Monday, November 29, 2010

WIKILEADS GÂY CHẤN ĐỘNG NỀN NGOẠI GIAO THẾ GIỚI


The Voice of Russia
29.11.2010, 14:58

Trong nền ngoại giao thế giới  đã xảy ra vụ “11 tháng Chín”.  Các phương tiện truyền thông đại chúng hàng đầu đăng tải những thư từ mật của các đại sứ Hoa Kỳ trao đổi với Bộ Ngoại giao, những tư liệu có thể phá tan sự tin cậy giữa các quốc gia.  Trong các văn kiện không chỉ chứa đựng thông tin về những cuộc mật ước riêng kín, mà còn cả những nhận xét kỳ quặc đánh giá các nhà lãnh đạo của những nước khác nhau. 

Cổng điện tử “Wikileaks” khét tiếng xì-căng-đan đã chuyển giao những tư liệu này cho báo Mỹ “New York Times”, báo Anh “Guardian”, báo Pháp “Le Monde” và báo Đức “Shpigel”. Và hóa ra động tác chuyển giao ấy đã không giản đơn uổng phí. Trong ngày các báo đăng tải loạt tiếp theo những tài liệu mật, thì site “Wikileaks” bị hacker đánh sập. Thế nhưng các thông tin động trời đã lọt ra tới công chúng độc giả.

Thế là giờ đây thiên hạ đã biết được những ngôn từ nhảm nhí mà các nhà ngoại giao Mỹ dùng để nói về những đối thủ truyền thống cũng như về cả những bạn bè thâm giao của Washington.  Hóa ra, trong giới những nhà ngoại giao Mỹ, người ta đã lén gọi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là “hoàng đế cởi truồng”, còn Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai là “gã hoang tưởng”, Thủ tướng Nga Vladimir Putin là “chúa tể đầu đàn”, Thủ tướng Đức Angela Merkel – “bà ngạo mạn”, Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi là “tay hám gái”, còn nhà lãnh đạo Iran Mahmoud Ahmadinejad thì bị các nhà Ngoại giao Mỹ gán cho biệt hiệu “Hitler”.
Điều dễ hiểu là tới đây, tại những cuộc hội đàm thương lượng song phương hoặc tại những bữa tiệc chiêu đãi chung với  đại diện Hoa Kỳ, thì nụ cười trên khuôn mặt những nhân vật trọng trách của chính giới các nước sẽ khá là gượng gạo.

Nhưng dù sao chăng nữa, chuyện đó khó có ảnh hưởng gì đáng kể tới hệ thống quan hệ bang giao quốc tế, - ông Andrei Klimov Phó  Chủ tịch  Ủy ban về các công việc quốc tế của Viện Đuma Quốc gia Nga nhận xét.   
“Đây không phải là điểm cộng đối với bang giao thế giới.  Nhưng sự trao đổi ý kiến giữa các đại diện ngoại giao và lãnh đạo của họ ở các nước – là loại hình hết sức bí mật và riêng kín. Dành cho việc lựa chọn giải pháp đúng đắn, đôi khi người ta buộc phải tìm cách mô tả tình hình này hay bối cảnh khác bằng cách nào đó mà người ta cho rằng sẽ chính xác hơn. Và nếu như trong thư từ của mình các nhà ngoại giao có dự liệu đến chuyện văn bản rồi sẽ đến lúc công bố ra báo chí, thì e rằng trong trường hợp như vậy lãnh đạo quốc gia sẽ thông qua quyết định dựa trên cơ sở thông tin không được kiểm chứng và thiếu đầy đủ. Mà như thế mới là rất  nguy hại”.

Thêm nữa, trong chừng mực cách tiếp cận như vậy là đặc tính cố hữu của toàn thể nền ngoại giao thế giới, thì hẳn các nhà lãnh đạo quốc gia cũng không giận lâu với Washington. Tất nhiên chẳng dễ chịu gì khi những “biệt hiệu” kỳ quặc ấy lọt ra công luận. Nhưng phải thấy rằng điều nguy hiểm hơn cả, là thông tin về những thủ đoạn hậu trường, những giao kèo “đi đêm” của Hoa Kỳ và các nước khác. Cụ thể, sự ổn định trong thế giới Ả Rập có thể bị xâm hại bởi thông tin rằng Quốc vương Ả Rập Saudi Abdalla đã kêu gọi Hoa Kỳ giáng đòn tấn công Iran để “đánh rắn dập đầu”. Nguyên cơ làm bùng phát tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ có thể là  việc phanh phui những dữ liệu về chuyện Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã cùng nhau bàn bạc lên kế hoạch thống nhất hai quốc gia Triều Tiên. Cũng không có tác dụng làm yên ổn bối cảnh, đó là cả thông tin rằng CHDCND Triều Tiên đã cung cấp cho Iran 19 tên lửa có khả năng bắn tới tận Tây Âu, còn Hoa Kỳ thì đã đồng ý cung cấp cho Israel những trái bom máy bay để oanh tạc tấn công vào các chủ thể hạt nhân của Iran.

Washington đã đưa ra tuyên bố gay gắt phê phán “Wikileaks”. Theo quan điểm của chính quyền Hoa Kỳ, bằng động thái công bố tài liệu mật, “Wikileaks” đã phá hoại sự bình ổn của thế giới và khiến cuộc sống cũng như công việc của các nhà ngoại giao Mỹ bị đặt trước nguy cơ đe dọa. Những thông tin đã đăng tải không phải là phản ánh đường lối chính thức của Hoa Kỳ. 
Mặt khác, cũng qua bình luận của mình, thực tế là Washington đã vô hình chung thừa nhận rằng những gì mà “Wikileaks” công bố không phải là bịa đặt. Và chỉ có thể  đoán định những hậu quả như thế nào sẽ đến, cũng như công chúng hoàn toàn có thể chờ đợi tiếp tục đăng tải loạt tài liệu khác.   
.
.
.
29.11.2010, 14:50

Việc công bố tài liệu bảo mật trên trang WikiLeaks có thể sánh như “sự kiện 11-09 đối với ngành ngoại giao thế giới”. Đó là ý kiến đánh giá của ông Franco Frattini, Ngoại trưởng Italy. Nhà ngoại giao nhấn mạnh, việc công bố tài liệu sẽ dẫn tới “phá hoại lòng tin giữa các nước”.
Cổng điện tử tai tiếng lại vừa mới đăng loạt tài liệu về những thư từ trao đổi bí mật của cơ quan ngoại giao nhiều nước phương Tây. Bên cạnh những thông tin vạch trần hội đàm kín của Anh, Mỹ, Afganistan, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước khác, còn làm lộ cả tên lóng, thậm chí do một số nhà ngoại giao Mỹ đặt cho các nhân vật chính trị nổi bật. Những chi tiết đó có thể dẫn tới vụ xì-căng-đan quốc tế lớn, - người đứng đầu Bộ Ngoại giao Italy kết luận.
Phát ngôn viên các nước như Mỹ, Anh đã phát biểu lên án gây gắt việc WikiLeaks công bố các tư liệu ngoại giao bí mật.


.
.
.

No comments: