Saturday, November 27, 2010

NHẬN DIỆN GIỚI LÃNH ĐẠO ĐÔNG Á (Kishore Mahbubani)

Kishore Mahbubani
27-11-2010

Thanks
1Hành động của người lãnh đạo là nhân tố có tính quyết định đến sự thành bại trong phát triển của mỗi quốc gia. Vấn đề là làm sao tạo ra được sự chuyển biến trong nhận thức của tầng lớp lãnh đạo đối với việc điều hành một xã hội.

Là một trong những học giả hàng đầu về Đông Á, Vogel đã cố gắng tìm hiểu cội rễ sâu xa của những đặc thù của tầng lớp lãnh đạo khu vực Đông Á (mặc dù ông chú trọng nhiều vào nghiên cứu Nhật Bản và bốn con hổ Châu Á hơn cả). Trong những nét đặc thù này, ông chú ý vào bốn điểm chung chính như sau (Vogle 1991, 93-101):
- Những nhà lãnh đạo tài năng và tâm huyết: Theo Vogel, trách nhiệm của tầng lớp quan lại trong xã hội thời Khổng Tử lớn hơn so với ở phương Tây và giới quan lại cũng được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi hơn. Họ cảm thấy phải có trách nhiệm đối với sự an nguy của xã hội nói chung cũng như khía cạnh về mặt đạo đức trong xã hội.
Trong thời hiện đại, những người tài năng nhất trong xã hội được lựa chọn. Họ tiếp tục phát huy năng lực của mình để phục vụ cho những lợi ích công và lợi ích tư thì chỉ duy trì ở mức độ rất hạn chế. Chính những mối quan tâm tới lợi ích của xã hội nói chung hơn là vì những lợi ích cá nhân đã thúc đẩy họ nỗ lực không ngừng để có thể nhân rộng cơ hội cho tất cả mọi người.
- Hệ thống tuyển dụng thông qua thi đầu vào: Thi cử là một hình thức cần thiết để tuyển lao động vì những kỹ năng ngày càng trở nên quan trọng. Đó cũng là cách thức quan trọng để có thể hạn chế được nạn "con ông cháu cha" trong việc tuyển dụng. Tất cả những thành viên trong xã hội do đó đều được trao những cơ hội như nhau để được trọng dụng và có thu nhập cao hơn.
- Vai trò quan trọng của tập thể: Xã hội Đông Á không bị ràng buộc quá nhiều vào những nguyên tắc của luật pháp như ở các nước phương Tây nhưng họ có nguyên tắc cụ thể riêng về cách hành xử của từng cá nhân trong một tập thể. Vogel nhấn mạnh đến sự trung thành, sự đáp ứng của từng cá nhân trong một tổ chức đối với những yêu cầu chung của tập thể và khả năng dự đoán được hành vi của mỗi cá nhân trong môi trường tập thể. Đặc điểm đó đã trở nên rất thích hợp đối với nhu cầu công nghiệp hóa, đặc biệt là cho những quốc gia đang cố gắng để bắt kịp với các nước khác.
- Khả năng tự trau dồi học hỏi: Đây cũng là một điểm tương đồng với những người Tin lành khi họ cố gắng để nâng cao khả năng của mình. Sự tự trau dồi học hỏi bắt nguồn từ mong muốn của mỗi người muốn kiểm soát tốt hơn những cảm xúc của mình. Nó đòi hỏi phải học tập và phản xạ. Nó có thể được nâng lên thành một hành vi mang tính mục đích và chủ động thông qua việc nâng cao những kỹ năng trong công việc như là học thêm ngoại ngữ, sử dụng máy tính hoặc là tìm hiểu về thị trường nước ngoài.
Từ những cá nhân, khả năng này sẽ tác động lên kết quả công việc chung của tập thể. Những khát vọng hoàn thiện bản thân không ngừng vượt xa hơn cả những nhu cầu về vật chất và mang tầm chiến lược lâu dài.
Vogel đã lựa chọn bốn đặc điểm này để phân tích về nét đặc thù của giới lãnh đạo Đông Á. Trong đó hành vi của giới lãnh đạo có vai trò quan trọng. Đó có thể là nhân tố quan trọng nhất lý giải việc tại sao Đông Á lại có thể phát triển trở thành một xã hội hiện đại. Hãy xem Vogel miêu tả cụ thể thế nào về đặc điểm này:
Hệ thống công quyền trong xã hội hiện đại đóng vai trò quan trọng công nghiệp hóa... Thực tế là giới chức lãnh đạo đã được lựa chọn dựa trên tài năng và nhân cách đạo đức... Chính sự quan tâm đối với những ổn định xã hội nói chung đã khiến họ rất chú trọng đến tình trạng bất bình đẳng trong giai đoạn đầu của công cuộc công nghiệp hóa và cũng khiến họ nỗ lực không ngừng để tạo ra cơ hội có thu nhập cho tất cả mọi tầng lớp trong xã hội (Vogel 1991, 95)
Danh sách liệt kê những tố chất lãnh đạo có thể được sử dụng như một bài kiểm tra đơn giản cho những quốc gia mà cho đến thời điểm này vẫn thất bại để tạo ra một lực đẩy tích cực trên con đường phát triển: Có bao nhiêu nước trong số này có được những nhà lãnh đạo có phẩm chất giống như vậy?
Rất nhiều những nhà nghiên cứu về phát triển đã gặp rất nhiều khó khăn khi tìm cách lý giải tại sao các quốc gia lại thất bại trong phát triển. Gần đây như năm 2003, chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, Raghuram Rajan cũng đã nhận thấy rằng:
Tình thế tiến thoái lưỡng nan trong phát triển chính là khó khăn kinh tế lớn nhất mà thế giới sẽ phải đối mặt trong dài hạn. Và sẽ không có một giải pháp nào là đơn giản. Đó không chỉ đơn thuần là đổ thêm tiền vào nền kinh tế. Chúng ta cần phải hiểu rằng làm thế nào mô hình phát triển lại thành công ở một số nước. Thực tế, một trong những lĩnh vực khiến tôi băn khoăn nhất đó là việc thiếu hẳn kim chỉ nam trong kinh tế để làm thế nào chúng ta có thể khởi động được nhận thức về phát triển ở các nước nghèo nhất trên thế giới. (IMF 2003, 363)
Bí mật thực sự của việc khởi động những nhận thức đó không nằm ở việc bắt buộc một quốc gia phải chấp nhận theo mô hình của một nước khác. Điều đó là cần thiết nhưng chưa đủ. Điều quan trọng hơn là làm sao tạo ra được sự chuyển biến trong nhận thức của tầng lớp lãnh đạo đối với việc điều hành một xã hội. Ví dụ như sẽ rất có ích nếu như chúng ta xây dựng được chỉ số đánh giá quốc tế về quản trị tốt trong đó có thể đánh giá được năng lực của những lãnh đạo dựa trên những đặc điểm mà Vogel đã chỉ ra trong những nghiên cứu về giới lãnh đạo ở Đông Á đã đề cập trên đây. Hành động của người lãnh đạo là nhân tố có tính quyết định đến sự thành bại trong phát triển của mỗi quốc gia.

Một môi trường thuận lợi
Việc nhấn mạnh đến hành động của các nhà lãnh đạo có thể gây khó khăn cho các học giả phương Tây đương thời khi tiến hành nghiên cứu. Những luồng quan điểm chính trị mang tính chuẩn xác đang bao trùm khắp châu Âu khiến việc có một phân tích tương đối cân bằng về vấn đề này trở nên khó khăn hơn. Yếu tố chính trị ở đây là các giá trị về dân chủ như người phương Tây vẫn thường nhắc đến thật đáng buồn là không thể giúp cải thiện điều kiện sống ở những nước như Haiti. Một sự thật rất đơn giản. Nhưng khi điều đơn giản  này không được đề cập đến thì rất nhiều những vấn đề sẽ nảy sinh ngăn cản những cố gắng để có những nhìn nhận khách quan hơn về vấn đề này.
Vấn đề về quan điểm chính trị chính xác này đã được người Mỹ hết sức coi trọng từ những giả thuyết vàng từ thời kỳ Kennedy đến những giải thuyết về tối giản dưới thời Reagan về quản trị. Chính quyền Kennedy tin tưởng rằng những xã hội tốt đẹp chỉ có thể được tạo nên bởi những chính phủ do những người tài năng lãnh đạo. Họ có thể mắc sai lầm nhưng họ vẫn có một niềm tin chắc chắn vào vai trò của những lãnh đạo trong việc thay đổi xã hội. Ở một thái cực khác, thời Reagan người ta lại nhận thức rằng một chính phủ tốt là một chính phủ tối giản nhất. Mục tiêu là phải làm sao để đơn giản hóa bộ máy làm việc của chính phủ và giảm thiểu vai trò của những người lãnh đạo trong chính phủ với giả thuyết rằng thị trường sẽ vận hành theo đúng cách của mình nếu như chính phủ đứng ngoài cuộc chơi.
Thật may mắn là Đông Á chịu ảnh hưởng nhiều của những giả thuyết chính trị của Kennedy hơn là Reagan. Tất cả những nhà lãnh đạo châu Á đều tin rằng một bộ máy nhà nước và đội ngũ lãnh đạo tốt sẽ đóng vai trò then chốt trong việc lãnh đạo và thay đổi xã hội. Giả thuyết này thực ra là rất nhất quán với truyền thống văn hóa. Tuy nhiên thì những giả thuyết trong thời kỳ của Kennedy đã cung cấp một đòn bẩy tâm lý cho nhận thức này.
Và thực tế thì những gì mà thời đại Kennedy mang lại không chỉ là đòn bẩy tâm lý mà còn là một môi trường thuận lợi. Hãy hình dung xem nếu như các nước Đông Á cố gắng thực hiện những chính sách của những năm 1960 trong bối cảnh năm 1860s thì chắc chắn họ đã gặp phải cản trở rất lớn từ tham vọng thực dân của những cường quốc Châu Âu lăm le mở mang bờ cõi ở khu vực Đông Á.
Trái ngược hoàn toàn, thời đại Kennedy vào những năm 1960 (tất nhiên có rất nhiều lý do để lý giải điều này, trong đó bối cảnh chiến tranh lạnh cũng là một nguyên nhân quan trọng) lại muốn được thấy sự thành công ở Đông Á. Chính quyền Kennedy hiểu rõ những thiệt hại mà chiến tranh thế giới II đã gây ra.
Do đó, họ mong muốn giữ vững cam kết về trật tự thế giới đa cực hình thành năm 1945, trong đó có có những nguyên tắc ủng hộ cho việc hình thành nên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định chung về Thuế và Thương mại (GATT)  những định chế mà sau này đã trở thành một sân chơi chung cho tất cả các nền kinh tế tiếp tục phát triển.
Vì vậy mà sẽ là sai lầm nếu chỉ nhắc đến vai trò của Khổng Tử trong câu chuyện thành công của Đông Á.  Đạo Khổng chính là gốc rễ tạo nên các giá trị văn hóa thuận lợi cho sự phát triển. Nhưng không kém phần quan trọng phải kể đến vai trò lãnh đạo về chính trị và kinh tế của Mỹ trong những năm 1960 đã tạo động lực thúc đẩy vai trò của các nhà lãnh đạo Đông Á. Thời gian tại nhiệm của Kennedy thật ngắn ngủi tính đến ngày ông bị ám sát tuy nhiên bằng ấy thời gian ngắn ngủi đó cũng đủ để ông có thể tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng tới một trào lưu mới. Và chính trào lưu đã giúp thổi nguồn năng lượng vào sự phát triển của Đông Á ngày nay.
Tôi viết ra tất cả những điều này dựa trên những cảm nhận mang tính cá nhân. Những năm 1960 cũng là những năm tháng quan trọng nhất và nhiều dấu ấn nhất trong cuộc đời tôi. Lớn lên ở Xinh-ga-po, chúng tôi có thể cảm nhận một cách sâu sắc những biến động về kinh tế và chính trị. Mặc dù vậy chúng tôi cũng có thể thấy rõ những tia hy vọng mới đang mở ra cho cuộc đời mình. Chúng tôi cảm nhận được rằng chúng tôi đang vận động để đi tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Và sự lạc quan này đã được kiểm chứng. Giai đoạn hậu chiến tranh thế giới II có lẽ là kỷ nguyên tươi sáng nhất mà các nước Đông Á đã trải qua. Và người Mỹ chính là những người đặt nền móng. Và vì thế, câu chuyện về Đông Á mà tôi kể cho các bạn nghe ngày hôm nay có thể được phác họa như là một cuộc hành trình từ Khổng Tử tới Kennedy.
Và một tin tức thực sự tốt lành đối với Đông Á là hành trình này mới chỉ bắt đầu. Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng có thể cùng tham gia. Nhân tố cốt lõi là vai trò của những nhà lãnh đạo mà thôi. Với những con người lãnh đạo tài năng, tất cả các nước đều có cơ hội tiến bộ và thành công.

Dương Ngọc Quyến biên dịch theo spp.edu.sg
----------------------------------
Chú thích
1: Trích dẫn trong Nishikawa (1993) trang 8 được đăng tải lại trên website của Cơ quan giáo dục quốc tế (International Bureau of Education, Tổ chức giáo dục, kho học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO, Paris) tại địa chỉ http://www.ibe.unesco.org/publications/ThinkersPdf/fukuzawe.pdf. Nguyên văn được lấy từ Fukuzawa (1885) và do Sinh Vinh dịch trên Fukuzawa Yukichi nenkan (Annals) 11, Mita, Tokyo, Fukuzawa Yukichi koykai 1984.
2. Chaebols: là những tập đoàn kinh tế lớn tại Hàn Quốc.

Tài liệu tham khảo:
Elegant, Simon, and Michael Elliot. 2005. "Lee Kuan Yew Reflects". Time Asia 166 (24), on the Web on December 5. http://www.time.com/time/asia/covers/501051212/lky_intvu6.html.
Fukuzawa, Yukichi. 1885. "Datsu-A Ron" [Our Departure from Asia]. Jiji-shimpo, March 16.
Goh Keng Swee. 1995a. "Public Administration and Economic Development in LDCs." In
Wealth of East Asian Nations: Speeches and Writings by Goh Keng Swee, ed. Linda Low,
128-45. Singapore: Federal Publications.
---. 1995b. "The Vietnam War: Round 3." In Wealth of East Asian Nations: Speeches and
Writings by Goh Keng Swee, ed. Linda Low, 313-32. Singapore: Federal Publications.
---. 1995c. The Economics of Modernization. Singapore: Federal Publications.
IMF (International Monetary Fund). 2003. "Interview with Raghuram Rajan: Top Economist
Calls for Rethink of IMF's Role." IMF Survey 32 (22): 361-64. http://www.imf.org/external/
pubs/ft/survey/2003/121503.pdf.
Lee Kuan Yew. 1998. The Singapore Story: Memoirs of Lee Kuan Yew. Singapore: Times
Editions.
---. 2000. From Third World To First: The Singapore Story, 1965-2000. Singapore: Times
Media Private Ltd.
McNamara, Dennis L. 1990. Colonial Origins of Korean Enterprise, 1910-1945. Cambridge:
Cambridge University Press.
Nishikawa, Shunsaku. 1993. "Fukuzawa Yukichi." Prospects: The Quarterly Review of
Comparative Education XXIII (3/4): 493-506.
Vogel, Ezra F. 1991. The Four Little Dragons: The Spread of Industrialization in East Asia.
Cambridge, MA: Harvard University Press.
.
.
.

No comments: