Saturday, November 27, 2010

ĐÂU LÀ NHỮNG TRỤ CỘT PHẢI LÔI KÉO/TẤN CÔNG ĐỐI VỚI CHẾ ĐỘ CSVN ? (Việt Tân)

Nguyễn Ngọc Bảo - Đỗ Đăng Liêu
Cập nhật ngày: 27/11/2010

Diễn Đàn Pal Talk “Tìm Hiểu và Thảo Luận Về Đấu Tranh Bất Bạo Động”
Bài 3: Những trụ cột chống đỡ chế độ độc tài và những nguyên lý lôi kéo/ tấn công đối với những nhân tố đang phục vụ trong guồng máy độc tài. Áp dụng tại VN thì sao và đâu là những trụ cột phải lôi kéo/ tấn công đối với chế độ CSVN?

Diễn Giả: Kỷ sư Nguyễn Ngọc Bảo (Ủy viên Trung Ương Đảng Việt Tân)
Ông Đỗ Đăng Liêu (Ủy Viên Trung Ương Đảng Việt Tân)

Kính chào toàn thể quý vị (Nguyễn Ngọc Bảo)
Hôm nay, chúng ta cùng nhau trao đổi về đề tài thứ 3 “Những Trụ Cột Chống Đỡ Chế Độ Độc Tài và những Nguyên Lý Lôi Kéo/Tấn Công”. Đề tài này được chia làm hai phần.
Phần một, đề cập tới những trụ cột chống đỡ chế độ độc tài CSVN những đặc điểm tổng quát của mỗi trụ cột, cũng như nguyên lý lôi kéo/tấn công đối với các nhân tố phục vụ trong các trụ cột này. Phần này do tôi (Nguyễn Ngọc Bảo) trình bày.
Phần hai, đề cập một cách chi tiết hơn tới nguyên lý lôi kéo/tấn công đối với một số trụ cột mà các lực lượng dân tộc dân chủ có thể khai thác yếu điểm và vận động quần chúng lôi kéo một cách hữu hiệu, cũng như vạch ra một số cách thức ứng dụng cụ thể tại Việt Nam. Phần này sẽ do ông Đỗ Đăng Liêu, Ủy Viên Trung Ương Đảng Việt Tân trình bày.

Kính thưa quý vị,
Các chế độ độc tài với bộ máy hành chánh to lớn và kồng kềng, cùng với dàn công an, cảnh sát, mật vụ và quân đội nhan nhãn ở nhiều nơi trong xã hội đã phô diễn một dáng vẻ rất kiên cố, vững chắc. Đối chiếu với hình ảnh đó, tình trạng bị cô lập, trù dập nặng nề của thành phần đối kháng và sự chống đối ô hợp của quần chúng, không được tổ chức, thiếu phương tiện cho thấy rõ ràng một sự tương phản rất lớn.
Một bên thì có vũ khí để sẵn sàng trấn áp, còn một bên là quần chúng không có tấc sắt trong tay, yếu đuối, không có một chút quyền lực nào. Chính những thành kiến này đã làm suy giảm đi khả năng hình thành một lực lượng đối kháng mạnh để chống lại chế độ độc tài. Hơn thế nữa, vì chế độ độc tài gây ra những tội ác đối với người dân, nên người dân có thói quen kết án mọi tội ác cho tất cả những ai có liên hệ đến chế độ độc tài. Vô hình chung, người ta đã đẩy những cá nhân liên hệ với chế độc tài thành một khối mà trên thực tế không phải như vậy.

Những Trụ Cột Chống Đỡ Chế Độ Độc Tài
Mặc dù mang dáng vẻ mạnh mẽ, các chế độ độc tài đều tựa trên những trụ cột như là những chân vạc quyền lực. Và mỗi trụ cột này được cấu thành bởi những con người. Nếu những con người phục vụ trong các trụ cột quyền lực này từ bỏ sự hỗ trợ đối với chế độ thì toàn bộ hệ thống nhà nước sẽ sụp đổ. Nói cách khác, những con người phục vụ ở các trụ cột đó bị giao động hay được thuyết phục để cố tình làm chậm công việc lại, guồng máy độc tài sẽ trở nên suy yếu.
Nhận diện và phân tích những điểm mạnh, điểm yếu của các trụ cột chống đỡ hầu khai thác được các yếu điểm và tránh trực diện với các cường điểm là bước căn bản của những người áp dụng phương thức đấu tranh bất bạo động. Chỉ khi nào quần chúng làm cho những trụ cột chính của chế độ bị soi mòn, trung hòa hay bị gẫy đổ thì mới có hy vọng tạo những áp lực đủ mạnh để thay đổi. Bất kỳ chế độ nào cũng đều dựa trên những trụ cột chống đỡ . Các trụ cột này có thể khác nhau tùy theo bản chất của từng chế độ. Trong hầu hết các xã hội đương thời, các trụ cột quyền lực chính được nhận diện như sau :

Công An: Đây là bộ phận mang đặc tính phục vụ và bảo vệ người dân; nhưng dưới chế độ độc tài thì bộ phận công an được coi là công cụ để kiểm soát, trấn áp người dân hầu bảo vệ một thiểu số lãnh đạo đã mất lòng dân. Người dân không cần phải đợi thay đổi chế độ xong mới có thể thay đổi lối nhìn và cách cư xử của công an. Công an sống trong cộng đồng mà họ phục vụ. Gia đình, bạn bè và người quen của họ đã hình thành những mối quan hệ rất đa dạng với quần chúng. Trong sự ràng buộc đa dạng đó, những hành động của công an luôn luôn bị để ý.
Thí dụ: dù ác ôn đến đâu, nếu những hành động này bị người dân tố cáo công khai trên mặt báo hay trên mạng Internet sẽ khiến cho gia đình, họ hàng liên hệ với tên công an này tạo áp lực lên đương sự để không dám mặc sức hoành hành nữa. Vì thế mà chúng ta không nên coi lực lượng công an thực hiện mệnh lệnh của kẻ độc tài như là kẻ thù vĩnh viễn của nhân dân. Họ là những người phục vụ cho một bộ máy đã thất bại và mất lòng dân. Chính hệ thống đó bị thay thế chứ không nhất thiết phải là những thành phần công an này. Làm như vậy chúng ta không đẩy thành phần công an vào con đường cùng để phải quyết tử với người dân. Tất nhiên, chúng ta cần phải cô lập và vô hiệu hóa những thành phần công an ác ôn hay những thành phần đầu gấu thuộc xã hội đen.

Quân Đội. Không giống như thành phần công an, các đơn vị quân đội thường tách ra khỏi xã hội dân sự, có doanh trại riêng, bệnh viện và ngay cả khu sinh hoạt mua sắm riêng. Chính sự tách biệt này đã ngăn cản những phát triển mối quan hệ giữa quân đội và các thành phần trong xã hội dân sự. Khi một chính quyền dùng quân đội để giải quyết một cuộc xung đột chính trị bằng lực lượng quân sự thì các đơn vị này sẽ không ngần ngại sử dụng bạo lực ở mức bao trùm toàn vùng để đàn áp.
Việc phát triển kế hoạch soi mòn tinh thần hăng say của quân đội trong nhiệm vụ đàn áp những cuộc chống đối của người dân cần phải đặt ra thật sớm trước khi tình thế dồn đến chỗ nhà cầm quyền phải dùng quân đội để đàn áp. Điểm mấu chốt của các kế hoạch này là thuyết phục những người lính thấy rằng cuộc sống của riêng họ và của gia đình họ sẽ không bị đe dọa và những người lính chuyên nghiệp sẽ có một tương lai vững chắc dưới thể chế dân chủ. Khi giới quân đội thấy rõ giá trị của họ trong thể chế dân chủ, họ sẽ giữ vị trí trung lập đối với nhà cầm quyền (như quân đội Liên Xô, Ba Lan, Đông Đức, Serbia) hoặc đứng về phía quần chúng để chống lại lãnh đạo độc tài (Romania).

Hành Chánh: Công nhân viên phục vụ trong các cơ chế hành chánh của những chế độ độc tài thường bị đánh giá rất thấp - như những đàn kiến – hoàn toàn hành động theo mệnh lệnh của cấp trên. Tuy nhiên, không có đàn kiến này, các chế độ khó có thể vận hành một cách suông sẻ. Đây là những con người đã chuyển tải mệnh lệnh sang hành động: họ ban hành các quy định, đánh giá và thu thuế, chuẩn bị ngân sách, điều hành trường học, nhà thương, kiểm soát giao thông, duy trì hệ thống thông tin... thực hiện tất cả các nhiệm vụ giúp cho một chế độ hoạt động. Không có một chính quyền nào hoạt động mà không cần đến họ.
Để thay đổi chế độ và chuyển hóa dân chủ, các phong trào đối kháng phải giành cho được sự đồng tình hay ủng hộ của những công nhân viên nhà nước. Nhưng do nhu cầu của cuộc sống, đa số công nhân viên nhà nước thường không dám bày tỏ thái độ phản kháng cho đến khi họ nhìn thấy rõ chiều hướng thắng lợi của phong trào dân chủ. Chính vì thế mà các phong trào đối kháng nên vận động sự ủng hộ ngầm của công nhân viên nhà nước ở những giai đoạn đầu và tuỳ theo tình hình sẽ kêu gọi sự tham gia tích cực của họ ở những giai đoạn dứt điểm.

Pháp Luật :. Các chế độ độc tài thường che dấu những hành vi khủng bố phe đối lập bằng cách cho soạn thảo ra nhiều bộ luật kể cả việc kêu gọi sống và làm việc theo luật pháp. Đồng thời để tránh né những phê phán của công luận quốc tế về tình trạng cai trị luật rừng, họ đã cho lập ra nào là quốc hội, toà án, viện kiểm sát, luật sư đoàn, chính phủ... để tạo một bề mặt cai trị theo ba quyền phân lập gồm hành pháp – tư pháp – lập pháp. Tuy nhiên trong thực tế, cả ba quyền này đều nằm trong tay đảng Cộng sản thông qua các Bí thư đảng các cấp.
Trong thời toàn trị, mệnh lệnh của đảng là tuyệt đối. Nhưng do nhu cầu mở cửa vận động đầu tư và tham gia vào các cơ cấu quốc tế để làm ăn buôn bán với các nước, những mâu thuẫn giữa đảng với các cơ chế luật pháp bắt đầu nảy sinh với hiện tượng ngáng cẳng lẫn nhau giữa các cán bộ thừa hành để tranh lợi. Lực lượng đối kháng phải khai thác những mâu thuẫn giữa hiến pháp với các đạo luật, giữa luật với các văn bản dưới luật và giữa luật với các bộ phận thi hành luật để khởi động các hình thức bất phục tùng dân sự đối với các chỉ thị của nhà nước.
Khi có nhiều người, nhiều thành phần quần chúng như nông dân, công nhân, sinh viên, trí thức, tôn giáo lên tiếng phản đối những đạo luật bất công, mâu thuẫn với hiến pháp hoặc nộp đơn kiện các viên chức nhà nước đã thi hành sai trái với luật pháp... sẽ từng bước làm tê liệt trụ cột pháp luật.

Truyền Thông: Báo chí và truyền thông có một sức mạnh đáng kể trong việc huy động dư luận vào một vấn đề gì. Các chế độ độc tài biết điều này nên đã thu gom mọi phương tiện truyền thông vào trong tay đảng và ngăn cấm người dân tiếp cận các phương tiện thông tin, đặc biệt là dựng lên bức tường lửa để ngăn chận việc truy cập vào một số diễn đàn mà chế độ cho là phản động trên mạng lưới Internet. Đôi khi nhà cầm quyền còn dùng thủ đoạn phá sóng để ngăn chận những cuộc liên lạc bằng điện thoại di động mà phe đối kháng kêu gọi nhau xuống đường biểu tình.
Lực lượng đối kháng phải tìm mọi cách phá vỡ sự bưng bít và khống chế thông tin của chế độ độc tài. Vì nếu không soi mòn được trụ cột này thì khó có thể huy động số quần chúng tham gia để tạo ra những cuộc phản kháng quy mô. Kinh nghiệm của đa số các lực lượng dân chủ tại các quốc gia, việc thực hiện những sản phẩm tuyên vận ở ngoài nước rồi phóng vào trong nước là nỗ lực phải làm ở giai đoạn đầu; nhưng từng bước sau đó phải cố gắng cho ra đời những tờ báo và đài phát thanh bí mật ngay ở trong nước. Tuy nội dung của những tờ báo và đài phát thanh sẽ rất giới hạn và thô sơ nhưng có sức thu hút mãnh liệt đối với người xem và là những bằng chứng của việc phá vỡ sự bưng bít thông tin và kiểm soát của chế độ.

Thanh niên Sinh viên : Bất cứ chế độ độc tài nào cũng đều ra sức ngăn cản, đe dọa hàng ngũ thanh niên sinh viên không được tham gia các sinh hoạt chính trị, vì họ biết rằng đây là lực lượng năng động nhất và luôn luôn đi tiên phong trong mọi cuộc đấu tranh cho chính nghĩa. Các chế độ độc tài thường dùng các thủ đoạn đuổi học, không thu nhận vào các cơ quan nhà nước hay các xí nghiếp quốc doanh, liên doanh, không cho xuất ngoại đối với những thanh niên sinh viên dám bày tỏ sự chống đối công khai nào đó.
Mặc dù những thủ đoạn nói trên có làm chùng bước một số thanh niên sinh viên. Nhưng một khi họ tạo được sự liên kết của nhiều nhóm sinh viên chống đối với nhau, họ sẽ bất chấp tất cả và sẵn sàng dấn thân cho những lý tưởng cao đẹp — đó là muốn biết sự thật từ những dối trá và lẽ phải từ những sai quấy. Chính sự minh bạch trong nhận thức này đã thúc đẩy họ dấn thân. Điều cần quan tâm trong việc vận động thanh niên sinh viên là phải biết hướng dẫn và áp dụng kỷ luật để ngăn chận những hành động quá đà. Những khiêu khích từ bên ngoài dễ tạo ra những phản công bằng bạo lực trong một số cuộc tranh đấu và tạo lý cớ cho công an, quân đội đàn áp.

Doanh Nhân. Dưới bất cứ chế độ nào thành phần doanh nhân luôn luôn có một vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Họ cung cấp cho người dân hàng hóa và dịch vụ mà nhà nước không làm được. Trong chế độ cộng sản, thường thì nhà cầm quyền ngầm thả lỏng cho những hoạt động chợ đen bất hợp pháp để giảm đi những biến động chính trị nảy sinh từ sự bất mãn của quần chúng do tình trạng thiếu hụt hàng hóa. Ngoài ra, các doanh nhân, đặc biệt là doanh nhân ngoại quốc và đa quốc gia có xu hướng thích đầu tư và phối hợp làm ăn với những thể chế độc tài vì chế độ độc tài sẵn sàng làm bất cứ biện pháp nào cho các doanh nhân giữ được ổn định việc kinh doanh.
Các công ty quốc tế không quan tâm là nhà cầm quyền đó độc tài hay dân chủ mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Do đó, các phong trào dân chủ cần phải thuyết phục các doanh nhân thấy là rằng tình hình đang thay đổi và họ sẽ có lợi nếu họ giữ thái độ trung lập. Song song, khi những áp lực của phong trào dân chủ lên cao, lúc đó cần yêu cầu giới doanh nhân phải cung ứng những nguồn tiếp trợ quan trọng bao gồm tiền bạc, phương tiện đưa tin, vỏ bọc cho phong trào dân chủ.
Ngoài những trụ cột nói trên còn có những trụ cột khác như trụ cột công nhân, trụ cột tôn giáo, trụ cột các tổ chức phi chính phủ.... cũng đóng một số vai trò quan trọng mà các lực lượng dân chủ cần phải tìm hiểu hầu vạch ra kế hoạch vận động. Ngoài ra, những nguồn hỗ trợ khác như tổ chức chuyên gia, lực lượng chính trị, doanh nghiệp và chính quyền nước ngoài, những liên hệ cá nhân và tổ chức quốc tế hay những đoàn thể chuyên ngành như hội may mặc, câu lạc bộ xe mô tô, câu lạc bộ nuôi chim, cây cảnh... là những tổ chức quy tụ một số người có thể tạo ra sức mạnh nếu được tranh thủ đúng lúc để tạo sự hậu thuẫn cho các cuộc vận động.
Mỗi chế độ, tùy theo những chủ trương chính trị mà đặt tầm quan trọng vào những trụ cột khác nhau. Đối với những chế độ độc tài, những trụ cột quan trọng là quân đội, công an, tuyên truyền, còn đối với những chế độ dân chủ thì các trụ cột pháp luật, giáo dục, hành chánh, kinh tế là quan trọng.
Tôi xin ngừng phần trình bày đề cập đến các trụ cột chống đỡ chế độ CSVN để xin mời ông Đỗ Đăng Liêu trình bày phần kế tiếp về những nguyên lý lôi kéo/ tấn công, định ra những trụ cột nào chúng ta có thể khai thác các yếu điểm để vận động quần chúng lôi kéo/tấn công và một số cách ứng dụng cụ thể tại Việt Nam.

Kính chào toàn thể quý vị (Đỗ Đăng Liêu)
Những trụ cột nói trên sở dĩ đứng vững được là nhờ những CON NGƯỜI phục vụ nó. Cho dù có dụng cụ tối tân đến đâu thì vẫn phải có người xử dụng. Tuy nhiên, các cá nhân phục vụ trong mỗi trụ cột không có những vị trí đồng đều hay đồng nhất. Có thể nói họ là những vòng tròn đồng tâm. Và nhân sự giữa các vòng này có vai trò khác nhau, quyền lợi được hưởng từ chế độ khác nhau, và vì thế mà sự trung thành đối với chế độ cũng khác nhau.
Giữa các trụ cột cũng có sự khác biệt. Những cán bộ phục vụ trong bộ máy kinh tế, mậu dịch là giàu có nhất, vì có điều kiện để tham nhũng, bòn rút tiền các kế hoạch đầu tư, các công trình, kế đến là những cán bộ phục vụ trong bộ máy công an, cảnh sát, còn những cán bộ phục vụ trong các đoàn thể quần chúng, văn hóa, quân đội thường là nghèo vì ít có cơ hội móc ngoặc, tham nhũng. Chính sự khác biệt quyền và lợi do vị trí làm việc trong thời mở cửa nói trên, cũng đã nảy sinh ra những xung đột nội bộ, khiến cho các cơ quan đảng và nước trong những chế độ độc tài mang ba đặc tính "dựa vào nhau để tồn tại, dè chừng nhau để thủ thân, tranh chấp nhau để thủ lợi".

Để Làm Suy Yếu Những Trụ Cột:
Muốn làm suy yếu để dẫn đến sự sụp đổ của một chế độ người ta phải soi mòn những trụ cột. Muốn soi mòn những trụ cột thì phải biết cách tấn công một cách hiệu quả dựa trên một số nguyên lý căn bản như sau.

Thứ nhất, ưu tiên “Kéo”hơn là “Đẩy”: Có nghiã là chúng ta “kéo” các thành phần của trụ cột rời nhau ra hoặc nghiêng về phía chúng ta thay vì “đẩy” họ chặt lại với nhau.
Để làm được điều đó thì thay vì tấn công họ, mà hậu quả là đẩy họ về với nhau trong tâm lý đoàn kết để tồn tại, thì chúng ta nỗ lực cảm hoá những thành phần có thể cảm hoá được, tạm gọi là những thành phần "tốt", có thể thức tỉnh, để họ bỏ hàng ngũ và về với chúng ta.
Tâm lý bình thường của con người là kết hợp lại với nhau khi có cùng chung hoàn cảnh. Khi cùng bị tấn công họ thì đoàn kết lại thành một khối, đứng sát lại và liên kết chặt chẽ với nhau hơn nữa để chống trả “đối thủ chung”.
Trên khiá cạnh thực hiện thì lôi kéo có nhiều ưu điểm hơn tấn công. Bởi vì tấn công thì khó làm, vì tấn công thường gây ra thiệt hại cho địch thủ và dễ dẫn đến những hậu quả không tốt cho người tấn công như bị trừng phạt, bị trả thù, khiến người ta ngại làm. Ngược lại, lôi kéo thì thường là những việc làm tốt đối với đối tượng được kéo, đôi khi còn có nghiã là làm ơn, thì thường được đón nhận tốt, không có hậu quả xấu, do đó gần như ai cũng có thể làm.
Khi lôi kéo, chúng ta đặt ưu tiên đối với những thành phần cấp thấp, tức là những thành viên ở vòng ngoài cùng của trụ cột. Những thành viên này, vì ở địa vị thấp, được hưởng ít ân huệ nhất từ chế độ, nên ít trung thành với chế độ. Họ cũng ít bị mất mát thiệt thòi nếu bỏ hàng ngũ để trở về với lực lượng dân chủ. Vì vậy chúng ta dễ kéo họ hơn những thành viên của vòng trong.
Khi việc bỏ hàng ngũ, hay bất tuân phục, của các thành viên vòng ngoài diễn ra, và nhất là nếu số lượng ngày một đông hơn, thì sẽ ảnh hưởng tâm lý đến các thành phần ở các vòng phiá trong. Dần dần sẽ dẫn đến tình trạng thành phần lãnh đạo cốt lõi bên trong các trụ cột quyền lực bị cô lập, mất tinh thần và dẫn đến sự sụp đổ của cả trụ cột.
Trong tinh thần đó, thay vì tổ chức biểu tình tố cáo toàn bộ chính quyền xã hay huyện là một tập đoàn tham ô, cướp đất, cướp ruộng của dân thì ta chỉ nên vạch mặt chỉ tên một hay hai đối tượng trong thành phần lãnh đạo chóp bu ở bên trên là tham ô để cho dân chúng biết. Làm như vậy ta không đẩy tất cả cán bộ vào thế khó xử, hơn nữa còn có xác suất là những thành phần khác sẽ tự tách rời ra khỏi các thành phần ác ôn bị tố cáo hay tẩy chay để khỏi bị liên lụy.
Đằng khác, trong nỗ lực lôi kéo, ta nên tranh thủ và lôi kéo để đứng về phía quần chúng những thành phần cán bộ không dính gì đến những vụ tham nhũng hay chủ trương cướp đất, cướp ruộng. Mục tiêu là để tách những cán bộ không dính đến tham nhũng ra khỏi thành phần tham ô.

Thứ hai là nếu phải tấn công thì ưu tiên chọn những mục tiêu nhỏ: Dù lôi kéo hay tấn công thì chúng ta, ít ra là trong giai đoạn đầu, cũng chỉ nên chọn những mục tiêu nhỏ, dễ làm, dễ thành công và ít tạo chú ý từ phiá địch thủ.
Chọn những mục tiêu nhỏ sẽ khiến cho quần chúng tham gia thấy rằng những những việc làm đó khả thi, ít nguy hiểm và sẽ mạnh dạn tiến hành. Về phiá đối phương thì cũng sẽ dễ coi thường các đòi hỏi mà không dồn nhiều sức để phản công. Những thành quả nhỏ sẽ làm tăng tinh thần của quần chúng để từ từ từng bước mạnh dạn dấn thân cho những công việc lớn hơn.
Thay vì tấn công vào cả một guồng máy công an to lớn chúng ta chỉ nên tấn công vào một số thành phần công an ác ôn, nêu đích danh công khai để kêu gọi người dân trong khu vực tẩy chay và cô lập gia đình họ. Khi những việc dễ này có kết quả thì những thành phần công an còn lại sẽ lấy đó làm gương, sẽ không dám liên hệ với những tên công an bị quần chúng tẩy chay, sẽ xa lánh chúng, và sẽ không dám đi theo bước xe đổ. Khi người dân thấy là họ đã làm cho công an không dám lộng hành thì người dân sẽ nương theo để có những đòi hỏi khác buộc công an phải đáp ứng.

Thứ ba là đẩy địch thủ vào thế Tiến Thoái Lưỡng Nan. Tiến thoái lưỡng nan có nghĩa là tiến hay lùi đều khó. Khi ta đưa địch thủ vào thế tiến thoái lưỡng nan tức là chúng ta đã đặt đối phương ở vào thế khó xử, tiến cũng thiệt hại mà lùi cũng thiệt hại.
Đây là một thế đánh cốt lõi của phương thức đấu tranh bất bạo động. Khi phong trào dân chủ dồn được chế độ độc tài vào thế tiến thoái lưỡng nan thì chế độ độc tài rất lúng túng giữa hai sự lựa chọn. Cụ thể là phong trào dân chủ đưa ra một đòi hỏi mà chế độ không biết phải xử trí ra sao. Nếu không đáp ứng thì sẽ tỏ ra đuối lý, vô lý và mất uy tín trầm trọng. Nếu đáp ứng thì chẳng khác nào mở lối cho phong trào dân chủ mạnh mẽ tiến lên với những đòi hỏi ngày một lo lớn hơn.
Lực lượng dân chủ đối kháng phải luôn luôn đưa ra những hành động, những kế hoạch nhằm đẩy đối phương vào thế “mất - mất” và luôn luôn “được - được” cho phong trào dân chủ.
Chiến Dịch Vận Động Muối do lãnh tụ Gandhi chủ xướng trong cuộc vận động giành độc lập cho Ấn Độ vào mùa Xuân năm 1930 là kế hoạch kỳ diệu để đẩy thực dân Anh vào thế tiến thoái lưỡng nan. Vào lúc đó, chính quyền thực dân Anh quy định rằng việc sản xuất muối đều do người Anh quản lý và cũng là một nguồn thu thuế quan trọng của chính quyền thuộc địa Anh. Ai cũng cần muối hàng ngày, từ người nghèo đến người giàu, nam và nữ, người Ấn giáo hay người Hồi giáo.
Việc cấm người Ấn Độ sản xuất muối là một sự bóc lột trắng trợn của thực dân Anh đối với người Ấn Độ. Lời kêu gọi mọi người dân Ấn tuần hành ra bờ biển và lấy muối của ông Gandhi là một thách thức đối với luật cấm sản xuất muối của thực dân Anh. Chính quyền Anh bị đối diện với thế tiến thoái lưỡng nan: Nếu bắt giữ ông Gandhi và những người Ấn phá luật muối thì họ sẽ bị công luận phê phán mất thể diện, và sẽ biến ông Gandhi và những người chống đối như ông trở thành những người anh hùng. Nếu không hành động gì cả, thì coi như đã mặc nhiên công nhận quyền làm muối của người Ấn Độ, nghiã là người Anh không những sẽ mất thế độc quyền muối và nguồn thu thuế, mà còn mất thế cầm quyền trong con mắt của hàng triệu người Ấn đang bị đô hộ. Cuối cùng, chính quyền thực dân Anh đã phải đầu hàng bằng cách bải bỏ đạo luật cấm người Ấn sản xuất muối.

Áp dụng tại Việt Nam

Sau khi thẩm định về tầm quan trọng của mỗi trụ cột và mức độ khó hay dễ để kéo hay tấn công thì Đảng Việt Tân nhận thấy ở giai đoạn hiện tại các trụ cột công an, quân đội, trụ cột thông tin, trụ cột pháp lý là những trụ cột có tầm mức quan trọng chiến lược nhất trong việc chống đỡ chế độ CSVN, và khả năng làm soi mòn những cột trụ này của phong trào dân chủ đấu tranh bất bạo động có mức độ cao hơn các trụ cột khác.
Trụ cột công an: Công an hiện đang là cánh tay trấn áp của đảng CSVN, là bộ phận giúp đảng chống bạo loạn và bảo vệ chính trị.. Những biện pháp trấn áp, bóc lột, trừng phạt, ... làm cản trở phong trào dân chủ hiện nay của chế độ đều do công an thực hiện. Nếu vì bất cứ lý do gì mà công an ngưng thi hành các chỉ thị đàn áp của chế độ thì phong trào dân chủ sẽ phát triển rất nhanh và nhiều phần là chế độ sẽ sụp đổ nhanh chóng.
Việc mà phong trào dân chủ cần làm là vừa lôi kéo vừa tấn công. Lôi kéo để cảm hoá những thành phần tốt để họ ngừng tiếp tay với chế độ. Tấn công cá nhân để tách dần thành phần công an ác ôn ra khỏi thành phần quảng đại công an địa phương. Cần thu thập những dữ kiện liên quan đến các hành vi ác ôn, trấn áp của một số công an nhằm phổ biến trên một loại "bảng phong thần" cho quần chúng địa phương được biết để vạch mặt chỉ tên chúng làm gương. Vận động quần chúng tại địa phương cô lập gia đình công an ác ôn. Tạo áp lực từ hải ngoại lên một số đối tượng công an đặc biệt để làm gương.
Trụ cột quân đội: Đảng CSVN coi quân đội là xương sống của chế độ nên họ đã đặt quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng. Thay vào đó, nhân sự quân đội được ưu đãi hơn và chiếm một tỷ lệ rất cao trong Trung Ương Đảng, Quốc Hội. Vai trò của quân đội rất quan trọng trong việc xoay chuyển tinh hình tại Việt Nam và trung hoà thế lực của công an. Về mặt trang bị và huấn luyện tác chiến, các đơn vị công an không có phương tiện và khả năng đàn áp một số đông quần chúng hàng chục ngàn người. Chỉ cần các đơn vị quân đội không chấp hành mệnh lệnh, chắc chắn cán cân lực lượng sẽ nghiêng về phía người dân.
Hiện nay có rất nhiều thành phần yêu nước trong quân đội đang bất bình về các vấn đề chủ quyền đất nước (Hoàng Sa/ Trường Sa) và mối hiểm họa Bắc thuộc lần thứ năm. Đặc biệt là thành phần sĩ quan cao cấp và trung cấp tại các quân khu. Đây là điểm tương đồng với quảng đại quần chúng mà chúng ta cần quan tâm. Ngoài ra, các gia đình cựu chiến binh đã từng có nhiều công trạng với chế độ cũng là nguồn lực thuyết phục một số thành phần quân đội. Các lực lượng dân tộc dân chủ cần chính thức đưa ra lời kêu gọi nhằm vào thành phần quân đội để họ không đứng về phía bạo quyền quay súng vào dân trong những lúc tính hình lên cao điểm.
Trụ cột truyền thông: Thông tin bị bưng bít khiến người dân không biết được sự thật, không biết được những sự gian trá, những tội ác của chế độ. Đảng CSVN cũng coi báo chí, truyền thông là vũ khí quan trọng để hỗ trợ cho các đòn khủng bố và trấn áp của trụ cột công an. Tuy nhiên, thành phần làm việc trong 700 cơ quan báo chí, truyền thông, truyền hình, không đồng nhất. Vì lương tâm và vì sự đòi hỏi của quần chúng về những vấn đề nóng bỏng trong xã hội Việt Nam, nhiều nhà báo đã phải xé rào để viết lên sự thật, nhất là đối với các vấn đề chủ quyền đất nước và toàn vẹn lãnh thổ.
Lực lượng dân chủ cần kêu gọi lương tâm chức nghiệp của giới làm báo. Giúp đỡ, hỗ trợ cho các nhà báo có lương tâm, khuyến khích họ lên tiếng về các vấn đề xã hội, và hỗ trợ lẫn nhau khi bị trù dập. Thành lập những câu lạc bộ, nhóm phóng viên tự do nhằm tô đậm sự so sánh trong vấn đề thông tin giữa báo chí nhà nước và báo ngoài luồng. Tìm kiếm những hỗ trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ cho quyền tự do thông tin, các hiệp hội nhà báo, v.v. để bảo vệ các nhà báo cấp tiến trong nước. Cùng lúc, phải vạch mặt chỉ tên các thành phần bồi bút văn nô bẻ cong ngòi bút phục vụ cho chế độ để làm gương cho những tên khác.
Trụ cột pháp lý: CSVN đã biến hệ thống tư pháp tại Việt Nam thành một công cụ để hợp pháp hoá những tội ác của họ. Những phiên toà xử dưới chế độ CSVN chỉ là những màn dàn cảnh bịp bợm trắng trợn và lố bịch.
Đảng CSVN coi pháp lý là những lá chắn để vừa bảo bọc các đòn trấn áp thô bạo lên phong trào dân chủ, vừa là sợi dây thòng lọng xiết cổ họ vì nhu cầu mở cửa làm ăn buôn bán với bên ngoài. Nói cách khác, trụ cột pháp lý giúp cho Hà Nội thể chế hóa bộ máy đàn áp tinh vi hơn; nhưng ngược lại chính pháp lý đã trói tay CSVN ở một số lãnh vực mà chính họ không còn có thể tự tung tự tác như trước đây.
Song song với việc thông tin bị bưng bít, những phiên toà này vẫn còn có tác dụng bịt mắt đối với số rất đông đồng bào trong nước. Điều mà các phong trào dân chủ cần làm cũng tương tự như đối với trụ cột truyền thông là vừa lôi kéo và vừa đẩy.

Tóm lại, các chế độ đều phải tựa lên những trụ cột chống đỡ để tồn tại. Ở Việt Nam hiện nay, Đảng CSVN đã thành công trong việc biến lực lượng công an, quân đội, hệ thống truyền thông và hệ thống pháp lý thành những trụ cột, những công cụ bảo vệ chế độ.
Chúng ta không cần những lực lượng công an, quân đội cũng như hệ thống truyền thông và pháp lý đi theo phong trào dân chủ, mà chỉ cần các lực lượng và cơ chế nói trên hành xử đúng với chức năng của nó, tức là bảo vệ người dân, bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ sự thật và bảo vệ công lý thay vì bảo vệ những việc làm sai trái của chế độ CSVN. Khi đó, phong trào dân chủ sẽ có cơ hội phát triển rộng lớn và nhanh chóng và chế độ CSVN sẽ sụp đổ.
Việc làm của phong trào dân chủ là làm sao để các lực lượng và cơ chế nói trên dứt khoát bỏ đi ý muốn sai trái là bảo vệ chế độ.
Cám ơn Quý vị và các bạn đã lắng nghe.

------------------------

Ông Đỗ Đăng Liêu
Ông Đỗ Đăng Liêu đi du học tại Bỉ và Pháp trước năm 1975. Tốt nghiệp Cử Nhân Kinh Tế và Cử Nhân Quản Trị Xã Hội. Mang ước vọng canh tân Việt Nam từ thời còn còn cắp sách đến trường, Ông Liêu đã thành lập, tham gia và sinh hoạt trong các hội sinh viên Quốc Gia tại Bỉ và Pháp, kể cả Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris, là lực lượng người Việt Quốc Gia hoạt động tích cực và mạnh mẽ trong những năm trước và sau 1975. Ông Liêu tham gia Đảng Việt Tân năm 1989 với ước mong góp phần vào việc giải thể chế độ độc tài toàn trị Cộng Sản Việt Nam để mở lối cho việc canh tân đất nước. Ông Liêu là Ủy Viên Trung Ương Đảng từ năm 2001 tới nay.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo sinh năm 1956, du học tại Pháp năm 1974. Ông tốt nghiệp kỹ sư Cao Đẳng Công Nghệ (Ecole Centrale de Paris) năm 1980. Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris từ 1982 - 1985.
Ông tham gia đảng Việt Tân từ năm 1982 và được tín nhiệm vào nhiều trách nhiệm tại Âu Châu. Ông được đề cử làm Ủy viên Trung Ương đảng từ năm 2001 cho đến nay.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo đã làm việc hơn 10 năm về lãnh vực an ninh thông tin, hiện đang trách nhiệm về an ninh hệ thống thông tin tại một hãng tại Pháp và là hội viên Hội Chuyên Gia Việt Nam

---------------------

Các bài liên hệ:


Kỳ II: Tại sao người dân e sợ chế độ độc tài? -  Đặng Vũ Chấn - Nguyễn Trọng Việt  -  21/11/2010

Kỳ I: Tại sao đấu tranh bất bạo động cần thiết cho dân chủ hóa VN?Lý Thái Hùng - Nguyễn Ngọc Bảo  -   20/11/2010



.
.
.

No comments: