Saturday, May 26, 2018

PHILIP ROTH, NGƯỜI MỸ KHÔNG TRẦM LẶNG (Từ Thức)




Từ Thức
May 25, 2018

Mỗi lần một nhà văn nổi tiếng qua đời, người ta thường nói văn học vừa mất nhà văn lớn nhất. Câu đó được nhắc lại, rất nhiều lần, từ khi nghe tin Philip Roth tạ thế. Trong trường hợp này, câu đó không ngoa. Philip Roth quả thực là một trong những nhà văn hàng đầu, nếu không phải là nhà văn hiện đại quan trọng nhất thế giới.

Nhà văn Philip Roth. (Hình: theparisreview.org)

Với ngòi bút táo bạo, khinh bạc, khiêu khích, ngang ngược, châm biếm, khôi hài, Roth là nhân chứng số 1 về nước Mỹ, xã hội Mỹ, người Mỹ.

Muốn hiểu thể chế, đời sống chính trị của Hoa Kỳ, chỉ cần đọc “Alexis de Tocqueville.” Muốn hiểu ảnh hưởng của chính trị, của thời cuộc tới đời sống của mỗi người Mỹ, chỉ cần đọc Roth.
“Pastor American” (bản tiếng Pháp: “Pastorale Américaine”) nói lên cái khủng hoảng của xã hội Mỹ, vết thương sâu kín của mỗi gia đình Mỹ từ khi có chiến cuộc Việt Nam.

Bối cảnh là một gia đình trưởng giả, thành công về mọi phương diện. Seymour Levov, gốc di dân Do Thái, là điển hình của “self-made man,” của “American dream.” Nhìn từ ngoài, gia đình Levov là một tổ ấm hạnh phúc. Vợ là cựu hoa khôi, chồng thành công, có địa vị, được ngưỡng mộ, kính nể. Nhìn từ bên trong, đó là một bi kịch. Cô con gái  chống chiến tranh Việt Nam, chống xã hội tiêu thụ, tìm mọi cách đạp đổ những giá trị mà Levov tin tưởng. Gia đình mâu thuẫn, không khí ngột ngạt, “American dream” trở thành ác mộng. Cái thành công bề mặt không che nổi cái rạn nứt bên trong.

Một người Mỹ Do Thái

Roth để lại 31 tác phẩm hầu hết đều nói lên cái rạn nứt của xã hội Mỹ, cái bơ vơ của mỗi cá nhân trong những cơn lốc của lịch sử. Roth là một người Mỹ Do Thái (historiquement juif, profondément Américain – như ông tự nhận trong một cuộc phỏng vấn trên báo Pháp).

Là người Do Thái, ông phơi trần bộ mặt trái của người Do Thái, tới độ cộng đồng Do Thái coi ông là kẻ phản bội. Là người Mỹ, ông diễn tả bộ mặt trái của “American dream,” khiến có người gọi một “người Mỹ không trầm lặng,” trái với một “quiet American.”

Roth là một cái nhìn tỉnh táo, tàn nhẫn, lạnh lùng, không nhân nhượng. Cái nhìn của một nhà văn lớn: Roth viết không phải để chiều lòng độc giả, chiều lòng cộng đồng, chiều lòng người đồng hương. Chỉ chiều lòng văn chương.

Đó là một nhà văn hoàn toàn tự do, không đếm xỉa đến sự phán xét của dư luận. Không có tự kiểm duyệt, nhân danh luân lý, đạo đức, danh dự cộng đồng, tự ái dân tộc, hay bất cứ lý do lỉnh kỉnh gì khác. Roth chỉ tôn trọng một điều: sự thực.

Ông phơi bày trên trang giấy khuôn mặt thực của xã hội. Trong hầu hết 31 tác phẩm, từ “Portnoy et son complexe” (nguyên tác Anh Ngữ: “Portnoy‘s complaint”) tới những cuốn tiểu thuyết cuối cùng, Roth không ngừng đả kích, châm biếm cái đạo đức giả, cái bệnh thời thượng gọi là “political correctness.”

Roth nói nhà văn chỉ có một bổn phận: trung thực với chính mình và chỉ nên có một ưu tư: phẩm chất của văn chương.

Theo ông, văn chương đóng vai trò quan trọng trong đời sống, nhưng bi quan, không tin văn chương có thể thay đổi cục diện thế giới. Mặc dầu vậy, nhiều người nghĩ Alexandre Portnoy của Roth và Holden Caulfield của Salinger là hai nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất trong hậu bán thế kỷ 20.

Roth không ngồi trong tháp ngà, không phải là một nhà văn thương mây khóc gió, mặc dù ông thích cô đơn, tránh xa những đám hội hè, xã giao. Roth sống với thời đại, quan sát thời cuộc với đôi mắt sắc như dao, tìm hiểu thời sự và cảm nhận vết rạn của xã hội, vết thương của con người.

Trong “Parlons travail” (Shop Talk), ông mạn đàm, trao đổi quan điểm, phương pháp làm việc của những nhà văn nhân chứng như ông mà ông cảm phục: Milan Kundera, Primo Levi, Isaac B. Singer, John Updike, Bernard Malamud,…

Roth nói, một cách khiêm nhượng: “Updike và Bellow, với những những ngọn đèn đã soi sáng, cho thấy thực trạng của thế giới hiện đại. Tôi đào một cái lỗ nhỏ, với ngọn đèn bỏ túi, lúi húi quan sát cái lỗ nhỏ đó.”

Tự kiểm duyệt 
Sau Roth, văn chương thế giới không còn tự do nữa, hoặc bị kiểm duyệt ở những xứ độc tài, hoặc tự kiểm duyệt nhân danh luân lý, đạo đức, nhân danh chủ nghĩa “politically correct” ở những nơi khác, trong một thời đại đắc thắng của các chế độ mị dân, không có đối thoại, suy nghĩ, phản kháng, không còn ai đặt vấn đề.

Roth nổi tiếng khắp thế giới từ “Portnoy et son complexe” (1969). Khởi đầu, người ta choáng váng với một lối hành văn sống sượng, với cách đề cập tới tình dục một cách táo bạo, ngoài sức tưởng tượng của những người táo bạo nhất. Không thua gì một cuốn sách porno. Có những cuộc biểu tình lên án nhà văn porno Philip Roth.

Cuốn tiểu thuyết là lời tâm sự của Alexandre Pornoy, một nhân vật bị tình dục ám ảnh ngày đêm. Mỗi trang sách là một trang sex. Pornoy nghĩ tới sex suốt ngày, thấy đàn bà già trẻ lớn bé là mơ chuyện đè ra làm tình, đàn bà Do Thái và nhất là đàn bà không phải Do Thái. Portnoy thủ dâm trước, trong khi, và sau khi ăn, ngủ. Portnoy thủ dâm ở nhà, trên xe buýt, làm tình với một cái găng tay da, làm tình, thủ dâm với một miếng thịt bò. Trong đầu Portnoy, chỉ có một cái sex to tổ bố. Sigmund Freud, nếu nghe Partnoy cũng chào thua.

Cộng đồng Do Thái phẫn nộ: cuốn sách mô tả một nhân vật Do Thái trái hẳn với hình ảnh một người Do Thái kiểu mẫu. Người Do Thái kiểu mẫu sống đạo đức, không… thủ dâm, chỉ có một ưu tư là hạnh phúc gia đình! Có người coi “Portnoy et son complexe” là kẻ thù của dân tộc Do Thái, ngang với Mein Kempt của Hitler.

Những phong trào nữ quyền kết án ông miệt thị phụ nữ, cũng như đã kết án một bạn văn tâm đắc nhất của ông: Milan Kundera. Ít nhà văn xứng đáng Nobel Văn Chương hơn Roth và Kundera, cả hai đều không được giải, một phần lớn vì lý do đó. Năm nào đến mùa Nobel, người ta cũng nhắc tới Roth, để cuối cùng trao cho người khác. Roth đã đi trước thời đại quá xa.

Nobel không phải là mối bận tâm của Roth. Nobel đã từng bỏ quên những nhà văn lớn nhất: Proust, Rilke, Joyce, Kafka, Malraux, Orwell, (Virginia) Wolf,…










No comments: