Thursday, May 10, 2018

NGƯỜI KHỔNG LỒ CHÂN ĐẤT SÉT (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
May 9, 2018

Thứ Bảy vừa rồi, một buổi lễ gây nhiều tranh cãi đã xảy ra tại thành phố nhỏ Trier ở Ðức. Có mặt để khánh thành một pho tượng đồng khổng lồ Karl Marx mà đảng Cộng Sản Trung Cộng tặng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông là Chủ Tịch Ủy Hội Châu Âu Jean Claude Juncker. Ðiều mỉa mai là ông Juncker, một nhà chính trị “bourgeois” bảo thủ nếu có sống dưới một chế độ Marxist thì số phận may mắn nhất mà ông có thể hy vọng là một thời gian dài trong trại tập trung.

Khi vào ngày 5 Tháng Năm, năm 1818, Heinrich và Henriette Marx cho cậu bé Karl ra chào đời, chắc họ không thể nào tưởng tượng được các niềm hy vọng không tưởng cũng như những khủng khiếp đẫm máu mà nay đã trở thành dính liền với cái tên Karl Marx.

Hầu hết các chế độ dựa trên các tư tưởng của Marx nay đã rơi vào sọt rác của lịch sử. Vào lúc này những chế độ tự nhận mình là Marxist như Trung Cộng hay Việt Nam lại chính là những chế độ thực hiện một hình thức tư bản chủ nghĩa tàn bạo nhất. Nhưng cái tên Karl Marx vẫn còn là đồng nghĩa với cách mạng tàn bạo, lý tưởng không tưởng và một chế độ độc tài toàn trị.

Ðối với những người chỉ trích ông, Marx là một kẻ cuồng tín mà những tư tưởng đã kích động tạo ra một số chế độ tàn bạo nhất trong lịch sử từ những trại cải tạo của Stalin, Mao, Hồ cho đến các cánh đồng chết của Pol Pot ở Cambodia.

Mặc dầu vậy nhưng tư tưởng của ông vẫn còn hấp dẫn rất nhiều người. Và hai cuốn sách chính của ông, “Bản tuyên ngôn Cộng Sản” và “Das Kapital” vẫn còn được đọc tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vì sao thế giới lại bị hấp dẫn bởi những tư tưởng của một con người mà đã tạo ra bao nhiêu đau khổ cho nhân loại như vậy?

Ðó là vì trên tất cả các nhà kinh tế và triết gia hiện đại, Marx vẫn là một trong số nhỏ những nhà trí thức mà có thể tự hào là đã thay đổi cung cách mà chúng ta nhìn thế giới. Và mặc dầu những tư tưởng của ông – tầm quan trọng của đấu tranh giai cấp, nhu cầu cấp bách phải làm cách mạng, ước mơ một xã hội xã hội chủ nghĩa trong đó mọi người đều bình đẳng – là những điều gây tranh cãi khổng lồ, nhưng chúng ta không thể nào tránh được chúng. Quả thật, trên một phương diện nào đó, chúng ta đều là những người Marxist.

Marx không phải là một nhà khoa học như ông vẫn ước mong. Nhưng ông là một nhà tư tưởng lớn: ông đưa ra một lý thuyết về xã hội bị thúc đẩy bởi những lực kinh tế – không chỉ bởi riêng những phương tiện sản xuất mà bởi quan hệ giữa chủ và công nhân – mà qua đó thúc đẩy xã hội phải bước qua một số giai đoạn phát triển. Ông cũng là một cây bút xuất sắc. Ai mà có thể quên được nhận xét của ông rằng lịch sử bao giờ cũng lập lại “lần đầu là một bi kịch, lần thứ hai là một trò hề.”

Các tư tưởng của ông có tính cách tôn giáo hơn là khoa học – ta có thể gọi chúng là tôn giáo soạn lại cho một thời đại thế quyền. Ông là một nhà tiên tri hậu kỳ tả lại tiến trình sa ngã và cứu rỗi con người trong Thánh Kinh dưới một hình thức mới. Sự sa ngã được biểu tượng bằng chủ nghĩa tư bản và nhân loại được cứu rỗi bởi giai cấp vô sản nổi lên chống lại những kẻ bóc lột và thành lập một thiên đường Cộng Sản nơi hạ giới.

Trong những năm về sau những đệ tử của ông tìm cách mang những ý tưởng này vào hiện thực. Trên nhiều phương diện, thế kỷ thứ 20 là thế kỷ của Chủ Thuyết Marx trong hành động. Từ cuộc cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 cho đến khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, hết chế độ này đến chế độ khác tìm cách thực hiện những tư tưởng cách mạng của ông. Nhưng thay vì thiên đường nơi hạ giới họ chỉ làm ra những địa ngục. Tại riêng Liên Xô, đệ tử ông, Stalin, giết chết ít nhất là 12 triệu người. Tại Trung Cộng, Mao còn giết chết nhiều hơn nữa, nhiều chuyên gia cho rằng qua những đợt thanh trừng, cải tạo và Cách Mạng Văn Hóa của các thập niên 50 và 60 khoảng 45 triệu người Trung Quốc đã thiệt mạng.

Tại Việt Nam các cuộc đấu tố cải cách ruộng đất cũng đã giết chết ít nhất là khoảng trên một triệu người.

Ðiển hình rùng rợn nhất là Cambodia giữa năm 1975 và 1979 trong đó Khmer Ðỏ của Pol Pot tìm cách thành lập một thiên đường Cộng Sản chỉ trong một sáng một chiều. Chúng bắt toàn bộ dân chúng các thành phố của Cambodia về nhà quê. Giết tất cả mọi thầy giáo, thương gia và các thành viên của giai cấp trung lưu và không tha cả những người đeo kính cận. Trong việc theo đuổi thiên đường của Marx, những người Khmer Ðỏ đã giết đến một phần tư dân số của Cambodia chỉ trong vòng bốn năm. Chưa bao giờ ta có thể thấy một bằng chứng lạnh người hơn về những gì xảy ra khi các tư tưởng không tưởng trở thành những hiện thực đẫm máu.

Người ta có thể biện luận rằng đó không phải là lỗi ở Marx mà là vì các đệ tử của ông hiểu lầm ông. Quả thật với tư cách là một con người luôn luôn bất đồng ý kiến và không ngại ngùng nói lên cái gì mình nghĩ, nếu Marx có sống trong các chế độ tự nhận là theo tư tưởng của ông có lẽ ông đã kết thúc cuộc sống trong một nấm mồ nông với một viên đạn vào đầu.

Thế nhưng tối hậu Marx cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của các tông đồ mình. Tuy rằng họ có thể khinh thị các người khác và tham nhũng, nhưng những người lãnh đạo các quốc gia Cộng Sản không bao giờ hoài nghi rằng họ không phải là những người Marxist chân chính. Mao tin tưởng rằng các tư tưởng của Marx phản ảnh “cái gì tốt, đẹp và thiện lương nhất.” Thí dụ điển hình nhất là Stalin. Như sử gia Mỹ Stephen Kotkin đã chỉ ra nhà độc tài Xô Viết này không phải là một con quái vật. Ông chỉ trở thành một con quái vật vì ông là một người Marxist. Hồi nhỏ Stalin đã đi tu vì muốn trở thành một giáo sĩ. Stalin không giết chết hàng triệu người bởi vì ông thích giết. Ông làm vậy chỉ vì ông tin là lý thuyết của Marx đòi hỏi phải làm vậy. Ông nghĩ rằng cái chết của họ là một cái giá đáng phải trả cho việc xây dựng thiên đường Cộng Sản. Và khi làm vậy ông chỉ thực hiện theo đúng những gì Marx viết. Năm 1848 sau cuộc cách mạng không thành tại Ðức, Marx viết: “Chỉ có một cách mà những giẫy chết khủng bố của xã hội cũ và tiếng khóc chào đời đẫm máu của một xã hội mới có thể làm ngắn đi, đơn giản hóa và tập trung là dùng khủng bố cách mạng.”

Như vậy vì sao bất chấp những thất bại của các chế độ dựa trên chủ nghĩa Marx và tính tàn bạo bẩm sinh nằm trong chủ nghĩa này, các tư tưởng của Marx vẫn còn hấp dẫn người ta vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này?

Lý do chính làm cho người ta còn tiếp tục quan tâm đến Marx là vì những ý tưởng của ông nay đã trở lại có ý nghĩa đối với xã hội.

Hệ thống tư bản theo Marx tự bản chất của nó là một hệ thống toàn cầu. Và điều đó cũng đúng với hiện nay như là dưới thời Victoria mà Marx sống. Hai phát triển đáng chú ý nhất của thời đại sau Thế Chiến Thứ Hai là việc tháo gỡ dần các rào cản ngăn chặn việc di chuyển tự do của các yếu tố sản xuất – hàng hóa, tư bản và ở một mức nào đó, lao động.

Trong tiến trình bành trướng này, theo Marx, chế độ tư bản tạo ra một đạo quân lao động nghèo đói sống nhờ từ công việc này đến công việc khác. Thế nhưng trong giai đoạn hậu chiến điều đó trông có vẻ như là một sai lầm vớ vẩn. Thay vì “không có gì để mất ngoài xiềng xích của họ” dân chúng lao động của thế giới, ít nhất tại các nước giầu có đã có công việc an toàn, nhà cửa tại vùng ngoại ô và một tải sản đáng kể.

Nhưng cái sự đồng thuận vốn đã chuyển quyền lực từ tư bản sang lao động và tạo ra một bước tiến lớn trong mức sống của xã hội đang phai mờ. Toàn cầu hóa và sự nổi lên của một nền kinh tế gọi là kinh tế “gig” đã dẫn đến một hệ thống tư bản trông giống như hệ thống tư bản mà Marx mô tả, trong đó người công nhân sống từ công việc này sang công việc khác không có gì bảo đảm cho tương lai. Nền kinh tế “gig” này đã khiến cho tại Anh giá nhà cao đến mức đa số thanh niên khó có hy vọng gì mua được căn nhà của mình cho đến khi ít nhất là 45 tuổi. Còn tại Mỹ hầu hết các công nhân Mỹ cho biết họ chỉ có vài trăm đô la trong trương mục của mình. Giai cấp vô sản của Marx nay đang được tái tạo lại tại các nước trên thế giới.

Sự chuyển ngược quyền lực từ lao động sang tư bản cuối cùng cũng đã tạo ra một phản ứng tại các xã hội nhưng lần này là dân túy từ phía hữu. Thành ra không có gì lạ khi mà cuốn sách kinh tế thành công nhất của mấy năm gần đây là cuốn “Capital in the Twenty-First Century” của Thomas Piketty mà ngay chính cái tên cũng gợi lại cuốn “tác phẩm tuyệt tác – magnum opus” của Marx và những quan tâm của ông về bất công xã hội.

Trên tấm bia của Marx tại nghĩa trang Highgate phía Bắc Luân Ðôn có khắc mấy hàng chữ lấy từ tác phẩm của ông: “Các triết gia chỉ giải thích thế giới bằng cách này hay cách khác. Vấn đề là phải thay đổi nó.”

Trong quá khứ nhiều thế hệ thanh niên đã nghe theo tiếng gọi đó và nổi lên. Và trong cái tự phụ là đã nắm được chân lý tuyệt đối, họ đã vứt bỏ không những lịch sử và truyền thống mà còn cả hàng trăm triệu sinh mạng. Nhân danh tiến bộ và tất yếu lịch sử họ đã giết không biết bao nhiêu đàn ông, đàn bà và trẻ em như những sinh vật trong lò sát sinh.

Lịch sử nay đã tái diễn lại như Marx nhận xét. Hy vọng rằng cũng giống như nhận xét của ông nếu lần đầu là một bi kịch thì lần sau sẽ chỉ là một trò hề. (Lê Mạnh Hùng)








No comments: