Tuesday, November 30, 2010

THAM NHŨNG ĐẤT ĐAI : CĂN BỆNH BẤT TRỊ (RFA)

Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-11-29

Tham nhũng đất đai là vấn đề cốt lõi của xã hội Việt Nam hiện nay. Tuy cả nước đang bức xúc đối với những quyết định của nhà nước về việc trưng thu đất của người dân nhưng hệ thống chính quyền xem như không thể giải quyết tận gốc rễ của vấn đề sống còn này.

Nhóm chuyên gia của Ngân Hàng Thế Giới phối hợp với hai đại sứ quán Đan Mạch và Thụy Điển vừa đưa ra bảng tổng kết cho thấy tham nhũng đất đai tại Việt Nam hiện nay được xếp hạng đầu bảng trên thế giới. Bảng tổng kết ghi nhận hàng năm có khoảng 100 ngàn vụ tranh chấp đất đai xảy ra trên khắp hang cùng ngõ hẻm trên toàn quốc.

Những tỷ phú xuất hiện bất ngờ trong xã hội

Hình ảnh tiêu cực này được các chuyên gia về đất đai cũng như các ngành có liên quan nhận định rằng không những sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt nam về lâu về dài mà nó còn gây bất ổn xã hội, chia rẽ trong cộng đồng và hố ngăn cách giàu nghèo ngày một rộng hơn.

Trong hai thập niên qua, vấn đề đất đai trở thành nhức nhối cho nhiều gia đình Việt Nam khi hơn 9 triệu héc ta đất nông nghiệp chuyển sang mục đích dân cư trong đó tập trung xây dựng các khu thương mại phi nông nghiệp, cũng như các công trình công cộng.

Bên cạnh đó hơn 5 triệu héc ta đất bỏ hoang cũng được tận thu khai thác vào mục đích định cư người dân bị mất đất, hay vào các công trình thương mại. Từ thực tế này hầu hết các chuyên gia nghiên cứu về đất đai tại Việt Nam từ sau đổi mới đến nay đều cho rằng con số héc ta đất to lớn này đã rút ruột hàng triệu gia đình nông dân để bù vào các hạng mục vì người bị trưng thu đất không mấy ai nhận đựơc tiền đền bù xứng đáng, nhất là ở những vùng xa thị tứ.

Số tiền mà doanh nghiệp chấp nhận bỏ ra trong các dự án đền bù giải tỏa luôn có sự khống chế của các cấp chủ quản. Tiền đền bù không được vượt quá khung quy định đã đành, nhưng thường thì thấp hơn nhiều lần bởi  mục đích của các quan chức địa phương luôn muốn kiếm ăn vào các dự án có đền bù giải tỏa.
Không có thống kê nào cho thấy có bao nhiêu cán bộ nhà đất khắp nước trở nên giàu có bất thường trong hàng chục năm qua. Cũng không ai biết chính xác số tiền tham nhũng từ các chữ ký trên những tờ giấy chủ quyền nhà lên đến bao nhiêu, tuy nhiên nhà nước có thể thống kê con số người bị mất đất tuy không chính xác nhưng sai số sẽ không lớn lắm.
Lý do là những người dân này hiện rõ trước mặt mọi người. Họ kêu oan khắp nơi và điển hình là vườn hoa Mai Xuân Thưởng tại Hà Nội trong nhiều năm qua đã trở thành nhà trọ của họ.

Cụm từ “dân oan khiếu kiện” do mất đất đang là ung nhọt của hệ thống xử lý khiếu nại khiếu tố đất đai hiện nay. Số người không được đền bù thỏa đáng lên tới hàng triệu người nhưng không phải ai cũng đâm đơn khởi kiện nhà nước. Nhiều gia đình biết rằng có khởi kiện thì cũng không tới đâu và họ lẳng lặng tìm cách sinh nhai hơn là theo đuổi một vụ kiện mà phần thua nắm chắc về mình.

Họ không khiếu nại nhưng lòng thì ấm ức, thời gian càng càng lâu, sự thù hận càng lớn. “Đồng tiền liền khúc ruột” là câu nói không bao giờ sai trong dân gian.

Là một chuyên gia về đất đai và cũng đựơc mời tham dự trong nhóm nghiên cứu, Giáo sư TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thẳng thừng nhận xét rằng “Cán bộ làm quản lý đất đai có nhà cửa khang trang, mức sống cao hơn các cán bộ ở khu vực khác” Nhận xét này là thực tế, và thực tế tiêu cực này không thể được xem là bình thường vì  nhà cửa được gọi là khang trang kia chính là tài sản của người dân bị mất.

TS Phạm Sỹ Liêm nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng cho biết kinh nghiệm của ông liên quan tới việc này:-Tham nhũng đất đai liên quan đến luật đất đai và chính sách thu hồi đất. Trong chính sách thu hổi đất của Việt nam có một điều chúng tôi rất không tán thành là ngoài mục đích quốc gia, mục đích công cộng, còn thêm mục đích kinh tế, điều này trên thế giới chẳng có một nước nào thu hồi cưỡng bức mà để làm kinh tế cả. Kinh tế ở đây bao gồm làm khu công nghiệp cao gì đó.
Chẳng hạn như ở Hà nội này, có một miếng đất tốt ở cạnh Tràng Tiền Plaza gần đường Hai Bà Trưng, bây giờ thành phố tính chuyện lấy đi để xây tòa nhà kinh doanh. Đây là điều không đúng và bởi vì luật không rõ ràng. Thứ hai là giao đất cho một dự án tức là giao đất cho một người chủ cụ thể, người đó muốn có đất ấy thì tất nhiên cũng phải đút lót bôi trơn mới được.

Sự tha hóa của cán bộ ngày càng lộ liễu

Tham nhũng đất đai tại Việt nam được cho là kinh khủng chứ không còn nằm ở chỗ cao hay cao quá…bà Lê Hiền Đức, một người nổi tiếng vì giúp người dân khiếu kiện chống tham nhũng đất đai trong hơn hai chục năm qua tuyên bố thẳng thừng:-Việc tham nhũng về đất đai nhà cửa, bất động sản tại Việt nam là một vấn đề kinh khủng.
Tôi phải dùng từ kinh khủng nhất! Tôi vừa ở Bangkok về thì đơn đã vứt đầy ở cửa nhà tôi rồi…nói như thế để biết rằng vần đề tham nhũng đất đai nhà cửa ở Việt Nam là một vần đề vô cùng kinh khủng. Nhiều nơi bà con nhân dân mình không biết nên gửi khiếu kiện đi nhiều nơi quá. Hôm nay tôi nhận một cái đơn cuối cùng gửi cho công dân Lê Hiền Đức nhưng ở trên thì bà con ghi tới 20 nơi, từ Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết tới đủ các cấp các ngành.

Cán bộ có quá nhiều quyền hạn trong việc ký giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng dất cho người dân là một động cơ làm cho tham nhũng có dịp hoành hành, làm trầm trọng thêm tình hình. Đại sứ Thụy Điển là ông Staffan Herstrom cho biết chỉ có 1% người khiếu nại là hài lòng, đìêu này tạo môi trường cho quan chức tham nhũng và do đó làm giảm niềm tin của người dân.
Nhà nước luôn xem việc giảm niềm tin của công chúng đối với họ là mối lo, thế nhưng người trực tiếp nhận hối lộ từ UBND Xã, cấp chính quyền thấp nhất thì hoàn toàn không thấy lo ngại việc này.

Việc cho phép một cấp hành chánh nhỏ nhất cũng có thể giây phần vào việc tham nhũng đất đai được TS Phạm Sỹ Liêm, nhận xét:
-Hiện nay trong các tham nhũng về đất thì tham nhũng ở cấp xã cấp thị trấn cũng khá nghiêm trọng. Nó không lớn nhưng trước mắt mọi người dân do đó nó gây bất bình rất lớn. Bởi vì thực ra quan chức ở xã muốn kiếm tiền thì cũng chỉ dựa vào đất mới có mà thôi, nó là khoản tiền lớn chứ không làm cái gì qua đất đai cả. Thực ra cấp xã không có cái quyền ấy nhưng hiện nay họ cứ làm. Đấy cũng do chính sách mà ra.

Cơ chế hiện hành là khu đất trù mật cho tham nhũng sinh sôi. Danh từ “giao dịch nội gián” được dùng trong trường hợp nhà nước và nhà thầu bắt tay nhau dưới gầm bàn thỏa thuận việc đền bù cho người dân mất đất như thế nào để hai bên cùng có lợi đã và đang xảy ra trên khắp đất nước. Đáng lẽ bên được hưởng lợi là người dân, vì họ bị mất đất, thì hoàn toàn không được nhắc tới trong các “thỏa thuận nội gián” này.
Cán bộ nắm giữ các vị trí quan trọng trong hội đồng duyệt xét bồi thường cho người bị trưng thu cho nên giá tiền bồi thường mỗi mét vuông đất đều dưới tay sinh sát của họ. Trao quyền hạn quá lớn một cho một nhóm người là điều sai lầm từ nhiều năm nay nhưng nhà nước không thay đổi chính sách này.

Là người từng nhận nhiệm vụ cao trong chính phủ, TS Phạm Sỹ Liêm chia sẻ:
-Chúng tôi chủ trương chống tham nhũng bằng đổi mới, thay đổi thể chế chứ còn cứ chạy theo bắt, xét xử từng vụ một…thì cũng tốt cũng cần làm nhưng không biết đến bao giờ….

Người dân mất đất uất ức về những khoản chi phí phi pháp mà họ phải đóng chính thức hoặc lót tay cho các quan chức nhà nước mà họ biết chắc rằng số tiền này sẽ chui vào túi riêng của họ. Sự tha hóa của cán bộ ngày càng lộ liễu và không ai thấy họ bị trừng phạt, dù tài sản của những người này ngày một kết sù hơn.
Không biết những nghiên cứu, những cuộc hội thảo khoa học của các tổ chức uy tín có dóng lên được tiếng chuông gì trong hệ thống tham nhũng đất đai này hay không, nhưng trước mắt, trang pháp luật của các báo vẫn được người dân đọc nhiều nhất, không phải họ yêu chuộng luật pháp Việt Nam nhưng họ theo dõi xem đến bao giờ thì nhà nước mới ra được chính sách mới về bồi thường đất đai một cách công bằng và minh bạch cho họ.

Theo dòng thời sự:


Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

------------------------------

.
.
.

No comments: