Minh Anh - RFI
Phát
Thứ Bảy, ngày 26 tháng 5 năm 2018
Những sự kiện đáng
chú ý trong tháng 5/2018 : Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump trong ba hồ
sơ quốc tế nóng bỏng : hủy cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với lãnh đạo Bắc Triều
Tiên Kim Jong Un, rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran và cho di dời sứ
quán Mỹ tại Israel về Jerusalem mà trước đó ông đã tuyên bố công nhận là thủ đô
của Nhà nước Do Thái.
Người dân Hàn Quốc tụ
tập trước đại sứ quán Mỹ ở Seoul, phản đối tổng thống Donald Trump hủy thượng đỉnh
với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un. REUTERS/Kim Hong-Ji
Trump «
hờn dỗi » vì Kim « cứng đầu »
Sau
nhiều ngày lời qua tiếng lại, dọa dẫm lẫn nhau, cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử rất
được trông đợi giữa Donald Trump và Kim Jong Un, dự kiến sẽ tổ chức vào ngày
12/06 tại Singapore cuối cùng đã không diễn ra.
Trong
lá thư gởi cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên ngày 24/05, với những lời lẽ trịnh trọng
hiếm thấy, tổng thống Mỹ giải thích lý do hủy cuộc gặp là do thái độ «
thù địch » và « giận dữ » trong những tuyên bố gần đây từ
phía Bắc Triều Tiên.
Sự
việc đã khiến Hàn Quốc ngỡ ngàng, thất vọng và lo âu. Mọi nỗ lực của tổng thống
Moon Jae In nhằm đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán, tìm kiếm một giải pháp hòa
bình cho bán đảo Triều Tiên xem như « dã tràng xe cát ».
Trận
đấu chưa mở màn mà Hoa Kỳ đã thoái lui. Bắc Triều Tiên xem như đã ghi một điểm.
Quyết định bất ngờ này của tổng thống Mỹ đã giúp Bình Nhưỡng cải thiện hình ảnh
trên trường quốc tế về thiện chí muốn đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc. Bởi vì,
thông báo đưa ra đúng vào lúc Bình Nhưỡng vừa cho phá dỡ xong bãi thử hạt nhân
Punggye-Ri, cho dù đó chỉ là một sự « nhân nhượng bề mặt », «
rẻ nhất » như nhận xét của giới chuyên gia.
Theo
phân tích của ông Antoine Bondaz, chuyên gia về Bắc Triều Tiên, thuộc Quỹ
Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp trên đài RFI, sự việc phơi bày một thực tế phũ phàng
: Washington là một đồng minh không đủ độ tin cậy, liên minh Mỹ - Hàn cũng vì
thế mà bị lung lay theo. Đó chính là điều mà lãnh đạo Kim Jong Un mong muốn.
« Vấn
đề hiện nay là mức độ đáng tin cậy của Hoa Kỳ, của tổng thống Donald Trump cũng
như của nền ngoại giao Mỹ. Tổng thống Trump đã quyết định chấp nhận một cuộc gặp
thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên và ông biết chắc rằng thời gian đàm
phán sẽ rất ngắn ngủi. Giờ đây, ông lại quyết định rút lui.
Đây
là một trắc nghiệm, đặc biệt là trong quan hệ với Hàn Quốc. Bởi vì rõ ràng là
chính phủ của tổng thống Moon Jae In đã đầu tư rất nhiều vào việc thúc đẩy sự
xích lại gần nhau giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.
Rủi
ro hiện nay trên thực tế là quyết định của Trump thúc đẩy Bắc Triều Tiên tiếp tục
đi cùng với Trung Quốc và trong tương lai, làm suy yếu mối liên minh giữa
Washington và Seoul. Đây thực sự là một điều tồi tệ đối với quan hệ Hoa Kỳ-Hàn
Quốc.
Ưu
tiên trước mắt của Hàn Quốc là bảo đảm sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên và bằng
mọi giá tránh được leo thang quân sự. Do vậy, chính sách của Trung Quốc, Hàn Quốc
và nhất là của Nhật Bản là phải duy trì sự ổn định trong khu vực. Giờ đây, tất
cả phụ thuộc vào phản ứng của Bắc Triều Tiên và các quyết định của chính quyền
Trump trong những ngày, những tuần tới. »
(
Hôm qua, 25/05/2018, tổng thống Donald Trump đã lại đổi ý, khẳng định là thượng
đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên "vẫn có thể diễn ra ngày 12/06 tại Singapore"
như dự kiến )
Iran
: Donald Trump khai hỏa
Nhưng
có lẽ sự kiện mở màn cho tháng Năm nóng bỏng này chính là thông báo của tổng thống
Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký kết vào năm
2015 sau 13 năm đàm phán gay go. Thông báo được đưa ra sớm hơn dự kiến 4 ngày,
tức là vào ngày 08/05 thay vì là 12/05/2018, bất chấp khuyến cáo của các nước
có tham gia ký kết.
Quyết
định đơn phương của tổng thống Mỹ đã gây hoảng loạn cho giới doanh nghiệp nước
ngoài, đặc biệt là nhiều nước châu Âu đang hợp tác đầu tư tại Iran kể từ khi
chính quyền Obama dỡ bỏ một phần cấm vận sau khi ký kết hiệp định. Giờ đây,
chính quyền Washington tái lập các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Iran, đồng
thời ra hạn định trong vòng từ 3-6 tháng tất cả các doanh nghiệp nước ngoài phải
rút ra khỏi Iran nếu không muốn hứng lấy « đòn phạt » của Hoa
Kỳ.
Các
nước châu Âu, nhất là Pháp, quốc gia có nhiều doanh nghiệp đến làm ăn tại Iran
đang phải cuống cuồng tìm mọi cách cứu vãn văn bản trên và các doanh nghiệp của
mình. Về phần Iran, ông Aryabod Dhenad, cố vấn chiến lược kinh tế tại Teheran,
trả lời câu hỏi của RFI nhận định, thông báo này của ông Donald Trump là một
đòn chí mạng nhắm vào tổng thống Iran, Hassan Rohani, vốn chủ trương ôn hòa, muốn
thực hiện các cải cách kinh tế đất nước.
« Rất
tiếc, chúng ta quay lại thời kỳ trước khi ký Kế hoạch hành động chung (tức Thỏa
thuận hạt nhân Iran), có nghĩa là một nền kinh tế bị trừng phạt, cấm vận, với
các chỉ số kinh tế vĩ mô giống như mọi nền kinh tế bị cấm vận : lạm phát nghiêm
trọng, thất nghiệp cao, tăng trưởng kinh tế suy giảm.
Điều
không may này lại xẩy ra vào lúc tồi tệ nhất. Năm 2016, kinh tế Iran có mức
tăng trưởng 12% và theo các thẩm định thì năm 2017 thì tỷ lệ tăng trưởng chỉ gần
4%. Trên góc độ kinh tế, đây là một tỷ lệ khiêm tốn nhưng vẫn khá tốt. Giờ đây,
đà tăng trưởng bị chặn lại và rất có thể kinh tế Iran rơi vào suy thoái. ».
Tại
Cận Đông, Donald Trump tiếp tục châm ngòi
Thế
giới vẫn còn chưa hết bàng hoàng sau dư chấn Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt
nhân Iran, chính quyền Washington dường như muốn đổ thêm dầu vào lửa tại Cận
Đông, khu vực thường xuyên được ví là « thùng thuốc súng ». Một tuần
sau khi thông báo « xé bỏ » hiệp định hạt nhân, ngày 14/05,
Washington khánh thành tòa đại sứ mới tại Jerusalem, với sự chứng kiến của
Ivanka Trump, con gái tổng thống Mỹ.
Sự
kiện đã khiến cho dân Palestine nổi giận, biểu tình rầm rộ trên dải Gaza, phản
đối Mỹ dời đại sứ quán về Jerusalem. Gần 60 người đã bị bắn chết và hơn 2.400
người khác bị thương. Cộng đồng quốc tế lên án hành động « thảm sát » này
của Israel nhắm vào người biểu tình ôn hòa.
Trong
khi đó, chính quyền Tel Aviv tố cáo phe Hamas xúi giục người dân bạo động trên
dải Gaza. Một lời cáo buộc không được nhiều nhà phân tích Pháp chia sẻ. Ông
Nicolas Dot-Pouillard, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Cận Đông IFPO, trên
đài RFI cho biết quan điểm của mình :
« Tất
cả các phe phái Palestine đều ủng hộ cuộc biểu tình, không chỉ có tổ chức Hamas
mà cả Fatah, cánh tả Palestine và các tổ chức khác.
Thứ
hai là không thể chỉ quy kết cuộc biểu tình này là do Hamas kích động. Tuyệt đối
không. Bởi vì có hàng chục nghìn người biểu tình. Một số người là thành viên
các đảng phái chính trị, một số khác thuộc các tổ chức phi chính phủ, có những
người không phải là thành viên các hiệp hội, công đoàn hay đảng phái chính trị.
Đây
là một phong trào quần chúng rộng rãi. Trước đó, các lời kêu gọi biểu tình đã
được loan truyền trên các mạng xã hội, thông qua các mạng lưới của giới trẻ.
Như vậy, không thể đơn giản hóa, thu gọn, chỉ quy trách nhiệm cho tổ chức
Hamas.
Ngược
lại, điều đáng chú trong bối cảnh hiện nay là tổ chức Hamas bày tỏ ủng hộ qua
việc tuyên bố không ngăn cản. Dường như Hamas áp dụng một chiến lược biểu tình
ôn hòa, với sự tham gia đông đảo của người dân. Điều này chưa từng xẩy ra trong
quá khứ và đây là yếu tố mới trong tình hình hiện nay ».
Theo
đánh giá của giới quan sát, quyết định đơn phương của Hoa Kỳ dời tòa đại sứ từ
Tel Aviv về Jerusalem là một hành động phiêu lưu, đầy rủi ro, có nguy cơ gây bất
ổn lâu dài tại vùng Cận Đông, do mọi tiến trình đàm phán cho hòa bình gần như
đã bị phá hỏng.
Tóm
lại, tháng Năm này là tháng của ông Donald Trump. Ông hiện diện khắp nơi, trên
mọi hồ sơ quốc tế quan trọng. Nhưng với tính cách khó đoán khó lường « sáng
nắng, chiều mưa », thay đổi lập trường như trở bàn tay, những gì diễn
ra dồn dập trong tháng này cho thấy làm bạn với Mỹ không phải là dễ.
Chủ
tịch Liên Hiệp Châu Âu Donald Tusk hôm 15/05/2018 đã không ngần ngại đưa ra một
tuyên bố đầy mỉa mai về tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông nói nguyên văn như sau:
« Bên
cạnh những thách thức chính trị thường thấy như đà vươn lên mạnh mẽ của Trung
Quốc và thái độ hung hăng của Nga, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng mới:
thái độ thất thường của chính quyền Mỹ.
Nếu
căn cứ vào những quyết định gần đây nhất của tổng thống Mỹ Donald Trump, chúng
ta thậm chí có thể nói rằng với một người bạn như vậy, ta chẳng cần phải có kẻ
thù nữa ».
--------------------------
No comments:
Post a Comment