Sunday, January 12, 2025

NGHỊ ĐỊNH 168 : TÍNH TOÁN SAI LÀM CỦA ÔNG TÔ LÂM (Trung Khang / RFA)

 



Nghị định 168: Tính toán sai lầm của ông Tô Lâm

Trung Khang
2025.01.11

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/to-lam-nghi-dinh-168-phat-giao-thong-moi-nhat-01112025084915.html

 

Nghị định 168 (ban hành vào ngày 26 tháng 12) và Nghị định 176 (ban hành vào ngày 30 tháng 12) cùng có hiệu lực ngày 1/1/2025, với mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành luật pháp… đến nay đã có tác dụng ngược, khi tạo ra ùn tắc kéo dài, và gây phẫn nộ trong dân chúng vì hàng loạt bất cập.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/to-lam-nghi-dinh-168-phat-giao-thong-moi-nhat-01112025084915.html/@@images/3cc53be9-76ee-4a86-8a44-c9ee2d735116.jpeg

Tổng Bí thư Tô Lâm    (REUTERS)

 

Vai trò của ông Tô Lâm trong việc ra Nghị định 168 

 

“Vai trò của Tổng Bí thư lớn nhất nước, nếu không có sự đồng ý của ông Tô Lâm thì không thể có nghị định 168 đó. Còn về mặt thời gian, ra một quy định gấp rút áp dụng như vậy, điều đó thể hiện vai trò đảng lãnh đạo tuyệt đối và đó là sự lãnh đạo độc tài toàn trị.” - Cựu đại úy công an Nguyễn Doãn Tú bình luận với RFA.

 

Trong hệ thống bộ máy chính quyền Việt Nam hiện nay, Quốc hội, tuy là cơ quan lập pháp, nhưng lại không thực hiện vai trò chính của mình là soạn thảo luật. Thay vào đó, các quyết sách quan trọng đều do Bộ Chính trị chỉ đạo, sau đó việc soạn thảo luật pháp do các bộ-ngành đảm nhiệm, rồi Quốc hội hay Chính phủ sẽ thông qua theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Một ví dụ dễ thấy nhất là vào năm 2018, khi Quốc hội Việt Nam thảo luận về Luật đặc khu, Chủ tịch Quốc hội khi đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, phải ra luật chứ không không thể không ra luật.”

 

Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay gồm 14 người, do Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu sau khi ông được bầu nắm giữ vai trò người đứng đầu Đảng vào ngày 3 tháng 8 năm 2024.

 

Nghị định 168, vốn được đề nghị và chắp bút bởi Bộ Công an, sau đó trình Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký phê chuẩn vào ngày 26/12/2024, và được áp dụng chỉ vỏn vẹn vài ngày sau đó.

 

Với tác động to lớn về mặt kinh tế, chính trị, và xã hội, Nghị định 168 rất có khả năng đã được Bộ Chính trị, và người đứng đầu là ông Tô Lâm, phê duyệt.

“Có thể các vị cấp cao can thiệp, hay Bộ chính trị, Trung ương đảng… thì tôi nghĩ đó là nằm ngoài quy trình thông thường. Nếu thấy sai trái hay chưa phù hợp thì có lẽ trong trường hợp này, tiếng nói của một người được coi là cấp cao nhất trong hệ thống chính trị sẽ rất quan trọng. Ông Tô Lâm mà không đồng ý, thì có lẽ các cơ quan hay các cá nhân khác không thể nào mà bỏ qua chỉ đạo và khuyến cáo của ông Tô Lâm được.” Cựu trung tá công an Vũ Minh Trí giải thích với RFA về vai trò của vị Tổng Bí thư xung quanh việc ra Nghị định 168.

 

Đồng tình với hai vị cựu sĩ quan công an, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, cũng cho rằng với tư cách là người đứng đầu, nên “chắc chắn ông Tô Lâm ít nhất phải được tham vấn, nếu không muốn nói là người đưa ra quyết định cho nghị định 168 này.”

 

-------------------------------

Nghị định 168: Những hệ quả tai hại

Nghị định 168: Luật sư chỉ ra những điều bất hợp lý

Người dân: Mức phạt theo Nghị định 168 là “bóc lột”

Nghị định 168 có hiệu lực chỉ năm ngày sau khi ban hành: gấp gáp như phục kích người dân

------------------------------

 

 

Ông Tô Lâm lợi gì khi cho Bộ Công an ban bố Nghị định 168?

 

Bộ Công an là cơ quan trình Chính phủ Nghị định 168. Người chịu trách nhiệm đứng đầu Bộ này là Bộ trưởng Lương Tam Quang, là người cùng quê Hưng Yên, và được cho là thân tín của ông Tô Lâm.

 

Cũng chính ông Tô Lâm vào ngày 20/10/2024 đã thăng cấp đại tướng cho Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang.

 

Bộ Công an cũng chính là công cụ được ông Tô Lâm sử dụng để hạ bệ nhiều đối thủ chính trị, mở đường lên nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư.

 

Nghị định 168 với mức phạt cao gấp hàng chục lần so với trước, cộng với việc phần lớn tiền phạt sẽ được phân bổ cho ngành công an, đây rõ ràng sẽ đem đến nguồn lợi khổng lồ cho Bộ Công an.

 

“Ai cũng thấy là một nghị định như vậy nó sẽ giúp gia tăng thu nhập cho những cá nhân của Bộ Công an. Sự gia tăng thu nhập sẽ đến từ hai nguồn. Nếu người dân đóng tiền phạt, đa số tiền phạt này sẽ ở lại Bộ Công an. Ngược lại, nếu người dân chịu chung chi cho công an thì mức chung chi cũng phải tăng lên.”- Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định.

 

Theo Tiến sĩ Vũ, khi đồng ý cho Bộ Công an ban bố điều này, ông Tô Lâm thực hiện một hành động như thể ông đang giúp tăng thêm thu nhập cho các cá nhân trong Bộ Công an.

“Thông qua một hành động như vậy, ông Tô Lâm muốn lấy lòng Bộ Công an và muốn dùng Bộ Công an như một đồng minh chính trị của mình. Trong kỷ nguyên của Tô Lâm, công an lúc này là cánh tay quyền lực nhằm duy trì trật tự xã hội.”- Ông Vũ nói thêm.

 

Chỉ tính riêng Hà Nội, sau một tuần áp dụng Nghị định 168, địa phương này đã phạt 14 tỷ đồng vi phạm giao thông. Nếu tính chung cả nước, số tiền Bộ Công an thu về là không hề nhỏ, chưa kể những khoản chung chi mà cảnh sát giao thông bỏ túi riêng.

 

Điều này, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, sẽ củng cố lòng trung thành của Bộ Công an đối với ông Tô Lâm.

 

Trong bối cảnh Đại hội 14 của đảng Cộng sản Việt Nam chỉ còn một năm nữa sẽ diễn ra, và ông Tô Lâm được cho là đang nuôi tham vọng tiếp tục ở lại ngôi vị Tổng Bí thư. Rõ ràng, việc nắm chắc Bộ Công an trong tay, sẽ giúp tham vọng của chính trị gia quê Hưng Yên dễ thực hiện hơn rất nhiều.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/to-lam-nghi-dinh-168-phat-giao-thong-moi-nhat-01112025084915.html/000_36t86gm.jpg/@@images/e1151e0c-0332-4ca9-80a3-b29630b1eaa1.jpeg

Các phương tiện dừng đèn đỏ tại một ngã tư ở Hà Nội vào ngày 8 tháng 1 năm 2025. Nhac NGUYEN / AFP.

 

Nghị định 168 ảnh hưởng thế nào đến uy tín chính trị của ông Tô Lâm?

 

Chỉ sau 10 ngày Nghị định 168 có hiệu lực, làn sóng phẫn nộ đã xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều người đã bày tỏ sự phẫn nộ vì những bất cập do nghị định này mang lại.

 

Việc ban hành và thực thi Nghị định 168 một cách vội vã cho thấy sự thiếu phán đoán trên nhiều mặt.

 

Giáo sư Carl Thayer ở Đại học UNSW Canberra khi trả lời RFA cho rằng, chính phủ nên tiến hành một chiến dịch thông tin rộng rãi cho cả các cấp có thẩm quyền được giao nhiệm vụ thực thi Nghị định và công chúng nói chung.

 

“Rõ ràng là một số điều khoản của Nghị định 168 yêu cầu phải cải thiện cơ sở hạ tầng an toàn giao thông trước, chẳng hạn như đèn đỏ hoạt động bình thường.” - Giáo sư Carl Thayer cho biết đã không có sự chuẩn bị tốt trước khi ban hành Nghị định 168.

 

Các khoản tiền phạt được quy định trong Nghị định 168 rất nghiêm khắc. Nhiều người vi phạm sẽ không thể trả các khoản tiền phạt này. Phúc lợi xã hội của toàn bộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, nếu một người làm chủ kinh tế gia đình bị phạt.

 

“Tổng Bí thư Tô Lâm, theo cách diễn đạt của người Mỹ, là “where the buck stops”, có nghĩa ông phải chịu trách nhiệm hoàn toàn vì ông là người có thẩm quyền tối cao.”- Giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh.

 

Theo Ông Carl Thayer, nếu sự hỗn loạn hàng loạt xảy ra trong những tuần tới và nếu công chúng phẫn nộ, ông Tô Lâm sẽ phải vào cuộc và ra lệnh đình chỉ Nghị định.

 

Tổng Bí thư Tô Lâm mới lên nắm quyền và còn đang tìm cách xóa bỏ hình ảnh Nguyễn Phú Trọng. Vậy mà đã khiến dân chúng phẫn nộ vì Nghị định 168. Nếu mọi việc diễn ra như Giáo sư Carl Thayer dự đoán, trong khi Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14 chỉ còn 1 năm nữa sẽ diễn ra, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ông Tô Lâm.

 

“Việc này nó cho thấy một điều mà nhiều người, trong đó có tôi, đã nhận định từ rất lâu đó là Tô Lâm, với kinh nghiệm của một công an chuyên bắt bớ và đàn áp, không thể dẫn dắt quốc gia và xã hội.” - Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói.

 

Theo Tiến sĩ Vũ, Tổng Bí thư Tô Lâm không những không có kinh nghiệm mà hơn nữa còn không có kiến thức cần thiết để quản trị quốc gia.

 

“Những hô hào kỉ nguyên mới sẽ sớm tắt lịm vì người dân sẽ từ từ nhận ra những chính sách do Tô Lâm đưa ra cuối cùng sẽ gây hại cho đất nước nhiều hơn là đem lại bất cứ lợi ích gì.” – Ông Vũ cho biết thêm.

 

Ông Vũ cho rằng, cuối cùng thì những người trong đảng Cộng sản cũng sẽ nhận ra Tô Lâm không có khả năng dẫn dắt quốc gia và cần phải thay thế. Vấn đề theo ông Vũ, là thay thế ai vì đảng Cộng sản không còn người lãnh đạo có khả năng nữa.

 

------------------------

LIÊN QUAN

 

Nghị định 168: Những hệ quả tai hại

 

Nghị định 168: Tác hại của việc cơ quan hành pháp soạn thảo luật

 

Nghị định 168: Tính toán sai lầm của ông Tô Lâm







No comments: