi. Sau khi sự việc xảy ra, ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu và ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã có mặt tại khu vực bãi rác Khánh Sơn để đối thoại với người dân.
Qua trao đổi với người dân, ông Nguyễn Điểu cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây ra việc ô nhiễm tại bãi rác này. Chủ trương của thành phố Đà Nẵng là sẽ hạn chế xử lý bằng phương pháp chôn lấp rác, tiến tới sẽ không chôn lấp nữa nhưng việc này đòi hỏi phải cần thời gian. Vấn đề là bao lâu, khi mà cuộc sống của hàng ngàn con người nơi đây đang ngày ngày bị ảnh hưởng?
Buổi chiều cùng ngày, ông Nguyễn Điểu và các bên liên quan đã có cuộc kiểm tra và bàn bạc các phương án chấm dứt tình trạng ô nhiễm tại đây. Trong quy trình xử lý rác tại bãi rác Khánh Sơn, có nhiều đơn vị tham gia các công đoạn xử lý, chôn lấp rác, làm sạch mùi hôi, lọc nước... Khi đoàn kiểm tra khu vực bể lọc nước đã qua xử lý, nước vẫn còn màu nâu cánh gián, nổi bọt trắng từng mảng lớn.
Và để chứng minh nước sau khi xử lý đã được làm sạch, không còn ô nhiễm, một vị đại diện cho công ty chịu trách nhiệm xử lý nước rỉ rác đã múc nước ngay tại bể lọc để súc miệng và rửa mặt trước sự chứng kiến của nhiều người!? Người này cũng khẳng định, chỉ là màu thế thôi, chứ nước đã hoàn toàn sạch rồi, các chỉ số này kia đều đảm bảo. Nhưng nhìn từng dòng nước màu nâu, nổi bọt nổi váng, dù có súc miệng hay thậm chí uống, chắc cũng chẳng ai tin được là nó sạch.
Tiếp tục kiểm tra các quy trình khác, đoàn kiểm tra do ông Điểu dẫn đầu tiếp tục phát hiện nhiều điểm sai. Bãi chôn lấp rác không được thực hiện đúng quy trình vận hành, việc phun chế phẩm xử lý rác không hiệu quả, đốt rác gây nhiều khói đen ảnh hưởng đến khu vực xung quanh... Theo biên bản buổi làm việc, quy trình vận hành bãi rác Khánh Sơn chưa hợp lý tại các khu xử lý chất thải nguy hại, nước thải từ bãi bùn bể phốt xử lý nước và quy trình chôn lấp rác. Chứng kiến việc này, ông Điểu cũng yêu cầu xí nghiệp tăng cường phun chế phẩm từ 3 lên 4 lần mỗi ngày và phải phủ bạt toàn bộ rác tại các hộc xử lý.
Ngày 31/10, trong buổi đối thoại để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại đây, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, đã có 3 quyết định chỉ đạo thực hiện việc này. Và phải dứt khoát rằng, công ty nào xử lý được thì cho hoạt động, không thì phải tạm dừng. Đồng thời phải lập Tổ kiểm tra, giám sát thường xuyên, phải có đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến của người dân, để làm sao khoảng 5-7 năm nữa khi đóng cửa bãi rác Khánh Sơn, phải trả lại được môi trường trong sạch.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói, về chủ trương xem xét địa điểm, hình thức đầu tư để xây dựng trường mầm non, khu vui chơi, giải trí cho dân. Bên cạnh đó, đề nghị quận Liên Chiểu và các sở, ngành liên quan phải khảo sát, chuyển đổi ngành nghề cho người dân. Nhân đây, tôi cũng đề nghị HĐND thành phố đưa Khánh Sơn thành khu vực được quan tâm đặc biệt, công trình trọng điểm của thành phố trong năm 2016 để có điều giải quyết được triệt để các vấn đề liên quan.
Đó là những tín hiệu mừng, là những tin vui cho những con người khốn khổ nơi đây. Cũng mong điều này thành hiện thực, để không còn những ước mong đơn giản đến đau lòng như bà Nguyễn Thị Thành tổ 162 đã nói: “Thành phố thì thơm tho, hoa lệ đáng sống. Thế nhưng 24 năm qua, chúng tôi chỉ mong một hơi thở. Vậy mà khó quá”...
Thanh Hiếu









No comments: