Wednesday, May 30, 2018

THƯƠNG MẠI : MỸ NHƯỜNG SÂN CHƠI CHO TRUNG QUỐC? (RFI)




Thụy My – RFI
Đăng ngày 30-05-2018

Hoa Kỳ chuẩn bị trừng phạt thương mại Trung Quốc, tuy mới đây bộ trưởng Tài Chính Mỹ cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc giảm thâm hụt thương mại Mỹ-Trung. Trong thông cáo hôm qua 29/05/2018, Nhà Trắng loan báo sẽ áp dụng các biện pháp chế tài. Hôm nay Bắc Kinh nói rằng sẵn sàng đối phó.

Ảnh minh họa: Bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross lúc đến Nhà Trắng ngày 22/03/2018.AFP

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình :

« Cuộc hưu chiến đã được loan báo chỉ kéo dài một thời gian ngắn. Mười ngày sau khi tạm ngưng cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, Nhà Trắng ra thông cáo cho biết lịch trình áp dụng các biện pháp trừng phạt đã dự kiến đối với Trung Quốc.
Hoa Kỳ sẽ áp đặt mức thuế 25% lên tổng cộng 50 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, và danh sách các mặt hàng nhập khẩu liên quan sẽ được chốt lại « từ nay cho tới ngày 15 tháng Sáu ». Đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ cũng bị hạn chế, các chi tiết cụ thể sẽ công bố vào cuối tháng, và được áp dụng không lâu sau đó.

Để chống lại việc đánh cắp sở hữu trí tuệ, người Mỹ trong cùng thời hạn trên cũng muốn áp đặt việc kiểm soát nghiêm ngặt hơn, đối với các mặt hàng xuất khẩu được cho là chuyển giao công nghệ quan trọng cho Trung Quốc. Cuối cùng, thông cáo nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cuộc chiến chống Trung Quốc trước Tổ chức Thương mại Thế giới.

Các đe dọa trên đây không ngăn cản việc thương lượng tiếp diễn : bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross sẽ đến Bắc Kinh thứ Bảy 2/6 tới. Ông mang theo một thông điệp rất rõ, đó là tổng thống Mỹ sẽ không chấp nhận những lời hứa mơ hồ về việc giảm bớt thâm hụt thương mại ».

Hôm nay phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi Hoa Kỳ « giữ lời hứa », đồng thời cho biết sẵn sàng chiến đấu « nếu Washington tìm kiếm một cuộc chiến tranh thương mại ».

------------------------------

Phát Thứ Ba, ngày 29 tháng 5 năm 2018

Cuộc đọ sức thương mại với Trung Quốc do tổng thống Trump mở màn từ tháng 03/2018 tạm lắng. Bắc Kinh và Washington "hưu chiến" nhờ đôi bên có một số nhượng bộ bề ngoài. Nhưng Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng hai đòi hỏi chính của Mỹ là bảo vệ tác quyền và chế độ đầu tư ngoại quốc vào thị trường Trung Quốc.

Washington khuấy lên chiến tranh thương mại với phần còn lại của thế giới, đầu tiên là với hai nước láng giềng Canada và Mêhicô, kế tới là với các đồng mình chiến lược, Liên Hiệp Châu Âu, các nước bạn hàng châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng ngay từ khi bước chân vào Nhà Trắng, mục tiêu tổng thống Donald Trump nhắm tới luôn luôn là Trung Quốc.
Nhôm thép, máy giặt và gần đây nhất là cả ngành công nghiệp xe hơi của thế giới đang nơm nớp chờ đợi quyết định sau cùng của một Donald Trump rất quyết tâm bảo vệ quyền lợi của người lao động Mỹ "trên hết".

Làm đảo lộn trật tự thương mại thế giới, tổng thống Hoa Kỳ gây hoang mang trong hàng ngũ các đồng minh thân thiết nhất của Mỹ mà vẫn không giải quyết được vấn đề chính là thu hẹp thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc. Cuộc đọ sức thương mại Mỹ -Trung còn là một cuộc tranh giành ảnh hưởng về chiến lược. Theo các chuyên gia, điều nguy hiểm ở đây là Nhà Trắng đang "nhường sân chơi" cho Trung Quốc.

Mở màn cuộc chiến thương mại hồi tháng 03/2018 trên Twitter, tổng thống Mỹ viết: "Khi một quốc gia là Hoa Kỳ, mất hàng tỉ đô la với mỗi đối tác, thì chiến tranh thương mại là điều tốt và dễ thành công". Tiếp theo đó là các đòn vừa dụ vừa dọa, là cuộc khẩu chiến leo thang giữa Washington và Bắc Kinh : Nhà Trắng đòi phạt 60 tỉ đô la nhắm vào hàng Trung Quốc nhập sang Hoa Kỳ, Trung Quốc dọa lại phạt hàng Mỹ 50 tỉ đô la ... Tổng thống Trump trả giá đòi Trung Quốc giảm 200 tỉ đô la thâm hụt mậu dịch của Mỹ so với bạn hàng Trung Quốc.

Đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Ở hậu trường, đôi bên không ngừng đàm phán. Phái đoàn của cả đôi bên đi lại giữa Bắc Kinh với Washington không biết bao nhiêu lần.

Gần ba tháng sau, tại Washington ngày 19/05/2018, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo Hoa Kỳ và Trung Quốc "đình chỉ chiến tranh thương mại" sau nhiều thiện chí của Bắc Kinh : Trung Quốc cam kết sẽ mua nhiều hàng của Mỹ hơn, (nhưng không nói rõ là bao nhiêu), cải tổ hệ thống thuế quan, để hàng Mỹ dễ thâm nhập vào thị trường châu Á rộng lớn này hơn.

Trong mắt giới quan sát, Bắc Kinh đã cho tổng thống Trump "uống nước đường", nhượng bộ bề ngoài, nhưng cốt lõi của vấn đề dẫn tới tình trạng nhập siêu của Hoa Kỳ vẫn nguyên vẹn. Trong năm 2017 Trung Quốc xuất khẩu 505 tỉ đô la hàng hóa sang thị trường Mỹ, nhập vào 130 tỉ đô la hàng Made in USA.

Từ Hoa Kỳ, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích:

Thật ra thì tùy quan điểm hay định nghĩa, trận chiến đã mở màn hoặc chưa mở màn. Chính quyền Donald Trump cho rằng trận chiến đã mở màn khi Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới 20 năm trước và có chính sách trục lợi bất chính nên đe dọa an ninh của nước Mỹ và không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ lại còn đánh cắp công nghệ Hoa Kỳ. Vì vậy, Hoa Kỳ phải trả đũa.
Phía Bắc Kinh thì cho rằng chính quyền Trump đòi hỏi quá đáng và bắt đầu tiến trình “vừa đánh vừa đàm” để tránh một trận chiến mậu dịch bất lợi cho đôi bên. Sau nhiều lần đàm phán tại Bắc Kinh và Washington, tôi cho rằng hai phe đang tạm hưu chiến cho tới khi bộ trưởng Thương mại Mỹ là Willbur Ross sẽ lại qua Bắc Kinh thương thuyết trong ba ngày 2-4/06/2018.
Ngoài ra, cần nói thêm rằng mậu dịch chỉ là một yếu tố chứ không phải là tất cả trong quan hệ giữa đôi bên, nếu ta nhớ tới vụ Bắc Hàn, Đài Loan và an ninh tại Biển Đông.
Cho tới nay, Bắc Kinh chỉ nhượng bộ qua ngôn từ là sẽ nhập thêm hàng hóa và dịch vụ Mỹ chứ không nói là bao nhiêu mà phía Mỹ cũng để lửng lơ như vậy. Chính quyền Trump thì tỏ vẻ nhượng bộ với hồ sơ của tập đoàn viễn thông ZTE của Bắc Kinh, nhưng mấu chốt lại thuộc về Quốc Hội và nhiều dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa. Rốt cuộc thì ZTE chưa được tha, vẫn bị phạt một tỉ ba và cơ cấu quản trị phải thay đổi. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đôi bên mới chỉ dọa già mà thôi, chứ vẫn còn nhiều khoản mơ hồ, rất là “flou artistique”!

RFI : Đôi bên mới chỉ dọa già và còn để lại nhiều khoảng trống nào ?
Nguyễn Xuân Nghĩa :Phía Bắc Kinh cho ông Trump uống nước đường khi hứa hẹn nhập thêm nông sản như đậu nành và bo bo, hoặc mua thêm khí lỏng của Hoa Kỳ. Nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cần khí lỏng của Mỹ và nếu Trung Quốc có mua thêm các sản phẩm đó thì tổng số chưa lên tới 30 tỉ đô la, không thể bằng con số 200 tỉ mà Hoa Kỳ đòi hỏi. Quan trọng nhất là bản thông cáo chung do đôi bên công bố ngày 19/05 chẳng nói gì tới hai yêu cầu quan trọng nhất của Mỹ. Thứ nhất, bao giờ Bắc Kinh sẽ chấp hành luật lệ bảo vệ tác quyền mà các nước Âu Mỹ đều than phiền và sẽ chấp hành qua các biện pháp cải tổ cơ chế ra sao ?
Thứ hai là chế độ đầu tư vào thị trường Trung Quốc, có còn tình trạng hạn chế và kỳ thị doanh nghiệp nước ngoài không? Hoa Kỳ đã hăm dọa áp dụng đúng chế độ này cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư vào Mỹ. Hai khoảng trống mông lung ấy sẽ còn phải bàn cãi và khai triển thêm, trước khi được áp dụng.

RFI : Bàn thắng nghiêng về phía Bắc Kinh ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Người ta có thể nghĩ như vậy vì năm lý do. Thứ nhất, tháng trước, phái bộ Mỹ gồm bốn nhân vật cao cấp tới Bắc Kinh mà không gặp phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn và chủ tịch Tập Cận Bình. Thứ hai, mươi hôm trước, phó thủ tướng Lưu Hạc gặp các Ủy ban hữu trách của Hạ viện rồi Thượng viện Mỹ và đàm phán với các bộ liên hệ của Hoa Kỳ rồi còn gặp ông Trump mà chẳng lùi một bước.
Thứ ba là ban tham mưu của tổng thống Mỹ có sự bất nhất hay thiếu thống nhất giữa xu hướng ôn hòa là tìm giải pháp thỏa hiệp ngắn hạn và xu hướng quyết liệt là đòi hỏi những thay đổi căn bản trong cơ cấu khiến Bắc Kinh lâm vào thế kẹt mà phải nhượng bộ. Lý do thứ tư là chính quyền Trump có vẻ thiếu tập trung vào đối tượng nguy hiểm nhất là Trung Quốc mà tản lực và gây vấn đề cho các nước đối tác vốn cũng là đồng minh của nước Mỹ về an ninh. Sau cùng, phải nói rằng ông Trump có làm bất cứ việc gì thì cũng bị truyền thông Mỹ và Âu châu đả kích, cho nên với tôi, chuyện đó chỉ là trò giải trí.

RFI : Đọ sức thương mại Mỹ -Trung, ai bị vạ lây ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ chiến lược Donald Trump có thể gọi là “toàn phương vị” hay “tout azimuth”, là đòi đánh thập phương tứ hướng, và chiến thuật là đòi tối đa, “maximalist”, rồi từ đó mới đàm phán và ngã giá. Vì vậy, khi chính quyền Trump vừa tuyên bố quyết định này hay biện pháp kia thì nhiều doanh nghiệp thất kinh làm cổ phần sụt giá, thị trường chao đảo. Cho tới nay, Hoa Kỳ mới chỉ dọa chứ chưa có quyết định chính thức nào, từ mục 272 của Đạo luật Thương mại Mở rộng năm 1962, hay mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 hoặc một đạo luật mới của Quốc hội Hoa Kỳ.
Bắc Kinh thì mong là các tiểu bang bị vạ lây vì phản ứng trả đũa của họ đều là những nơi đã bỏ phiếu cho ông Trump năm 2016. Họ biết nước Mỹ nhiều hơn là dân Mỹ hiểu về Trung Quốc, trong khi họ cũng biết rằng nếu không cải cách thì kinh tế và xã hội Trung Quốc sẽ khốn đốn.

RFI : Tương lai bàn cờ thương mại thế giới đi về đâu ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ Donald Trump chỉ là triệu chứng chứ không là nguyên nhân. Từ 25 năm nay, thế giới có nhiều thay đổi mà các cơ chế thành hình từ sau Thế Chiến Hai không theo kịp và đang dần dần phá sản. Những dàn xếp quốc tế hay các cơ chế đa phương không thỏa mãn sự khát khao hay nguyện vọng, thậm chí cả nạn mị dân, của các khuynh hướng quốc gia dân tộc. Hậu quả là phản ứng đáng sợ: “đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ”!
Từng nước đang tìm thỏa thuận thương mại song phương với nhau và nhường sân chơi cho một quốc gia lý tài và bảo hộ mậu dịch một cách tinh vi nhất, là Trung Quốc! Ít ai chú ý là bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cũng có tiếng nói trong mâu thuẫn về mậu dịch với Trung Quốc và nhìn từ giác độ an ninh của thế giới và của nước Mỹ, cho nên chuyện này không chỉ có mậu dịch hay buôn bán.









No comments: