Monday, November 29, 2010

TRANH CHẤP LÃNH THỔ Ở ĐÔNG Á : TIỀN ĐỀ CHO SỰ CẠNH TRANH CHIẾN LƯỢC MỸ - TRUNG


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
27.11.2010

Những bất hoà gần đây giữa Trung Quốc và Nhật Bản, giữa Trung Quốc và Việt Nam và giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ liên quan đến tình trạng của những hòn đảo đang bị tranh chấp và vùng biển trong khu vực Nam Hải và Đông Hải chứa đựng một điều quan trọng hoàn toàn khác biệt so với những mâu thuẫn trong quá khứ . Đặc biệt hơn nữa, những tranh chấp trước đây giữa những quốc gia vùng duyên hải về các vấn đề lãnh thổ, hải sản, năng lượng và quyền đi lại trên biển vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng giờ đây chúng bị che khuất bởi sự kình địch giữa những cường quốc chính trong việc theo đuổi những mục tiêu rộng lớn hơn nhằm thiết lập và mở rộng ảnh hưởng chiến lược của mình.

Làm tăng thêm những căng thẳng là việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự và ảnh hưởng của mình trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, cũng như mối quan ngại của Washington về việc Bắc Kinh có thể trở thành một đối thủ tương xứng đáng nể sớm hơn là họ nghĩ trước đây. Nhớ lại "lớp phủ của Chiến Tranh Lạnh" vốn được dùng để tô vẽ trong các chủ thuyết trong thời kỳ đối trọng giữa hai thái cực trước đây, giờ đây chúng ta có thể đang chứng kiến sự xuất hiện của "lớp phủ của sự cạnh tranh quyền lực Mỹ-Trung" đang ảnh hưởng đến những hoạt động an ninh trong khu vực Đông Á - bao gồm nhiều tranh chấp lãnh thổ kéo dài mà trong đó Trung Quốc là kẻ đóng vai trò chính. Nói đơn giản là vấn đề trọng tâm của những kình địch này là: ai sẽ là kẻ thống lĩnh trong những vùng biển này?

Những vùng biển trong khu vực Đông Á đóng một vai trò quan trọng trong những quyền lợi chiến lược của các cường quốc chính. Hoa Kỳ cho rằng sự hiện diện tích cực của mình trong vùng "duyên hải Đông Á" là quan yếu đối với vị thế số một cũng như ảnh hưởng chiến lược toàn cầu của mình. Nhận định chiến lược cu/a Hoà Kỳ kể từ sau sự kiện 11-9 cũng nhấn mạnh lĩnh vực hàng hải trong ngữ cảnh chống khủng bố và việc phát triển vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

Đối với Trung Quốc thì các vùng biển này cũng rất quan trọng, đặc biệt là trong việc bảo vệ đường bờ biển dài và chủ quyền lãnh thổ của mình. Quyền tự do hoạt động trong những vùng biển này thì càng cần thiết hơn nếu Trung Quốc muốn có tham vọng mở rộng quyền lực của mình bằng sức mạnh hải quân trên biển. Hơn nữa, vùng biển Nam Hải chồng chéo những tuyến giao thông chiến lược nhưng mong manh, rất quan trọng đối với tuyến cung cấp dầu từ Trung Đông đến những nền kinh tế lớn chuyên dựa đẫm vào dầu mỏ như Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn. Và việc bảo đảm quyền sử dụng những tài nguyên hàng hải trong khu vực kinh tế đặc quyền đã và đang là lý lẽ chính của Trung Quốc trong việc tăng cường quân sự trong nhiều năm qua.

Việc Trung Quốc ngày càng kiên quyết hơn trong vấn đề lãnh thổ cũng có thể là hệ quả của áp lực chính trị từ những người theo chủ nghĩa dân tộc trong ngành Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Những yếu tố pha lẫn khác có thể dẫn đến việc Trung Quốc tăng cưuờng những hoạt động tranh giành lãnh thổ trong những năm sắp đến bao gồm sự thay đổi lãnh đạo trong Đảng Cộng sản vào năm 2012, và việc phát triển quan hệ xuyên Eo biển với chính quyền Quốc Dân Đảng ở Đài Loan. Trong bối cảnh trên cùng như mối tương xứng giữa lực lượng hải quân của Hoa Kỳ và Trung Quốc, thậm chí sẽ có thêm những sự kiện đối đầu liên quan đến hoạt động do thám của quân đội Hoa Kỳ (ví dụ như việc chiếc máy bay thám thính EP-3 bị rơi tại Hải Nam năm 2001, và việc quấy rối chiến hạm Impeccable vào năm 2009) có thể sẽ xảy ra.

Hoa Kỳ đã quyết định đáp trả thái độ kiên quyết của Trung Quốc về vấn đề hàng hải bằng cách dính líu vào việc giải quyết những tranh chấp về lãnh thổ. Bên cạnh việc tái xác định tầm quan trọng của quyền tự do đi lại trong những khu vực chung của thế giới, Washington đã tuyên bố rõ ràng ràng việc giải quyết tranh chấp một cách hoà bình là vấn đề "quyền lợi quốc gia" của Hoa Kỳ. Họ nhấn mạnh sự cần thiết của những nghị trình hợp tác ngoại giao trong việc giải quyết những tranh chấp trong vùng biển Nam Hải, họ đã công khai hứa hẹn với Nhật Bản quần đảo Senkaku được bao gồm trong sự bảo đảm an ninh của Mỹ, và đã đề nghị tổ chức những thảo luận giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Điều thú vị là những đối thủ tiềm năng của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ đều là đồng minh (Nhật, Philippines) hoặc là những đối tác an ninh được Hoa Kỳ săn đuổi (Việt Nam và những quốc gia ít quan trọng hơn là MalaysiaIndonesia). Hoa Kỳ cũng đã xem việc hợp tác an ninh hàng hải với các quốc gia này (về vấn đề hải tặc, cứu nạn, thiên tai) là động cơ chính đối trong ngoại giao khu vực của mình. Mối hợp tác song phương hoặc đa phương của Hoa Kỳ trong những vấn đề này có thể được sử dụng như phương tiện để giúp bảo đảm và chính thức hoá sự tiếp tục hiện diện quân sự của mình tại Đông Á, tuy nhiên cũng có một số quốc gia trong khu vực cảm thấy lo lắng khi Hoa Kỳ tự nhận vai trò lãnh đạo. Trong khi đó, Trung Quốc đã đồng ý tiếp tục hội ý với các nước ASEAN để soạn thảo một qui ước hành xử khu vực trong vùng biển Nam Hải.

Cho dù phương cách hoạt động qua một qui ước hành xử hoặc qua việc thiết lập một hệ thống an ninh hàng hải đa phương, thành công sẽ tuỳ thuộc nhiều vào sự sẵn sàng của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong việc cùng nhau hợp tác và khả năng của họ trong việc hành xử đồng điệu với những quốc gia trong vùng, đặc biệt là với Nhật Bản và các nước ASEAN. Trong thời gian ngắn và trung, qui tắc hành xử ASEAN-Trung Quốc và có thể Nhật-Trung sẽ giúp giảm bớt những cơ hội về xung đột quân sự xảy ra từ những tranh chấp lãnh thổ. Nhưng trong thời gian dài, một hệ thống hợp tác an ninh hàng hải mở rộng sẽ không chỉ giúp làm dịu đi những ảnh hưởng từ các tranh chấp lãnh thổ mà còn giảm bớt những đe doạ đối với nền an ninh và an toàn hàng hải, tạo ra một thể thức mới trong việc làm sáng tỏ những vấn đề chủ quyền pháp lý hàng hải, và thậm chí được xử dụng như một khối xây dựng trong kiến trúc an ninh khu vực đang nổi lên. Nhìn trong bức tranh rộng hơn, những cơ cấu này sẽ giúp giải hoà những kình địch giữa các cường quốc nhằm bảo đảm tốt hơn hoà bình và ổn định trong khu vực Đông Á.
.
.
.

No comments: