NGOẠI
TRƯỞNG MỸ : THẾ GIỚI KHÔNG NÊN “PHÍ THỜI GIAN” QUAN TÂM TỚI ĐIỀU TRUMP NÓI VỀ
GROENLAND
NỘI DUNG :
Kềm
tỏa Trung Quốc và Nga, mục tiêu của Mỹ trong kế hoạch thôn tính Groenland
Thanh Hà - RFI
Những
tham vọng « đế quốc » của Donald Trump
Phan
Minh - RFI
Đòi
thâu tóm từ Groenland đến Canada, Trump khuynh đảo các đồng minh châu Âu
Thanh Hà - RFI
Ngoại
trưởng Mỹ : Thế giới không nên “phí thời gian” quan tâm tới điều Trump nói về
Groenland
Minh Phương - RFI
====================================================
Kềm
tỏa Trung Quốc và Nga, mục tiêu của Mỹ trong kế hoạch thôn tính Groenland
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 10/01/2025 - 12:49 - Sửa đổi ngày: 10/01/2025 - 15:06
Với một vị trí chiến lược và nhiều tài
nguyên, Groenland, thuộc chủ quyền của Đan Mạch, liệu có sẽ trở thành nạn nhân
trong cuộc tranh hùng giữa ba đại cường Mỹ, Trung Quốc và Nga ? Để phong
tỏa Nga và kềm hãm những tham vọng của Trung Quốc, Donald Trump muốn thôn tính
Groenland. Đây là một tính toán khôn ngoan hay là một nước cờ mạo hiểm của Hoa
Kỳ ?
HÌNH :
Băng tảng trong vùng Groenland, Bắc
Băng Dương. Ảnh do cơ quan NASA cung cấp, chụp ngày 14/08/2019. AP - Mstyslav
Chernov
Trump : « Make Groenland Great
Again »
Từ nhiều tuần qua, đảo Groenland trở thành
tâm điểm của làng báo quốc tế kể từ khi tổng thống đắc cử Hoa Kỳ nhắc đến. Đúng
ngày con trai ông Trump đặt chân đến Groenland hôm 07/01/2025, tổng thống Mỹ thứ
47 tương lai viết trên mạng xã hội cá nhân « nếu và một khi trở
thành một phần lãnh thổ của Hoa Kỳ » Groenland sẽ được Mỹ « che
chở ». Ông không loại trừ khả năng dùng biện
pháp « đánh thuế thương mại và cả sức mạnh quân sự » nếu cần,
để thâu tóm hòn đảo này.
Ông Trump khẳng định, vì « nhu cầu
tuyệt đối bảo vệ an ninh kinh tế quốc gia và quyền tự do lưu thông cho thế
giới », Washington « cần kiểm soát
Groenland ».
Vì sao hòn đảo lớn gấp 4 lần nước Pháp mà 80
% diện tích bị vùi trong băng tuyết, nằm giữa Bắc Băng Dương và khu Bắc Đại Tây
Dương này lại « lọt vào mắt xanh » của ông
Trump ?
Một vị trí chiến lược trên bản đồ thế
giới
Có ít nhất ba lý do khiến ông Trump muốn « chiếm
đoạt » Groenland. Đầu tiên là vị trí địa lý chiến lược của hòn đảo
lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Úc.
Groenland gần với châu Mỹ hơn châu Âu, với
chưa đầy 60.000 dân cư trên một diện tích hơn 2,2 triệu cây số vuông. Nằm giữa
Bắc Mỹ và châu Âu, Groenland luôn là « một cửa ngõ chiến lược cho
các tuyến hàng không và hàng hải xuyên Đại Tây Dương ».
Với hiện tượng tan băng, viễn cảnh giao
thương hàng hải ở Bắc Băng Dương càng lúc càng mang tính chiến lược cả về mặt
kinh tế lẫn quân sự, nhất là nhiều tuyến đường mới sẽ nối Châu Á với Châu Âu
qua ngõ Bắc Cực.
Trung Quốc trong nhiều thập niên qua đã tìm
cách mở rộng ảnh hưởng trong khu vực này với « quy chế quan sát
viên Hội Đồng Bắc Cực » năm 2013. Năm năm sau đó, Bắc Kinh công bố
Sách trắng về « Chính sách Bắc Cực », mở rộng chiến
lược Con Đường Tơ Lụa đến vùng băng giá và rất xa xôi này với Hoa Lục.
Chiếm đoạt tài nguyên để « thoát
Trung »
Thứ hai, Mỹ quan tâm đến vùng lãnh thổ tự trị
của Đan Mạch bởi Groenland là một vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên còn chưa
được khai thác.
Đất hiếm, uranium, đồng, dầu hỏa, khí đốt ...
: Groenland đang giấu kín những tài nguyên vô cùng to lớn và nhất là những
« kim loại hiếm » mà cả thế giới đang rất cần để phát triển công nghệ
số, để chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Vào lúc thế giới phụ thuộc đến 80-90 % đất hiếm
do Trung Quốc sản xuất và xuất khẩu để phục vụ các ngành công nghiệp từ
smartphone đến xe điện, từ tên lửa, xe tăng đến tàu ngầm, hay những cánh quạt sản
xuất năng lượng gió, thì chỉ một mình đảo Groenland nắm giữ đến « 20
% trữ lượng đất hiếm toàn cầu ».
Vùng đất tự trị của Đan Mạch này như vậy
là « cơ hội bằng vàng » để Mỹ thoát khỏi sự « thống
trị của Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược ».
Theo một nghiên cứu của Liên Hiệp Châu Âu,
Groenland đang nắm giữ « 25 trong số 34 kim loại hiếm » mà
Bruxelles coi là mang tính sống còn đối với tương lai khối này. Chuyên gia về địa
chính trị thuộc cơ quan tư vấn Europa được hãng tin Pháp AFP trích dẫn quả quyết :
Mỹ muốn « chiếm đoạt Groenland để ngăn chận Trung Quốc vơ vét
tài nguyên và nhất là kim loại hiếm » của hòn đảo này, cho dù hiện
tại mới chỉ có hai khu vực khai thác đã hoạt động ở Groenland. Đó là một mỏ hồng
ngọc và một mỏ anorthosite, một kim loại giàu chất titan.
Tầm mức chiến lược quân sự
Vị trí quân sự chiến lược là động lực thứ ba
khiến tổng thống Donald Trump ngay từ nhiệm kỳ đầu (2017-2021) đã đòi « mua
lại » Groenland của Đan Mạch.
Trong bối cảnh Mỹ cần khẳng định vị trí đầu
tàu thế giới, trước hai đối thủ nguy hiểm nhất là Trung Quốc và Nga, nhiều
chuyên gia quân sự Hoa Kỳ khẳng định, trong trường hợp xảy ra chiến tranh với
Nga « Groenland là đường chim bay ngắn nhất để phóng tên lửa về
phía đối phương ».
Ngược thời gian, từ năm 1941, trong Thế Chiến
Thứ Hai, vào lúc mà Đan Mạch bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, Mỹ đã hiện diện ở
Groenland, đóng tại căn cứ quân sự Thulé, nay đổi tên là căn cứ không quân
Pituffik ở phía tây bắc hòn đảo. Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Groenland lại
càng « có giá » trong mắt của Hoa Kỳ : Mỹ trang
bị hệ thống radar cho phép phát hiện tên lửa đạn đạo liên lục địa và cả một hệ
thống giám sát không phận toàn khu vực.
Trước Donald Trump, hai tổng thống Franklin
Roosevelt và Harry Truman đã từng quan tâm đến Groenland. Hòn đảo đặt dưới quyền
quản lý của vương quốc Đan Mạch từ năm 1814 và ngay từ khi đó Mỹ đã « nhòm
ngó » đến vùng đất băng tuyết này. Năm 1946, Harry Truman đề nghị
mua lại Groenland với giá 100 triệu đô la.
« Đảo Groenland thuộc về người
Groenland »
Từ năm 1953, Groenland chính thức « gia
nhập » vương quốc Đan Mạch, được công nhận là một vùng tự trị từ năm 1979.
Chính sách đối ngoại và an ninh của hòn đảo này đặt dưới quyền kiểm soát của
Copenhagen. Đứng đầu Groenland là một vị thủ hiến và hòn đảo này có nghị viện
riêng. Tháng 4/2025 Groenland tổ chức bầu lại nghị viện và vị thủ hiến đương
nhiệm có khuynh hướng đòi « ly khai » với chính quyền trung ương ở
Copenhagen.
Năm 2019, Copenhagen một lần nữa lại khước từ
nhã ý của Washington, dưới thời chính quyền Trump, muốn mua lại Groenland. Lần
này, thủ tướng Đan Mạch Metter Frederiksen tuyên bố thẳng thừng : « Groenland
không là món hàng để bán ».
Tuy nhiên, xét về mặt địa lý và lịch sử giới
trong ngành cho rằng Washington có một số cơ sở để xem Groenland thuộc về châu
Mỹ. Tính theo đường chim bay, Nukk, thủ phủ Groenland, « gần
với New York hơn là Copenhagen ». Từ thế kỷ XVIII, nhà tư tưởng
Guillaume Thomas François Raynal đã giải thích, Groenland chỉ cách Bắc Mỹ có một
vùng biển nhỏ, Biển Baffin, trong lúc giữa Groenland với châu Âu là cả « một
đại dương ».
Trục Bắc Kinh Matxcơva trong tầm ngắm
Ở thế kỷ 21 và thời đại công nghệ kỹ thuật số,
Mỹ quan tâm đến Groenland do hòn đảo này là một « kho tàng » đất hiếm,
một lĩnh vực mà hiện tại đang bị đặt trong tay Trung Quốc. Không có đất hiếm,
hãng xe điện Tesla của Elon Musk không thể phát triển. Nhưng không chỉ có thế.
Theo nhà nghiên cứu Elizabeth Buchanan, Viện
Chiến Lược Chính Trị của Úc ASPI được báo tài chính Nhật Bản Nikkei Asia trích
dẫn, Bắc Kinh muốn chen chân vào Groenland không chỉ vì những tuyến giao thông
đường biển sắp mở ra ở Bắc Băng Dương. Báo cáo của bộ Quốc Phòng Đan Mạch công
bố giữa tháng 12/2024 nhấn mạnh Trung Quốc chiếm lợi thế trong khu vực này
do « liên hệ chặt chẽ với Nga » và có nhiều khả năng
Bắc Kinh lợi dụng lá bài này để đẩy mạnh các nước cờ ở Bắc Cực, kể cả và chủ yếu
là mục tiêu « tăng cường hiện diện quân sự (…) « Bắc Cực
mang tính chiến lược rất quan trọng về phương diện quân sự, do đây là nơi tàu
ngầm nguyên tử có thể ẩn nấp trong trường hợp xảy ra xung đột liên quan đến một
phần Bắc Mỹ, Châu Âu và Nga ».
Vẫn theo bộ Quốc Phòng Đan Mạch, chính vì tầm
mức chiến lược quân sự đó mà trong một thời gian rất dài, Matxcơva đã « do
dự để cho các quốc gia không liên quan đến Bắc Cực can dự (…) Nhưng trong bối cảnh
chiến tranh Ukraina, Nga phụ thuộc vào Trung Quốc, nên càng lúc càng phải chấp
nhận một số đòi hỏi của Bắc Kinh ».
Những
tham vọng « đế quốc » của Donald Trump
Phan
Minh - RFI
Đăng ngày: 10/01/2025 - 14:00 - Sửa
đổi ngày: 10/01/2025 - 14:55
Tổng thống tân cử Donald Trump « lăm
le » mở rộng lãnh thổ Hoa Kỳ, hỏa hoạn tại bang California là những
chủ đề được các tờ báo Pháp khai thác sâu hôm nay, 10/01/2025.
HÌNH :
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump họp
báo tại Mar-a-Lago ở Palm Beach, bang Florida, Hoa Kỳ, ngày 07/01/2025. AP -
Evan Vucci
Trang nhất của tờ Le Figaro quan tâm đến việc
Donald Trump bày tỏ tham vọng mở rộng lãnh thổ Hoa Kỳ, đưa ra một số ý tưởng
gây tranh cãi trong cuộc họp báo tại Mar-a-Lago. Trong số các ý tưởng này, ông
đã đề xuất sáp nhập Canada làm bang thứ 51 của Hoa Kỳ. Tổng thống đắc cử cũng
tái khẳng định mong muốn mua lại Groenland, vùng lãnh thổ có vị trí chiến lược
của Đan Mạch, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khu vực này đối với an ninh quốc
gia Hoa Kỳ. Donald Trump thậm chí còn tính đến khả năng giành lại quyền kiểm
soát kênh đào Panama, do mối đe dọa từ sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc
trong khu vực. Kênh đào này được Washington tiếp quản vào đầu thế kỷ XX và chuyển
giao cho Panama vào năm 1999.
Nhật báo thiên hữu nhận định những tuyên bố của
Donald Trump khiến giới phân tích vừa ngạc nhiên vừa bối rối. Một số chuyên gia
cho rằng đây là một chiến thuật đàm phán, trong khi một số khác nhận định đây
là cách nhà tỷ phú thu hút sự chú ý của truyền thông. Tuy nhiên, Le Figaro nhấn
mạnh những tuyên bố của Donald Trump phản ánh một quan điểm cá nhân về thế giới,
với sức mạnh, lợi ích quốc gia và sự thống trị địa chính trị phớt lờ các chuẩn
mực ngoại giao.
Donald Trump dường như muốn hồi sinh một kiểu « chính
sách áp đặt quyền lực » mà ông coi là đặc trưng của Hoa Kỳ từ thế
kỷ XIX, khi Washington mở rộng lãnh thổ từ bờ Đại Tây Dương sang Thái Bình
Dương. Với logic này, Groenland có tầm quan trọng chiến lược với vị trí địa lý
đi kèm với tài nguyên thiên nhiên, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nga
và Trung Quốc ngày càng quan tâm đến Bắc Cực. Trump cũng nhấn mạnh Groenland sẽ
trở thành một tài sản quý giá cho quốc phòng và an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Trong khi đó, kênh đào Panama là một khu vực
nhạy cảm do sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực, với những khoản
đầu tư lớn vào các cảng ở hai đầu kênh đào. Donald Trump đã bày tỏ sự bất mãn đối
với sự hiện diện của Bắc Kinh và bày tỏ mong muốn tiếp quản lại tuyến đường chiến
lược này. Về việc sáp nhập Canada, mặc dù những tuyên bố của Donald Trump ban đầu
có thể hiểu như một câu đùa với thủ tướng Justin Trudeau, nhà tỷ phú dường như
đang thực sự xem xét khả năng này, chủ yếu do mối quan hệ kinh tế và quân sự chặt
chẽ giữa hai quốc gia.
Quảng cáo
Groenland : Phản ứng của Đan Mạch sau
tuyên bố của Trump
Nhật báo Le Monde trên trang nhất ghi nhận
chuyến thăm Groenland của Donald Trump Junior hôm 07/01 chỉ kéo dài vỏn vẹn 5
tiếng đồng hồ, nhưng thu hút sự chú ý đặc biệt. Lý do là trong cuộc họp báo diễn
ra cùng ngày tại West Palm Beach, bang Florida, cha của ông, Donald Trump, đã
có những tuyên bố gây tranh cãi. Ông đề cập đến khả năng dùng vũ lực để giành
quyền kiểm soát Groenland. Donald Trump không biết Đan Mạch có quyền kiểm soát
Groenland hay không, nhưng nếu có, nước này phải từ bỏ quyền đó vì an ninh quốc
gia Hoa Kỳ. Tổng thống đắc cử cũng cảnh báo nếu Copenhagen từ chối, Washington
sẽ áp đặt thuế quan cao đối với các sản phẩm do Đan Mạch xuất khẩu.
Sự quan tâm của Hoa Kỳ dành cho Groenland
không phải là điều mới mẻ. Với tài nguyên khoáng sản phong phú và vị trí chiến
lược ở Bắc Cực, Groenland luôn được « để mắt ». Vào năm
2019, Donald Trump từng đề xuất mua lại hòn đảo này, dẫn đến một cuộc khủng hoảng
ngoại giao sau khi thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen gọi đề nghị này
là « vô lý ». Tuy nhiên, nhà tỷ phú không từ bỏ suy nghĩ
và vào cuối tháng 12/2024, tiếp tục khẳng định Groenland rất quan trọng đối với
an ninh quốc gia Hoa Kỳ mà Washington phải kiểm soát.
Những tuyên bố này thực sự gây sốc tại Đan Mạch,
một quốc gia thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Jens Ladefoged
Mortensen, giáo sư tại đại học Copenhagen, cho rằng Đan Mạch luôn xem mối quan
hệ với Hoa Kỳ mang tính chiến lược, nhưng giờ đây Đan Mạch lại đứng trước nguy
cơ bị Mỹ tấn công. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại về những tác động
kinh tế gây ra bởi một cuộc chiến tranh thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Về phần mình, thủ tướng Frederiksen đã tìm
cách làm xoa dịu tình hình. Bà nhấn mạnh Hoa Kỳ là đồng minh quan trọng của Đan
Mạch và Groenland thuộc về người Groenland. Bà khẳng định mọi cuộc thảo luận về
tương lai của Groenland phải bắt đầu và kết thúc tại thủ phủ Nuuk, chứ không phải
tại Copenhagen hay Washington. Các quốc gia châu Âu khác như Pháp và Đức đã lên
tiếng ủng hộ Đan Mạch, khẳng định không quốc gia nào có thể can thiệp vào chủ
quyền biên giới của nước này.
Tờ báo nhắc lại, theo một đạo luật năm 2009,
Groenland có thể đòi độc lập với Đan Mạch bất cứ lúc nào, và hiện người dân
đang suy nghĩ về tương lai của mình. Chính phủ Groenland, do thủ tướng Mute
Egede lãnh đạo, đã khẳng định hòn đảo « không bao giờ có thể được
rao bán ». Người dân ở đây muốn tự quyết định về tương lai của mình mà
không có sự can thiệp từ bên ngoài. Mặc dù họ hoan nghênh các khoản đầu tư từ Mỹ, song họ từ chối bất kỳ
hình thức kiểm soát nào từ Washington hay Copenhagen.
Le Monde kết luận rằng vào thời điểm Hoa Kỳ
tiếp tục bày tỏ sự quan tâm chiến lược đối với Groenland, tình hình đang trở
nên hết sức phức tạp. Hòn đảo đang đối diện với những quyết định quan trọng về
tương lai của mình, và rõ ràng không có quốc gia nào, dù là Mỹ hay Đan Mạch, có
thể quyết định thay họ.
Sự giàu sang không bảo vệ được con người
trước biến đổi khí hậu
Vẫn về Hoa Kỳ, trang nhất và bài xã luận của
tờ Libération chú ý đến hỏa hoạn thảm khốc ở bang California. Các địa điểm nổi
tiếng của Los Angeles như Mulholland Drive, Sunset Boulevard, Malibu và Santa
Monica được biết đến như những biểu tượng của thành công, vẻ đẹp, tình yêu và
vinh quang. Tuy nhiên, những nơi này hiện đang bị tàn phá bởi các vụ hỏa hoạn,
khiến hàng trăm nghìn người phải bỏ nhà ra đi. Chỉ trong vòng chưa đầy 48 giờ,
hơn 10.000 ha đất đã bị phá hủy ở Los Angeles và vùng phụ cận. Lửa vẫn có nguy
cơ lan rộng, do gió mạnh, hạn hán đi kèm với tình trạng thiếu nước. Mặc dù
California đã bước vào mùa đông, song đồi Hollywood vẫn bốc cháy do tác động của
biến đổi khí hậu. Bầu trời, đầy những đốm than nóng, vẫn tối tăm ngay cả vào
ban ngày, tạo ra một bầu không khí như tận thế.
Thảm họa thiên nhiên này đi kèm với một cuộc
tranh cãi chính trị. Tổng thống đắc cử Donald Trump cáo buộc thống đốc
California Gavin Newsom đã chuyển nguồn nước vốn dành cho người dân California
sang chỗ khác để bảo vệ một loài cá đang bị đe dọa, ám chỉ đến kế hoạch mới của
chính quyền địa phương trong việc quản lý con sông Colorado.
Nhật báo thiên tả khẳng định tình hình hiện
nay cho thấy rõ về tác động của khủng hoảng khí hậu. Trong một bài tiểu luận
năm 1968, nữ sĩ Joan Didion đã viết : « Khí hậu của Los Angeles
chính là khí hậu của thảm họa và tận thế. » Giờ đây, các nhà khí hậu học
vẫn không ngừng cảnh báo mọi người về hiểm họa của khủng hoảng khí hậu, và hỏa
hoạn tại Hollywood chứng minh rằng sự giàu có, vẻ đẹp và danh tiếng không thể bảo
vệ con người khỏi sự trả thù của thiên nhiên đối với sự thờ ơ của chúng ta trước
hiện tượng biến đổi khí hậu.
Thiệt hại do hỏa hoạn gây ra
Vẫn về hỏa hoạn tại California, trang nhất của
nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến thiệt hại do thiên tai gây ra. Hơn
100.000 người đã được yêu cầu sơ tán khẩn cấp, và các vụ cháy đã khiến ít nhất
10 người thiệt mạng. Thiệt hại tài chính đạt mức nghiêm trọng, với ước tính từ
52 đến 57 tỷ đô la, có thể sánh ngang với những thiệt hại do các cơn bão thảm
khốc nhất gây ra. Để so sánh cụ thể, cơn bão Milton tàn phá Florida vào tháng
10 năm ngoái đã gây thiệt hại gần 60 tỷ đô la.
Chi phí tổng thể có thể tiếp tục tăng nếu các
công trình tiếp tục bị thiêu rụi trong những ngày tới, và một số chuyên gia cho
rằng những đám cháy này có thể trở thành thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử
hiện đại của California. Vụ cháy lớn trước đó, « Camp Fire » vào
năm 2018, đã gây thiệt hại hơn 30 tỷ đô la.
Theo dự đoán của JPMorgan, thiệt hại cho các
công ty bảo hiểm có thể lên tới 10 tỷ đô la, mặc dù một số dự báo khác ước tính
thiệt hại chỉ rơi vào khoảng 8 tỷ đô la. Tuy nhiên, các đám cháy này có thể làm
căng thẳng thị trường bảo hiểm, đặc biệt là chương trình bảo hiểm công «
Fair Plan » do chính quyền California khởi xướng. Các chuyên gia dự
đoán chương trình này có thể sẽ bị quá tải do các yêu cầu bồi thường.
Những đám cháy này chủ yếu tác động đến các
khu dân cư đắt đỏ, với giá trị trung bình vượt quá 2 triệu đô la một ngôi nhà.
Trong số các tài sản bị phá hủy có những ngôi nhà của nhiều người nổi tiếng như
Laeticia Hallyday và Paris Hilton ở Malibu. Tại Hollywood, các đám cháy đang đe
dọa các khu vực đồi núi, nơi có những ngôi nhà của gia đình Kardashian-Jenner.
Pháp : Nạn bài Do Thái vẫn hoành
hành 10 năm sau vụ Charlie Hebdo và Hyper Cacher
Về thời sự nước Pháp, bài xã luận của nhật
báo Công Giáo La Croix chú ý đến nạn bài Do Thái vẫn hoành hành trong nước.
Ngày 09/01, một buổi lễ được tổ chức tại Paris để tưởng niệm bốn nạn nhân trong
vụ tấn công khủng bố tại siêu thị Hyper Cacher cách đây 10 năm. Buổi lễ do Hội
đồng đại diện các tổ chức Do Thái ở Pháp (Crif) và Charlie Hebdo tổ chức, nhằm
vinh danh Yohan Cohen, Yoav Hattab, Philippe Braham và François-Michel Saada,
những người bị sát hại chỉ vì là người Do Thái.
Mặc dù hàng triệu người Pháp đã thể hiện sự
đoàn kết sau vụ tấn công đẫm máu hồi tháng 01/2015, nạn bài Do Thái vẫn là một
vấn đề nghiêm trọng. Vào năm 2023, các hành vi chống Do Thái đã gia tăng mạnh mẽ,
với mức tăng 400% các sự cố được ghi nhận, lên 1.676 trường hợp. Sự gia tăng
này chính là do cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Hơn nữa, nhiều người thân của
các nạn nhân và những người sống sót sau vụ thảm sát tại Hyper Cacher đã rời khỏi
Pháp, cho thấy cộng đồng người Do Thái đang trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ
hết.
Yonathan Arfi, chủ tịch Crif, nhấn mạnh
nguyên nhân xảy ra các vụ tấn công chống Do Thái vào năm 2015 là hệ quả của « hồ
sơ » chưa được giải quyết trước đó, dẫn chứng vụ thảm sát tại
Toulouse vào năm 2012, với bốn người, trong đó có ba trẻ em, bị giết trong một
trường học Do Thái. Mặc dù mối đe dọa đã bị đánh giá thấp vào thời điểm đó,
nhưng giờ đây rõ ràng các hành động bạo lực này vẫn tồn tại và mọi người cần phải
nhận thức đầy đủ về mức độ nghiêm trọng của chúng.
Đòi
thâu tóm từ Groenland đến Canada, Trump khuynh đảo các đồng minh châu Âu
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 09/01/2025 - 14:00Sửa đổi
ngày: 09/01/2025 - 14:43
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20250109-%C4%91%C3%B2i-th%C3%A2u-t%C3%B3m-t%E1%BB%AB-groenland-%C4%91%E1%BA%BFn-canada-trump-khuynh-%C4%91%E1%BA%A3o-c%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%93ng-minh-ch%C3%A2u-%C3%A2u
Nga - Trung mỉm cười, các đồng minh
châu Âu của Mỹ trong thế « bấn loạn ». Hơn 10 ngày trước lễ tuyên thệ
nhậm chức tổng thống, trong cuộc họp báo hôm 07/01/2025, Donald Trump đã phác họa
chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cho 4 năm sắp tới. Sau tuyên bố về
« Canada, tiểu bang thứ 51 » của Mỹ, việc ông Trump từ chối loại trừ
khả năng chiếm đoạt « bằng đòn thuế quan hay sức mạnh quân sự » kênh
đào Panama và vùng Groenland của Đan Mạnh gây nhiều chú ý.
HÌNH :
Cờ Groenland ở khu vực Igaliku, Groenland,
ngày 05/07/2024. via REUTERS - Ida Marie Odgaard
Dù chưa chính thức là tổng thống Hoa Kỳ, chắc
chắn là tuyên bố của Trump được từ Nga đến Trung Quốc cùng « rất lắng
nghe » với câu hỏi phải chăng tổng thống thứ 47 của nước Mỹ đang
muốn « vẽ lại bản đồ thế giới » ?
Theo giải thích của ông Trump, kênh đào
Panama cũng như Groenland đều « hết sức quan trọng để bảo đảm an
ninh cho kinh tế » của Hoa Kỳ. Tiếp theo cuộc họp báo ở Florida
hôm 07/01/2025, tổng thống đắc cử cao hứng đề nghị đổi tên « Vịnh
Mêhicô » thành « Vịnh Hoa Kỳ ». Từ cuối
năm 2024, cũng ông Trump cố ý gọi thủ tướng Justin Trudeau là « thống
đốc Canada », bang thứ « 51 » của nước
Mỹ.
Vấn đề đặt ra là các nước từ Canada đến
Mêhicô hay Đan Mạch đều là những « đồng minh » của
Washington. Canada và Đan Mạch là hai thành viên trong Liên Minh Bắc Đại Tây
Dương NATO. Còn Mêhicô cũng như Canada là những láng giềng sát cạnh và hai đối
tác thương mại quan trọng bậc nhất của Washington.
Tuyên bố của ông Trump về khả năng « dùng
đòn thương mại và kể cả sức mạnh quân sự » để thôn tính
vùng tự trị Groenland dưới sự kiểm soát của Đan Mạch từ năm 1814 khiến các
đồng minh của Mỹ trong Liên Hiệp Châu Âu và nhất là trong NATO « bấn
loạn » vì nhiều lẽ.
Trước hết, ông Donald Trump có nhiều lý do để
muốn thâu tóm Groenland. Ở nhiệm kỳ đầu (2017-2021), nhà tỷ phú Mỹ đã nêu lên ý
định đòi « kiểm soát » hay mua lại Groenland của Đan
Mạch, bởi đó là một vùng giàu tài nguyên thiên nhiên chưa khai thác, từ dầu khí
đến uranium và trên dưới 50 kim loại hiếm « mang tính chiến lược
cho thời công nghệ số ».
Với diện tích lớn gấp 4 lần nước Pháp, 80 %
vùng đất này còn ngủ vùi dưới các lớp băng tuyết. Nhưng hiện tượng Trái đất bị
hâm nóng đang mở ra viễn cảnh cho nhiều con đường giao thương mới. Việc khai
thác các tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản trong vùng lãnh thổ này cũng sẽ
trở nên dễ dàng hơn. Viễn cảnh đó làm dấy lên những tham vọng cả về chiến lược,
quân sự lẫn kinh tế từ phía Nga, Trung Quốc.
Chính quyền Trump năm 2019 cũng đã viện lý do
an ninh để đòi « mua lại Groenland của Đan Mạch » vì
cho rằng không phận và hải phận ở bờ đông Groenland không được bảo vệ an
ninh « đúng mức ». Điều mà cách nay 5 năm Washington
không nói ra là Hoa Kỳ vẫn duy trì căn cứ quân sự Pituffik tại phía bắc
Groenland. Theo các chuyên gia quân sự, trong trường hợp chiến tranh, « Groenland
là đường chim bay ngắn nhất để phóng tên lửa về phía Nga ».
Là quốc gia trực tiếp liên quan, Đan Mạch đã
có hai phản ứng trái ngược về tuyên bố của ông Trump. Trước hết, đại sứ Đan Mạch
tại Washington tuyên bố Copenhagen không có ý định « chuyển nhượng » một
phần lãnh thổ của mình cho bất kỳ một ai. Nhưng ngoại trưởng Đan Mạch sáng nay
thận trọng hơn khi cho biết « để ngỏ khả năng đối đối thoại » để « thỏa
mãn một số tham vọng của Hoa Kỳ tại Bắc Cực ».
Về phần mình, ngoại trưởng Mỹ sắp mãn nhiệm
Antony Blinken, dự một hội thảo tại Paris, cảnh báo các đồng minh châu Âu : Chớ
vì « kịch bản Mỹ chiếm đoạt Groenland sẽ không xảy ra » mà
làm phương hại đến quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương trong tương lai.
Tuy nhiên, tất cả những yếu tố vừa nêu cho thấy,
thứ nhất chính quyền Trump 2 sẵn sàng đẩy mạnh hơn nữa ý tưởng Mỹ có thể làm được
tất cả mọi thứ để đạt được mục tiêu mong muốn. Washington không quan tâm rằng
các đối tượng nhắm tới có là « đồng minh » hay
không, có gắn kết với Hoa Kỳ bằng những hiệp định kinh tế và quân sự hay không.
Thứ hai, nếu biến lời đe dọa thành hiện thực,
tức là vì lợi ích của nước Mỹ cả về mặt chiến lược lẫn kinh tế, chính quyền
Trump có thể sử dụng « sức mạnh quân sự » để chiếm
đoạt một vùng lãnh thổ của những quốc gia khác thì có khác gì điều mà tổng thống
Nga Vladimir Putin đã làm từ khi mở « chiến dịch quân
sự đặc biệt » tháng 2/2022 để chiếm những vùng đất giàu tài
nguyên của Ukraina ? Tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình sẽ tính toán những gì
khi mà Washington đã mở đường « thôn tính Groenland, chiếm đoạt
kênh đào Panama hay thâu tóm Canada » ? Trung Quốc đã công
khai phô trương những tham vọng ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, ở eo biển Đài Loan,
liệu Tập Cận Bình noi theo ông Trump ?
Giáo sư Olivier Schmitt, thuộc Viện Quân Sự Học
Viện Quốc Phòng Đan Mạch, không loại trừ khả năng tổng thống Mỹ tương lai
Donald Trump đang muốn NATO trở thành một dạng Hiệp Ước Vacxava, có nghĩa là một
liên minh đặt dưới sự chỉ đạo của một siêu cường quân sự và áp đặt tham vọng của
Mỹ bằng sức mạnh.
Nhà Trung Quốc học Valérie Niquet, Quỹ Nghiên
Cứu Chiến Lược của Pháp, mỉa mai cho rằng chắc chắn là Nga và Trung Quốc
đang rất hài lòng thấy Liên minh Bắc Đại Tây Dương « bị chia rẽ nội
bộ » và đó là một sự « phá hoại từ ở bên
trong ».
Điểm cuối cùng và có lẽ quan trọng hơn cả
liên quan đến những tuyên bố của ông Donald Trump về Groenland là sự im lặng đến
đáng ngại của Liên Hiệp Châu Âu và của rất nhiều thành viên trong đại gia đình
NATO.
Luân Đôn từ chối bình luận về ý định của lãnh
đạo tương lai Hoa Kỳ đòi chiếm đoạt lãnh thổ của Đan Mạch. Copenhagen là thành
viên Liên Âu, nhưng trong 48 giờ qua, Bruxelles tuyệt nhiên im lặng trước đe dọa
nhắm vào toàn vẹn lãnh thổ của một nước trong khối. Chỉ có Đức, Pháp hay Tây
Ban Nha với tư cách cá nhân báo trước không dễ để Donald Trump thực hiện
tham vọng vẽ lại bản đồ thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ : Thế giới không nên “phí thời gian” quan
tâm tới điều Trump nói về Groenland
Minh Phương - RFI
Đăng ngày: 09/01/2025 - 10:54
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm
qua, 08/01/2025, khuyên thế giới “đừng phí thời gian” quan tâm tới những gì tổng
thống đắc cử Donald Trump nói về Groenland. Tuyên bố được đưa ra sau khi ông
Trump khẳng định muốn sát nhập đảo Groenland, vùng lãnh thổ bán tự trị của Đan
Mạch, và không loại trừ việc sử dụng tới các lực lượng quân sự để biến điều đó
thành hiện thực.
HÌNH :
Phi cơ chở Donald Trump Jr., con trai tổng
thống Mỹ đắc cử, hạ cánh xuống sân bay Nuuk, Groenland, Đan Mạch, ngày
07/01/2025. AP - Emil Stach
Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm Blinken tuyên bố “điều
này sẽ không xảy ra” và đây chỉ là những lời nói suông của tổng thống tương
lai. Dù vậy, tuyên bố của ông Trump vẫn gây ra sự kinh ngạc tại Đan Mạch cũng
như tại Groenland.
Thông
tín viên RFI Ottilia Ferey từ Groenland cho biết cụ thể :
“Ngoại trưởng Đan Mạch tuyên bố : “Tất
cả chúng ta nên giúp nhau giảm nhịp tim đi một chút”. Căng thẳng đã được đẩy
lên một nấc sau khi Donald Trump Jr., con trai của tổng thống tái đắc cử, hạ
cánh xuống sân bay Nuuk ở Groenland, dọc theo vịnh hẹp phủ đầy tuyết vào ngày
7/1. Khi được các báo chí địa phương hỏi lý do đến thăm nơi này, con trai của tỷ
phú Mỹ trả lời ông chỉ đến với tư cách là “khách du lịch”.
Cùng lúc đó, thủ tướng Đan Mạch Mette
Frederiksen khẳng định mạnh mẽ rằng Groenland thuộc về người dân Groenland, dù
mới hôm qua Đan Mạch đã tuyên bố “sẵn sàng đối thoại” và “hợp tác” với Mỹ,
nhưng không đưa ra thêm chi tiết.
Về phía Groenland, lập trường của họ
không thể rõ ràng hơn.“ Groenland là của chúng tôi. Chúng tôi không bán và sẽ
không bao giờ bán”, lãnh đạo chính quyền của hòn đảo Bắc Cực này tuyên bố.
Đây không phải là lần đầu tiên Trump tỏ
ý muốn sáp nhập hòn đảo 57.000 cư dân này. Ông từng cân nhắc việc mua Groenland
vào năm 2019, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Donald Trump quan tâm đến
Groenland như vậy không chỉ là vì đảo này có nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa
được khai thác, mà còn vì tầm quan trọng về mặt địa chiến lược của hòn đảo.
Washington hiện đã có một căn cứ quân sự ở đây, nhưng điều đó dường như vẫn
chưa đủ với vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ.”
-----------------------------
Các nội dung liên quan
HOA KỲ - DONALD TRUMP - KINH TẾ
Trump
không loại trừ việc dùng ‘‘vũ lực’’ để kiểm soát kênh đào Panama, đảo Groenland
PHÂN TÍCH
Chiến
lược ngoại giao của Trump 2.0 qua những tuyên bố về Panama, Groenland và Canada
HOA KỲ - GROENLAND
Trump
hủy thăm Đan Mạch vì không mua được đảo Groenland
No comments:
Post a Comment