Saturday, November 27, 2010

TỪ KHỔNG TỬ TỚI KENNEDY : CẮT NGHĨA SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐÔNG Á (Kishore Mahbubani)

Kishore Mahbubani
25/11/2010 04:00 GMT+7

Đông Á lúc bấy giờ bị nhìn nhận như một bài học về sự thất bại trong câu chuyện phát triển. Thật may mắn là chỉ chín năm sau, Đông Á đang từng bước xây dựng được niềm tin và vị thế của mình.

Câu chuyện về sự phát triển luôn kích thích trí tò mò. Trong thời kỳ hậu chiến tranh thế giới thứ II khi mà sự lạc quan vì vừa thoát ra khỏi chủ nghĩa thực dân đang lên cao, cả thế giới lúc bấy giờ đều chia sẻ một quan  điểm chung rằng tất cả các quốc gia đều có tiềm năng để trở thành những quốc gia phát triển. Sự kết hợp giữa một trật tự kinh tế quốc tế tương đối hài hòa, những chính sách kinh tế mở cửa thị trường tự do đúng đắn và ít lệ thuộc vào sự giúp đỡ từ các nước phát triển là công thức cho bất cứ quốc gia nào mong muốn gia nhập vào hàng  ngũ các nước công nghiệp phát triển.

Nửa thế kỷ trôi qua, sự lạc quan này đã không còn, mà thay vào đó là sự một sự hoài nghi và bi quan vào tương lai. Trong thâm tâm, không ít người đã bắt đầu tin rằng có lẽ chỉ các quốc gia phương Tây mới có thể thành công và tiếp tục phát triển.

Ngày nay, khu vực duy nhất trên thế giới dường như có khả năng thoát khỏi định kiến này là Đông Á. Cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á những năm 1997-1998 đã khiến các nền kinh tế Đông Á bị ảnh hưởng trầm trọng do hiệu ứng đô-mi-nô. Không ai dám lên tiếng khẳng định nhưng những tiếng xì xào đã lan ra khắp nơi rằng sự "thần kỳ" của Đông Á giờ đây đã chỉ còn là một ảo ảnh xa xôi.

Cũng giống như các khu vực đang phát triển khác trên thế giới như châu Á, châu Phi hay Mỹ Latinh, Đông Á lúc bấy giờ bị nhìn nhận như một bài học về sự thất bại trong câu chuyện phát triển.

Thật may mắn là chỉ chín năm sau cuộc khủng hoảng đó, Đông Á đang từng bước xây dựng được niềm tin và vị thế của  mình. Đông Á đang cố gắng chứng minh cho thế giới rằng mình đang quay lại đúng quỹ đạo của sự phát triển kinh tế thần tốc. Rất nhiều nước trong khu vực hiện nay đã ra nhập hàng ngũ các nước phát triển cùng với Nhật Bản và điều kỳ diệu là ở chỗ thành tựu này đạt được chỉ trong giai đoạn của một thế hệ trong khi người phương Tây phải trải qua rất nhiều thế hệ mới có thể đạt được.

Sự khác biệt mấu chốt: Những nhà lãnh đạo Đông Á
Mọi quan điểm đều nhất trí rằng Đông Á là một khu vực phát triển khá thành công tuy nhiên lại có sự chia rẽ trong các luồng quan điểm là tại sao lại có sự thành công ấy.

Các học giả phương Tây  về chính trị và phát triển kinh tế không thể giải thích được sự trỗi dậy của Đông Á. Vấn đề ở đây nằm ở chỗ không phải dân chủ hay thể chế chính trị là những nhân tố quyết định cho sự phát triển. Sự tham gia vào thị trường kinh tế phát triển tự do là một yếu tố cần, nhưng chưa đủ để làm nên sự thành công của Đông Á. Vai trò của nhà nước trong sự phát triển kinh tế trong khu vực Đông Á có rất nhiều khác biệt. Tất cả những điểm trên đưa chúng ta tới một điều là đã đến lúc phải có một cách nhìn hoàn toàn khác về sự phát triển của Đông Á. Đó là lý do tại sao bài viết này của tôi đến tay quý vị.

Sự khác biệt mấu chốt giữa châu Á và phần còn lại của thế giới chính là nằm ở đặc tính của hàng ngũ những nhà lãnh đạo, những người đang quản lý rất thành công các quốc gia của mình. Về cơ bản, họ là những người làm việc thực sự hiệu quả chứ không lệ thuộc vào người khác. Mặc dù con đường đến với quyền lực có khác nhau, họ gặp nhau ở một điểm là hướng tới sự phát triển quốc gia và xã hội trong thời gian đương nhiệm.

Ngoài hai sự ngoại lệ duy nhất là Hồng Kông (Trung Quốc) và Xinh-ga-po, không quốc gia, vùng lãnh thổ nào trong khu vực tránh khỏi vấn nạn tham nhũng. Mặc dù vậy, mối quan tâm chính của những người lãnh đạo vẫn là tạo ra những sự thay đổi tốt đẹp cho xã hội hơn là chỉ lo giữ đặc quyền, đặc lợi cho mình. Đặc điểm chung này có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi trong khu vực từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đến Đài Loan (Trung Quốc) và Xinh-ga-po.

Để hiểu rõ nhất về sự thành công của Đông Á, không có cách tốt hơn là làm phép so sánh về giới lãnh đạo của khu vực này và khu vực Mỹ Latin. Cũng giống như Đông Á, Mỹ Latin khởi đầu thế kỷ 20 và giai đoạn hậu thế chiến thứ II với những kỳ vọng thậm chí còn vượt xa cả Đông Á. Ác-hen-ti-na vào năm 1900 được xếp trong top 10 những quốc gia giàu nhất trên thế giới. Sự có mặt của giới lãnh đạo xuất thân từ châu Âu ở Mỹ Latin là lý do rất tốt để tin rằng những con người này sẽ học hỏi và chuyển giao những kinh nghiệm tốt nhất từ xã hội châu Âu sang Mỹ Latin.

Tuy nhiên đến những năm cuối cùng của thế kỷ 20 khi mà Xinh-ga-po, một quốc đảo nhỏ bé không có tài nguyên thiên nhiên ở khu vực Đông Á đã nổi lên thành một biểu tượng của sự phát triển thì ở bên kia bán cầu, Haiti cũng là hiện thân của một biểu tượng khác nhưng là một biểu tượng hoàn toàn đối lập. Ngay cả sự bảo trợ của người Mỹ cũng không thể giúp Haiti thoát khỏi tình trạng lún sâu vào nghèo đói và kém phát triển.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các nhà lãnh đạo Đông Á lại có thể làm tốt hơn những người đồng nhiệm của mình ở Mỹ Latin? Câu trả lời đầy đủ nhất cho câu hỏi trên chỉ có thể được tìm thấy khi đi vào tìm hiểu một cách sâu xa tính phức tạp của Đông Á. Và văn hóa là một phần không thể thiếu của câu trả lời.

Kể từ thời Khổng Tử cho đến nay, trách nhiệm đối với xã hội đã trở thành một phần không thể tách rời khi nói đến đạo đức của mỗi con người trong xã hội Đông Á. Tuy nhiên đặc điểm tương tự cũng có thể tìm thấy ở những nước Thiên chúa giáo hay Hồi giáo.

Đặt lợi ích của xã hội lên trước lợi ích của cá nhân không chỉ là tư tưởng duy nhất đối với người Đông Á. Bắt đầu từ thời kỳ Minh Trị tại Nhật Bản, xã hội Đông Á dần dần nhận thức ra một điều, đặc biệt là trong những năm 1960 và 1970 rằng chỉ có bằng việc học hỏi những kinh nghiệm thành công của các nước phương Tây thì mới có thể giúp đất nước mình tiến lên phía trước. Vì thế mà một đặc điểm chung rất dễ nhận thấy ở các nhà lãnh đạo Đông Á là tư tưởng rất cởi mở với phương Tây.

Hàng ngàn người trong số đó đã từng theo học tại các trường đại học của Mỹ trong những năm 1950, 1960. Hành trang theo họ về nước là một sự tin tưởng hiếm thấy vào câu chuyện  nước Mỹ hậu thế chiến thứ II rằng một xã hội thành công có thể được tạo ra bằng sự can thiệp của chính con  người.

Sự lạc quan vô hạn của thế hệ thời Kennedy cũng có những tác động không nhỏ đến Đông Á. Do đó có thể nói rằng những giá trị đạo đức từ thời Khổng Tử cùng với đó là những tác động từ quan điểm của Kennedy đã tạo ra sự trỗi dậy của Đông Á mặc dù không thể phủ nhận rằng quan điểm của hai nhân vật này có vẻ như ở thái cực hoàn toàn khác nhau.

Đặc điểm nổi bật của các nhà lãnh đạo Đông Á chính là thái độ sẵn sàng học hỏi những gì tốt nhất từ phương Tây và sau đó biến đổi và áp dụng nó cho phù hợp với điều kiện thực tiễn ở quốc gia mình. Về mặt lý thuyết, việc sao chép mô hình của phương Tây có thể làm rấy lên nỗi sợ hãi về việc có thể đánh mất bản sắc văn hóa.

Tuy nhiên trong thực tiễn, các nhà lãnh đạo này đã thành công trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình, học hỏi nhưng không làm mất các giá trị riêng. Do đó có thể nói rằng khả năng học hỏi và tự tin áp dụng những gì học được từ phương Tây là những nhân tố trung tâm của câu chuyện thành công ở Đông Á.

Một khía cạnh thường vẫn chưa được hiểu thấu đáo về sự thành công của Đông Á là sự nổi lên của một số lượng đông đảo các nhà lãnh đạo xuất chúng trong khu vực. Việc duy trì tốc độ phát triển ở một xã hội đã phát triển ổn định có lẽ không đòi hỏi phải nhiều nỗ lực. Đó là lý do tại sao mà những thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) không bị ảnh hưởng nhiều cho dù đội ngũ lãnh đạo chỉ thường thường bậc trung thậm chí không muốn nói là kém cỏi.

Ở một khía cạnh khác, thực tế chứng minh rằng không một quốc gia, vùng lãnh thổ nào có thể thoát ra khỏi tình trạng nghèo đói kém phát triển để trở thành phát triển hiện đại mà không cần đến các nhà lãnh đạo kiệt xuất. Sự thần kỳ của Nhật Bản có dấu ấn rõ nét từ những nhà cải cách từ thời Minh Trị. Trung Quốc tự hào có Đặng Tiểu Bình. Người Hàn Quốc luôn nhắc đến Park Chung Hee. Sự phát triển của Đài Loan cũng nhờ phần lớn vào tài lãnh đạo của Chiang Ching-kuo. Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng là  những nhà lãnh đạo xuất chúng này luôn có bên cạnh mình những người trợ thủ đắc lực để có thể cùng với họ đưa đất nước đi lên.

Rất tiếc là cho đến nay chưa một nghiên cứu lớn nào tập trung vào so sánh ảnh hưởng của vai trò lãnh đạo đối với sự phát triển của Đông Á.

Hãy xem xét hai câu chuyện phát triển đối lập giữa Hàn Quốc và Phi-líp-pin. Sau chiến tranh thế giới II, Phi-líp-pin khởi đầu một thời kỳ mới với những kỳ vọng còn vượt xa cả Hàn Quốc: thu nhập bình quân đầu  người cao, đội ngũ lãnh đạo được đào tạo tốt, dễ dàng thâm nhập thị trường Mỹ và một cộng đồng kiều bào rất tài năng đang định cư ở khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên do ảnh hưởng từ thời phong kiến hacienda và yếu kém trong lãnh đạo cả dưới chế độ dân chủ và độc tài đã khiến Phi-líp-pin không thể tận dụng được những lợi thế vượt trội của mình so với Hàn Quốc. Hàng chục thập kỷ chiến tranh và bị xâm lược đã phá hủy đất nước Hàn Quốc. Tuy nhiên Hàn Quốc có một tài sản vô giá là những nhà lãnh đạo xuất chúng và tâm huyết với công cuộc phát triển đất nước chứ không vì lợi ích cá nhân. Câu chuyện phát triển của Hàn Quốc và Phi-líp-pin đã cho thấy một điểm rõ ràng rằng tài năng của những nhà lãnh đạo chính là nhân tố then chốt để đánh giá về số phận và tài sản của quốc gia.

Còn tiếp....
Dương Ngọc Quyến biên dịch theo spp.edu.sg
------------

Chú thích
1: Trích dẫn trong Nishikawa (1993) trang 8 được đăng tải lại trên website của Cơ quan giáo dục quốc tế (International Bureau of Education, Tổ chức giáo dục, kho học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO, Paris) tại địa chỉ http://www.ibe.unesco.org/publications/ThinkersPdf/fukuzawe.pdf. Nguyên văn được lấy từ Fukuzawa (1885) và do Sinh Vinh dịch trên Fukuzawa Yukichi nenkan (Annals) 11, Mita, Tokyo, Fukuzawa Yukichi koykai 1984.
2. Chaebols: là những tập đoàn kinh tế lớn tại Hàn Quốc.

Tài liệu tham khảo:
Elegant, Simon, and Michael Elliot. 2005. "Lee Kuan Yew Reflects". Time Asia 166 (24), on the Web on December 5. http://www.time.com/time/asia/covers/501051212/lky_intvu6.html.
Fukuzawa, Yukichi. 1885. "Datsu-A Ron" [Our Departure from Asia]. Jiji-shimpo, March 16.
Goh Keng Swee. 1995a. "Public Administration and Economic Development in LDCs." In
Wealth of East Asian Nations: Speeches and Writings by Goh Keng Swee, ed. Linda Low,
128-45. Singapore: Federal Publications.
---. 1995b. "The Vietnam War: Round 3." In Wealth of East Asian Nations: Speeches and
Writings by Goh Keng Swee, ed. Linda Low, 313-32. Singapore: Federal Publications.
---. 1995c. The Economics of Modernization. Singapore: Federal Publications.
IMF (International Monetary Fund). 2003. "Interview with Raghuram Rajan: Top Economist
Calls for Rethink of IMF's Role." IMF Survey 32 (22): 361-64. http://www.imf.org/external/
pubs/ft/survey/2003/121503.pdf.
Lee Kuan Yew. 1998. The Singapore Story: Memoirs of Lee Kuan Yew. Singapore: Times
Editions.
---. 2000. From Third World To First: The Singapore Story, 1965-2000. Singapore: Times
Media Private Ltd.
McNamara, Dennis L. 1990. Colonial Origins of Korean Enterprise, 1910-1945. Cambridge:
Cambridge University Press.
Nishikawa, Shunsaku. 1993. "Fukuzawa Yukichi." Prospects: The Quarterly Review of
Comparative Education XXIII (3/4): 493-506.
Vogel, Ezra F. 1991. The Four Little Dragons: The Spread of Industrialization in East Asia.
Cambridge, MA: Harvard University Press.
.
.
.

No comments: