Friday, May 25, 2018

BẮC TRIỀU TIÊN "VẪN SẴN SÀNG" DÙ MỸ HỦY THƯỢNG ĐỈNH (RFI)




Tú Anh – RFI
Đăng ngày 25-05-2018 

Hôm nay, 25/05/2018, Bình Nhưỡng tuyên bố vẫn mở cánh cửa thượng đỉnh với Washington vài giờ sau khi tổng thống Mỹ bất ngờ loan báo đình chỉ « điểm hẹn lịch sử » được dự trù vào ngày 12/06/2018 tại Singapore. Chính giới Hàn Quốc phân đôi: Phe bảo thủ, luôn nghi ngờ Bình Nhưỡng âm mưu với Bắc Kinh để thoát cấm vận, tuyên bố ủng hộ quyết định gây sức ép của Donald Trump, trong khi phe tả kêu gọi tổng thống Hàn Quốc vận động Hoa Kỳ và Bình Nhưỡng nối lại đối thoại. Đây cũng là phản ứng bối rối của tổng thống Moon Jae In.

Thông tín viên Frédéric Ojardias, từ Seoul, phân tích :
"Sáng nay, thứ trưởng Ngoại Giao Bắc Triều Tiên Kim Kye Kwan tuyên bố là Bình Nhưỡng luôn luôn sẵn sàng họp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ vào bất cứ thời điểm nào và dưới mọi hình thức.
Thực ra, trong cuộc chiến tranh tuyên truyền tô điểm hình ảnh, Bắc Triều Tiên đang thắng. Ngày hôm qua, Bình Nhưỡng đã phá hủy một cơ sở thử nghiệm hạt nhân và đoạn video ghi lại sự kiện này được loan truyền qua các đài truyền hình trên thế giới. Bắc Triều Tiên có thể tuyên bố là đã tôn trọng lời hứa và để cho Donald Trump chịu trách nhiệm làm hỏng tiến trình đàm phán.
Về phần Hàn Quốc, quyết định của Donald Trump đặt Seoul vào tình huống bất ngờ. Tổng thống Moon Jae In nhìn nhận là rất « bối rối » và « buồn ». Ông kêu gọi đồng nhiệm Mỹ nên tiếp tục đối thọai với Bắc Triều Tiên
Cũng nên nhắc lại rằng, tổng thống Hàn Quốc đã dồn mọi nỗ lực để tạo thuận lợi cho một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, tìm một giải pháp thương lượng cho cuộc khủng hoảng hạt nhân, tránh chiến tranh quân sự. Quyết định của tổng thống Donald Trump đã phá hủy các cố gắng của tổng thống Moon Jae In. Liên minh Mỹ-Hàn chắc sẽ gặp ít nhiều xáo động."

---------------------------

Đăng ngày 25-05-2018 

Ngày hôm qua, 24/05/2018, tổng thống Mỹ đã loan báo việc hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, dự trù mở ra ngày 12/06 tại Singapore. Phía Mỹ đã rầm rộ quảng bá cho quyết định này, quy toàn bộ trách nhiệm về đổ vỡ cho phía Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, khi đơn phương phá vỡ hội nghi trước lúc diễn ra, tổng thống Mỹ Donald Trump đã vô tình giúp đối thủ của mình đạt tất cả các mục tiêu mong muốn là vừa giữ được kho vũ khí hạt nhân của mình, vừa nâng cao được uy tín trên quốc tế, vốn rất tồi tệ trong thời gian qua.

Theo các nhà quan sát, khả năng hội nghị thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong Un không diễn ra đã được nêu lên từ nhiều ngày nay, và quyết định hủy bỏ của ông Trump không nằm ngoài dự đoán.

Sau khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nhắc đến "mô hình Libya" cho tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, mọi người chờ đợi là Bình Nhưỡng sẽ có phản ứng, và tình hình đã diễn biến đúng như vậy. Sau khi ông Trump lên tiếng trấn an, vấn đề như tạm lắng, cho đến khi phó tổng thống Mỹ Mike Pence, nhân vật số hai của Hoa Kỳ, nhắc lại khả năng ông Kim Jong Un có số phận như lãnh đạo Libya Kadhafi.
Tuyên bố này đã bị đánh giá là rất khiêu khích, và ông Pence đã bị thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên đánh giá là "ngu xuẩn". Chỉ ít lâu sau đánh giá đó, tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo quyết định hủy hội nghị thượng đỉnh.

Đối với giới phân tích, khi đề nghị hội nghị thượng đỉnh với tổng thống Hàn Quốc, rồi với tổng thống Mỹ, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã thực hiện cả một chiến dịch truyền thông nhằm tạo cho mình một uy tín nào đó trên trường quốc tế, trong lúc vẫn không lùi bước trên vấn đề sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trong thời gian qua, trước những lời lẽ là rất cứng rắn từ phía Hoa Kỳ, với những đòi hỏi thật gay gắt, thậm chí những lời đe dọa đến từ các ông Bolton hay Pence, bản thân lãnh đao Bắc Triều Tiên vẫn  phản ứng tương đối từ tốn, và nhất là vẫn nhắc đi nhắc lại quyết tâm giải trừ hạt nhân, nhưng không đi sâu vào chi tiết.
Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng còn tiếp tục xúc tiến việc phá hủy bãi thử hạt nhân mà tất cả giới chuyên gia đều cho là không còn sử dụng được nữa, đồng thời trả tự do cho ba người Mỹ gốc Hàn bị họ giam giữ.
Thái độ hòa dịu tương đối của Bình Nhưỡng, với những cử chỉ thiện chí hình thức, và mang tính nhất quán, như đã thành công trong việc nêu bật thái độ quá cứng rắn, đôi khi bị cho là kẻ cả, của phía Hoa Kỳ.

Hội nghị thượng đỉnh không thành là điều mà nhiều người dự đoán, nhưng điểm bất ngờ là chính ông Trump là người tuyên bố hủy bỏ chứ không phải là Kim Jong Un.
Trong một chừng mực nào đó, với việc Mỹ hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh, trước mắt, Bắc Triều Tiên sẽ không còn phải trả lời ai về kho vũ khí hạt nhân của họ nữa. Bên cạnh đó với quyết định phả hủy bãi thử nghiệm hạt nhân không còn sử dụng được nữa, Bắc Triều Tiên lại được tiếng là tôn trọng cam kết. Sau cùng, khi để cho ông Trump tuyên bố hủy hội nghị trước, Bắc Triều Tiên đã nêu bật thái độ "tiền hậu bất nhất" của phía Mỹ.

Trả lời phỏng vấn của báo Pháp, một chuyên gia Van Jackson thuộc Đại Học Victoria ở Wellington (New Zealand) ghi nhận là, khi lao vào chiến dịch " giải trừ hạt nhân", một trong những mục tiêu mà ông Kim Jong Un đề ra là "nâng cao vị thế của Bắc Triều Tiên trên trường quốc tế trong tư thế một cường quốc hạt nhân". Trên bình diện này, chuyên gia Van Jackson cho là lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã thành công.

-----------------------------

Thụy My – RFI
Đăng ngày 25-05-2018

Sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump hủy cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un được hầu hết các báo Pháp chú ý. Libération ghi nhận « Trump lại tỏ ra thù địch với Bắc Triều Tiên », La Croix tìm cách giải thích « Vì sao cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Trump không diễn ra », còn Le Figaro cho rằng « Trump hủy cuộc họp với Kim vì sợ thất bại ».

Trong lá thư đề ngày 24/05/2018, tổng thống Mỹ nêu ra « sự thù nghịch » của Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây. Donald Trump đe dọa : « Ông nói về năng lực nguyên tử của ông, nhưng năng lực của chúng tôi mãnh liệt đến nỗi tôi phải cầu nguyện Thượng Đế để không bao giờ phải sử dụng đến ». Tuy nhiên cũng để ngỏ cánh cửa, với một công thức hiếm thấy trong việc trao đổi thư từ giữa hai nguyên thủ : « Nếu ông đổi ý (…), xin đừng ngần ngại gọi điện hay viêt thư cho tôi ».

Từ một tuần qua, Donald Trump và Kim Jong Un liên tục gieo hoang mang. Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae In hôm thứ Ba 22/5 tại Washington không loại trừ việc hoãn lại cuộc gặp thượng đỉnh. Còn thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Kye Gwan hôm 16/5 trước đó đã dọa « xem xét lại ».

Có dấu ấn của diều hâu sừng sỏ John Bolton ?
Libération cho rằng đây là « tác phẩm » mới nhất của « đại diều hâu » John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia, sau vụ Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định nguyên tử Iran. Được bổ nhiệm từ đầu tháng Tư, ông Bolton không ngừng đả kích Bình Nhưỡng, và luôn tỏ ra nghi hoặc về các nỗ lực ngoại giao với Bắc Triều Tiên. Ông coi viễn cảnh thượng đỉnh Trump-Kim chỉ là « một cách để rút ngắn thời gian đã mất trong thương lượng », và nhiều lần tuyên bố ủng hộ việc tiên hạ thủ vi cường với Bắc Triều Tiên.
Cuối tháng Tư, John Bolton trong một cuộc trả lời phỏng vấn đã gây mắc mứu khi nêu ra « mô hình Libya » trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố này được Bình Nhưỡng coi là một sự khiêu khích, vì vẫn không quên số phận thê thảm của Kadhafi, cũng như tư duy của vị cố vấn này về việc « thay đổi chế độ » ở Iran, Irak, Bắc Triều Tiên. Le Figaro cho biết thêm, chuyên gia John Glaser thuộc Cato Institut ở Washington đã van nài : « Các vị ơi, hãy chấm dứt việc nói với Kim là sẽ kết thúc như Kadhafi nữa ! ». Nhà độc tài Bắc Triều Tiên luôn bị ám ảnh về sự tồn vong của mình.

Mike Pence và Bình Nhưỡng cũng đổ dầu vào lửa
Làm thế nào giải thích việc tình hình đang hòa hoãn lại đảo ngược như thế ? Theo La Croix, phó tổng thống Mỹ Mike Pence khi trả lời Fox News hôm thứ Hai 21/5 cũng đã đổ dầu vào lửa khi cảnh cáo Bắc Triều Tiên có  nguy cơ cùng chung số phận với Mouammer Kadhafi. Bình Nhưỡng nói rằng đó là tuyên bố « dốt nát và ngu xuẩn ». Những lời lẽ sỉ nhục này có lẽ đã được ông Donald Trump cân nhắc khi quyết định hủy bỏ cuộc họp.
Le Figaro nhắc thêm tuyên bố của thứ trưởng Ngoại Giao Bắc Triều Tiên Cheo Son Hui hôm qua 24/5 : « Việc Hoa Kỳ sẽ gặp gỡ chúng tôi tại bàn đàm phán hoặc trong một cuộc đối đầu nguyên tử tùy thuộc hoàn toàn vào thái độ của họ ». Theo tờ báo, bà Cheo đã chọc giận vị tổng thống đang hừng hực như hỏa diệm sơn, và chỉ vài tiếng đồng hồ sau Donald Trump quyết định hủy bỏ cuộc gặp.

Hai mục tiêu khác biệt
Nhưng liệu sự chờ đợi của đôi bên về cuộc họp thượng đỉnh có tương hợp với nhau ? Washington đòi hỏi phải giải trừ toàn bộ và ngay lập tức kho vũ khí nguyên tử Bắc Triều Tiên, đây là điều kiện tiên quyết để dỡ bỏ cấm vận quốc tế. Còn đối với Bình Nhưỡng, đây chỉ là viễn tượng về lâu về dài, và đồng thời phải tháo dỡ hệ thống lá chắn nguyên tử của Mỹ tại Hàn Quốc.
La Croix dẫn phân tích của nhà nghiên cứu Jeffrey Lewis, thuộc Middlebury Institute of International Studies ở Monterey, California : « Kim Jong Un muốn Bắc Triều Tiên được công nhận là một quốc gia như những nước khác, muốn duy trì quyền lãnh đạo đất nước của gia tộc mình, và nhất là Bắc Triều Tiên được coi là cường quốc nguyên tử ». Vấn đề của cuộc họp thượng đỉnh bị hủy bỏ, là tìm ra một công thức dung hòa được lợi ích của cả hai nước.

Donald Trump sợ thất bại ?
Còn theo Le Figaro, Donald Trump không ưa chịu đựng thất bại, làm ảnh hưởng đến hào quang cá nhân. Việc hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh là kết quả của sự hiểu lầm lớn lao về ý định thực sự của Bắc Triều Tiên : Bình Nhưỡng chống đối ý tưởng từ bỏ quả bom, trong khi Washington muốn giải trừ hạt nhân toàn bộ.

Trong lá thư từ chối, ông Trump viết : « Thế giới và đặc biệt là Bắc Triều Tiên, đã mất đi một cơ hội tốt đẹp để mang lại hòa bình, thịnh vượng lâu dài ». Còn Donald Trump thì mất cơ hội đi vào lịch sử với giải Nobel hòa bình, nếu tháo gỡ được mớ bòng bong Bắc Triều Tiên, như vụ Richard Nixon hòa giải với Trung Quốc của Mao Trạch Đông năm 1972 ? Jeffrey Lewis mỉa mai : « Cũng giống như Richard Nixon, nhưng là phiên bản ngốc nghếch ». Trong khi Donald Trump muốn có được lời hứa phi hạt nhân hóa toàn bộ, và được tưng bừng đón tiếp tại quảng trường lớn Bình Nhưỡng, thì Kim Jong Un mơ được đối xử một cách bình đẳng với sức mạnh của bom nguyên tử phía sau.
Tuy nhiên chẳng có ai dám giải thích sự tế nhị này cho tổng thống Mỹ. Chuyên gia Jeffrey Lewis cho rằng có hai lý do. Trước hết, các cố vấn Nhà Trắng rất ngại tốn nhiều thời gian để làm dịu cơn giận dữ của một « cậu bé » luôn thích được phỉnh nịnh. Thứ hai, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nay trở nên trống vắng, với sự ra đi của không ít nhà ngoại giao lão luyện và các chuyên gia không thể thay thế, nên không ai có thể chuẩn bị được chu đáo một cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng như vậy.

*
Điều tra quốc tế về MH17 : Quân Nga chính là thủ phạm
Tại châu Âu, cuộc điều tra do năm quốc gia phối hợp tiến hành, về vụ chuyến bay MH17 bị bắn rơi, đã kết luận hỏa tiễn bắn vào chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines là của một đơn vị quân đội Nga. Đơn vị phòng không này đã vượt qua biên giới với Ukraina để chiến đấu bên cạnh quân nổi dậy.
La Croix nhấn mạnh, không còn nghi ngờ gì nữa về nguyên nhân khiến MH17 bị rơi hôm 17/07/2014, làm cho 298 người chết trong đó có 198 công dân Hà Lan. Sau bốn năm điều tra cật lực, nghiên cứu hàng trăm ngàn bức ảnh và trang web, hàng chục ngàn cuộc điện đàm, cuộc điều tra quốc tế do Hà Lan chủ trì cùng với bốn nước Malaysia, Úc, Ukraina và Bỉ, đã khẳng định chính quân Nga là thủ phạm.
Với rất nhiều video và hình ảnh có trong tay, các nhà điều tra đã vẽ lại được cuộc hành trình của đơn vị trực thuộc lữ đoàn phòng không 53 của Nga, từ căn cứ Koursk trên đất Nga cho đến khu vực do quân nổi dậy thân Nga kiểm soát ở miền đông Ukraina. Đoàn xe quân sự đông đảo này trước hết đã được những xe cộ di chuyển trên cùng đoạn đường quay phim lại, lúc đang chở theo một hỏa tiễn Bouk-Telar loại 9M38. Đây là loại tên lửa có những tính chất đặc thù, được coi như « dấu vân tay » của vũ khí. Những mảnh vỡ của chiếc hỏa tiễn này được tìm thấy ngay bên cạnh xác máy bay MH17.
Hồi mùa hè 2014, các hệ thống phòng không do Nga sản xuất đã giúp cho quân nổi dậy thân Nga chấm dứt ưu thế trên không của lực lượng Ukraina tại Donbass. Sau khi MH17 bị bắn rơi, một thủ lãnh nổi dậy khoe rằng đã tiêu diệt được một máy bay Ukraina, vào đúng thời điểm xảy ra thảm kịch này.
Bất chấp vô số chỉ dấu và lời chứng của cả các quân nhân Nga, trong đó có một lính xe tăng gốc gác ở tỉnh Bouriatie của Nga nói về vai trò trong cuộc chiến ở đông Ukraina, Matxcơva luôn phủ nhận trách nhiệm. Thậm chí theo Libération, báo chí và mạng xã hội Nga cũng hùa theo, đổ trách nhiệm cho Ukraina với một loạt kịch bản thiếu nhất quán. Nhất là từ 2015, điện Kremlin đã từ chối thành lập một tòa án do Liên Hiệp Quốc bảo trợ để điều tra vụ này.

*
Khủng long Trix 67 triệu năm tuổi được triển lãm tại Paris
Trên lãnh vực khảo cổ, nhà cổ sinh vật học Ronan Allain trên « 20 minutes » giới thiệu về khủng long Trix, được triển lãm tại Viện bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên từ ngày 6/6 đến 2/9. Đây là một trong bốn bộ xương khủng long hoàn chỉnh nhất thế giới, vừa được đưa đến Paris tối qua.
Trix là khủng long thuộc loại T.rex (Tyrannosaurus), được phát hiện năm 2013 tại tiểu bang Montana (Hoa Kỳ), nhờ ê-kíp nghiên cứu của Naturalis Biodiversity Center ở Leiden, thuộc Viện bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Hà Lan. Được tái tạo ở Mỹ, rồi chuyển đến Leiden trưng bày cho đến tháng 6/2017, nhưng nay Naturalis đang phải sửa chữa, nên người dân Paris mới có dịp chiêm ngưỡng Trix.
Cho đến nay, các nhà khoa học đã khai quật được khoảng 50 loại Tyrannosaurus trên thế giới, nhưng hầu hết chỉ là những mảnh xương nhỏ. Còn đối với Trix, số xương gốc chiếm đến 75% bộ xương, và đều ở tình trạng hoàn hảo, trong khi có tuổi đời đến 67 triệu năm ! Đặc biệt là bộ xương đầu vẫn nguyên vẹn, không hề bị biến dạng, nên Trix được trưng bày với tư thế tấn công. Đó là một con khủng long cái, khoảng 30 tuổi lúc chết, khá thọ so với loài Tyrannosaurus, là loại khủng long ăn thịt, có lẽ đã « chinh chiến » nhiều nên trên người mang nhiều vết thương.

*
Dữ liệu cá nhân, thánh chiến : Tựa chính báo Pháp
Hôm nay với việc quy định về bảo vệ dữ liệu bắt đầu được Liên Hiệp Châu Âu áp dụng, Les Echos chạy tựa « Dữ liệu cá nhân : Big bang châu Âu ». Ảnh bìa Libération là một khuôn mặt phụ nữ đã được hàng tít « Dữ liệu cá nhân : Cười lên đi, bạn được bảo vệ tốt hơn » che khuất.
Về thời sự nước Pháp, Le Figaro báo động « Tư pháp đối mặt với thánh chiến đang sinh sôi nảy nở ».Le Monde nhìn sang nước Ý, cho rằng « Việc đề cử Giuseppe Conte mở đường cho một chính phủ dân túy ». Trên lãnh vực xã hội, nhật báo công giáo La Croix nhận định « Phá thai : Thế lưỡng nan của Ireland ».











No comments: