Saturday, November 27, 2010

NGƯỜI YÊU NƯỚC LẦM LẠC (truyện ngắn của Phạm Thuận Thành)

17.11.2010

Trong cái hộp vuông dùng làm văn phòng chỉ kê được một cái bàn quầy hình khối hộp chữ nhật. Ngồi hai bên bàn là hai người đối xứng nhau. Cả hai đều mặc đồ trắng. Một người mặt to bự, đứng tuổi, cái bụng tròn cứ vượt ra khỏi cạp quần. Một người dong dỏng, còn trẻ, mắt sáng, khuôn mặt thanh tú, trán hơi cao, tóc chải mượt, áo trắng thắt cà vạt. Nếu không nhìn thấy hai tay bị còng số 8 thít chặt thì hắn giống một nhà doanh nghiệp có học. Mà hắn có học thật. Hắn có bằng cử nhân Nhân văn mấy năm nay. Tấm bằng này có giá bằng toàn bộ cơ nghiệp nhà hắn cộng với năm năm làm mướn của bố mẹ hắn và dư nợ dăm chục triệu đồng. Mấy đứa bạn học Bách Khoa ra trường đi làm công nghiệp thu nhập khá cưỡi xe ngon, bọ hung bám thắt lưng, còn hắn không thể xin được việc. Vào các cơ quan đúng ngành học thì mạt hạng cấp huyện cũng không thiếu người, nếu có thiếu thì con ông cháu cha dấm chỗ cả rồi. Gần một năm sau hắn mới gặp quý nhân phù trợ: có người họ hàng xa bên ngoại thương tình xin cho hắn vào dạy hợp đồng môn Giáo dục công dân ở một trường trung cấp của tỉnh. Ông cậu họ quen ông Hiệu trưởng giới thiệu hắn. Nể, ông Hiệu trưởng nhận và hứa sang năm học mới sẽ biên chế chính thức, còn năm nay chịu vất vả một chút, vì lương hợp đồng không cao được. Hắn cắn răng cày nốt mấy tháng. Nhưng vào năm học mới hắn vẫn lửng lơ cái chân hợp đồng. May lại gặp ông cậu họ xa. Ông ngạc nhiên hỏi: “Sao, vẫn hợp đồng à? Đã đưa lệ phí xin việc chưa, bao nhiêu vé?”. Hắn ngã ngửa người ra. Quả thật bố mẹ hắn tin tưởng ông cậu nên chưa đưa đồng nào. Đã thế, đi đâu bố hắn cũng khoe con học giỏi, đi xin việc không mất một hớp nước. Hắn vò đầu gãi tai hỏi rất thật: “Thế bao nhiêu thì được hả cậu?” “Vừa rồi đứa cháu chuyển từ hợp đồng sang biên chế ở cấp 2 hết 50 triệu đấy. Cháu về bảo bố mẹ liều liệu?”. Bố mẹ hắn lại đi vay lãi, đôn đáo mãi mới gom được 30 triệu. Ông Hiệu trưởng cho hắn đi thi công chức. Hắn là học sinh giỏi 17 năm, lại dạy môn Giáo dục công dân mà lại thi trượt công chức mới ức chứ. Hắn còn biết trách ai đây. Đành phải đi tìm việc để làm trả nợ. Bằng cử nhân không nuôi nổi miệng. Thấy hắn điển trai, có người giới thiệu vào làm ở khách sạn Bảo Trinh, một khách sạn sang ở Thủ đô. Hắn làm ở lễ tân. Cái bằng cử nhân Nhân văn ít nhiều phát huy tác dụng. Hắn mềm mỏng, nhã nhặn, lịch sự. Vốn tiếng Anh đủ giao tiếp với khách ngoại hơn hẳn các đồng nghiệp có thâm niên. Có làm ở đây hắn mới hiểu thế nào là khách sạn sang.
Khách sạn sang là khách sạn chỉ có khách sang đến nghỉ. Giá thuê phòng một đêm bằng thu nhập của một nông dân tích cóp trong vài năm. Cái thân phận nông dân trong máu thịt hắn đáng lẽ phải làm cho hắn biết điều cúc cung phục vụ kiểu nô tày, đằng này vốn cử nhân làm cho hắn có đầu óc phán xét. Theo lý lẽ của hắn thì con người phương Đông là biết sống hơn cả. Từ xa xưa phương Đông đã có cả hệ thống tư tưởng giúp con người biết tiết dục, biết tri túc, biết khai thác thiên nhiên ở mức tối thiểu phục vụ nhu cầu sống. Họ đề cao lối sống an bần lạc đạo. Người nông dân chân lấm tay bùn ăn cơm với rau muống luộc cà dầm tương mặn miệng, ngủ chõng mùa hè, lót ổ rơm mùa đông mà chưa bao giờ thấy túng thiếu. Tài thánh như Phù Đổng Thiên Vương cũng chỉ bảy nong cơm, ba nong cà là xong bữa cần gì cá thịt đâu. Lối sống đề cao vật chất của phương Tây đánh vào trí tò mò của mấy bác nông dân phương Đông đã khiến họ thua chỏng gọng. Họ cho đó là văn minh. Và bị lối sống vật chất cuốn băng đi. Con người tha hoá. Xã hội tha hoá. Lúc nào họ cũng thấy thiếu. Từ già đến trẻ không ai còn được thanh thản nữa. Các giá trị bị thay đổi, thậm chí bị đảo lộn. Hắn kết luận phương Đông đã bị phương Tây nô dịch về văn hoá. Từ nơi sâu thẳm nào đó trong hắn le lói lên cái ý thức bảo vệ các giá trị văn hoá phương Đông đích thực. Thế mới là yêu nước chân chính nhất. Phán xét vậy nhưng hắn vẫn phải cúc cung phục vụ, lại ăn dè hà tiện để tích cóp đồng lương gửi về quê trả nợ cái giá làm thầy trượt.

Người mặt to bụng tròn chưa hỏi gì đã lấm tấm mồ hôi. Ông ta kín đáo lấy khăn tay chấm chấm, cố giữ thái độ bình thản để làm nhiệm vụ một cách vô tư, trung thực như phận sự đòi hỏi. Hắn vẫn bình thản như việc xảy ra tất phải xảy ra đúng như dự liệu của hắn. Thậm chí hắn còn khẽ huýt sáo điệu nhạc tự nghĩ theo mấy câu thơ Tố Hữu: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề cổ súng kề tai/Là thân sống chỉ coi còn một nửa”. Người mặt to bụng tròn uể oải cầm bút, mở cặp lấy ra tờ giấy có in mẫu sẵn và bắt đầu hỏi:
- Tên?
- Người Yêu Nước!
- Anh phải trả lời đầy đủ câu hỏi với thái độ lễ phép với cán bộ có trách nhiệm.
- Câu trả lời đủ nghĩa, không rườm rà chính là thái độ phù hợp với nhà chức trách rồi.
- Tên do cha mẹ đặt cơ.
- Cò.
- Tên khai sinh?
- Trần Trung Thực
- Quê?
- Thôn... xã...huyện...tỉnh...
- Văn hoá?
- Cử nhân Nhân Văn.
- Vì sao anh hại chết nhà doanh nghiệp ngoại quốc Kuso Kusooc?
- Tôi không hại chết người đó.
- Anh đừng ngoan cố vô ích. Ca sĩ Kiều Diễm đã tường trình cụ thể và đã nhận ra anh.
- Vậy xin hỏi, ca sĩ Kiều Diễm đã tường trình thế nào?
- Tại phòng 37, lúc 15 giờ ngày....cô ta và nhà doanh nghiệp ngoại quốc Kuso Kusooc đang làm tình thì cửa mở, anh trong trang phục nhân viên khách sạn tiến đến và đâm nhiều nhát vào người nạn nhân làm nạn nhân chết ngay trên người nhân chứng. Anh có thừa nhận không?
- Tôi không thừa nhận đã hại chết nhà doanh nghiệp nào đó, vì tôi chỉ làm phận sự của Người Yêu Nước là tiêu diệt những kẻ đã nô dịch văn hoá để bảo vệ nhân phẩm và sự trinh trắng của người phụ nữ, tức là bảo vệ một nét đẹp văn hoá dân tộc truyền thống. Đấy là chưa kể cuộc làm tình bẩn thỉu của họ còn phạm vào điều luật gì hẳn ông cũng biết. Cuốn băng quay cảnh ấy đã được đưa lên mạng toàn cầu, không biết ông đã biết chưa và ông bình luận gì về việc ấy. Nếu ông còn biết sỉ nhục khi các cô gái của chúng ta bị những kẻ đi nô dịch văn hoá chà đạp thì ông sẽ hiểu việc làm của tôi là chính nghĩa, là yêu nước. Đề nghị ông ghi tất cả những lời của tôi, không sai một chữ. Hy vọng ông đủ trung thực làm điều đó.
- Phạm pháp sẽ có pháp luật xử lý. Cá nhân anh không thể đại diện cho pháp luật được. Cái kiểu lục lâm hảo hán thay trời hành đạo không thể tồn tại ở xã hội văn minh quản lý bằng luật pháp được.
- Vậy ông và đồng nghiệp của ông được nhân dân nuôi dưỡng đã xử lý việc đó như thế nào. Cha ông chúng tôi đổ xương máu, kết thành luỹ thép ngăn chặn nạn xâm lăng lãnh thổ để các ông bây giờ cam chịu nạn xâm lăng văn hoá à. Bao nhiêu cô gái ưu tú nhất gồm các hoa hậu, hoa khôi, người mẫu, diễn viên, ca sĩ là dành riêng dâng lên bọn xâm lăng văn hoá và sỉ nhục hơn là chúng còn quay băng lên mạng toàn cầu mà đã được ai xử lý chưa. Kể cả cái việc ca sĩ Kiều Diễm này đã có ai xử lý chưa. Vì vậy tôi khẳng định, chỉ có Người Yêu Nước mới có bản lĩnh thi hành nhiệm vụ mà thôi.
- Cực đoan. Cuồng tín. Vấn đề là luật pháp cho phép kết hôn với người nước ngoài. Chuyện tình dục trước hôn nhân giữa hai người yêu nhau không bị coi là phạm pháp. Ăn cơm trước kẻng thôi mà. Còn tình dục do mua bán dâm thì phải có bằng chứng để khẳng định đó là hành vi phạm pháp thì mới xử lý được. Có thể chúng tôi không kiểm soát hết được tình hình thì cần tai mắt nhân dân giúp đỡ. Tại sao anh không giúp đỡ chúng tôi? Mà anh lại hành động theo lối “chó đen giữ mực” quá tàn bạo như thế. Anh phải thể hiện mình đáng yêu hơn Kuso Kusooc, phải làm cho những cô gái như ca sĩ Kiều Diễm yêu thích hơn mới đáng mặt làm trai chứ? Anh là đồ giai hoi, là thằng hèn chứ đâu phải là Người Yêu Nước. Yêu nước là phải góp phần cho đất nước cường thịnh. Việc làm của anh khiến cho các đối tác ngảng ra gây thiệt hại về kinh tế, về ngoại giao,về bộ mặt quốc thể, hơn nữa, anh sẽ bị kết tội làm cho đất nước mất một nhân lực có tri thức tức là làm suy yếu nguyên khí quốc gia một chút. Anh được học về nhân văn mà suy nghĩ, việc làm có nhuốm chút nhân văn nào đâu.

Người Yêu Nước nghệt mặt như ngỗng hồi lâu không nói gì. Có thể hắn đang tiêu hoá những lời nói vừa rồi của người mặt to bụng tròn. Cũng có thể hắn đang suy nghĩ về quá trình làm nảy sinh cái tư tưởng yêu nước bệnh hoạn của minh.

Ở khách sạn Bảo Trinh hắn làm việc cần mẫn, chu đáo. Sống độc thân nên thời gian rỗi hắn thường lang thang trên mạng. Hắn cũng thích người đẹp. Những ảnh trai gái yêu đương đầy rẫy trên các báo, tạp chí tuy chưa đến mức kích dâm nhưng cũng đủ làm cho hắn, một thanh niên cường tráng phải liên tưởng, liên hệ bồn chồn. Hắn nhớ, nhớ lắm cái lần duy nhất được ngả đầu vào ngực Nết trước hôm nhập trường. Con đê nổi lên giữa đồng bằng quê hắn như bức Vạn Lý Trường Thành ngăn giặc Hung Thuỷ. Hai đứa leo lên bờ đê. Gió lộng trường giang lớp sau sô lớp trước. Phong cảnh thanh bình và hữu tình. Hương bưởi, hương sả, hương bồ kết lan tỏa . Hương con gái thì lan toả râm ran trong cơ thể hắn. Buổi chia tay đi xa bao giờ cũng gây cho kẻ ở người đi những cảm giác khác lạ. Ai cũng muốn giây phút bên nhau nặng bằng tất cả những ngày đã xa hoặc sắp xa. Hắn thèm Nết lắm. Bao nhiêu lần đi chơi với nhau nhưng toàn nói chuyện không đâu. Bất giác hắn đưa tay vuốt vuốt mái tóc mượt mượt thơm hương. Trời như ngưng gió. Mặt nước như ngưng sóng. Hai đứa như nín thở cố ghìm cương con tim đang lồng lên trong ngực. Rồi thật bất ngờ rất mạnh mẽ Nết đưa hai tay ôm đầu hắn ấp vào ngực mình. Hắn vội vàng thốc áo Nết để được áp mặt vào bầu ngực ấm áp thây nẩy đượm hương con gái, Nết vò đầu vò tóc hắn như người mẹ nựng con, chỉ khác là động tác mạnh, rất mạnh của một sự hưng phấn kịch độ. Rồi hắn ẩy Nết ra vệ cỏ. Cỏ cứng lại bụi bặm nhưng lúc ấy Nết không cảm thấy điều đó. Chỉ đến khi hắn mạnh mẽ mở khoá quần thì Nết mới yếu ớt, tiếng như thoảng trong gió: “Đừng! Để dành cho ngày cưới Thực ạ”. Hắn lưỡng lự rồi buông tay. Đằng nào thì Nết cũng là của mình, để dành đến ngày cưới mới thiêng mới quý, hắn đồng ý thế. Hắn ghét việc làm quá giới hạn đạo đức truyền thống. Giữ cho nhau nên lắm. Có thế hắn mới khao khát, mới quyết cưới Nết bằng được. “Vậy cho anh nằm lên một lúc cho đỡ thèm vậy”. Cũng có trai trên gái dưới nhưng vẫn bảo toàn trinh tiết cho người yêu.

Hôm sau hắn đi học. Nhưng trường đại học không dạy cho hắn chữ ngờ. Nết vốn là thứ hai của một nhà có đến bảy chị em gái, đứa thứ tám mới là con trai. Do túng thiếu, bà dì không con nhận Nết làm con nuôi đã ba năm nay. Dì muốn nuôi đỡ chị gái và cũng là cho vui cửa vui nhà. Dì hiếm con nên dư của. Đất ở những năm sào. Nhà gỗ lim năm gian đời trước để lại bề thế. Ông chồng đã nhiều lần đòi lấy vợ hai kiếm con kế tự. Hoá ra dì nuôi Nết còn có chủ ý khác. Sau ba năm, con bé Nết còi cọc, lem luốc được ăn no mặc đẹp đẽ phổng phao xinh xẻo hơn người. Dì tỉ tê: “Dì không sinh nở được chú sẽ lấy vợ hai, cơ ngơi này mà lọt vào tay người khác thì tiếc lắm. Chỉ riêng tiền đất cũng đáng tiền tỷ rồi. Hay là cháu đẻ với chú cho dì một đứa mà giữ lấy cơ ngơi này. Kể ra cháu còn trẻ thì hơi thiệt đấy, nhưng bù lại được làm bà chủ. Thời xưa con nhà nghèo phải làm tỳ thiếp người ta, chồng già cóc đế, lại bị các vợ trước đánh ghen có sung sướng gì đâu. Đằng này dì ruột với cháu ruột quý hoá như mẹ con còn lo gì nữa”. Đầu tiên Nết còn phản đối vì từng mơ tưởng cái ngày hắn đến rước dâu. Nhưng ngày ấy còn lâu lắm vì hắn còn phải đi học những năm năm nữa. Liệu lúc đã thành cử nhân sống nơi đô thành hắn còn chung tình với cô gái nhà quê không. Mưa dầm thấm lâu, Nết xuôi xuôi dần. Thế là vào cái hôm gió bấc đầu mùa, nhân nhà có giỗ cụ, dì ép Nết uống chén rượu màu. Váng vất quá Nết đi nằm sớm. Dì giục chồng vào cùng. Thế là Nết đành theo sự sắp đặt của dì, duyên phận phải chiều. Cũng nhờ việc này mà nhà Nết dễ chịu nhiều vì được Nết chu cấp. Thôi đành yên phận đôi đường. Chỉ có hắn là tiếc vì không biết giữ người yêu bằng thứ vũ khí lợi hại là làm tình.

Lang thang trên mạng mãi, có lần hắn tình cờ mở được trang Web sex cảnh một diễn viên khả ái đang làm tình với một thằng Tây. Những kiểu làm tình thú vật. Thằng Tây nằm ngửa ngóc cổ liếm của quý, còn cô diễn viên thì gằm mặt mút mút điên cuồng cái của thằng Tây. Rồi báo chí rùm beng đưa tin cô diễn viên này là gái gọi cao cấp, giá mỗi lần hàng nghìn đô. Cô này lại chỉ kén chọn trai Tây, trẻ khoẻ, đẹp mã. Hắn rất ngạc nhiên, sao các cô thu nhập cao thế còn khát tiền làm gì nữa. Thế mới biết ông Khổng Tử thánh thật khi chỉ ra rằng: khoe của là gọi kẻ trộm đến, khoe đẹp là gọi kẻ dâm đến. Hắn thường vào trang Web sex để xem còn trò gì nữa, và chính là giải toả nỗi thèm khát con gái. Hoá ra còn rất nhiều người đẹp công chúng quen mặt biết tên khác cũng xuất hiện. Thế rồi hắn oán giận. Bao nhiêu Huyền Trân, An Tư đều dâng hết cho ngoại bang để cho trai tráng như hắn phải nằm không mà thèm khát. Mấy bác nông dân thèm khát lối sống phương Tây loá mắt bao giờ theo kịp người Tây được. Và biết thế nào là đủ. Giàu có như Thạch Sùng còn thiếu cái nồi đất kho cá kia mà. Phương Đông nêu ra câu chuyện ấy là thâm thuý lắm. Thế là bao nhiêu cái ngon, bao nhiêu cái đẹp, bao nhiêu cái quý mấy bác nông dân dâng cho Tây hết.Được Tây cho xếp hàng thứ bét của đội ngũ quý tộc Tây. Mấy bác lại phấn đấu lên hạng nhì bét, ba bét, tư bét, nhưng phấn đấu kiểu gì cũng không thể đồng hạng với những kẻ đề ra tiêu chí quý tộc được. Được một chút mấy bác đã loá mắt, nhưng cái mất lớn nhất của đời người là sự thanh thản, tri túc, an bần lạc đạo thì đâu có biết.

Dạo này hắn hay ngủ mơ. Thường là có Nết. Nết trở thành vợ hắn. Có lẽ mối tình đầu quá đẹp, hắn lại luôn mơ tưởng cái ngày Nết trở thành vợ mình nên Nết vào giấc mơ như vậy. Có lần ông chủ Đavit trẻ tuổi đến nhà hắn chơi. Hắn phóng xe đi nhà hàng mua thức ăn đặc sản dân dã. Lúc về hắn thấy mái tóc vợ sộc sệch. Khuôn mặt vợ thì hồng hào vẻ mãn nguyện. Thỉnh thoảng lại liếc mắt nhìn trộm Đavit. Hắn chột dạ vì linh cảm thấy điều gì đó mơ hồ đang kéo Nết đi mất. Hắn tự so sánh mình với Đavit thì thấy cái gì mình cũng thua kém. Đavit điển trai hơn, khoẻ mạnh hơn và đặc biệt là rất giàu có. Nếu Nết kén chọn và theo Đavit thì sao? Hắn thét lên: “Không! Nết ơi!”. Rồi hắn buồn đến phát khóc lên vì Nết cứ đi xa, đi xa mãi khỏi hắn. Hắn hối tiếc vì có việc làm ngon trong liên doanh. Hối tiếc vì đã mời ông chủ đến chơi. Cứ tưởng mời xã giao. Cứ tưởng ông chủ chỉ đến thăm tượng trưng. Sao Nết dễ dàng đổ thế nhỉ.

Buổi chiều hôm ca sĩ Kiều Diễm đến thuê phòng chính là giọt nước làm tràn ly. Vừa tối hôm trước Kiều Diễm chường mặt trên ti vi với cương vị Đại Sứ Thiện Chí cùng những lời phát biểu ngọt ngào về việc bảo vệ danh tiết của người phụ nữ toàn cầu. Đại Sứ Thiện Chí thuê phòng riêng của khách sạn làm văn phòng à. Tốt thôi. Làm việc cấp thế giới mà ở cỡ Bảo Trinh cũng đáng thôi. Kiều Diễm vừa đi khỏi thì tiếp theo là vị khách Kuso Kusooc. Cũng phòng 37 à. Có người thuê rồi. Thằng Tây nhún vai tỏ vẻ ngạc nhiên. Chính tôi đặt phòng ấy mà. Vậy cứ lên đi. Thằng Tây sải những bước sốt ruột. Hắn chợt hiểu. Đại Sứ Thiện Chí hôm nay không làm việc “Đại Sứ” mà chỉ làm việc “Thiện Chí” kiếm vài nghìn đô thôi. Kiều Diễm ơi, nếu em cứ áo nâu chân đất như tổ tiên ngàn đời thì em đâu thèm khát trăm nghìn đô xa lạ kia. Có được đồng tiền ấy là đảm đang à? Nhưng khó trách em lắm. Đất nước này như cô gái trinh đang bị những bàn tay tư bản bên ngoài lột truồng, đang bị vầy vò, em chỉ là một nạn nhân mà thôi. Anh, Người Yêu Nước từ hôm nay sẽ đi làm phận sự của mình.

Hắn dắt con dao “lá lúa”, cầm chìa khoá lên phòng 37. Hắn quyết định làm phận sự hơi chậm nên khi mở cửa phòng thì công đoạn thú vật đã xong, đang là công đoạn làm tình cao trào. Tiếng rên của Kiều Diễm rít lên như tiếng còi phạt xe vi phạm giao thông. Tiếng rên ấy kích thích làm cho Kuso Kusooc cũng rên lên hực hực. Nhát bổ thượng ngọt sớt đúng vào ngực trái. Kuso Kusooc dướn người lần cuối truyền hết tinh lực cho Kiều Diễm. Máu xối ướt người nằm dưới. Toàn bộ sự việc tiếp tục được truyền trên mạng toàn cầu. Hắn chưa đi khỏi phòng 37 thì Intepon đã ập đến bắt.

Nghe đâu sau đó do sức ép quốc tế hắn bị tống đạt về toà án La Hay và nhiều khả năng phải lên ghế điện. Nhưng cũng có chuyên gia khẳng định nếu hắn có luật sư giỏi biện hộ thì có khi lại được trắng án. Hình như phong trào bảo toàn danh tiết phụ nữ của thế giới thứ ba đang vào cuộc bênh hắn. Còn hắn, hắn vẫn bình thản huýt sáo điệu “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu...”.

Tết 10/10/2006
© Tác giả giữ bản quyền.
.
.
.

No comments: