Sunday, November 28, 2010

THAM NHŨNG ĐẤT ĐAI Ở VIỆT NAM là MỘT VẤN ĐỀ KINH KHỦNG (bà Lê Hiền Đức)

Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-11-27

Hôm 25/11vừa qua tại Hà Nội, một cuộc hội thảo mang tên “Đối thoại về phòng chống tham nhũng” do World Bank phối hợp với văn phòng hai Đại sứ quán Thụy Điển và Đan Mạch tổ chức nhiều đại biểu đã quan tâm tới tham nhũng trong lĩnh vực đất đai đã lên tới mức hầu như không thể kiểm soát.
Tình trạng này sẽ dẫn tới bất ổn xã hội và những vấn nạn khác sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam tổn thương.
Mặc Lâm phỏng vấn bà Lê Hiền Đức, một người bỏ nhiều chục năm giúp cho nạn nhân các vụ tham nhũng đất đai và từng nhận giải thưởng của thế giới về chống tham nhũng để biết thêm sự thật của vấn đề sau đây.

...kinh khủng!

Mặc Lâm: Thưa bà, trong cuộc hội thảo về tình trạng tham nhũng đất đai của Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều tham dự viên cho rằng Việt Nam đứng vào một trong những nước có tham nhũng về đất đai lớn nhất thế giới, là người có kinh nghiệm với vấn đề chống tham nhũng trong hàng chục năm qua bà có nhận xét gì về kết luận này?
Lê Hiền Đức: Việc tham nhũng về đất đai nhà cửa, bất động sản tại Việt nam là một vấn đề kinh khủng. Tôi phải dùng từ kinh khủng nhất! Tôi vừa ở Bangkok về thì đơn đã vứt đầy ở cửa nhà tôi rồi…nói như thế để biết rằng vấn đề tham nhũng đất đai nhà cửa ở Việt Nam là một vấn đề vô cùng kinh khủng.
Nhiều nơi bà con nhân dân mình không biết nên gửi khiếu kiện đi nhiều nơi quá. Hôm nay tôi nhận một cái đơn cuối cùng gửi cho công dân Lê Hiền Đức nhưng ở trên thì bà con ghi tới 20 nơi, từ Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết tới đủ các cấp các ngành.
Theo tôi nếu gửi nhiều nơi mà vượt cấp thì họ sẽ cho rơi vào im lặng, họ không giải quyết đâu, đấy là một. Hai là theo tôi nhận định, muốn để dân khỏi gửi đơn đi nhiều nơi như vậy và muốn giải quyết vấn đề đất đai ổn định thì phải xây dựng một chương trình giáo dục, nói chuyện, giải thích cho người dân, để nâng cao nhận thức cho họ.
Hiện nay người ta không biết luật như thế nào nên khi bị mất đất thì người ta cứ gửi đơn thôi! Mà gửi đơn thì không biết phải gửi đi đâu cả. Gửi hàng chục lá đơn….đó là vấn đề.

Mặc Lâm: Theo bà thì quy định của nhà nước về việc khiếu tố khiếu nại hay kiến nghị do nhiều người ký tên sẽ không được cứu xét sẽ dẫn đến tình trạng gì trong dân chúng?
Lê Hiền Đức: Tôi nghĩ rằng nếu giải quyết quyền lợi đông đảo người dân mà không cho người ta ký tên đông người, khiếu tố do nhiều người không được ký thì sẽ dẫn đến tình trạng có một sức ép đối với nhân dân, làm cho cá nhân từng người dân sẽ dễ nản chí.
Hai nữa sẽ có những người chạy chọt được! mà chạy chọt thì được giải quyết còn những người dân thì do hiền lành không đủ trình độ nên không được giải quyết. Thứ ba nữa, nếu giải quyết từng cá nhân thì dễ bị đè bẹp! vậy thì sẽ bị bỏ lọt tội phạm.

Mua chuộc, hăm dọa

Mặc Lâm: Là người chống tham nhũng công khai và bền bỉ nhất Việt Nam, xin bà cho biết suốt trong những năm tháng vừa qua có bao giờ bà bị mua chuộc hay hăm dọa để im lặng trước một vụ tham nhũng nào đó hay không?
Lê Hiền Đức: Tôi thì không phải một lần mà nhiều lần bị mua chuộc. Mua chuộc đây không phải mang tiền hay vật chất, không có! Nhưng những cán bộ trực tiếp giải quyết từng vụ mà tôi tố cáo mà theo tôi họ là những người bao che cho tham nhũng…đã từng đến nhà tôi vuốt ve xin xỏ chứ còn bằng tiền nong, quà cáp thì không có.

Mặc Lâm: Chắc chắn là bà bị phiền nhiễu rất nhiều từ những người bị tố cáo, bà có thể cho biết một vụ xảy ra gần đây nhất hay không?
Lê Hiền Đức: Gần đây nhất là ngày 29 tháng 10 vừa rồi tôi bị một cuộc họp gọi là bị lừa đảo của UBND quận Cầu Giấy. Chủ tịch mời tôi đến để họp, lắng nghe ý kiến và gọi là đối thoại với tôi. Hai giờ rưỡi chiều tôi có mặt thì chính người mời tôi lại không có mặt mà lại là một phó chủ tịch điều khiển cuộc họp ấy.
Tôi cứ tưởng rằng chỉ một số cán bộ mà thôi, ai ngờ nó kéo đến hơn hai mươi người và bắt đầu giở những chuyện hoành tráng ra với tôi! “Bà này là người đại diện cho tổ chức nào, thay mặt cho cơ quan nào, tư cách gì mà chống tham nhũng?” Hết người này hỏi đến ngươi kia hỏi. Tôi bức xúc quá, đập bàn, đứng lên tôi bảo: “Không biết tôi là ai thì mời tôi đến đây làm gì?”
Sau đó người bị tố cáo tham nhũng nó dúi vào tay tôi một cái bọc gì đấy. không biết là bọc gì, tôi sợ quá vì biết đâu trong đó nó có chất gì đó, tôi cầm quăng ngay trước mặt phó chủ tịch, người chỉ đạo cái buổi họp hôm ấy!

Mặc Lâm: Vụ tham nhũng nào được bà phanh phui đã mang lại kết quả và vụ nào bà thấy là thất bại hoàn toàn?
Lê Hiền Đức: Thất bại hoàn toàn thì tôi chưa dám nói là thất bại vì tôi vẫn đang theo đuổi! Nhưng cái gọi là thành công, phanh phui lớn thì tôi chỉ là người đứng sau chứ tôi không tố cáo mà có những người đứng lên tố cáo. Chẳng hạn như giáo viên trong một Viện Đại học. Có những vụ lớn như thế. Hiện nay theo tôi được biết đã giải quyết nhưng giải quyết theo kiểu chuyển đi công tác khác mà thôi!
Vì vậy hỏi có thành công lớn hay không thì thành thực nói rằng tôi già đi, hao tâm tổn lực đi chỉ vì chưa được một cái gì thỏa đáng trong đầu óc mình cả.

Mặc Lâm: Bà là người Việt Nam duy nhất nhận được giải thưởng Liêm Chính vào năm 2007, sau khi nhận giải trở về bà có gặp trở ngại nào từ phía nhà nước hay không? Họ đối xử với bà cởi mở hơn, đối thoại nhiều hơn hay giải quyết các vụ tố cáo của bà rạch ròi hơn…hoặc ngược lại, thưa bà?
Lê Hiền Đức: Sau khi tôi được nhận giải thì những người cán bộ nhà nước cấp cao thì có một số người người ta lắng nghe ý kiến của tôi, hướng dẫn tôi, chỉ đường cho tôi tiếp tục đi theo con đường chính đáng. Chẳng hạn như đến cấp nào làm việc với ai.
Riêng về cấp trung gian thì nói thẳng ra là họ trốn tôi vì khi nhấc điện thoại lên thì họ nói lúc thì nhầm số lúc thì bận rộn v..v.. không bao giờ họ dám đối đầu với tôi nữa. Vì vậy từ sau khi tôi nhận giải thì khó khăn hơn trong việc trực tiếp làm việc với các cấp kể cả trực tiếp những vụ việc mà tôi yêu cầu. Hầu như họ muốn loại tôi ra khỏi cái đời sống chính trị.

Mặc Lâm: Quỹ thời gian của bà không còn bao nhiêu nữa trước con đường còn quá dài trước mắt, như vậy bà có nguyện vọng gì cho những người tiếp tục con đường tranh đấu của bà hay không?
Lê Hiền Đức: Nguyện vọng của tôi là làm thế nào cho luật khiếu nại tố cáo phải quy được tội những người có trách nhiệm xử lý thì phải giải quyết. Những người này nếu làm không đúng luật thì phải bị xử lý thích đáng.

Mặc Lâm: Xin cám ơn bà.

Theo dòng thời sự:


Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: