Sunday, November 28, 2010

ĐÔI LỜI TÂM SỰ VỚI GS HOÀNG TỤY (Nguyễn Hữu Quý)

Nguyễn Hữu Quý
Chủ nhật, ngày 28 tháng mười một năm 2010

Kính gửi: GS Hoàng Tụy!

Vừa rồi, em có đọc được bài “GS Hoàng Tụy: Hãy chứng tỏ xã hội ta đã trưởng thành”, đăng trên Tuanvietnam.net, ngày 27/11/2010; mặc dù không phải là người làm khoa học, lại càng không phải thuộc ngành Toán, mà GS cả đời đã gắn bó, xây dựng cho nền toán học nước nhà; nhưng em hay tìm đọc những bài báo nói về GS; và qua đó, em rất ngưỡng mộ và kính trọng GS; lại còn được biết, GS còn là cháu nội em ruột cụ Hoàng Diệu, không những đã đi vào sách sử, tên những con đường… mà còn có cả Thành Hoàng Diệu ngay tại Thủ đô Hà Nội v.v..

Em rất đồng tình với cách nhìn nhận của GS về việc nhà nước vừa rồi tặng nhà cho GS Ngô Bảo Châu; chính vì thế mà như GS đã nói: “Tài năng đặc biệt thì phải có chính sách đặc biệt”; đúng vậy, nếu không biết quý trọng tài năng, thì đất nước Việt Nam này sẽ chẳng đi được đến đâu cả; Riêng đối với GS Ngô Bảo Châu, thì đây là tài năng đặc biệt, vậy thì phải có chính sách đặc biệt, âu cũng là chuyện đương nhiên; Hơn thế nữa, đối với một dân tộc tôn trọng sự học như dân tộc ta; chẳng thế mà thế hệ đi trước, có phải sợ lớp hậu thế cháu con trong một giai đoạn nào đó có thể cố tình bỏ quên, nên đã từng khắc vào bia đá để dặn lại rằng, “hiền tài là nguyên khí quốc gia” đấy thôi!

Trong bài, GS nói: “Hãy chứng tỏ xã hội ta đã trưởng thành”; theo em thì, xã hội ta đã thực sự trưởng thành rồi đấy; Ngay việc em viết ra những dòng này cũng cho thấy điều đó; nghĩa là, một người rất xa lạ với ngành nghề của GS và với cả GS nữa; chưa bao giờ viết nổi lấy một bài báo, thì nay cũng đã mạnh dạn viết những dòng này để chia sẻ với GS; qua đó để thấy rằng, xã hội VN ta hiện nay đã thực sự trưởng thành.

Nhưng, thưa GS! Xã hội thì đã trưởng thành, nhưng “Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con” [thơ Tản Đà]; vậy thì phỏng có ích gì?

Và đó chính là điều em muốn tâm sự cùng với GS; Qua đó, muốn nhờ đến GS và nhiều người khác nữa để làm rõ thêm, rằng, giữa một “xã hội đã trưởng thành” với một “Đất nước trưởng thành” có gì khác?
Tương tự như thế, giữa một “xã hội đã trưởng thành” với một “Đất nước trưởng thành”; thì cái nào quyết định cái nào?

Và, với tình hình đất nước như hiện nay, thì khâu nào cần đột phá để Đất nước trưởng thành?

GS là người nặng lòng với đất nước, và em được biết, GS là một trong những bậc trí thức đầu tiên ký vào “Kiến nghị về dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên”, do các GS Nguyễn Huệ Chi, Nhà giáo Phạm Toàn, GSTS Nguyễn Thế Hùng khởi xướng; Mấy hôm nay, em chắc là, GS đã đọc loạt bài phóng sự và Video “InnovGreen đang làm gì trên biên giới VN?”, do nhóm phóng viên của báo VNN thực hiện; vậy thì, có phải một số người trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của ĐCSVN và một số vị là Chủ tịch, hoặc phó chủ tịch UBND các tỉnh đã cho Tập đoàn Innov Green thuê đất trồng rừng; liệu rằng họ đã… trưởng thành?!
Đất nước là gì, về đâu, khi “những người chưa trưởng thành” lại dẫn dắt cả một xã hội đã trưởng thành?
Có lẽ không chỉ riêng em, rất mong được những bậc cao niên lại có uy tín bậc nhất trong giới trí thức nước nhà như GS, quan tâm đến những bất cập như trên; và theo em, chỉ có như vậy, chúng ta mới có hy vọng thoát ra khỏi “lời nguyền” [có thể tạm gọi như thế] của thi sỹ Tản Đà: “Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.

Kính chúc GS và gia đình hạnh phúc, trường thọ và có nhiều cống hiến hơn nữa cho Đất nước!
28.11.2010

----------------------------------

Đăng ngày 25/11/2010 lúc 09:52:25 ESThttp://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5346
Cùng với cơn bão phản đối “bauxite”, cảnh báo nguy cơ mất nước, mất biển là bản lên tiếng có “trọng lượng” của hàng chục đảng viên kỳ cựu, từng nắm chức vụ quan trọng như các ông Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng, Vũ Khoan, nguyên Phó thủ tướng, Phan Văn Tiệm, nguyên thứ trướng Bộ Tài Chính, Việt Phương, Phạm Chi Lan, nguyên Cố vấn của Thủ tướng... và các tiến sĩ hàng đầu của thủ đô Hà Nội như Lê Đăng Doanh, Nguyễn Mại, Lưu Bích Hổ, giáo sư Lê Du Phong, Vũ Huy Từ, ... Tất cả đều đồng lòng gạt bỏ chủ nghĩa Mác-Lê vì chủ nghĩa này “sai lầm, giả dối”, đã hòan tòan phá sản ngay trên chính cái nôi của nó. Hai mươi cựu đảng viên cao cấp và trí thức kêu gọi đổi mới chính trị vì đường lối cai trị hiện tại không hợp lý, bất hợp pháp, bởi một tập đòan lãnh đạo không có trình độ.

Nhưng tại sao luồng phản biện từ giới đảng viên kỳ cựu không vượt qua tuyến chiến chống “bauxite”, chống âm mưu xâm lược Tàu để xung kích vào cốt lõi của vấn nạn đất nước: thiếu dân chủ.
Chúng ta vẫn chờ đợi họ cất lên tiếng nói của công lý. Từ cựu Phó Chủ Tịch nước Nguyễn Thị Bình tới các ông Trần Phương, Vũ Khoan không một ai lên tiếng bênh vực các nhà Dân Chủ, như Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy, Điếu Cày, Cù Huy Hà Vũ, Phạm Toàn, ... Cũng không thấy các nhà trí thức “hàng đầu” ở trong nước kiến nghị Đảng trả tự do cho những người bị Đảng cầm tù chỉ vì họ cũng yêu Dân Chủ, nhưng khác ở chỗ là không sợ cường quyền.

Không phải người dân nào cũng không dám “dây” với Dân Chủ. Ngày 20/11, hai bó hoa được người dân bí mật đặt trước nhà Luật Sư Cù Huy Hà Vũ để bày tỏ lòng cảm phục và tri ân người chiến sĩ Dân Chủ. Những người tặng hoa cho Luật Sư Cù Huy Hà Vũ chính là các kẻ sĩ thời đại. Họ có thể là những người có “bằng cấp cao”, họ cũng có thể là người “bình dân” nhưng hành động của họ đã nâng họ lên hàng kẻ sĩ. Chắc chắn họ sẽ bị công an truy tầm và ghép cho cái tội “mua dâm” giống như cái trò đê tiện đã quàng vào Luật Sư Cù Huy Hà Vũ để diệt Dân Chủ.

Nếu bà Nguyễn Thị Bình, ông Phạm Khiêm lên tiếng “xin” Đảng trả tự do cho các nhà Dân Chủ thì tiếng nói của họ sẽ làm nức lòng cả nước. Chắc chắn Đảng không dám bỏ tù các vị.
Nếu các nhà khoa học danh tiếng như giáo sư Hoàng Tụy, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan… lên tiếng về những vụ đàn áp dân chủ thì giới trẻ Việt Nam sẽ “lớn nhanh như Phù Đổng”.

Nếu Giáo Sư Ngô Bảo Châu kêu gọi các lãnh đạo đang ôm hôn “uy tín” của giáo sư để làm đẹp cho chế độ sắt máu của họ, trả tự do cho các nhà Dân Chủ thì tiếng nói của giáo sư sẽ đưa giới trẻ ra khỏi bóng tối của chán nản và tuyệt vọng.
Một con én không thể mang lại mùa Xuân cho đất nước. Cho dù giáo sư có đào tạo được hàng trăm nhà toán học giỏi như giáo sư mà đất nước không có dân chủ thì dân tộc này vẫn không có nhân quyền để được sống đàng hoàng như các dân tộc mà giáo sư đã và đang chứng kiến. Không người Việt Nam nào không tự hào về thành tích toán học của giáo sư nhưng cũng không có người Việt Nam nào không cảm thấy tủi nhục vì cả dân tộc thúc thủ trước cảnh đất nước bị tàn phá bởi guồng máy cai trị độc tài, vô năng nhưng tham nhũng và lạm quyền thì “ưu việt” nhất thế giới.

Đất nước ta không thiếu nhân tài về nhiều lĩnh vực nhưng tiếc thay kẻ sĩ thì hiếm như sao buổi sáng. Hay guồng máy công an của chế độ toàn trị này khủng khiếp quá khiến “sĩ khí rụt rè như gà phải cáo”.

Không có cuộc cách mạng nào thành công được nếu không được giới trí thức khởi xướng và lãnh đạo, kể cả cái gọi là “cách mạng vô sản”.

Một nhà tư tưởng phương Tây đã đặt trọn vẹn sự nghiệp cứu quốc vào giai cấp trí thức nên mới nói rằng: “Sức mạnh cứu quốc nằm trong tay giai cấp trí thức, trong những nhà trí thức có tư duy nghiêm túc, biết cảm xúc trước thời cuộc và dám hành động”.

Xin mượn câu nói bất hủ của Martin Luther King để “kiến nghị” lên giai cấp trí thức Việt Nam:

“I have a dream!”

Cái giấc mơ cả dân tộc ta đang ấp ủ là giấc mơ gì thì chả cần nói ai cũng rõ.
Lê Duy Nhân
.
.
.

No comments: