Wednesday, May 30, 2018

BIỂN ĐÔNG : TẠO RỦI RO KHI KHOAN DẦU, TRUNG QUỐC MUỐN BÓP NGHẸT KINH TẾ VIỆT NAM (Thụy My - RFI)




29-5-2018

Reuters nhận xét, một số lô dầu ngoài khơi Việt Nam lại nằm lọt trong phạm vi đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra ở Biển Đông, để yêu sách chủ quyền hầu hết diện tích vùng biển quan trọng này. 

Giàn khoan JDC Hakuryu-5 của tập đoàn Nga Rosneft và tàu hậu cần hoạt động ngoài khơi Vũng Tàu, ngày 29/04/2018.

Tuần trước, Rosneft Vietnam BV, chi nhánh của tập đoàn dầu khí Nga Rosneft tiến hành khoan thăm dò tại một lô khí đốt ở ngoài khơi làm Bắc Kinh tức giận. Hôm 17/05/2018, Rosneft tuyên bố khu vực Biển Đông mà tập đoàn này có giấy phép khai thác « nằm bên trong vùng lãnh hải của Việt Nam », khẳng định chỉ tiến hành các hoạt động « trên thềm lục địa của Việt Nam ».

Bộ Ngoại giao Việt Nam lập tức tuyên bố lô khí đốt 06.01 « hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam », cảnh báo Bắc Kinh phải tôn trọng chủ quyền của nước mình.

Dầu khí, nguồn thu quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế 

Hồi tháng Ba, Việt Nam đã phải cho ngưng một dự án khoan dầu ở gần mỏ Cá Rồng Đỏ (Red Emperor) do áp lực của Trung Quốc. Đây là một phần của lô 07.03 tại khu vực Bể Nam Côn Sơn ở ngoài khơi Vũng Tàu, có tiềm năng cung cấp gần 30.000 thùng dầu và 60 triệu mét khối khí mỗi ngày. Tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha đã chi trên 40 triệu đô la cho việc thăm dò mỏ này.


Trước đó vào tháng 7/2017, Trung Quốc đe dọa tấn công các căn cứ quân sự của Việt Nam tại Trường Sa, do Repsol chuẩn bị khoan thăm dò lô 163-3 ở bãi Tư Chính. Repsol liên doanh với Mubadala Development Co. (Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất), đã chi ra ít nhất 27 triệu đô la (có tin cho rằng đến 300 triệu đô la), nhưng Hà Nội đành phải cho ngưng khoan, khi tướng Trung Quốc Phạm Trường Long giận dữ bỏ về nước không tham gia hoạt động giao lưu quốc phòng Việt-Trung.

Chuyên gia phân tích rủi ro Verisk Maplecroft nhận định, vụ Cá Rồng Đỏ là « một đòn nặng nề cho kỹ nghệ thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam, và việc chính quyền Hà Nội gọi thầu để tìm kiếm nguồn lợi dầu khí ngoài khơi mà Việt Nam hoàn toàn có quyền hợp pháp, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ».

Lãnh vực dầu khí rất quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí Quốc doanh Việt Nam, tức PetroVietnam, cung cấp đến 20% tổng sản phẩm nội địa (GDP), và chiếm 30% tổng thu nhập ngân sách của Hà Nội từ 1986 đến 2009.

Việt Nam có trữ lượng từ 3,3 tỉ đến 4,4 tỉ tấn dầu thô và khí đốt tại vùng biển của mình – theo PetroVietnam. Hiện nay mỗi năm tập đoàn này đang sản xuất ra 22 đến 33 triệu tấn dầu, từ các lô đang khai thác.

Theo công ty tư vấn Wood Mackenzie, nếu đường lưỡi bò gồm 9 đoạn của Trung Quốc được nối liền với nhau, thì sẽ cắt làm đôi hoặc nuốt gọn 67 lô dầu của Việt Nam. Cũng theo Wood Mackenzie, thì có bốn trong số các lô này đang sản xuất ra dầu thô, số còn lại đang ở các giai đoạn thăm dò hoặc khai thác khác nhau.

Công nhân Việt Nam làm việc trên giàn khoan Harukyu-5 của Rosneft

Bắc Kinh cố phá hoại phán quyết của Tòa Trọng tài trên thực tế

Yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Bất chấp sự phản đối kịch liệt của Bắc Kinh, Philippines vẫn tìm cách kiện đường lưỡi bò Trung Quốc trước Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Năm thẩm phán quốc tế năm 2016 đã trao cho Manila chiến thắng vang dội, qua việc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, tuyên bố đường 9 đoạn do Bắc Kinh tạo ra để kiểm soát Biển Đông, là vô căn cứ.

Bắc Kinh vốn từ chối tham gia tranh tụng, lu loa rằng phán quyết của Tòa Trọng tài là trò hề, và tiếp tục đòi hỏi quyền tài phán trên hầu hết diện tích Biển Đông, cho dù vẫn chưa nối liền 9 đoạn của đường lưỡi bò.

Trung Quốc và các nước khác yêu sách chủ quyền Biển Đông đã có bàn bạc về việc cùng khai thác năng lượng trên vùng biển tranh chấp, nhưng không đi đến đâu do vấn đề chủ quyền.

Tháng trước, Philippines cho biết đang tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc trong vài tháng để cùng thăm dò dầu khí tại Biển Đông. 

Tuy nhiên trong lúc Trung Quốc tỏ ra nhập nhằng, không cụ thể hóa các yêu sách, vùng biển bao quanh các mỏ dầu ở đông nam Việt Nam từ lâu vẫn là điểm nóng.

Bắc Kinh luôn cố tìm cách ngăn trở các hoạt động của Việt Nam, thông qua việc đe dọa trong hậu trường, và đôi khi còn phô trương cơ bắp trên biển.

Việc Trung Quốc đe dọa ngầm chính quyền Việt Nam đặc biệt dữ dội vào năm 2007 và 2008. Tập đoàn Mỹ ExxonMobil Corp không khuất phục trước áp lực, nhưng tập đoàn Anh BP và các công ty dầu khí khác đành phải rút lui khỏi một số lô. Bắc Kinh hăm dọa không bảo đảm cho khối tài sản 4,2 tỉ đô la của BP tại Hoa lục, cũng như an toàn cho đội ngũ công nhân kỹ thuật của tập đoàn Anh tại khu vực « tranh chấp ».


Ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông của ISEAS Yusof Ishak Institute ở Singapore nhận xét, phản ứng của Trung Quốc trước việc Rosneft khoan thăm dò « hoàn toàn là một thử nghiệm, xem Bắc Kinh có thể dấn tới đến đâu. Đó là cách thức của Trung Quốc, nhằm cố gắng phá hoại toàn bộ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 trên thực tế ».

Quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông

Các nhà ngoại giao Việt Nam và quốc tế đều cho rằng các nỗ lực của Hà Nội nhằm thu hút các tập đoàn nước ngoài tham gia thăm dò, khai thác dầu khí, là một phần của chiến lược đối phó với áp lực của Trung Quốc, qua việc « quốc tế hóa » tranh chấp Biển Đông.

Vào tháng Năm và Sáu năm 2011, Hà Nội chính thức phản đối các hành động của những tàu « dân sự » Trung Quốc quấy nhiễu các tàu khảo sát địa chấn, thậm chí còn cắt cả cáp của một tàu thăm dò Na Uy đang hợp đồng với PetroVietnam.


Căng thẳng càng tăng lên vào tháng Năm năm 2014, các tàu tuần duyên và tàu cá của hai bên đâm va, rượt đuổi nhau, sau khi tập đoàn CNOOC (Chinese National Offshore Oil Corporation) của Trung Quốc cho kéo giàn khoan nước sâu khổng lồ Hải Dương Thạch Du (Haiyang Shi You) 981 đến khoan thăm dò tại vùng biển Hoàng Sa. Sau đó Bắc Kinh phải cho rút giàn khoan này đi, trước làn sóng biểu tình bạo động chống Trung Quốc ở Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng dầu thô của Việt Nam trong năm đó là 15,53 triệu tấn. Đến năm 2017, sản lượng bị giảm xuống chỉ còn 13,567 triệu tấn dầu thô, tức giảm 12,6%.

Tháng Tư năm nay, PetroVietnam cho biết tình hình căng thẳng trên biển với Trung Quốc đã ảnh hưởng đến việc thăm dò ngoài khơi và các hoạt động sản xuất trong năm 2018, khiến việc khoan khảo sát của Rosneft trở nên đặc biệt quan trọng.

Nga sẽ không bị Trung Quốc kèn cựa ?

Nhờ quan hệ đối tác với Liên Xô cũ, Việt Nam mới khởi động thăm dò trữ lượng dầu của mình. Với logo mang ngôi sao vàng của Việt Nam và hình búa liềm của Liên Xô, Liên doanh Dầu khí Việt-Xô tức Vietsovpetro đã được thành lập vào năm 1981. Liên doanh này bắt đầu khảo sát thềm lục địa Việt Nam, và phát hiện ra mỏ dầu đầu tiên của đất nước là mỏ Bạch Hổ năm 1984.

Anton Tsvetov, nhà phân tích về Đông Nam Á của think tank độc lập Centre for Strategic Research (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược) ở Mátxcơva nhận định, trái với những quốc gia khác, các lợi ích về dầu khí của Nga trong khu vực có vẻ được để yên. 

Theo chuyên gia Tsvetov, ngoài các tuyên bố chính thức, khó thể có việc Trung Quốc gây sức ép trực tiếp lên Rosneft hay chính phủ Nga về việc khoan thăm dò tại Việt Nam mới đây. Ông nói : « Hiện nay Trung Quốc và Nga có mối quan hệ rất chặt chẽ, và vấn đề năng lượng là ưu tiên hàng đầu. Cho nên tôi nghĩ rằng sẽ rất bất thường nếu Trung Quốc gây rắc rối cho một tập đoàn dầu khí lớn như thế của Nga ».











No comments: