Posted
on May 29, 2018
Vì
những hành động mang tính bành trướng của Trung Quốc trong vùng biển này mà Hoa
Kỳ, từ thời Tổng thống Barack Obama, đã có chính sách xoay trục để đối đầu với
Trung Quốc.
Hoa
Kỳ đã mang chiến hạm vào tuần tra trong khu vực thường xuyên hơn và tàu chiến,
máy bay quân sự Mỹ đã nhiều lần đi vào gần các đảo trong quần đảo Trường Sa do
Trung Quốc kiểm soát, với ý định xác minh quyền tự do lưu thông trên biển cũng
như trên không theo công ước quốc tế hiện hành.
Biển
Đông, theo cách gọi của người Việt, hay Biển Nam Trung Hoa (South China Sea),
trong hơn một thập niên qua đã trở thành điểm nóng trong quan hệ giữa Trung Quốc
với Việt Nam, Philippines.
Đến
nay, vì Hoa Kỳ không có định hướng cho chính sách cứng rắn với Trung Quốc liên
quan đến Biển Đông nên Bắc Kinh tiếp tục bành trướng quân sự trên các hòn đảo
đã được tôn tạo trong những năm qua.
Chính
sách đường lưỡi bò, còn gọi là đường 9 đoạn, của Bắc Kinh trong vùng biển Đông
Nam Á đã khiến lãnh đạo thế giới, đặc biệt là Mỹ, quan ngại.
Chủ
trương này của Trung Quốc cũng gây chú ý cho giới nghiên cứu chính trị và lịch
sử. Trung Quốc nay có còn là con hổ giấy hay đã thực sự trổi dậy để trở thành một
cường quốc trên thế giới?
Trong một hội thảo mới đây do Institute
of East Asian Studies, Đại học Berkeley tổ chức, nhiều học giả đã nhận định rằng
Trung Quốc nay đã trở lại vị trí cường quốc, ít nhất là trong khu vực, như đất
nước này đã có thời thống trị châu Á trong lịch sử.
Mười
tám bài nghiên cứu đã được trình bày tại hội nghị và chiều ngày 15/5 ban tổ chức
mở ra diễn đàn công chúng có chủ đề “Maritime
Asia: Securitization of the China Seas” để các học giả tóm lược tham luận
đã được trình bày trong hai ngày hội nghị. Điều hợp diễn đàn là Giáo sư
Wen-hsin Yeh thuộc khoa sử của Đại học Berkeley.
Giáo
sư Par Cassel từ University of Michigan nhận xét rằng Trung Quốc đã từng là một
đế quốc, đi xâm lăng nhiều nước trong vùng từ Mongolia xuống Việt Nam vào nhiều
thế kỷ trước. Vài thế kỷ gần đây tàu chiến cũng như thương thuyền Trung Quốc đã
cập bến các quốc gia Đông Nam Á và người Hoa đã định cư ở nhiều nơi trong khu vực.
Giáo sư Cassel đặt vấn đề là lãnh đạo Trung Hoa vào những thế kỷ 16, 17 có đầu
óc đế quốc xâm lăng hay đầu óc tư bản đi tìm thị trường buôn bán và những chính
sách hiện tại của Bắc Kinh là phản ánh tham vọng đế quốc hay tư bản?
Theo
Giáo sư Cassel, đối với Bắc Kinh ngày nay vấn đề chủ quyền là quan trọng nhất.
Những biến động xảy ra ở Biển Đông, Hong Kong hay Đài Loan nếu gây bất lợi, giới
lãnh đạo Bắc Kinh sẽ nhân danh chủ quyền để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc.
Giáo
sư Kun-Chin Lin của Đại học Cambridge so sánh sự phát triển của hải quân Trung
Quốc và Hoa Kỳ trong thế kỷ 20. Lúc đó với sức mạnh của hải quân nên Mỹ đã làm
chủ được nhiều đảo, từ Puerto Rico trong vùng biển Caribê đến những đảo Guam,
Wake, Marshall Islands ở Thái Bình Dương để ngày nay những đảo đó được đặt dưới
sự bảo hộ của Mỹ.
Sức mạnh quân sự Trung Quốc nay đã vươn
lên, với vũ khí hiện đại, với hàng không mẫu hạm nên trong những tranh chấp ở
Biển Đông, là khu vực chiến lược, giới
lãnh đạo Bắc Kinh không tôn trọng Công ước Quốc tế về Luật Biển với phán
quyết của Toà án Trọng tài Quốc tế bất lợi cho Trung Quốc năm 2016.
Các diễn giả của
chương trình hội thảo liên quan đến an ninh Biển Đông (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Giáo
sư Yann-huei Song của Academia Sinica tỏ ra lạc quan trước những xung đột đang
có vì ông nhìn vào khía cạnh hợp tác giữa các nước trong vùng biển tranh chấp,
từ Biển Đông Trung Hoa (giữa Trung Quốc và Nhật) xuống Biển Nam Trung Hoa (giữa
một số nước ĐNÁ và Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, Philippines). Ông lạc quan
vì dù có những căng thẳng trên bề mặt, nhưng phía sau là những hợp tác kinh tế,
là những ký kết để phát triển du lịch đến các đảo trong vùng tranh chấp. Ông gọi
đó là “Peace through Tourism”.
Giáo
sư Wen-cheng Li từ National Sun-Yat Sen University, Đài Loan bàn đến chính sách
của Chủ tịch Tập Cận Bình trong quan hệ giữa Đài Loan và Bắc Kinh. Theo ông, Bắc
Kinh sẽ không đặt ưu tiên thống nhất Đài Loan mà ông Tập chú trọng đến phát triển
kinh tế, nâng cao mức sống cho dân. Ông đưa nhận xét là Đài Loan không muốn đứng
về phía Mỹ trong cuộc chiến tranh mậu dịch, nhưng chính Trung Quốc đã đẩy Đài
Loan về phía Hoa Kỳ.
Giáo
sư Yuan-kang Wang từ Western Michigan University nhìn nhận ngày nay Trung Quốc
đã trở thành cường quốc, nhờ Mỹ, bắt đầu từ thời Tổng thống Bill Clinton với
chính sách toàn cầu hóa vào đầu thập nên 1990, giúp cho kinh tế Trung Quốc phát
triển, với hy vọng đất nước này sẽ trở thành một nền dân chủ. Ông nói chính
sách đó đã thất bại vì Trung Quốc không thay đổi chính trị và đó là một thực tế
mà thế giới phải nhìn vào và chính sách hiện thời của Mỹ đã không ngăn chặn được
kế hoạch quân sự hoá trên Biển Đông của Bắc Kinh.
Giáo
sư Sarah Kirchberger thuộc Institute for Security Policy đưa ra những quan sát
là ngoài căng thẳng trên mặt nổi ở Biển Đông, bên trong là một cuộc chạy đua
trên nhiều mặt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cùng các đồng minh của Mỹ.
Bắc
Kinh muốn xây dựng một lực lượng hải quân và không quân hùng mạnh, phát triển kỹ
thuật không gian, chiến tranh mạng, nghiên cứu khai thác đáy biển để trong trường
hợp có chiến tranh và dùng tàu ngầm. Cùng lúc Trung Quốc cho xây dựng những căn
cứ quân sự trên các đảo nhân tạo đã được bồi đắp trong những năm qua, với ra-đa
và các trang thiết bị quân sự, sân bay, hoả tiễn phòng không với mục đích kiểm
soát biển và vùng trời.
Theo
Giáo sư Kirchberger Trung Quốc sẽ không rút lại các hoạt động quân sự trên đảo ở
Trường Sa. Chỉ có chiến tranh mới làm cho Trung Quốc chùn chân.
Những
nhận định của các học giả phản ánh chủ trương của Trung Quốc trong giai đoạn hiện
tại, là nhất định giành quyền kiểm soát khu vực Biển Đông về mọi mặt, từ kinh tế
đến quân sự.
Năm
ngoái, công ti dầu khí của Tây Ban Nha Repsol đã rút lại hợp đồng khai thác dầu
khí với Việt Nam và bỏ khoan dầu trên Biển Đông do áp lực từ phía Trung Quốc.
Bản
tin Reuters hôm 17/5/2018 cho biết gần đây công ti dầu khí Rosneft chi nhánh Việt
Nam của Nga Sô đã bắt đầu khoan giếng dầu LD-3P trong khu vực Lan Đỏ, cách bờ
biển Việt Nam 370 km, thì có quan ngại hoạt động này sẽ làm Bắc Kinh bực bội.
Trước
sự việc này, một lần nữa người phát ngôn của bộ ngoại giao Bắc Kinh nói rằng những
việc làm như thế phải được sự chấp thuận của Trung Quốc vì nằm trong đường lưỡi
bò, thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Còn
Hà Nội lại lập lại quan điểm rằng việc khai thác dầu của Rosneft là trong khu vực
chủ quyền của Việt Nam.
Những
dự án khoan và khai thác dầu của công ti Nga Rosneft, cũng như của các công ti
Tây Ban Nha, Anh, Pháp và Mỹ trong vùng biển của Việt Nam có được tiến hành hay
không, điều này sẽ cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong việc giành chủ quyền
và quyền kiểm soát trên Biển Đông.
©
2018 Buivanphu
[Bài
đã đăng trên bbcvietnamese.com 26.05.2018, vietbao.com 28.05.2018, danchimviet.info
29.05.2018]
Sóng
ngầm bên dưới Biển Đông * Giáo sư Yuan-kang Wang từ Western Michigan
University nhìn nhận ngày nay Trung Quốc đã trở thành cường quốc, nhờ Mỹ, bắt đầu
từ thời Tổng thống Bill Clinton với chính sách toàn cầu hóa vào đầu thập nên
1990, giúp cho kinh tế Trung Quốc phát triển, với hy vọng đất nước này sẽ trở
thành một nền dân chủ. Ông nói chính sách đó đã thất bại vì Trung Quốc không
thay đổi chính trị và đó là một thực tế mà thế giới phải nhìn vào và chính sách
hiện thời của Mỹ đã không ngăn chặn được kế hoạch quân sự hoá trên Biển Đông của
Bắc Kinh.
No comments:
Post a Comment