Tuesday, November 30, 2010

NHÌN LẠI VỀ ÁN TỬ HÌNH (Trần Vinh Dự)

Trần Vinh Dự
Thứ Hai, 29 tháng 11 2010

Vụ trọng án Nguyễn Đức Nghĩa gần đây đã tạo ra làn sóng dư luận lớn ở Việt Nam. Câu chuyện càng trở nên nóng khi cha đẻ của bị can này bị tai nạn giao thông và qua đời để lại mẹ nạn nhân trong tình trạng cực kỳ bi thảm – chồng chết, con trai độc nhất sắp phải chịu án tử hình.

Án tử hình luôn là một phần của hệ thống các hình phạt trong lịch sử loài người – cho mãi tới gần đây. Phương pháp thi hành án tử hình trên thế giới cũng đa dạng, từ các hình thức man rợ đến ít nhiều mang tính nhân văn hơn: đóng đinh, đốt, đun sôi, chặt đầu, chôn sống, ném đá, phanh thây, thả trôi sông, tùng xẻo, voi giày, ngũ mã phanh thây, xẻ đôi người, lột da, cho hổ và báo ăn thịt, treo cổ, xử bắn, ghế điện, phòng hơi ngạt, và tiêm thuốc độc.

Hiện nay trên thế giới có tới 95 nước đã loại bỏ án tử hình, 9 nước chỉ sử dụng án tử hình trong các tội nghiêm trọng được thực hiện vào các tình huống hết sức đặc biệt như trong chiến tranh, 35 nước khác có luật về tử hình nhưng đã không áp dụng hình phạt này trong 10 năm qua. Chỉ có 58 nước vẫn sử dụng án tử hình cả trong luật và trong thực hành.

Nghiêm cấm hình phạt tử hình được quy định trong hiến pháp của nhiều nước. Thí dụ, hiến pháp Columbia năm 1991 viết “Quyền được sống là bất khả xâm phạm. Sẽ không có hình phạt tử hình”. Hiến pháp Bolivia cũng viết “Tất cả mọi người đều có quyền được sống… Án tử hình không tồn tại”.

Ở Việt Nam vẫn còn án tử hình, và nhiều bang ở Mỹ cũng vậy. Tử tù ở VN hiện nay vẫn bị hành hình bằng cách đưa ra pháp trường xử bắn nhưng từ 1/7/2011 trở đi thì sẽ bị giết bằng cách tiêm thuốc độc. Ở Mỹ hiện nay có 35 bang vẫn dùng án tử hình trong khi 15 bang (bao gồm cả Washington D.C.) đã bãi bỏ. Án tử hình ở Mỹ chủ yếu được thực hiện bằng cách tiêm thuốc độc.

Ngoài câu chuyện về đạo đức, cuộc tranh luận về án tử hình gần đây xoay quanh 3 vấn đề: tác dụng răn đe (deterrence), tác dụng xử phạt công minh (retribution), và tác dụng chấm dứt (closure).
Closure là tác dụng giả định theo đó các nạn nhân và/hoặc gia đình nạn nhân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường sau khi cái ác đã bị trừng trị. Tuy nhiên lý thuyết này giả định các nạn nhân muốn được nhìn thấy kẻ gây án bị giết, mà điều này thì trong nhiều trường hợp không đúng. Hơn nữa có nhiều nghiên cứu về tâm lý học đã cho thấy sự thực là các nạn nhân này không hẳn đã cảm thấy thanh thản hơn khi kẻ gây án bị đem ra xử tử.

Retribution là lý thuyết ủng hộ án tử hình dựa trên lập luận cơ bản là hình phạt phải tương thích với tội ác mà kẻ gây án đã phạm phải, và đó là một phần của thực thi công lý. Lý thuyết này hiện nay đang được những người ủng hộ án tử hình sử dụng khá nhiều.

Lý thuyết mạnh mẽ nhất được dùng để bảo vệ án tử hình là Deterrence. Ở Việt Nam thì đây là luận thuyết chủ yếu. Thí dụ, Đại biểu Quốc hội Phạm Xuân Trường hồi tháng 5 năm 2010 vừa rồi đã dựa trên luận thuyết này để chống lại việc xử tử bằng thuốc độc. Theo ông này, việc xử bắn có tác dụng răn đe mạnh hơn là giết bằng thuốc độc.

Tuy nhiên các nghiên cứu về việc xử dụng tử hình cho đến nay vẫn đưa ra các kết luận trái ngược nhau. Có một số nghiên cứu kết luận rằng tử hình có tác dụng nhưng cũng có một số nghiên cứu lại nói rằng không. Naci Mocan, một giáo sư kinh tế của Louisiana State University, đã nghiên cứu tất cả 3054 quận của nước Mỹ trong suốt hơn hai thập kỷ và kết luận rằng mỗi một án tử hình đã cứu được năm mạng sống. Hashem Dezhbakhsh, Paul H. Rubin, và Joanna M. Shepherd trong một nghiên cứu đăng trên tờ American Law and Economics Review cũng kết luận rằng “các kết quả chúng tôi thu thập được cho thấy án tử hình có tác động răn đe rất mạnh; mỗi án tử hình sẽ dẫn đến, về trung bình, là số vụ giết người giảm đi 18 vụ - với sai số là cộng trừ mười vụ.” Lý thuyết về deterrence gần đây cũng được một số đại thụ trong ngành Luật học ở Mỹ như giáo sư Cass Sunstein và Adrian Vermeule, cả hai đều đang làm việc tại University of Chicago, ủng hộ. Cass và Adrian đều cho rằng các bằng chứng về tác dụng răn đe mới đây là rất “mạnh mẽ” và “đầy ấn tượng”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều nghiên cứu khác chỉ ra tính bất cập trong các nghiên cứu kể trên. Thậm chí còn một số nghiên cứu cho thấy có quan hệ thuận giữa mức độ hoành hành của tội phạm và số phạm nhân bị đem ra xử tử. Những người chống lại án tử hình chỉ trích rằng việc xử tử tạo ra hiệu ứng “man rợ” (brutalizing effect) – có nghĩa là nó làm cho một số người cảm thấy hả hê và coi việc giết người khác trong một số trường hợp là chấp nhận được, điều đó đến lượt nó lại khiến các vụ giết người có nguy cơ tăng lên. Đương nhiên là bản thân các nghiên cứu này cũng không thực sự thuyết phục vì một lý do đơn giản là quan hệ thuận không đồng nghĩa với quan hệ nhân quả.
--------------------------
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ

------------------------------

Nguyễn Trang Nhung   -  02/11/2010 | 11:00 chiều

Nguyễn Trang Nhung  - 16/09/2010 | 5:28 sáng | 7 phản hồi

Nguyễn Trang Nhung – 29/07/2010 | 6:30 chiều

Nguyễn Trang Nhung – 29/07/2010 | 12:00 chiều

Nguyễn Trang Nhung – 11/07/2010 | 12:00 chiều

Nguyễn Trang Nhung – 01/07/2010 | 1:00 sáng

.
.
.

No comments: