Saturday, November 28, 2015

Hàng ngàn học sinh b ỏ học ở Tây Nguyên & Đồng Bằng Sông Cửu Long (Tuổi Trẻ Online)





NHÓM PV - CTV TÂY NGUYÊN  -   Tuổi Trẻ Online  
28/11/2015 11:10 GMT+7

TT - Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Chỉ đạo Tây nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), đến hết quý 3-2015, trong tổng số 1.185.000 học sinh phổ thông toàn vùng thì có khoảng 0,49% nghỉ học (hơn 5.800 học sinh).

Lý do bỏ học của học sinh là do nhà nghèo, ở xa trường, đi lại khó khăn, học lực kém...

Bỏ học đi hái cà phê

Cuối tháng 11-2015, chúng tôi ghé lớp 1A2 Trường tiểu học Ea Sol (huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk), cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thùy Dương chỉ vào các chỗ trống trong lớp rồi buồn bã nói: “Hôm nay có năm học sinh nghỉ học, theo bố mẹ lên nương rẫy hái cà phê”.
Tình trạng này không phải cá biệt tại lớp học của cô giáo Thùy Dương. Thầy Ngô Văn Bảy - hiệu trưởng Trường tiểu học Ea Sol - cho biết vào mùa thu hoạch cà phê, mỗi ngày toàn trường có hơn 10 em nghỉ học.

Em Nay Nhác (7 tuổi) do năm ngoái đã nghỉ suốt mấy tháng để đi hái cà phê nên hiện tại phải ở lại lớp 1 - Ảnh: Lĩnh Hồng

Lên rẫy, chúng tôi gặp một trong số các học sinh của cô Thùy Dương nghỉ học là em Nay Nhác (7 tuổi, trú tại xã Ea Sol, huyện Ea H’Leo) đang lúi húi hái cà phê. Đây là năm thứ hai Nay Nhác học lại lớp 1, năm trước vì nghỉ học quá nhiều trong mùa cà phê nên em bị lưu ban.

Về lý do nghỉ học của con trai, chị Nay Ngăm kể: “Nhà nghèo, chồng mình phải đi làm thuê cho người ta, nên Nhác phải ở nhà làm cùng mẹ. Có hôm mình cũng đi hái cà phê thuê, Nhác phải nghỉ học theo mình vào rẫy để trông em”.

Do đi làm nên nghỉ học nhiều, không theo kịp bài vở, nhiều học sinh đã phải bỏ học. Em Cao Gia Huy (15 tuổi, học sinh Trường THCS Chu Văn An, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng) là một trong số đó.
Huy cho biết mùa cà phê năm ngoái do nghỉ học đi hái cà phê, phụ hồ kiếm tiền, không còn theo kịp lớp nên em đã bỏ ngang khi đang học lớp 9. Huy là con trưởng trong gia đình có năm người con, vì vậy “em muốn kiếm tiền cho các em không nghỉ học giữa chừng như em” - Huy giãi bày.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, năm học 2014 - 2015 toàn tỉnh có 1.913 học sinh bỏ học. Số học sinh bỏ học tập trung nhiều nhất ở bậc THPT với 1.080 em, bậc tiểu học 507 em và THCS là 326 em.
Hơn 70% học sinh bỏ học là đồng bào dân tộc thiểu số. Sở GD-ĐT Đắk Lắk cũng đưa ra sáu nguyên nhân khiến học sinh bỏ học: có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn; học lực yếu kém; nhà xa trường, đi lại khó khăn; ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh; do kỳ thị và nguyên nhân khác.
Trong nhóm nguyên nhân khác, chiếm tỉ lệ cao nhất với 49%, theo ông Trương Thức - chánh văn phòng Sở GD-ĐT Đắk Lắk, là do nghiện game online, ham chơi quên học...

Trong năm học 2014 - 2015, tỉnh Đắk Nông cũng có hơn 700 học sinh bỏ học giữa chừng, riêng bậc THPT có 290 em. Trường THPT Gia Nghĩa - ngay trung tâm thị xã Gia Nghĩa - có đến 115 học sinh bỏ học trong năm học vừa qua, chủ yếu là học sinh khối 10.
Hầu hết số học sinh bỏ học do nhà ở xa trường, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em là lao động chính trong nhà. Bên cạnh đó, không ít em có học lực yếu, không hứng thú với việc học văn hóa, ham chơi, nghiện game...

Lập “ban chống lưu ban, bỏ học”

Để giảm tình trạng học sinh bỏ học, thầy Ngô Văn Bảy cho biết nhà trường phải cử các thầy cô giáo đến từng gia đình vận động phụ huynh cho con em tới lớp.
“Để giúp học sinh lấy lại kiến thức, các giáo viên luôn sẵn sàng dạy phụ đạo thêm cho các em để đủ điều kiện lên lớp. Với những học sinh thường xuyên trốn học đi mót cà phê kiếm tiền chơi game, các giáo viên chủ nhiệm sẽ quản lý chặt chẽ hơn” - thầy Bảy nói thêm.
Ông Trương Thức cho biết sở luôn đảm bảo “ba đủ” (đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở) để học sinh yên tâm đến trường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thịnh - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lắk (Đắk Lắk) - cho biết phòng đã có quyết định thành lập “ban chống lưu ban, bỏ học” cho năm học 2015 - 2016, vì huyện có gần 300 học sinh bỏ học mỗi năm, phần lớn do lưu ban rồi chán nản chuyện học.
Ông Thịnh cũng nói ban này được thành lập mỗi năm một lần, đã ba năm nay, với nhiệm vụ trọng tâm là duy trì sĩ số, chống lưu ban, bỏ học.

Theo ông Thịnh, ban sẽ kết hợp với giáo viên, nhà trường, hội phụ huynh, trưởng thôn... nắm vững số lượng, địa chỉ và lý do học sinh nghỉ học, để đến tận nơi vận động học sinh tiếp tục tới trường, tổ chức thường xuyên các buổi dạy phụ đạo cho học sinh học lực yếu.
“Huyện Lắk mỗi năm có khoảng 15.000 học sinh theo học tại các trường. Từ khi thành lập ban chống lưu ban, bỏ học vào năm 2013 đến nay, số học sinh bỏ học trên địa bàn huyện Lắk đã giảm từ 2% xuống còn 0,75%” - ông Thịnh nói.

Không nên “lý tưởng hóa” tỉ lệ học sinh đến trường
Nói về việc hàng ngàn học sinh bỏ học mỗi năm, lãnh đạo ngành giáo dục các tỉnh, Ban Chỉ đạo Tây nguyên cho rằng không nên “lý tưởng hóa” tỉ lệ học sinh đến trường. Ông Nguyễn Văn Hòa - phó giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông - cho rằng tổng số học sinh bỏ học của tỉnh Đắk Nông năm vừa qua là cao nhưng không đến mức báo động, những năm trước tỉ lệ bỏ học còn cao hơn.
Ngoài ra, có tình trạng học sinh sau khi vào học lớp 10 được vài tháng thì nghỉ học để đi học các trường trung cấp nghề (có dạy song song chương trình văn hóa), vì vậy tỉ lệ bỏ học ở cấp THPT cao.
“Ngành giáo dục địa phương rất tích cực trong việc ngăn chặn học sinh bỏ học từ cấp THCS trở xuống, vì các em còn quá nhỏ. Với những em đã lớn, nếu học không được thì chuyển sang học nghề, lao động nông nghiệp cũng là điều bình thường” - ông Hòa nói.
Ông Trương Thức cũng cho rằng nếu học sinh không học được thì nên cho các em nghỉ để đi làm nghề khác.
“Có em thích làm kỹ sư, bác sĩ nhưng có em lại thích cuốc đất, may vá, sửa xe... thì cần tôn trọng các em. Nếu cứ vì thành tích, bắt các em đi học cũng chẳng có hiệu quả gì. Dĩ nhiên, nếu tỉ lệ học sinh bỏ học năm nào đó quá cao, biến động thì phải có giải pháp để ngăn chặn” - ông Thức nêu ý kiến.
Một lãnh đạo Vụ văn hóa - xã hội Ban chỉ đạo Tây nguyên nêu suy nghĩ: “Không học văn hóa được thì kiếm nghề khác làm theo năng lực, sở thích cũng là việc bình thường”.

Bị “cò” dụ dỗ bỏ học, đi làm ăn xa
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2014 và 10 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có hơn 400 học sinh độ tuổi 9 - 15 bỏ học đi làm ăn xa. Theo gia đình các em, nhiều người từ xa đến dụ dỗ các em đi làm ăn xa để kiếm được nhiều tiền.

----------------------------------


NHÓM PV GIÁO DỤC  -  Tuổi Trẻ Online 
26/11/2015 13:53 GMT+7

TT - Phóng viên Tuổi Trẻ trở lại những địa bàn có nhiều học sinh bỏ học ở ĐBSCL tìm hiểu thực trạng nơi đây.

Nhiều trẻ em vùng ven biển của tỉnh Bạc Liêu hằng ngày phải theo cha mẹ mò nghêu mưu sinh nên không thể đến trường - Ảnh: Tiến Trình

Trong 100 phiếu khảo sát của Tuổi Trẻ tại các địa phương Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang thì có tới 75 trường hợp bỏ học vì gia đình khó khăn, 13 trường hợp không thích học, 6 trường hợp học không tiếp thu được, còn lại là các lý do bỏ học vì không có hộ khẩu, phải ở nhà giữ em...
Điều đáng nói là số em muốn học lại chưa tới một nửa (chỉ 40 phiếu), trong khi số không muốn học là 46!

Nghèo, không thích học

Tại huyện An Phú (An Giang) chúng tôi gặp khá nhiều trẻ em đi làm thuê, bán vé số dạo hoặc lông nhông ngoài đường, tất cả đều bỏ học sớm. Trong một số quán cà phê sân vườn, quán ăn lớn ở thị trấn có hàng chục thiếu niên làm chân chạy bàn, bưng bê. Các em đều cho biết do gia đình nghèo nên học xong lớp 9 thì nghỉ, đi làm kiếm tiền phụ tiếp cha mẹ.
“Có muốn học tiếp rồi học lên đại học cũng không được bởi cha mẹ nghèo sao mà lo nổi” - em Huỳnh Văn Toàn chia sẻ.

Nhiều em khác kể cha mẹ mình hồi xưa cũng ít học, thậm chí không biết chữ nên chẳng ai quan tâm việc học hành của con cái, cứ để con cái đi học kiểu được chăng hay chớ. Trong khi bạn bè đi học thêm hay nhờ cha mẹ dạy kèm mới hiểu bài, còn các em học không biết nhờ ai kèm cặp, cũng không có tiền đi học thêm nên lâu ngày... bị đuối, không theo kịp chương trình.
“Càng học lâu càng không hiểu, đầu óc rối tung nên chán rồi bỏ học luôn” - cậu bé Nguyễn Văn Thành vô tư kể.

Ông Lê Văn Hậu, trưởng Phòng GD-ĐT huyện An Phú, cho biết phần lớn học sinh bỏ học đều có gia cảnh khó khăn, cha mẹ làm thuê làm mướn qua ngày, nhiều em bị buộc đi theo phụ giúp gia đình.
“Những hộ bỏ lên TP.HCM, miền Đông kiếm sống đều dắt con cái theo phụ chuyện mưu sinh hoặc cho con nghỉ học ở nhà trông nhà cửa, trông em nhỏ, người già. Từ đó một số em sớm đi làm thuê, bán vé số kiếm thêm thu nhập nên không thể đi học trở lại” - ông Hậu nói.

Tại Bạc Liêu, tình hình cũng tương tự. Khảo sát một số xã ven biển như Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu), Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) thì đa số trường hợp học sinh bỏ học cũng có nguyên nhân gia đình nghèo, đông con; một số ít em không thích học hoặc đường sá đi lại không thuận tiện khiến các em học “bữa đực bữa cái”.

Ông Nguyễn Kiên Nhẫn, chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, kể có lần ông đến một ấp của xã Vĩnh Hậu - nơi có hơn 30 học sinh tiểu học nhưng giờ chỉ 5 - 6 em đi học, còn lại đều ở nhà. Đường đến trường của những học sinh này rất xa, đi xe ôm cũng mất vài chục nghìn đồng nên việc đi học không đều, đa số các em phải theo cha mẹ mưu sinh.

Thầy K., giáo viên dạy văn lớp 12 ở huyện An Minh (Kiên Giang), chia sẻ mấy năm gần đây đời sống kinh tế của người dân địa phương phát triển khá nên chuyện học sinh bỏ học vì hoàn cảnh nghèo rất hiếm. Tuy nhiên, việc học sinh đang học nhưng vì ham chơi, đua đòi, sức học sa sút dẫn tới tâm lý chán học rồi trốn học và sau cùng là bỏ học, vào đời sớm là điều đáng lo ngại tại địa phương này.

Giải pháp có, bỏ học vẫn cao

Ông La Công Tâm, giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, cho biết mấy năm qua các địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, song song đó là tuyên truyền tầm quan trọng của sự học, đẩy mạnh phong trào khuyến học rộng khắp.
Các giáo viên phải thường xuyên theo dõi nắm số học sinh có nguy cơ bỏ học để động viên giúp đỡ kịp thời, cũng như báo cho địa phương tạo điều kiện hỗ trợ các em an tâm đi học. Dù vậy tỉ lệ học sinh bỏ học tại tỉnh này vẫn còn cao, đặc biệt ở bậc trung học.

Ông Trác Văn Đây, phó giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu, cũng cho biết nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác khuyến học, phụ huynh đã có sự quan tâm hơn đối với việc học hành của con em mình... nên tỉ lệ học sinh bỏ học năm sau thấp hơn năm trước. Tuy nhiên cũng như An Giang, số lượng học sinh bỏ học ở Bạc Liêu vẫn còn khá cao.

Tương tự, ông Ninh Thành Viên - phó giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang - cho biết tỉ lệ học sinh bỏ học của địa phương này tuy còn cao nhưng giảm dần qua từng năm. Cụ thể, năm học 2013 - 2014 tỉ lệ học sinh bỏ học ở bậc trung học cơ sở là 2,9%, trung học phổ thông 4,1%. Sang năm học 2014 - 2015, tỉ lệ này giảm xuống lần lượt là 2,68% và 3,92%.
“Song nói gì thì nói, quan trọng nhất vẫn là vai trò của nhà trường. Chúng tôi giao nhiệm vụ cho từng giáo viên chủ nhiệm phải theo sát tâm tư, tình cảm, nắm rõ hoàn cảnh cụ thể của những học sinh có nguy cơ bỏ học cao. Kinh nghiệm thực tế cho thấy nhiều lúc chỉ cần một lời động viên ân cần của thầy cô, bạn bè là học sinh bỏ học đã trở lại lớp” - ông Viên nói.

ĐBSCL có gần nửa triệu người mù chữ
Ông Nguyễn Công Hinh, vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT), cho biết theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tổng kết năm học 2014 - 2015, cả nước vẫn còn hơn 1,3 triệu người mù chữ (độ tuổi 15 - 60), trong khi đó ĐBSCL có gần 490.000 người mù chữ (chiếm khoảng 1/3 cả nước). Số lượng người đồng bào dân tộc thiểu số mù chữ ở ĐBSCL là gần 63.000 người.
Ông Hinh nêu một số lý do khiến tỉ lệ mù chữ ở ĐBSCL còn cao như: địa bàn rộng, tập quán người dân sống theo hai bờ kênh rạch, không tập trung thành tuyến dân cư; một số địa bàn vùng sâu đi lại còn nhiều khó khăn nên huy động trẻ đúng độ tuổi đến trường và vận động trẻ bỏ học trở lại lớp rất khó khăn; nhiều người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lao động vất vả nên không có điều kiện học; số người học xóa mù chữ huy động được ít, khó mở lớp...
Tiến Trình ghi

Sẽ đề nghị Bộ GD-ĐT cùng vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh
Sáng 25-11, tôi đã xem bài báo “Xóa mù chữ... trên giấy” đăng trên Tuổi Trẻ. Bài báo nêu khá kỹ chuyện ngành giáo dục báo cáo không trung thực, có hiện tượng chạy theo thành tích trong công tác xóa mù chữ ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Tôi cho rằng tình trạng này rất đáng lo ngại, không chỉ diễn ra ở Sóc Trăng mà có thể còn nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL cũng có chuyện tương tự.
Sắp tới, chúng tôi sẽ yêu cầu chính quyền địa phương và ngành giáo dục các tỉnh rà soát báo cáo tình hình phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. Đồng thời, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ có văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT cùng phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình phổ cập giáo dục - xóa mù chữ ở các địa phương. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có báo cáo đề xuất Chính phủ và xin chủ trương chấn chỉnh, giải quyết vấn đề này.
Ông Nguyễn Quốc Việt (phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ) 
H.T.Dũng ghi





No comments: